Bởi Đức Giáo Chủ không thể lặng nhìn trước cảnh quốc phá gia vong:
Yêu nước bao đành trơ mắt ngó,
Thương đời chưa vội ẩn non cao”.
(Bài Yêu Nước)
Và Ngài cũng quan niệm rằng:“Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo phải bị lấp vùi; nước còn nền Đạo phát khai rực rỡ…” và:“Có chấn chỉnh Quốc gia, có làm cho nước nhà được cường thịnh thì Đạo Phật mới được khuếch trương tự do hầu gieo rắc tư tưởng thiện hòa và tinh thần từ bi bác ái khắp bàng nhân bá tánh”.(Hiệu Triệu)
Cho nên Ngài quả quyết lên đường cứu quốc:
“Rứt áo cà sa khoác chiến bào”.
(Quyết rứt cà sa)
Hoặc là:
“Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha”.
(Tặng thi sĩ Việt Châu)
Song sự cứu quốc của Ngài khác hơn nguời thường là khi lấy lại được nền độc lập tự do cho nước nhà, thì Ngài trở về vị trí của một nhà tu, chớ không bám vào lợi danh huyền ảo:
“Đền xong nợ nước thù nhà,
Thiền môn trở gót Phật Đà
(Tặng thi sĩ Việt Châu)
Sau cuộc đảo chánh Pháp (9/3/1945), những nhà lãnh tụ các đảng phái ở Sài Gòn vô cùng lạc quan; họ hô hào nước nhà đã được thống nhất và độc lập, nhưng riêng Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đoán biết không thể nào độc lập một cách dễ dàng như thế được, nên Ngài thành lập ngay Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.
Trong bài Hiệu Triệu, Ngài kêu gọi đồng bào các giới hãy tích cực đoàn kết để chung lo cứu nguy dân nước. Quả nhiên, thời cuộc đi đúng lời tiên đoán của Ngài, lúc bấy giờ ai cũng nể phục.
Kế tiếp là Ngài thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất (14/8/1945), rồi Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Chính Ngài lãnh trách nhiệm Chủ Tịch Mặt Trận nầy và dùng biệt danh là Hoàng Anh, nhưng tình thế cứ mãi xáo trộn bởi một số người không thật tâm cứu quốc gây ra.
Đến ngày 21/9/1946, Ngài thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ngài vạch rõ chương trình, đường lối nhằm mục đích xây dựng đất nước và nhân loại được sống trong một xã hội công bằng đạo đức, tự do dân chủ và tiến đến nhân loại đại đồng:
“Đem nguồn sống mới cho nhân loại,
Để tiến tiến lên cõi Đại Đồng”.
Và: “Dựng cuộc hòa minh khắp Đại Đồng”.
Đảng nầy ngoài số Tín Đồ PGHH còn có rất nhiều nhà Cách Mạnh chân chánh hưởng ứng.
Sau rốt, Ngài muốn nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc và thống nhất lãnh thổ Quốc Gia, nên vào khoảng tháng 10 năm 1946, Ngài nhận tham gia vào Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy viên Đặc Biệt.
Lúc đó Ngài có lời tuyên bố trước báo chí như sau:
“…Hôm nay, nhận rõ cuộc đấu tranh cho Tổ Quốc còn dài và cần nhiều nổ lực, hưởng ứng với tiếng gọi đại đoàn kết của Chánh phủ Trung Ương, Tôi quyết định tham gia hành chánh với những mục đích nầy:
1- Để tỏ cho quốc dân và chánh phủ thấy rằng chúng tôi chủ trương thống nhất lãnh thổ và độc lập quốc gia.
2- Để biểu dương tinh thần đoàn kết của dân tộc hầu mang đem thắng lợi cuối cùng.
3- Để tỏ cho đảng phái thấy rằng chúng tôi không khi nào có những tham vọng cao sang vương bá hay vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu quốc.
Biểu lộ tấm lòng thành thật ấy, tôi chỉ nhận một nhiệm vụ cần thiết, hạp với hoàn cảnh và năng lực mình, cố gắng giàn xếp về hành chánh và quân sự để củng cố và tăng cường lực lượng của Quốc gia.
Đối với toàn thể tín đồ PGHH, Tôi vẫn không quên rằng Tôi là một đệ tử trung thành của Đức Thích Ca, Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải thực hiện trên trường chính trị.
Đối với các đồng chí hiện đang cùng Tôi đeo đuổi một chương trình “Dân Chủ Xã Hội”, Tôi tuyên bố luôn luôn sát cánh với họ để chung lo gầy dựng một nước Việt Nam công bình và nhơn đạo, một nước Việt Nam tương xứng với các nước dân chủ tiền tiến trên hoàn cầu”.
Từ ấy cho đến cuộc biến cố tại Đốc Vàng, tức đêm 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (16/4/1947).
Tóm lại, trong thời gian 8 năm, từ ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), đến ngày 25 tháng 2 nhuần Năm Đinh Hợi (16/4/1947) bước lưu hành của Đức Giáo Chủ PGHH đến đâu và ở đâu Ngài cũng:
“Quyết cứu đời dùng Đạo phổ thông”.
Và:
“Dìu nhân sanh khỏi chốn mê lầm,
Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới”.
Cho nên:
“Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng”.