301.“Ngọn đèn chơn lý hết lu,
Khắp trong lê-thứ ao tù từ đây.
303. Thấy trong thời-cuộc đổi xây,
Đời nay trở lại khác nào đời Thương.
Nhắc ra thêm ghét Trụ-Vương,
306. Ham mê Đắc-Kỷ là phường bội cha”.
LƯỢC GIẢI (Từ câu 301 đến câu 306)
-Đoạn nầy ý nói thời gian qua nền Đạo pháp bị thất chân truyền, nay may mắn được Đức Thầy và chư Phật Thánh lâm phàm, nêu cao ngọn đèn Chơn lý làm sáng tỏ đường lối tu hành. Nhưng từ đây vạn dân còn gánh chịu, muôn ngàn khổ não cho đến khi chấm dứt đời Hạ ngươn Mạt pháp. Đây là định luật xây vần của cơ tạo hóa:
“Hết vinh tới nhục lẽ nầy thường xưa”.
(Cho ông Tham tá Ngà)
-Đức Giáo Chủ nhận thấy nhà cầm quyền Pháp hiện nay, chẳng khác nào thời mạt Thương của vua Trụ trước kia. Một nhà vua đắm mê tửu sắc, làm đảo lộn luân thường, nghe lời gièm pha của gian nịnh, giết thác tôi trung, khắc khổ dân lành tạo nên cảnh Trời sầu đất thảm, thật là kẻ bội bạc thâm ân đáng chê trách.
CHÚ THÍCH
CHƠN LÝ: Cũng đọc là Chân lý, tức là lý lẽ chân thật, thực tế rõ ràng; là lẽ phải không chối cãi khác được (đối với ngụy lý).
Xưa Đức Phật dạy chư đệ tử:“Tất cả những sự thật,
theo suy nghiệm riêng của các người, và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho các người và tất cả mọi người thì chính đó là Chơn lý. Các ngươi nên cố găng sống theo Chơn lý ấy”.
Chơn lý lại có 2 phần:
1.-Chơn lý tương đối: là lý lẽ tương đối với nhau mà có, như nóng với lạnh, tốt với xấu.
2.-Chơn lý tuyệt đối: là lý lẽ tự nhiên, sẵn có từ vô thỉ, không thay đổi, đồng nghĩa với chữ Đạo. Nghĩa nầy rất thâm sâu không thể dùng văn tự, ngôn ngữ giải bày hết được, chỉ có tu hành đạt được bản tâm gọi là trực nhận Chơn lý. Kinh Di Đà dạy:“Lý viên ngôn thông, ngôn sanh Lý tán”.(Chơn lý viên dung thật tướng, nếu dùng lời nói mà cho là Chơn lý thì chắc là thiên lệch và làm mất Chơn lý đi).
Để dung hòa Sự Lý, Ngài Phụ Đà Mật Đa có thuyết kệ rằng:
“Chơn lý vốn không tên,
Nhơn tên rõ chơn lý,
Thọ được pháp chơn thật,
Chẳng chơn cũng chẳng ngụy”.
Vậy người tu học Đạo pháp nhờ nương theo Chơn lý mà đạt Đạo giải thoát. Như Đức Thầy đã khuyên:
“Diệu huyền Chơn lý noi đường sáng,
Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra”.
(Tỉnh bạn Trần gian)
ĐỜI THƯƠNG VÀ TRỤ VƯƠNG: Đời Thương tức là đời nhà Thương (1783-1122 Tr. Tây lịch), một triều đại ở Trung Hoa. Nguyên Hạ Kiệt là vị bạo chúa hoang dâm vô đạo, giết hại thần dân; muôn nhà đều ta
thán. Thuở ấy có một ông vua chư hầu là nước Thương, họ Tử Thị, tên Lý, tự Thiên Ất, hiệu Thành Thang là vị vua rất mực nhân đức, đứng lên lãnh đạo phong trào cách mạng, lật đổ bạo quyền nhà Hạ Kiệt, cứu dân khỏi cảnh lầm than. Sau khi đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào, thống nhất đất nước, Thành Thang lên ngôi Thiên Tử, đóng đô ở đất Bạc, lấy hiệu là nhà Thương trị vì được 28 đời.
TRỤ VƯƠNG: Vị vua chót của nhà Thương tên là Thọ Tân (truyện gọi là Ân Thọ) tức là Trụ Vương. Vua Trụ có sức mạnh hơn người, tay không có thể đánh chết mãnh hổ. Sau vua Trụ nghe lời gièm tấu của bọn nịnh thần là Vu Hồn, Bí Trọng bắt buộc Tô Hộ phải cho con là Tô Đắc Kỷ tiến cung.
Từ ngày được Đắc Kỷ, Trụ Vương trở nên hôn ám đam mê. Ngày thì tiệc tùng yến ẩm ca xang, đêm du hý cùng Đắc Kỷ và đám cung phi, phế việc triều chính, gần kẻ nịnh, lánh tôi trung. Trụ Vương nghe lời Đắc Kỷ hành hình chánh cung Khương Hoàng hậu để nàng lên ngôi chánh hậu, lại ban gươm Thượng Phương giết hại ấu quân. Tội ác của Vua Trụ không sao kể xiết; nào giết Thừa tướng Thương Dung, mổ tim Hoàng thúc Tỷ Can, cạo đầu Cơ Tử, cầm tù Tây bá hầu Văn Vương bảy năm ở Dũ lý, nào gạt chư hầu vào chầu rồi phân thây Đông bá hầu Khương Hoàng Sở và Nam bá hầu Ngạt Sùng Võ.
Trụ Vương còn lập Bào lạc giết quan Gián Nghị, chế Sái bồn giết hại cung nga, thâu gồm rượu thịt trong thiên hạ về làm ao rượu, rừng thịt:
“Nào thịt như rừng, rượu cả ao,
Trụ nghe Đắc Kỷ độc chừng nào,
Sái bồn nuôi rắn thương chi siết,
Bào lạc thành tro thảm biết bao!”.
Nào là xuất ngân quỹ xây Lộc Đài, khiến công khố hao hụt, nhân dân chịu sưu thuế nặng nề gian khổ. Nghe lời Đắc Kỷ chặt chân người xem mỡ, mổ bụng đàn bà chửa xem thai. Tiếng ta thán của nhân dân ngút tận trời xanh.
Vì sự tàn bạo của Trụ Vương, nên Khương Thượng phò Võ Vương Cơ Phát (con Văn Vương) hưng binh phạt Trụ, cả 800 chư hầu đồng hưởng ứng theo giúp. Vua Trụ chống không nổi phải thiêu mình trên lầu Trích Tinh mà chết.
ĐẮC KỶ: Một cô gái tuyệt sắc con của Ký châu hầu Tô Hộ, bởi Trụ Vương làm ngặt, nên Tô Hộ mới đem dâng Đắc Kỷ cho ông ta. Đi giữa đường, Đắc Kỷ bị Hồ Ly Tinh (chồn thành tinh ở trong cái hang tại lăng của vua Huỳnh Đế) hớp hồn rồi nhập vào xác Đắc Kỷ mê hoặc Trụ Vương, phá tan cơ nghiệp nhà Thương.
PHƯỜNG BỘI CHA: Bọn phản cha phản chúa, phụ nghĩa quốc dân, đây chỉ cho vua Trụ, không nhớ lời giáo huấn của các Tiên đế, đắm say tửu sắc làm cho cơ nghiệp của Tổ tiên đã dày công xây dựng trên 600 năm phải tiêu tan theo mây khói còn để tiếng lại đời sau chán chê phỉ nhổ.