10- ÁC MÊ SI

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43422)
10- ÁC MÊ SI

CHÁNH VĂN

          MÊ SI.- Tội ác này do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra; vì vậy, con người ít hay phân biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân-lý, suốt cả đời ngu muội, chỉ biết mê man theo những vật chất nhỏ nhen, mau tan mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải thoát.

          Hãy xoá bỏ các điều mê tín, qui thuận theo tinh thần đạo đức, lánh chốn mê lầm tỉnh cơn mộng huyễn, phá tan màn vô minh che mờ tâm trí, lần bước trên con đường đạo hạnh, đi đến chỗ Bất diệt, Bất sanh.

 

LƯỢC GIẢI

(Ác thứ ba trong Ý nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          Mê si cũng gọi là vô minh. Có nghĩa lòng mê mờ không nhận rõ lý sự, khởi lên vọng hoặc điên đảo (tà kiến), khiến người lầm lũi trong tội lỗi, như người đi đêm không có đèn đuốc nên phải lạc vào hầm hố. Mê si là đối tượng của trí huệ.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Xưa Đức Phật bảo rằng:“Tâm trí mê muội tội lỗi chập chồng, không biết đường giải thoát. Đó là nguyên nhân của sanh tử luân hồi, không bao giờ dứt”.

          Đức Thầy nay cho biết:“Tội ác nầy do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra”. Ngài đã nói:

                   Ác thứ mười đoạn chót mê si,

                   Nguyên tăm tối từ hồi vô thỉ.

                   Màn vô minh che mờ căn trí,

                   Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.

3- CẢNH TRẠNG:

          Người còn mê si không phân biệt được lẽ phải trái, nên hay bảo thủ những thiển kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn nhận chân lý. Họ chỉ biết:

                   “Lo huyễn thân vật chất kém hơn,

                   Chẳng tìm biết tinh thần đạo đức”.( ĐT)

4- TAI HẠI:

          a)- Người còn mê si suốt đời ngu muội, chỉ biết đua đòi theo vật chất nhỏ nhen, mau tan mau rã.

          b)- Tin bướng nghe càng, không tìm hiểu chơn lý và con đường giải thoát; khiến cho màn vô minh càng lúc càng dầy, lưới nghi ngờ càng thêm bao phủ. Đức Thầy đã chỉ rõ:

                  “Dệt lưới nghi đeo điều phiền phức,

                   Bịn rịn đời cực khổ tang thương.

                   Khi nói làm ít chịu suy lường,

                   Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác”.

5- CÁCH GIẢI TRỪ:

          Để giải trừ ác mê si, hành giả phải thi hành các phương cách:

          a)- Nương theo tinh thần đạo đức, giác ngộ và tu tập trí tuệ. Vì mê si như đêm tối, trí tuệ như ngọn đèn. Có đèn thì bóng tối tiêu tan, nên khi có trí trí huệ thì vô minh (mê si) dục vọng chẳng còn, thấu đạt chơn lý. Đức Thầy dạy:

                   Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý,

                     Lóng tiếng từ bi diệt dục lòng”.

          b)- Dùng trí huệ xóa bỏ những mê tín dị đoan, mê lầm mộng ảo, phá tan lòng nghi ngờ giải đãi. Nhứt tâm tinh tấn theo con đường giác ngộ để tiến tới Niết Bàn:

          Lúc Đức Thầy mới khai đạo, ông Đặng Thành Tựu có đến Tổ Đình hỏi Ngài:

          -Bạch Thầy con muốn trừ diệt mê si phải làm sao ? Đức Thầy đáp:

          - Muốn diệt mê si tâm mình phải giác.(Xem thêm quyển Chuyện Bên Thầy II, có giải câu chuyện đầy đủ.)

            Sau nầy trong KHUYẾN THIỆN, Quyển V Đức Thầy có dạy rõ:

                  “Diệt mê si phải nương thuyền giác,

                   Muôn việc làm chánh trực khôn ngoan.

                   Đừng bạ đâu tin bướng nghe càng,

                   Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.

6- LỢI ÍCH:

          a)- Nhà tu khi trừ được mê si, tức trí huệ sáng mầu.

          b)- Nhận được đâu là mê tín, ngụy tà để tránh và đâu là chánh tín, chơn thật nên theo.

          c)- Tâm ý luôn thuần thiện, trên đường độ đời, giác chúng đều đầy đủ nhân duyên và thường gặp bạn Thiện trí thức.

7- KẾT LUẬN:

          Tóm lại, mê si là một trong 10 món phiền não căn bản. Chính nó sanh ra 8 vạn 4 ngàn trần lao phiền não và nghiệp nhân luân hồi sanh tử. Dù cho các bực Tiên gia, có ngũ thông mà chưa trừ dứt mê si cũng phải huờn tục, như Thiên Bồng Nguyên Soái bị đọa làm Trư Bát Giái. (Bát Giái (dụ cho tâm mê si): Mê ăn, mê ngủ, mê sắc dục. Tam Tạng nhờ có Tề Thiên (dụ cho Trí huệ) mới thâu phục được Bát Giái cải tà qui chánh cùng đi thỉnh Kinh Tây phương. Sau Thầy trò mới thành chánh quả.) Cho nên nhà tu muốn trừ nghiệp nợ luân hồi sanh tử, là 10 điều ác mà gốc của nó từ mê si, tất phải dùng trí giác ngộ soi tan bóng tối (mê si). Như Đức Thầy đã dạy:“Muốn diệt mê si tâm mình phải giác”, tất nhiên hành giả sẽ được tự tại mà tiến đến nơi bất diệt bất sanh (Niết Bàn).  

                 Niết Bàn tịch tịnh là đường vô sanh”.( ĐT)

TỔNG LUẬN

          Căn cứ theo Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” của PGHH, chúng ta đã nghiên cứu và tu học qua loạt bài Tứ Ân và Tam nghiệp thập ác là hết phần “Tu Nhân”. Tuy Đức Giáo Chủ giảng Tứ Ân trước Tam nghiệp thập ác, nhưng đến đoạn chuyển đề, Ngài lại dạy tránh Tam Nghiệp, chừa Thập ác trước khi đáp “Tứ Ân”. Bởi Tam Nghiệp và Thập Ác là hột giống sanh tử, là nghiệp nợ luân hồi, nên cần diệt trừ trước. Còn đáp Tứ Ân là tạo vô lượng phước đức, để làm phương tiện tiến đến bờ giải thoát.

          Tam Nghiệp, Thập Ác có thể ví như những cây cỏ dại. Còn Tứ Ân ví như các giống lúa. Nhà nông muốn lúa trúng, trước phải nhổ sạch cỏ rồi mới gieo lúa. Song đó mới là nấc thang đầu (Tu Nhân) là nền tảng vậy thôi. Cho nên người tín đồ PGHH cần phải tiến lên giai đoạn học Phật và tu Phật nữa mới ra khỏi sanh tử và chứng quả Bồ đề. Vẫn biết hột giống Bồ đề đã có sẵn trong ruộng tâm của mỗi người, song phải nhờ nguồn mưa pháp rưới vào nó mới nảy mầm đâm tược.

                   “Suối Tiên Thanh* đổ ra cuồn cuộn,

                  Tràn ruộng lòng gieo giống mới nên”.( ĐT)

                             *(Có bản chép là Suối Tiên Thánh)

            Bấy giờ hành giả phải ra công vun tưới và kiên trì, bắt sâu sửa nhánh (dẹp sạch vô minh phiền não) thì quả giác ngộ mới đạt thành.

                   “Phật Đạo trau giồi tâm tánh lại,

               Giác thuyền chuyên chở lúc can qua”.( ĐT)

          Cho nên, tới đây Đức Thầy dạy chúng ta tu học “Bát Chánh Đạo và niệm Phật”.

CÂU HỎI

          1/-Hãy địng nghĩa chữ Mê si ?

          2/-Lý do nào bị mê si ?

          3/-Cảnh trạng mê sir a sao ?

          4/-Người còn mê si có tai hại gì ?

          5/-Muốn diệt mê si phải làm sao ?

          6/-Trừ mê si xong được lợi ích gì ?

          7/-Cho biết mục kết luận ác mê si ?

          8/-Phần Tổng Luận từ Tam Nghiệp qua Bát Chánh Đạo ra sao ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn