1.- ÁC SÁT SANH

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 39775)
1.- ÁC SÁT SANH

CHÁNH VĂN

          SÁT SANH.- Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung chạ với thế giới người hung tàn bạo ngược, tánh nết liền ô nhiễm những sự xấu xa hèn kém, trở nên độc ác dữ dằn.

          Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng … nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng cấp xã-hội, của một quốc-gia; họ muốn tiêu-diệt tất cả nhân loại, không một ai có quyền sống sanh cùng họ cả.

          Tại trào nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch thù đã làm nguyên nhân cho biết bao cuộc tương tàn tương sát. Ngoài lê thứ thì con giết mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết thầy, chồng vợ giết nhau, đệ huynh xâu xé. Những cuộc tương tàn rất thường xảy ra trong nhân loại không ngoài các lý do đã kể trên. Đó là người đối với người.

          Người đối với thú cầm, sanh vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: họ giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh vật (gà, vịt, heo) để nuôi thân sống, nhưng chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” (thú vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu cầu cần thiết của các món thực phẩm mình thôi và không nên hoang phí hy-sinh nó, nếu sự hy-sinh ấy không ích lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết các thú vật trong khi tế-lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời Đất có thể sát sanh hại vật cúng tế cầu cho tội-quả tiêu trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm, huyễn-hoặc, vì đứng vào bực siêu hình cao cả như chư-vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm sai chạy lẽ công. Khi gặp tai nạn bất ngờ hay rủi ro đau ốm, con người không chịu thuốc thang, khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật tế Thần cúng Thánh, kêu cốt, kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên-nhân các sự họa-hoạn, không chịu tìm hiểu rằng những tai biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu, và không chịu ăn năn chừa lỗi, tạo tác phước điền. Trong khi giết các thú vật đặng tế lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền các tội ác trước được.

          Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú-vật làm tấm bia cho họ nhắm trong những khi cao hứng, quên hẳn rằng sanh vật cũng có linh hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống còn như nhân-loại vậy.

          Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng và nhứt là đối với các gia-súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo … chẳng khá sát-hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sanh hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát sanh vô cớ nào có thể tha thứ được và trong những ngày chay lạt hãy cử hẳn.

 

LƯỢC GIẢI

1- ĐỊNH NGHĨA:

          Sát sanh là giết hại mạng sống của loài hữu tình. Kể cả loài người và các sanh vật.

2- NGUYÊN NHÂN SANH HUNG ÁC:

          -Vì sống chungvới người hung dữ ở chung quanh, rồi ô nhiễm những điều xấu xa, con người trở nên độc ác. Đức Thầy đã bảo:

                   Sách Thánh Đạo ghi trong Tam Tự,

                     Người mới sanh tánh thiện trời dành.

                     Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,

                     Nên tật xấu che mờ thiện tánh”.

3-     LÝ DO NGƯỜI GIẾT NGƯỜI:

          a)- Vì muốn đạt được danh, lợi, tình hay vì thù hềm, hoặc háo thắng.

          b)- Vì mưu cầu lợi ích riêng cho mình, cho phe nhóm, quốc gia mình mà sanh tâm sát hại kẻ khác, nước khác.

4- CẢNH TRẠNG:

          a)- Nhân loại khắp thế giới: dân tộc nước nầy đánh giết dân tộc nước khác.

          b)- Trong trào nội: Vua tôi, quan lính giết nhau.

          c)- Ngoài lê thứ: Thầy trò, chủ tớ, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn cùng xâu xé, giết hại lẫn nhau.

          Đức Thầy đã diễn tả cảnh trạng ấy:

                  “Viết đến đây động lòng rào rạt,

                   Gẫm nhiều người bội bạc thâm ân.

                   Nào kể chi là Đạo Quân thần,

                   Tôi giết chúa, con đành sát phụ.

                   Lúc nguy cơ tớ mong hại chủ,

                   Trò giết thầy, tội ấy đáng không ?

                   Thêm chồng giết vợ, vợ giết chồng,

                   Niềm huynh đệ cùng nhau xâu xé.

                   Cũng hiếm lúc con còn giết mẹ,

                   Giành của tiền cốt nhục giết nhau.

                   Tranh lợi danh giết lẫn đồng bào,

                   Tình nhân loại phân chia yểm bách”.        

4-     LÝ DO NGƯỜI GIẾT VẬT:

a)- Vì muốn ăn ngon (thỏa thích khẩu dục).

          b)- Vì sự mê tín và cúng tế ông bà.

          c)- Vì sự vui thích, ỷ mạnh hiếp yếu mà sát hại các sanh vật.

6- TÁC HẠI:

          a)- Người tạo nghiệp sát hại thì kiếp nầy hoặc kiếp khác thường bị thân hình xấu xí, bệnh tật, chết yểu.( Xưa có đứa bé bắn một con chim mà phải ba kiếp chết yểu. Còn 3 người lái buôn vui vẻ ca ngợi tài bắn của đứa bé mà phải làm cha để chịu khổ cùng đứa bé.)

            b)- Luôn gặp nạn chiến tranh binh lửa.(Dân chúng thôn Chi Việt bắt tôm cá dưới hồ Đa Ngư ăn thịt, sau tiến lên là dân chúng dòng họ Thích. Còn loài thủy tộc dưới hồ Đa Ngư, sau tiến lên là vua Lưu Ly, Háo Khổ và binh lính của Lưu Ly, sau cùng kéo quân đến tiêu diệt dòng họ Thích để thanh toán món nợ từ trước.)

            c)- Nghiệp báo lưu truyền nhiều đời nhiều kiếp.

7- GIẢI TRỪ:

          Để giải trừ ác sát sanh, ta nên thi hành các phương cách như sau:

          a)- Phát sanh lòng từ bi bình đẳng, tin luật nhân quả rất nghiêm minh. Đối với nhân loại thì “Chớ sát hại mạng người như thế” và :“Nếu thiệt người thì biết thương người”.( ĐT)

          b)- Đối với sanh vật chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” mà phải xét rằng sanh vật cũng có linh hồn, thân xác, tham sống, sợ chết như ta. Nên không giết vô cớ mà phải hạn chế thức ăn vừa đủ nhu cầu, nếu trường chay được càng tốt.

          c)- Không vì mê tín dị đoan, hoặc cúng tế ông bà hay vì sự vui thích mà giết vật. Đức Thầy hằng khuyên dạy:

                  “Bớt giết vật đặng mà cúng tế,

                   Gẫm Thánh Thần đâu có tư riêng.

                   Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,

                   Hoặc hiện kiếp làm điều bạo ác.

                   Phải ăn năn phước điền tạo tác,

                   Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời.

                   Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,

                   Xuống phước rộng Từ Bi Hỉ Xả.

                   Đấnh Thần minh công bình trực dạ,

                   Đâu ăn lo đổi họa làm may.

                   Mở tâm linh nghĩ đến đoạn nầy,

                   Điều họa phước ấy cơ báo ứng”.

8- LỢI ÍCH:

          a)- Ai chừa được ác sát sanh thì thân hình đẹp đẽ, ít bệnh tật, sống lâu và thoát khỏi luân hồi quả báo. Cửu Huyền Thất Tổ bớt tội, mau siêu thăng.(Xưa, có lần Phật dắt A Nan đi đến mé biển. Thấy có đám ngạ quỉ vừa đi, vừa bị lửa đốt than khóc thảm thiết. A Nan bạch hỏi lý do ? Phật đáp: Vì con cháu của họ chẳng những không tu nhơn tích đức, lại còn sát sanh hại vật cúng tế theo lối dị đoan, nên họ bị nghiệp quả bức bách mà than khóc như vậy. Đi một đỗi nữa lại gặp số ngạ quỉ khác, vừa đi vừa ca hát vui mừng. A Nan cũng bạch Phật hỏi lý do ? Phật đáp: Sở dĩ số ngạ quỉ nầy vui mừng là vì con cháu của họ trên dương thế biết lo tu hành trường chay giới sát, làm phước phóng sanh hồi hướng phước đức cho họ, nên họ sắp được vãng sanh mà vui mừng như vậy.)

            b)- Lòng từ bi bình đẳng ngày càng vượng lớn và sớm trổ quả Bồ đề. (Phật kể tiếp: Tiền thân xa xưa có lần Ngài bị đọa làm thân quỉ sứ, cùng quỉ sứ bạn đẩy xe cho quỉ sứ chúa đi. Quỉ sứ bạn làm xe nghiêng, Quỉ chúa nghiềm xà mâu đâm quỉ sứ bạn. Quỉ tiền thân động lòng nhơn can gián. Quỉ chúa liền trở xà mâu đâm quỉ tiền thân chết tốt…Nhờ đó mà thoát được kiếp quỉ sứ. Nhờ hạt giống từ bi ấy mà nhiều kiếp sau thành quả Bồ đề.)

 

KẾT LUẬN

          Đại lược ác sát sanh là đứng đầu trong thập ác. Nó cũng là hạt giống trong luân hồi sanh tử. Hành giả có diệt trừ được nó thì quả đạo sớm trọn lành, lòng từ bi, bình đẳng phát sanh, để tiến đến ngôi chánh đẳng chánh giác.

 

CHÚ THÍCH

          BẠO NGƯỢC: Hung dữ ngang ngược.

          Ô NHIỄM: Cũng gọi là nhiễm ô. Có nghĩa đắm nhiễm theo việc nhơ xấu đen tối.

          LỢI DANH: Tài lợi và danh vị (hai điều trong Lục dục). Con người vì tham danh lợi, mãi đắm chìm trong biển khổ sanh tử. Đức Thầy hằng khuyên:

                   Xin đừng đeo đắm lợi danh,

                 Bỏ trôi Đạo đức hư danh dạy truyền”.

          THÙ HỀM: Chứa mối thù trong lòng hầu làm cho lợi gan:“Cứ lo tranh đoạt thù hềm với nhau”.( ĐT)

          HÁO THẮNG: Thích tranh đua, muốn ra mặt hơn người, không khiêm nhượng:

                   Bị háo thắng việc người không thấy,

                     Rồi mảng lo gièm siểm nhiều lời”.( ĐT)

          TƯƠNG TÀN TƯƠNG SÁT: Giết hại lẫn nhau. Giữa thân bằng, đồng bào, cốt nhục giết chóc lẫn nhau.

          CẦM THÚ: Thú là gồm các loài thú sống trên mặt đất. Cầm là các loài chim. Chỉ chung cho các giới súc sanh.

          DỊ ĐOAN: Dị là lạ; Đoan là manh mối. Chỉ cho các tà đạo hay bày ra những điều mị dối lạ lùng để gạt gẫm người đời (Chuyện Vô Não bị Thầy Bà La Môn gạt gẫm…). Đức Thầy khuyên:

                   Bỏ dị đoan mới thấy Đạo mầu,

                      Bớt giả dối gặp người thượng cổ”.

          MÊ TÍN: Sự tin tưởng mù quáng, nhắm mắt tin càn, không suy xét cẩn thận.

          HOANG PHÍ: Xài lãng phí, dùng quá nhiều, quá dư, không đúng nhu cầu cần thiết.

          TỘI QUẢ: Gây nhân tội lỗi rồi bị quả báo.

          HUYỄN HOẶC: Lừa dối để gạt người dễ lầm.

          SIÊU HÌNH: Phần chơn linh, không có hình tướng.

          THÁNH THẦN: Thánh là bậc sáng suốt, tài năng, đạo đức hơn người và hay giúp đời; nên sau khi từ trần được người đời tôn kính là Thánh.

          THẦN: là các vị trung quân ái quốc, nhân nghĩa công bằng, nên khi quá vãng được mọi người xưng tụng là Thần:

                   Dầu không siêu cũng đặng về Thần,

                     Nhờ hai chữ trung quân ái quốc”.( ĐT)

          NGUYÊN NHÂN: Cái cớ, cái gốc đầu tiên, do đó mà sanh ra một kết quả gì.

          HỌA HOẠN: Tai nạn, sự rủi ro.

          CĂN TIỀN: Gốc trước:

                   Rủi ốm đau bởi tại căn tiền”.( ĐT)

          ĂN NĂN: Nghĩa của chữ “Sám hối”, tức là ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau (Sám kỳ tiền khiên, Hối kỳ hậu quá). Đức Thầy thường dạy:

                   Chữ tự hối nào ai có lạ,

                   Là ăn năn cải sửa tâm lành”.

          PHƯỚC ĐIỀN: Ruộng phước. Ý chỉ sự tu phước, như: bố thí, giúp đời, làm các việc từ thiện…Bởi các việc ấy có năng lực tăng trưởng phước đức cho nhà tu. Ví như nhà nông gieo lúa xuống ruộng tốt, đến mùa thu hoạch lúa được nhiều. Phật dạy có ba miếng ruộng tốt nhất:

          1-ÂN ĐIỀN, cũng gọi là “Báo ân phước điền” có nghĩa đáp ơn rộng lớn của Tổ Tiên cha mẹ.

          2-KÍNH ĐIỀN, cũng gọi là “Công đức phước điền” có nghĩa đền đáp hồng ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

          3-BI ĐIỀN, cũng gọi “Từ bi phước điền” có nghiã mở lòng thương và cứu tế vạn loại chúng sanh. Đức Thầy dạy:“Phải ăn năn phước điền tạo tác”.

          CAO HỨNG: Hứng thú cao mạnh hơn lúc thường.

          SINH HOẠT: Làm ăn sanh sống.

          SÁT SANH VÔ CỚ: Giết hại sanh vật không có duyên cớ chánh thức, như đủ ăn rồi mà còn giết thêm, hoặc giết quá dư rồi bỏ (lãng phí).

 

CÂU HỎI

          1/-Hãy định nghĩa chữ sát sanh ?

          2/-Nguyên nhân nào người ta sanh hung dữ ?

          3/-Lý do nào người ta hay giết người ?

          4/-Cảnh trạng người giết người ra sao ?

          5/-Người giết vật có mấy trường hợp, kể ra ?

          6/-Kẻ tạo nghiệp sát sanh có tai hại gì ?

          7/-Muốn không giết người ta phải làm sao ?

          8/-Muốn không giết vật ta cần có những điều kiện gì ?

       9/-Người chừa ác sát sanh được lợi ích như thế nào ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn