CHÁNH VĂN (Từ câu 283 đến câu 292)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 39378)
CHÁNH VĂN (Từ câu 283 đến câu 292)

283.“Thế-gian nhiều việc nực cười,

          Tu-hành chẳng chịu, lo cười lo khinh.

                   Người già ham muốn gái xinh,

          286. Đến sau chẳng biết thân mình ra sao ?

                   Xác thân cọp xé beo quào,

          Còn người tàn bạo máu đào tuôn rơi.

                   Tu-hành hiền đức thảnh-thơi,

          290. Ngay cha thảo Chúa, Phật Trời cứu cho.

                   Bá gia hãy rán mà lo,

          292. Kiếm Lão Đưa Đò nói chuyện huyền cơ”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 283 đến câu 292)

          -Đoạn nầy cho biết những kẻ quá ham mê dục lạc. Vợ đẹp hầu non và hành động hung bạo thì sau nầy phải chịu khổ thân bởi cơ chọn lọc hiền còn dữ mất.

          Đức Thầy luôn nhắc nhở người đời:

          “Đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình”.(S-G,Q.3)

          Và:

                   “Hổ lang ác thú muôn bầy,

              Lớp bay lớp chạy sau nầy đa đoan.

                     Ai mà ăn ở nghinh ngang,

           

           Đón đường nó bắt xé tan xác hồn”.(S-G, Q.3)

          -Còn ai biết trau giồi hiền đức, giữ vẹn thảo ngay thì sau nầy được Phật Trời ban bố đức ân, thoát khỏi tai nạn hãi hùng và sống cuộc đời Thượng ngươn Thánh đức. Giờ đây bá tánh rán tìm hiểu cơ huyền Đạo lý, nếu không được trực kiến với Đức Thầy thì trong Sấm Kinh cũng có dạy đầy đủ.

          Ngài khuyên mọi người sớm lo liệu:

                   “Chớ để trễ chầy e chẳng kịp,

                Khuyên ai khuya sớm gắng chuyên cần”.

                                                   (Để chơn đất Bắc)

CHÚ THÍCH

          GÁI XINH: Gái còn trẻ, đẹp.

          TÀN BẠO: Tàn ác hung bạo. Ví dụ cho người có tánh tàn bạo.

          NGAY CHA THẢO CHÚA: Cũng đọc là thảo cha ngay chúa, do câu “Trung Quân Vương, Hiếu Phụ Mẫu”.

          Ngay với Chúa là bổn phận làm tôi phải hết dạ trung thành với Tổ quốc. Lúc bình thời lo củng cố đất nước cho được phú cường. Khi có giặc xâm lấn ra tay nâng đỡ để đất nước khỏi lọt vào tay kẻ địch; không nên vì sự lợi danh tài sắc mà làm mất sự trung.

          Thảo với cha là bổn phận làm con phải hết lòng tôn kính, bảo dưỡng và vâng lời cha mẹ. Ngoài ra còn phải khuyên cha mẹ làm việc phước nhân, tránh điều tội ác để tròn câu hiếu thảo. Ngay thảo là hai điều trong Tứ Ân, nhiệm vụ quan trọng của đạo làm người.

          Đức Huỳnh Giáo Chủ còn khuyên:

                   “Lo bổn phận thảo ngay trọn vẹn,

                   Chừng lập đời khỏi thẹn tấm thân”.

                                      (Vọng Bắc Hòa Nam)

         

          Vào thời chống Pháp, Ngài Nguyễn Trung Trực là bậc ngay thảo vẹn toàn. Mặc dù sống gặp hồi vận nước suy vi, binh cùng lực tận, nhưng Ngài cũng vẫn vẫy vùng làm rạng danh cho nòi giống, qua hai chiến công oanh liệt nhất là đốt chiến thuyền Esperance của giặc Pháp tại vàm sông Nhật Tảo và hạ đồn Kiên Giang, giết được 5 sĩ quan Pháp, đoạt hơn 100 khẩu súng v.v..

                   “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

                     Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”.

          (Sông Nhật Tảo đốt phường cướp nước, oai dậy cả đất trời. Đồn Kiên Giang vun kiếm giết quân thù, làm cho quỷ sợ thần kinh).

          Cuối cùng quân Pháp mưu tính với tên phản tặc Huỳnh Công Tấn bắt mẹ Ngài và hàng trăm đồng bào trong vùng. Chúng ra lịnh, nếu cụ Nguyễn Trung Trực không ra mặt thì chúng giết mẹ Cụ và số đồng bào ấy. Nhận xét tình thế, Cụ thấy cuộc kháng Pháp không thể chiến thắng được nữa, nên quyết định hy sinh nạp mình cho giặc để đổi mẹ và hàng trăm đồng bào khỏi chết.

          Ông là bậc trọn ngay với nước, trọn thảo với mẹ già và trọn nghĩa với đồng bào chủng tộc. Thật là tấm gương chói lọi, đáng cho muôn đời soi dấu; chẳng những người đời mà đến Thánh Thần cũng cảm nể:

          “Gương trung nghĩa Thánh Thần cảm động”.

                                 (Tặng Đoàn Thanh niên Ái quốc)

          Cho nên ai giữ vẹn ngay thảo tất được Phật Trời cứu độ:

                   “Thế gian ngay thảo đáp đền,

              Ngày sau sẽ được chăn mền thơm tho”.

                                      (Từ giã làng Nhơn Nghĩa)

         

         

          LÃO ĐƯA ĐÒ: Là một hóa thân của Đức Thầy. Lúc dạo Lục châu, Đức Thầy thường giả ông chèo đò, bấy giờ (1939) dân chúng ở miền Hậu giang và khắp sáu tỉnh (Lục châu) nhứt là rạch Ông Chưởng, người ta thường thấy một ông Lão chèo một chiếc ghe nhỏ vừa rao:“ Đò tôi đưa người tác phước thiện duyên. Đò tôi đưa về Bồng lai Tiên cảnh. Ai có rảnh thì đi, còn mắc nợ trần thì ở lại”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn