Từ lâu việc biên tập nội dung quyển “Sấm giảng Thi văn” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, tuy đã có các bậc tôn túc làm công tác đó rất hoàn hảo. Nhưng tác giả biên tập dưới hình thức CHÚ GIẢI (Chú thích và Giải nghĩa) trong sáu quyển (1) và Thi văn tiếng Việt. Riêng tiếng Việt gốc Hán vẫn còn bỏ ngõ.
Năm 1972 chúng tôi gặp ông Đặng thành Tựu, quê ở ấp Kiến Hưng 2, xã Kiến An, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vốn là nhà Nho, lúc bấy giờ ông là Giảng viên Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo. Chúng tôi thỉnh ý việc Chú thích phần “Tiếng Việt gốc Hán”, ông mỉm cười bảo: “Thánh ý thâm u, phàm tâm nan trắc”. (Ý của Thánh nhân rất cao siêu, phàm nhân khó thấu hiểu).
Sau năm 1988, ông Bùi văn Ưởng (Bút hiệu Thiện Tâm). Nguyên là cựu Giám đốc các Trung tâm đào tạo Trị sự viên & Giảng viên Phật Giáo Hòa Hảo, Phó Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương – và là một Giảng viên kỳ cựu truyền bá tư tưởng Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ông cũng viết sách, thuyết trình và trả lời nghi vấn trong nhiều thập niên qua. Ông khuyến khích chúng tôi Chú thích, phiên dịch những bài THI HÁN.
Đến năm 1996, chúng tôi tìm đến các bậc kỳ lão trong Phật Giáo Hòa Hảo, cụ thể là quí ông: Lâm thế Xương (2) và ông Ngô văn Lài (3), cũng với nội dung trên. Quí vị tán thành, khuyến khích chúng tôi nên khởi sự biên tập, cứ làm thành “cái sườn”, sau nầy sẽ có hậu nhân điểm xuyết.
Gần đây nhứt, ngày 12 tháng 6 năm 2005, Đàm Liên Tịnh Sĩ (Bút hiệu của chú Tám Bửu), hầu hết tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đều biết đến. Ông là một Tu sĩ kỳ cựu, là Giảng viên các khóa đào tạo Trị sự viên & Giảng viên Phật Giáo Hòa Hảo, ông cũng viết sách nói về Phật Giáo Hòa Hảo. Đã gặp gỡ đề nghị chúng tôi nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Những hảo ý trên là nguồn sinh khí, hỗ trợ tinh thần, động cơ thôi thúc chúng tôi tinh tấn khởi thảo.
Trong công tác biên tập, đã gặp không ít khó khăn trở ngại bởi:
- Chính từ đó, danh từ đó nguyên gốc là Hán ngữ, nhưng lại in tiếng Việt. Chúng tôi phải cân nhắc, đối chiếu, hoặc tùy theo vị trí của nó mà phiên âm sang chữ Hán cho đúng tự vựng và xác nghĩa.
Thí dụ: Trong bài “Lý lịch”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết: “Tứ hải bất hòa khởi liên giang”.
Chữ “Giang” ở đây không phải là “Sông” mà chữ Giang có nghĩa là: Kết bè, kết đảng.
- Có những từ không phải là Hán ngữ, chúng tôi phải tùy theo ý nghĩa mà phiên âm “Nôm”.
Thí dụ: Trong bài “Vén màn bí mật” của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chữ “Vén” ở đây không phải là Hán ngữ, nên phải Nôm là (…). Nghĩa đen: Vén lên, kéo lên. Nghĩa bóng: Hé lộ.
-Có những bài thi vấn đáp, sử dụng cao từ, ẩn ngữ hoặc chiết tự.
Thí dụ: Trong bài thi của ông Huỳnh Hiệp Hòa, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ có phải là Trạng Trình, Cử Đa, Đề Thám ? Điển hình như hai câu đầu:
Phiến ngôn đại chấn điểm Nam cương,
Khẩu tụng Văn Vương vị bốc tường.
-Chữ “Phiến” và chữ “Đại” thêm một chấm. Hợp thành chữ TRẠNG.
-Chữ “Khẩu” và chữ “Vương” hợp thành chữ TRÌNH.
Hai câu trên chiết tự thành TRẠNG TRÌNH.
Chúng tôi phải xem xét, đối chiếu những dữ liệu bao gồm: Xuất xứ, thời gian và sự kiện để Chú thích cho chính xác (4).
Công việc “Vạn sự khởi đầu nan”, những sơ suất và sai sót là không thể tránh khỏi. Mong các bậc cao minh chỉ giáo và hợp tác để việc biên tập được hoàn chỉnh hơn, đó là niềm vạn hạnh và điều mong ước đối với chúng tôi.
Xin chân thành kính cảm ơn và đa tạ !
Kính đề !
Nguyễn văn Chơn
Chú thích:
(1) Sáu quyển:
Quyển thứ nhứt: Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm.
Quyển thứ nhì: Kệ Dân của người Khùng.
Quyển thứ ba: Sấm giảng.
Quyển thứ tư: Giác Mê Tâm Kệ.
Quyển thứ năm: Khuyến Thiện.
Quyển thứ sáu: Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo.
(2) Ông Lâm Thế Xương, còn có tên là Ngô Trung Hưng, sinh năm 1912. Từ trần lúc 13 giờ, ngày mồng 9 tháng giêng, năm Quí Mùi (2003). Hưởng thọ 91 tuổi, nguyên quán xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
(3) Ông Ngô văn Lài, còn có tên là Ngô tường Hoa, sinh năm 1921, hiện thường trú xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
(4) Biên tập chia làm 2 phần chính:
-Phần thứ nhứt: Những bài Thi Hán (tiếng Việt gốc Hán.
* Việt văn dịch ra Hán văn.
* Chú thích Từ ngữ, Danh từ, Thành ngữ và Điển tích.
-Phần thứ nhì:
* Những điển cố thông dụng.
* Những điển tích có liên quan đến Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Kính dâng hương hồn các Nhà văn đã tô đậm, mở đường cho những thế hệ kế thừa, trong sự nghiệp truyền bá tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Chân thành kính tri ân những bậc tôn túc Phật Giáo Hòa Hảo, đã khích lệ, đóng góp mỹ ý trong phần biên tập nội dung.
Cùng chư quí đồng đạo đã hỗ trợ mọi mặt, để chúng tôi hoàn thành công việc đạo sự.
Xin nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, gia hộ cho các quí vị thân tâm thường lạc, đạo quả viên dung.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT