CHÁNH VĂN
CHÁNH-NIỆM.- Ghi nhớ sự chân chánh.
Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng ... Thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao nhiêu tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự cho nó. Danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quý ... được hằng ngày ghi nhớ. Vì thế, con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường, không thoát khỏi vòng sanh tử.
Để thoát chỗ luân-hồi, bỏ cuộc đời lầm than hoạn-họa, hãy rán tưởng niệm phương pháp hành Đạo, bỏ các điều phù phiếm, ghi nhớ công lao Đức Phật đối với quần sanh, bia tạc vào lòng những điều Phật giáo. Phải nhớ rằng xác-thân do tứ-đại (đất, nước, lửa, khí) tạo thành và sớm muộn gì nó cũng sẽ bị tan rã. Đặng vậy, ta mới bỏ được các sự xúc động các mối dục tình, tránh điều lụy khổ do nó gây nên.
LƯỢC GIẢI
(Chánh thứ bảy trong Bát Chánh)
1- ĐỊNH NGHĨA:
-CHÁNH NIỆM: là ghi nhớ sự chơn chánh.
-TÀ NIỆM: là ghi nhớ sự tà vạy nhơ xấu.
2- NGUYÊN NHÂN:
Do thất tình lục dục sai khiến làm cho con người đem hết tâm cơ trí lực phụng sự nó, nên nảy ra sự nhớ tưởng tà vạy nhơ xấu.
3- HÀNH TRẠNG:
Người còn tà niệm thường ghi nhớ những:“danh lợi, cảm tình, uy quyền, phú quí…”và các điều: còn mất, có không, thành bại, thương ghét không phút nào yên tĩnh.
4- TAI HẠI:
Người sống theo tà niệm tất còn vương phải tai hại là “niệm niệm mê lầm chẳng dứt” nên phải lăn lộn mãi trong sáu nẻo luân hồi không thoát khỏi vòng sanh tử.
5- HÀNH CHÁNH NIỆM:
Muốn đạt được chánh niệm, nhà tu cần phải thi hành các phương cách như sau:
a)- Luôn tưởng niệm những phương pháp hành Đạo, gạt bỏ các điều phù phiếm ra khỏi tâm tưởng.
b)- Ghi nhớ công lao và lời chỉ dạy của Phật của Thầy.
c)- Xét nghĩ đến thân tứ đại giả hợp, để lòng không còn chấp trước. Đức Thầy đã dạy:
“Tâm chánh niệm thường thường suy nghĩ,
Vật ở trần như bọt nước làn mây.
Thân ta còn rày đó mai đây,
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.
d)- Hãy tiến tu để chứng được chơn tâm thường trụ bất hoại.
6- LỢI ÍCH:
Người hành chánh niệm được kết quả:
a)- Đối với mọi trần cảnh, tâm không xúc động và luôn được an nhiên tự tại.
b)- Dứt hết cuộc đời lầm than khổ lụy.
c)- Tâm hạnh, phúc trí càng ngày càng vượn lớn, khiến ai cũng kính tin.
7- KẾT LUẬN:
Tóm tắt người hành được chánh niệm, sẽ đạt quả giải thoát, dứt sanh tử luân hồi và sớm thành bậc Chánh giác.
CHÚ THÍCH
THẤT TÌNH: Bảy cái tình trong tâm tưởng con người, tức là:“Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục”. Có nghĩa: mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn. Bảy cái tình ấy ví như bảy con ma, hay xúi người làm quấy. Đức Thầy hằng khuyên:“Thắng thất tình giữ vẹn đạo trung”.
LỤC DỤC: Sáu điều ham muốn của vọng tâm đối với sáu trần cảnh là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Lục dục cũng gọi là: sắc trang, tài lợi, danh vị, tư vị, hư vọng, tật đố. Nó ví như sáu con ma hay khơi gợi người đam mê ưa thích làm điều xằng bậy. Đức Thầy răn dạy:
“Trừ lục dục chớ cho ô nhiễm”.
TÂM CƠ: Cơ mưu riêng trong lòng.
TRÍ NÃO: Trí óc. Nói riêng về sự hiểu biết tính toán.
SÁU ĐƯỜNG: Nghĩa của chữ “Lục đạo”. Cũng gọi là 6 nẻo luân hồi, gồm có: cõi Trời, cõi người, cõi Thần, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục. Đức Thầy có câu:“Luân hồi sáu nẻo khôn lần bước ra”.
PHÙ PHIẾM: Bâng quơ, không thiết thực.
XÚC ĐỘNG: Động lòng, mủi lòng, cảm động nhiều.
LỤY KHỔ: Tai hại khổ sở.
CÂU HỎI
1/-Định nghĩa chữ Chánh niệm và Tà niệm ?
2/-Nguyên nhân nào sanh tà niệm ?
3/-Hành trạng của tà niệm ra sao ?
4/-Người còn tà niệm có tai hại gì ?
5/-Muốn được chánh niệm phải làm sao ?
6/-Hành chánh niệm được lợi ích gì ?
7/-Giải nghĩa chữ thất tình và lục dục ?
8/-Đức Thầy bảo hãy tưởng niệm phương pháp hành Đạo, nên kể một vài phương pháp chứng minh ?
9/-Cho biết mục kết luận chánh niệm ?