CHÁNH VĂN (Từ câu 209 tới câu 276)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31785)
CHÁNH VĂN (Từ câu 209 tới câu 276)

209.-Kẻ nhứt dạ thường sanh ba kế,

Để gạt người làm thế cho mình.

Ngày sau nầy lắm nỗi tội tình,

212.-Sao sanh-chúng chẳng lo cải sửa.

Bịnh ôn-dịch thường hay ói mửa,

Mà dương-trần chẳng chịu kiêng-dè.

Qua năm Dê đến lúc mùa hè,

216.-Trong bá-tánh biết ai hữu chí.

Ta chịu lịnh Tây-Phương thọ ký,

 Gìn Nghiệt-Long đặng cứu dương-trần.

Nên ra đời dạy-dỗ ân-cần,

220.-Khuyên bá-tánh vạn dân liệu lấy.

 

(LƯỢC GIẢI Từ câu 209  đến câu 220)

          -Làm người ai cũng có một tấm lòng, song những kẻ gian ác, thường bày ra trăm mưu ngàn chước, lường gạt công sức của kẻ khác, để họ ngồi không hưởng lợi. Hành động ấy, đã gây rất nhiều tội lỗi về sau, thế mà họ chẳng sớm ăn năn cải sửa.

          -Nhìn thấy bịnh ôn dịch, đang nhiễu hại khắp lê dân, sao dương thế chẳng biết lo âu, kiêng nể ? Đức Thầy cũng tiên tri vào một mùa Hè năm Mùi nào đó, sẽ có cuộc thử thách lớn lao, để xem trong bá tánh, ai là người bền chí trên con đường Đạo đức.

          -Lại nữa, do sự ký thác của Đức A Di Đà và Phật Tổ, Đức Thầy có trọng trách thâu phục con nghiệt long, để cứu an bá tánh. Cho nên Ngài phải lâm phàm Khai Đạo, trước khi sự trạng ấy xảy ra, để dân chúng kịp thời lo cải dữ về lành, tu bồi công đức hầu thoát qua các tai nạn của cơ tận diệt.

CHÚ THÍCH

          NHỨT DẠ: Một lòng.

          BÁ KẾ: Cũng viết là bách kế. Có nghĩa nhiều kế hoạch. Ý chỉ người có nhiều mưu mẹo để lường gạt kẻ khác.

          BỊNH ÔN DỊCH: (Xem CT câu 137, T-2, Q.2).

          NĂM DÊ: Năm Mùi, một trong 12 chi. (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất , Hợi.)

          MÙA HÈ: Mùa hạ, một trong bốn mùa của mỗi năm. Kể từ đầu tháng tư tới hết tháng 6 âl là mùa Hè.

          HỮU CHÍ: Có chí, bền chí, có ý định và quyết đeo đuổi tới cùng. Do thành ngữ “Hữu chí sự cánh thành” (có chí thì sự nghiệp được thành).

          Xưa, Tôn Tẩn theo học Đạo với Thầy Quỉ Cốc, thời gian thấy mình kém hơn Bàng Quyên, bèn thối chí trở về. Dọc đường gặo Bà Lão ngồi bên triền núi, cầm một thanh sắt lớn mài vô đá. Tôn Tẩn bước lại gần hỏi:

          - Bà Lão mài thanh sắt, ý định làm vật chi vậy ?

          Bà Lão đáp:

          - Mài cho thành cây kim để xài !

          - Mài như vậy có thể thành được sao ?

          - Nếu có chí bền thì vật chi lại không thành !

          Tôn Tẩn ngẫm nghĩ hồi lâu hiểu ý, bèn trở lên núi, tạ lỗi Thầy xin ở lại, từ ấy ông kiên chí tu học, quả sau được thành Đại La Thiên Tiên.

          Ngạn ngữ thường nói:“Làm người có chí thì nên, Có công mài sắt chầy ngày nên kim”. Và Cổ Đức cũng từng bảo:

          Thế thượng vô nan sự, Nhân tâm sự bất kiên.

          Tạc sơn thông đại hải, Phi vụ đổ thanh thiên

          Tạm dịch: Trên đời mọi việc dễ như chơi,

                          Người chẳng bền lòng mới khó thôi.

                          Xẻ núi kiên tâm thông bể cả,

                          Vén mù thông suốt bốn phương trời.

          Đây có ý dạy người tu có chí bền mới mong kết quả.

          TÂY PHƯƠNG: Xem CT câu 279, T-2, Q.2).

          THỌ KÝ: Do Phạn ngữ (Scr) Vyakarana, phiên âm là Hoacalana, dịch là thọ ký. Có nghĩa trao cho sự ký chứng, hoặc là truyền dạy và ủy thác cho một sự việc gì. Chữ “Tây phương thọ ký” ở đây chỉ cho Đức Thầy được Đức A Di Đà và Đức Thích Ca truyền bảo và phó thác cho nhiệm vụ hàng phục con nghiệt long để cứu an bá tánh.

          NGHIỆT LONG: Con rồng hung dữ. Luận về nội tâm thì lòng độc hại là con rồng dữ. Còn luận theo cơ sấm, thì gần đến ngày tận diệt thế gian, sẽ có con thú (từ sấu tu sắp thành rồng) xuất hiện giết hại người hung dữ:“Chừng ấy nổi dậy phong ba, Có con nghiệt thú nuốt mà người hung”.(Sấm Giảng Q.1)(Xem thêm phần CT câu 446, T-1, Q.1).

          Khi xưa, trên đường độ thế, Đức Thích Ca có hàng phục con nghiệt long tại hang đá gần chỗ Ngài Ca Diếp ở. Lúc đó, Đức Phật vừa đi tới hang đá, độc long liền phun lửa làm hại Phật. Ngài liền dùng lửa tam muội đốt cháy hang đá và thâu độc long vào bình bát.

          Đến thời Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng có bắt một con rồng dữ. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh chép rõ truyện đó như sau:

          Thuở ấy, trước điện chùa Bửu Lâm có cái ao lớn, trong ao có một con rồng thường xuất hiện, làm diêu động cả cây rừng. Một ngày kia, rồng hóa hình rất lớn, làm cho sóng dậy nước trào, mây mù tối mịt, các môn đồ đều kinh hãi. Đại sư nghe, bước ra nạt rằng:

          - Ngươi có thể hiện hình lớn, mà không thể hiện hình nhỏ được. Nếu ngươi quả là Thần Long thì biến hóa được: nhỏ biến ra lớn, lớn biến ra nhỏ thử coi.

          Rồng ấy thoạt nhiên hụp xuống, giây lâu hóa hình nhỏ, nhảy lên bờ. Tổ sư đưa bình bát ra nói thách:“Chắc ngươi không dám chung vô bình bát của Lão Tăng ?” Rồng hăm hở nhảy tới trước mặt Tổ, Tổ sư thâu vào bình bát đem về chùa thuyết pháp cho rồng nghe. Nghe xong, rồng thoát xác đi mất. Bộ xương rồng ấy dài tới 7 tấc; đầu, đuôi, sừng, cẳng nguyên hiện, để lưu truyền tại chùa.

          Ngày nay Đức Giáo Chủ ra đời, cũng có trách nhiệm bắt con nghiệt long, đó là thường sự của Chư Tổ, chư sư, khi lâm phàm độ thế.

 

CHÁNH VĂN

221.-Khổ với thảm ngày nay có mấy,

Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.

Trừ tà-gian còn thiện chỉ tồn,

224.-Cảnh sông máu núi xương tha-thiết.

Trần với thế bây giờ nào biết,

Chừng nhìn xem hư thiệt mới tường.

Ta bây giờ tu niệm tầm thường,

228.-Sau danh thể xạ hương khắp chốn. 

Nhà giàu có xài không sợ tốn,

Phải để tiền cho kẻ nghèo nàn.

Lo ăn xài trà rượu xình-xoàng,

232.-Chừng khổ não phàn-nàn căn số.

Lời truyền sấm như bài toán đố,

Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ.

Ta khuyên tu dân cứ mãi ngờ,

236.-Sợ gạt chúng kiếm xu kiếm cắc.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 221 đến câu 236)

          -Đoạn giảng trên Đức Thầy cho biết: sự khổ não hiện giờ chưa có là bao, nhưng đến sau nầy, ai trông thấy cũng phải bay hồn khiếp vía ! Đó là do cuộc chọn lọc: hiền còn dữ mất của cơ tận diệt, diễn nên cảnh núi xương sông máu, sự thảm khổ ấy không sao kể xiết.

          -Thế mà, dân chúng hiện giờ, đâu có hay biết để tìm phương giải thoát. Đợi đến chừng cảnh khổ ấy xảy ra, mới rõ là việc có thật thì sự quá muộn. Tuy bấy giờ, thấy sự tu hành Đạo đức quá đơn giản, thông thường, nhưng ngày sau kết quả rất cao quý và danh thơm sẽ bủa khắp thế gian.

          -Ở đời thường thấy nhiều người ỷ mình giàu có, tiêu xài không tiếc của, nên Đức Giáo chủ giác tỉnh họ: hãy tiết kiệm số tiền ấy mà trợ giúp kẻ nghèo khó để gây phúc hạnh sau nầy. Nếu ai mãi lo ăn xài xa xí, thì một ngày kia, cảnh khổ đưa đến, dầu có than thân tủi phận, cũng không sao tránh khỏi.

          -Ngài còn cho biết: những Sấm kinh của Ngài truyền dạy, ví như bài toán đố, nếu ai biết suy tầm tra cứu, cho thấu đạt lẽ cơ huyền và tiến hành y theo đó, tất được kết quả an nhàn:“Tìm hiểu nghĩa làm theo đắc Đạo”.(Giác mê, Q.4) Tất cả  lời khuyến tu của Ngài, là sự thật muốn cứu đời, chớ chẳng phải muốn lừa gạt một ai, mà trong dân chúng cứ mãi e dè ngờ vực.

 

CHÚ THÍCH

          THA THIẾT: (Xem CT câu 79, T-2, Q.2)

          XẠ HƯƠNG: (Xem CT câu 106, T-3, Q.4).

          PHÀN NÀN: Than thở cho phận mình hay trách móc cách gián tiếp: Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai. (Cổ thi) Đức Thầy cho biết:

                   “Chừng nào ta gặp Hớn Hoàng,

     Chúng sanh mới hết phàn nàn số căn”.(Sám Giảng, Q.3)

            CĂN SỐ: Căn phần số kiếp đã định sẵn theo nghiệp báo luân hồi.

          LỜI TRUYỀN SẤM: (Xem CT câu 484.T-2, Q.3)

          BÀI TOÁN ĐỐ: Một pháp toán do Thầy giáo ra đề cho học trò làm. Người làm toán phải hiểu ý đúng theo phương pháp đã giảng dạy mới đáp số đúng được. Có khi dùng mẹo mà đố, nếu ai chưa hiểu lý ắt khó mà đáp đúng.

          Lúc Đức Thầy lưu trú tại Sai Gòn, có ông xã Bộ và ba nhà học thức miền Bắc đến viếng. Trong câu chuyện bàn luận Sấm Kinh, Ngài có đố các ông ấy:

          - Tôi đố các ông, “hai lần hai là mấy” ?

          Ông Xã Bộ lẹ miệng, trả lời:

          - Bạch Thầy hai lần hai là bốn !

          Đức Thầy nói:

          - Toán đố mà các ông ! Nếu tính theo cửu chương thì em học trò tính cũng được.

          Các ông khách suy nghĩ một hồi không ra, đành chịu thua và nhờ Đức Thầy giải thích.

          Đức Thầy liền cầm miếng giấy đưa lên, nói:

          - Các ông coi đây: Một lần hai, rồi Ngài xé miếng giấy ra làm hai, để xuống bàn nửa miếng, còn nửa miếng cầm lại, nói tiếp:

          - Đây, hai lần hai ! Ngài liền xé miếng giấy còn lại và để hết hai mảnh giấy xuống bàn, nói:

          - Đó, hai lần hai là chỉ có ba, chớ đâu phải là bốn. Toán đố mà các ông !

          Ở đây ý Đức Thầy muốn dạy, mỗi ai khi xem đến lời Sấm Giảng của Ngài thì phải:“Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu”.(Kh/thiện, Q.5) Hoặc là:“Coi rồi phải nhận cho hiểu lý”,(Giác Mê TK, Q.4) rồi y cứ theo đó mà thực hành mới được kết quả.

CHÁNH VĂN

237.-Bị ngoại quốc bán hàng quá gắt,

Nên dân ta chịu chữ cơ-hàn.

Ta Khùng Điên của cải chẳng màng,

240.-Miễn lê-thứ được câu hạnh-phúc.

Cờ thế-giới ngày nay gần thúc,

Nên Phật Tiên phải xuống hồng-trần.

Chừng lao-xao ác thú non Tần,

244.-Thì Nam-Quốc lương dân mới biết.

Nay dạy thế cậy cùng ngòi viết,

Với xác trần du-thuyết ít hàng.

Ai nói chi Ta cũng chẳng màng,

248.-Sau biết đặng dân đừng có tiếc.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 237 đến câu 248)

          -Bởi hàng hóa của các nước ngoài, bán cho ta càng lúc càng tăng giá, khiến dân ta chịu cảnh lầm than đói rách. Thế nên Đức Giáo Chủ muốn đem lại cho đời cái chân hạnh phúc sau nầy, bằng cách là khai hóa Đạo mầu, nếu ai chịu thực hành theo ắt được toại hưởng.

          -Ngài còn cho biết cả thế giới, rồi đây sẽ xảy ra những tai vạ: chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật.v.v…nên Phật Tiên phải lâm phàm, tùy phương cứu độ. Và đến khi nào tại miền Bảy Núi (Châu Đốc) diễn ra cảnh các loài thú dữ, nhiễu hại sanh linh thì dân chúng Việt Nam mới nhận rõ, lời tiên tri của Ngài là đúng.

          -Hiện nay trong công cuộc dạy đời, Đức Thầy dùng giấy mực viết ra Kinh Giảng, truyền bá Đạo lành để bá tánh tiện bề tu học; dầu cho người đời có khinh chê, Ngài cũng không màng kể. Chỉ e cho dân chúng sau nầy, biết được sự Đạo đức là cao quý, rồi mới hối tiếc thì việc quá muộn !

CHÚ THÍCH

          NGOẠI QUỐC: Nước ngoài, chỉ cho các nước khác.

          HẠNH PHÚC: Được vận may phúc tốt. Mọi việc đưa đến đều như ý. Chính hạnh phúc là cái tốt lành trong luân lý, và lý tưởng trong Đạo đức. Cổ thi có câu:“Tìm chân hạnh phúc thoát đường trái oan”. Đức Thầy từng nói trong bài “Không buồn ngủ”:

                   “Biết làm sao gieo Đạo khắp đại đồng,

                     Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.

          LAO XAO: (Xem CT câu 129, T-1, Q.1).

          LƯƠNG DÂN: Người dân hiền lành. Nghĩa rộng chỉ chung tất cả dân chúng.

          DU THUYẾT: Đi khắp nơi đem học thuyết hay một đề án gì, biện luận cho mọi người nghe. Đây ý nói Đức Thầy đem giáo pháp truyền dạy khắp nơi, để bá tánh biết tỉnh ngộ tu hành.

CHÁNH VĂN

249.-Con phù-du hẫng-hờ nào biết,

Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.

Thảm thương thay chết héo chết khô,

252.-Nhìn đèn nọ thấy mồ phù-dũ.

Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,

Đeo danh-lợi như con vật ấy.

Giống xe cát biển Đông thường thấy,

256.-Tên dã-tràng rất uổng công-trình.

Khi nước ròng nhờ lúc bình-minh,

Lúc nước lớn cát kia tan rã.

Trần phú-quí thì trần thong-thả,

260.-Chớ còn Ta cứ khổ lao hoài.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 249 đến câu 260)

          -Đức Giáo Chủ sáng tác quyển Giác Mê Tâm Kệ nầy, vào cuối mùa Thu năm Kỷ Mão (1939). Ngài cảnh tỉnh người đời, bằng cách đề cập đến loại phù du, vì ham ánh sáng của bóng đèn mà phải chết thiêu, để ám chỉ hạng người đam mê danh lợi, gây tạo lắm điều tội ác, rồi phải chịu đau khổ chết chóc vì nó:“Phú quí tạo đời thêm mệt xác, Tham danh phế Đạo chí đâu yên”.(Luận việc Tu hành)

            Ngài lại nhắc đến tên Dã Tràng đã hoài công xe cát, ý mong lấp biển tìm châu, để thỏa lòng luyến tiếc, nhưng bị dòng nước lớn cuốn cát trôi đi. Đây cũng chỉ cho những người suốt đời lo chạy theo tiền tài danh vọng, song chẳng hề hưởng được lâu dài, bởi:“Lợi danh chớp nháng như luồng gió, Thấy đó rồi đâu bỗng mất liền”.(Luận việc Tu hành)

            -Lời giác tỉnh trên đây, mặc cho khách trần biết hồi tâm, hay mãi đua tranh theo sự giàu sang, sung sướng. Riêng phần Đức Thầy, vì lòng từ bi độ chúng, nên Ngài chẳng nài sự gian khổ:

                   Thân ta dầu lắm đoạn trường,

           Cũng làm cho vẹn chữ thương nhơn loài”.(Cảm tác)

 

CHÚ THÍCH

          PHÙ DU: Một thứ côn trùng rất nhỏ, đầu giống con chuồn chuồn, nhưng nhỏ hơn. Sanh từ dưới nước, có cánh bay được, lúc ban đêm hễ thấy người ta đốt lửa, hoặc ánh sáng của ngọn đèn thì tự bay vào, rồi chết. Ý nói kiếp sống của con người quá ngắn ngủi, thấy đó rồi mất đi. Nhà thơ Cao Bá Quát có câu:“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Kiếp phù du trông thấy cũng nực cười”.

          Loại phù du cũng gọi là con thiêu thân, bởi nó thấy ánh sáng thì cứ lao đầu vào đó, nên bị chết đốt. Ở đây ám chỉ cho những người mãi tham đắm danh lợi, rồi phải chết vì lợi danh.

          HẪNG HỜ: Cũng đọc là hững hờ hay là hờ hững. Có nghĩa thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm đến, không để ý đến. Đức Thầy từng bảo trong “Khuyến Thiện, Q.5”:

                   Việc tu thân thiện tín hẫng hờ,

                     Chừng họa đến e cho khó tránh”.

          PHÙ DŨ: Chỉ cho loại phù du vừa giải trên.

          TÊN DÃ TRÀNG: Cũng gọi là Công Dã Tràng tức là một loại còng nhỏ, trên lưng lõm xuống, thường ở theo bờ biển. Hễ nuớc ròng thì chúng dùng càng vít cát, rồi chở xuống mé nước đổ, để lấp biển, nhưng đến khi nước lớn bị sóng đánh vào, cát liền tan rã. Thành ngữ nầy dùng chỉ cho việc làm nào dày công cực nhọc mà không đem lại kết quả gì:“Dã tràng xe cát biển Đông, Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì(Cổ thi). Ở đây ám chỉ cho những người, suốt đời chỉ biết đeo đắm danh lợi ảo huyền, nhưng khi gặp tai nạn đưa đến thì tất cả đều thả trôi theo dòng nước:“Từ rày trần hạ lợi danh trôi”.(Lộ chút cơ huyền) Và ngày rốt cuộc :“Nhắm mắt cũng nắm hai tay”.(Khuyến Thiện Q.5)

          Sau đây là câu chuyện phát xuất thành ngữ Dã Tràng:

          -Ngày xưa, tại tỉnh Sơn Tây (Trung Hoa), có anh thợ săn tên là Dã Tràng, chuyên sống nghề săn bắn. Hôm nọ Dã Tràng đi ngang qua một hang đá, bỗng gặp đôi vợ chồng nhà rắn. Anh chẳng hề đá động đến, nhưng từ độ ấy anh luôn theo dõi cặp rắn, thấy chúng thường sống bên nhau, chừng như hạnh phúc lắm !

          Một hôm, rắn cái tới kỳ lột vỏ, rắn đực đi kiếm mồi về nuôi nấng, chăm sóc. Chẳng bao lâu, tới kỳ lột vỏ của rắn đực, rắn cái chẳng những không làm bổn phận, lại còn đi tư tình với con rắn đực khác, và dắt tình nhân về miệng hang toan hại chồng. Thấy thế, Dã Tràng động lòng nghĩa hiệp, quyết giết con rắn lang chạ ấy; anh liền rút tên, bắn rắn cái chết tốt, tình nhân của nó kinh sợ chạy mất.

          Mấy hôm sau, rắn đực cứng mạnh bò ra miệng hang, gặp vợ bị tên nằm chết, xem lại mũi tên có đề danh Dã Tràng, bèn tìm tới nhà báo thù. Rắn lẻn vô nằm núp dưới giường, bỗng nghe Dã Tràng thuật rõ câu chuyện xảy ra của cặp rắn cho vợ nghe. Bấy giờ rắn đực mới vở lẽ, vợ mình chết là đáng tội. Còn anh thợ săn nầy là ân nhân của ta, nó liền bò ra gật đầu trước mặt Dã Tràng mấy cái và nhả ra một hột ngọc sáng, rồi bò đi mất.

          Từ ngày Dã Tràng được rắn tặng cho viên ngọc, mỗi khi anh để ngọc vào miệng ngậm lại, nghe được tiếng của các loài thú. Hôm nọ, Dã Tràng nghe đàn quạ nói với nhau:“Phía đông, cách đây một dặm đường, có con nai tơ bị thương gần chết”. Dã Tràng đến đó gặp đúng như vậy, anh xẻ nai lấy thịt. Đàn quạ bay theo kịp, kêu nói:“Lấy thịt nai cho chúng tôi bộ đồ lòng, vì công ấy của chúng tôi”. Dã Tràng làm y theo lời quạ. Lần sau cũng thế, nhưng quạ chưa đến kịp, bị chó sói cướp mất bộ đồ lòng. Quạ bay theo trách móc Dã Tràng là kẻ bội ngôn…Dã Tràng biện minh thế nào, chúng cũng không thôi. Thấy quạ hỗn xược, mắng nhiếc đủ điều, Dã Tràng tức giận rút tên bắn quạ. Quạ né khỏi và cắn mũi tên bay đi, nói:“Ta sẽ báo thù, ta sẽ báo thù”, đoạn rồi nó đem mũi tên ấy cắm vào tử thi đang trôi.

          Thế là mấy ngày sau, Dã Tràng bị lính bắt về tội bắn người chết…Anh bị tống giam, chờ ngày lãnh án. Ngồi trong ngục, Dã Tràng nghe bầy chim sẻ nói:“Có nhiều kho lương của Vua để hở, đã bị loài chim ta ăn no nê”, anh bèn cho viên chủ ngục hay điều đó. Lúc đầu họ không tin, nhưng sự việc đúng y như vậy !

          Sau đó, Dã Tràng thấy đàn kiến kéo nhau di chuyển và nói:“Sắp có bão lụt lớn, chúng ta phải lánh nạn”, anh liền báo tin nữa. Lần nầy quan sở tại báo cáo về triều đình để ra lịnh ngừa lụt. Quả nhiên mấy ngày sau lụt lội tơi bời, nhưng nhờ ngừa trước, nên không bị thiệt hại cho lắm.

          Qua cơn lụt, vua ra lịnh tha cho Dã Tràng và vời anh về trào hỏi nguyên do ? Dã Tràng tâu rõ tự sự. Vua liền phong tước và cho ở bên Hoàng cung. Từ đó Vua thường mượn viên ngọc của Dã Tràng ngậm vào miệng, để được nghe tiếng của các loài chim nơi vườn thượng uyển.

          Ngày kia, Vua tổ chức du ngoạn vùng biển, cũng để được nghe các động vật dưới nước trò chuyện. Ngồi trên mạn thuyền, vua nghe các bầy cá tâm sự đủ điều, lòng thỏa thích vô hạn nên cười lên ha hả, bỗng viên ngọc rơi tõm xuống nước. Vua rất hối hận, nhưng không kịp, bèn huy động cả thợ lặn, chài, lưới để tìm lại viên ngọc, song vô hiệu.

          Riêng Dã Tràng thì sầu não, biếng ăn, biếng ngủ và sau cùng nảy ra ý “lấp bể tìm châu”, nên hằng ngày anh ra mé biển, xe cát đổ xuống cho đến khi thân cùng lực tận mà vẫn không tìm được ngọc.

          Sau khi Dã Tràng chết, người ta thấy trên bãi biển xuất hiện giống cua nhỏ (còng), cứ mỗi khi thủy triều xuống (nước ròng) thì chúng xe cát đổ thành đống sát mé nước; nhưng khi dòng thủy trỉều ùa lên (nước lớn) thì cát ấy bị tan đi. Cứ thế mà chúng mãi làm không chán. Thấy vậy, người ta bảo nhau rằng: Có lẽ Dã Tràng chết đi, vì lòng luyến tiếc chưa vẹn nên hóa kiếp làm loại còng nầy, với hoài bão lấp biển để tìm lại viên ngọc quí.

          Điển Dã Tràng, xưa nay văn chương thường dùng để chỉ cho sự lấp biển vá trời, là việc sức người không thể làm được, chỉ hoài công vô ích.

          Còn về Phật học thì ám chỉ cho vạn vật trong thế gian, cái gì có hình sắc hay quyền tước, lợi danh, tình ái đều phải đi theo định luật: thành, trụ, hoại, không, nên dù ta có nhọc công gầy tạo và tham luyến cũng chẳng được bền lâu.

          BÌNH MINH: Bình là yên lành phẳng lặng; Minh là biển. Đây chỉ cho mặt biển êm tịnh, không sóng gió.

 

CHÁNH VĂN

261.-Viết kệ-cơ giảng dạy ít bài,

Mặc lê-thứ làm không tự ý.

Coi rồi phải nhận cho hiểu lý,

264.-Câu huyền sâu của kẻ Khùng nầy.

Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,

Chớ chẳng phải của người lãng-trí.

Mê với tỉnh nhận ra là lý,

268.-Thấy dương-trần ngủ mãi ngủ hoài.

Thức dậy mà tầm Đạo kiếm bài,

Để thi-cử khỏi mang tiếng rớt.

Sách khuyến-thiện miệng kêu không ngớt,

272.-Mà nào ai có thức dậy tầm.

Ta nghĩ suy cũng bắt hổ thầm,

Nên than-thở cùng trần ít tiếng.

Tâm sáng suốt như đài nguyệt-kiến,

276.-Tánh trong như nước bích mùa xuân.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 261 đến câu 276)

          -Đoạn nầy ý cho biết lời kệ cơ khuyên dạy của Đức Thầy, mặc bá tánh có thi hành hay không, tùy ý. Nhưng nếu ai muốn làm theo thì khi xem đến Sấm giảng, cần suy tầm cho thấu hiểu lý thâm sâu trong đó mà thực hành, mới mong kết quả.

          -Tuy nói lời lẽ trong đây là của kẻ Khùng, nhưng toàn lời của bậc Phật, bậc Thầy, chớ chẳng phải như lời của bao nhiêu người lãng trí khác. Vậy hành giả nào có nhận xét và phân tách được, đâu là mê lầm và đâu là giác ngộ, mới rõ được chơn lý nhiệm mầu của Đạo.

          -Bởi thấy chúng sanh mãi ngủ vùi trong cảnh trần thống khổ, nên Đức Thầy kêu gọi họ sớm thức tỉnh tu hành, tìm hiểu cho rõ ràng: Tôn chỉ, mục đích và pháp môn, luật giới của Đạo, rồi cố gắng hành y theo đó, tất được kết quả. Ấy gọi là thi đậu, bằng không đặng vậy là thi rớt. Từ trước tới giờ Ngài đã truyền dạy rất nhiều Kệ Giảng, khuyên bá tánh bỏ dữ về lành, thế mà chưa được mấy người thức tỉnh suy tầm.

          -Do đó, Ngài cũng bắt thẹn thầm, nên không ngớt khuyến tấn người đời sớm tỉnh tâm tu niệm. Ngài còn dạy: Khi người tu hết vọng trần, tâm trí trở nên sáng tỏ như “Đài Nguyệt Kiếng” không một vật nào ngăn che được. Và tánh mình cũng tịch tịnh an nhiên, chẳng còn chút bợn nhơ trần trược.

CHÚ THÍCH

          HUYỀN SÂU: (Xem CT đoạn 1, T-1, bài Sứ Mạng).

            LÃNG TRÍ: Cũng gọi là nhãng trí hay đảng trí. Có nghĩa không định trí, hay quên, nghĩ sai.

          MÊ VỚI TỈNH NHẬN RA LÀ LÝ: Câu nầy ý nói: người tu hành có phân tách và thấu hiểu được thế nào là mê, thế nào là tỉnh; tức là nhận rõ được chân lý của Đạo. Và từ chỗ đó hành giả nương về với tâm tỉnh giác để tiến đến quả Bồ Đề. Tỉnh Thế Ngộ Chơn có câu:

                   Nhơn nhơn tỉnh ngộ, nhơn nhơn Thánh,

                     Tại tại hôn mê, tại tại luân”.

                   (Người biết tỉnh ngộ, ấy là người Thánh,

                   Kẻ tạo hôn mê, tất phải luân trầm).

          Đức Thầy từng kêu gọi:

                   Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,

                      Phải toan sắm sửa rứt trần ai”.

                                            (Tỉnh bạn Trần gian)

          TẦM ĐẠO KIẾM BÀI: Tìm cho hiểu đường lối, mục đích và tôn chỉ, giáo pháp của Đạo để tu tiến.

          SÁCH KHUYẾN THIỆN: Kinh sách khuyên người làm lành, lánh dữ, Đức Thầy có khuyên:

                   :Ai mà muốn đặng phước duyên,

     Nghe lời khuyến thiện lòng liền phát tâm”.(K/thiện Q.5)

            HỔ THẦM: Tủi thẹn trong lòng. Đây ý nói vì chúng sanh quá mê mờ ít người hồi tâm, làm cho công cuộc giác đời của Đức Thầy chưa mấy kết quả, nên Ngài cũng âm thầm tủi phận.

          ĐÀI NGUYỆT KIẾNG: Nơi cõi U Minh, tại điện thứ nhứt của Tần Quản Vương, có cái đài treo một tấm kiếng, hình mặt nguyệt, gọi là Đài Nguyệt Kiếng; để dành soi ứng việc làm tội lỗi của các linh hồn không chịu cung khai. Nó có công năng diễn lại mọi hành động tội ác của tội nhân như cuồn phim chiếu bóng trên màn ảnh. Ở đây ý nói, tâm của người tu khi được tròn sáng thì thấu suốt vạn vật. Đức Thầy từng cho biết:

                   Ta chí dốc tầm Đài Nguyệt Kiếng,

                     Cho dương trần rọi chuyện sai lầm”.

          NƯỚC BÍCH: Do chữ Bích Thủy. Có nghĩa: nước biếc, nước trong xanh. Nước bích mùa xuân là nói nước sông vào mùa Xuân rất trong lặng một màu xanh biếc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn