CHÁNH VĂN
VỌNG NGỮ.- Thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có, ác vọng-ngữ đã làm nguyên nhân cho những sự bất công của nhân loại. Thương người nào kiếm cách bào chửa, giấu giếm sự quấy và thêu thùa sự tốt ra, ghét ai đặt điều nói xấu và che đậy cái điều phải của họ. Khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn, những kẻ điêu ngoa làm cho thiên hạ khinh khi miệt thị.
Muốn tránh những điều khiến cho tư cách nhân quần phải bị giảm hạ, hãy tập tánh nói năng chân chánh, bỏ lối láo xược trớ-trêu. Chẳng nên tráo chác với người, bỏ tiếng xảo ngôn và phải dùng lời chơn chất.
LƯỢC GIẢI
(Đây là ác thứ tư trong Khẩu nghiệp)
1- ĐỊNH NGHĨA:
Vọng ngữ cũng gọi là vọng ngôn. Có nghĩa nói dối, nói huyễn hoặc, có nói không, không nói có.
“Người biết Đạo phải gìn ngôn ngữ,
Nói với ai chớ có sai lời”.( ĐT)
2- NGUYÊN NHÂN:
Vì ham muốn danh lợi, quyền tước và nhiều người tin tưởng mà sanh vọng ngữ.
3- SỰ TRẠNG:
- Hành trạng của vọng ngữ là có nói không, không nói có, thương ai thì kiếm cách bào chữa, ghét ai thì đặt điều nói xấu, khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn. Đức Thầy đã bảo:
“Ác vọng ngữ thứ tư cũng cấm,
Nói thêm thừa huyễn hoặc đủ điều.
Ghét người thời kiếm chuyện dệt thêu,
Thương viện lẽ thấp cao bào chữa.
Đời bất công mấy ai xem sửa,
Trên điêu ngoa dưới chẳng phục tòng”.
4- TAI HẠI:
- Người còn vọng ngữ thường gây nhân bất công cho nhân loại.
- Mọi người trong xã hội khinh miệt và nhân cách bị giảm hạ, khi chết đọa vào địa ngục.
5- CÁCH GIẢI TRỪ:
Để diệt trừ ác vọng ngữ nhà tu nên tập lời nói cho được chân chánh ngay thẳng. Bỏ lối láo xược trớ trêu, xảo ngôn tráo chác; nên nói toàn lời chơn thật ngay chánh. Đức Thầy hằng khuyên nhủ:
“Khuyên nhơn sanh lấy lẽ chí công,
Mà ăn ở nói năng chơn chất”.
Và: Người dương thế chẳng ưa bốc xước,
Phật Thần nào gần kẻ xảo ngôn.
Đã tu hành đừng có bôn chôn,
Tưởng hay giỏi khoe khoang tài cán.
Người hiểu rành mới càng thêm chán,
Chi bằng ta bỏ lối trớ trêu.
Nói với ai cũng phải lựa điều,
Đừng tráo chác cho người khinh dể”.
6- LỢI ÍCH:
- Người chừa được ác vọng ngữ, sẽ đặng mọi người trọn tin và kính phục.
- Khẩu nghiệp sớm thanh tịnh và còn an ủi người bớt đau khổ.
- Phá tan được tà thuyết và khi thành Đạo sẽ đắc chơn thật ngữ của Như Lai.
7- KẾT LUẬN:
Nói tóm lại Vọng ngữ là một trong Thập ác, cũng là một trong Ngũ giới cấm, là một tội ác lớn lao. Cho nên nhà tu quyết định trừ bỏ cho kỳ được, để khẩu nghiệp thanh tịnh và tiến thẳng đến nơi an vui giác ngạn.
CHÚ THÍCH
THÊM THỪA: Nói dư, nói nhiều hơn, quá với sự thật.
HUYỄN HOẶC: Dối trá, nói không thật, làm cho người khác hiểu lầm.
“Miệng dương thế hay bày nói huyễn,
Sách thánh hiền ghét kẻ nhiều lời”.( ĐT)
BÀO CHỮA: Biện hộ, tìm cách bênh vực che chở cho ta và người thân của ta.
TỰ ĐẮC: Tự cho mình hay giỏi hơn người.
XẢO TRÁ: Giả dối không thật.
ĐIÊU NGOA: Xảo trá, giả dối, lừa đảo. Chỉ cho người già miệng, hay đặt điều nói dối làm sai hẳn sự thật.
KHINH KHI: Khi dể, coi không ra gì.
MIỆT THỊ: Xài xể, nói nặng, khi dể.
TƯ CÁCH: Cử chỉ dáng dấp, cách ăn ở đời hoặc là tài năng và trình độ. Ví dụ: Tư cách đứng đắn hoặc tư cách chẳng ra gì.
NHÂN QUẦN: Đoàn người hợp lại.
GIẢM HẠ: Bớt thấp xuống, mất giá trị.
CHÂN CHÁNH: Cũng viết là chân chính. Có nghĩa ngay thẳng thật tình, không giả dối gạt gẫm.
TRÁO CHÁC: Lừa dối khéo nói láo.
CHƠN CHẤT: Cũng gọi là chân chất. Có nghĩa lời nói thật thà.
CÂU HỎI
1/-Hãy định nghĩa chữ vọng ngữ ?
2/-Lý do nào người ta hay nói vọng ngữ ?
3/-Sự trạng ác vọng ngữ ra sao ?
4/-Người hay vọng ngữ có tai hại gì ?
5/-Diệt trừ vọng ngữ ta phải dùng phương cách nào ?
6/-Chừa vọng ngữ ta được lợi ích gì ?
7/-Kết luận ác vọng ngữ ra sao ?