Mục IV : Nguyên nhân vùng ảnh hưởng bị giới hạn

10 Tháng Bảy 201312:00 SA(Xem: 19628)
Mục IV : Nguyên nhân vùng ảnh hưởng bị giới hạn

Trên lý thuyết, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo đã thiết lập được 34 cơ cấu trị sự cấp Đô, Tỉnh, Thị trên toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên thực tế, ảnh hưởng của Phật Giáo Hòa Hảo chưa thật sự vượt qua khỏi phạm vi châu thổ sông Cửu Long. (Cơ cấu trị sự tại các vùng khác chỉ có tính cách tượng trưng). Nhưng tại sao Phật Giáo Hòa Hảo không gây được ảnh hưởng tại các vùng khác ?

 

Thoạt tiên, phải kể đến yếu tố địa lý, trước mặt Phật Giáo Hòa Hảo là đồng bằng mà một phần thuộc Đồng Tháp Mười (vùng trủng chưa bồi đắp kịp), sau lưng là vùng núi có nhiều vẽ huyền bí (1) đã ảnh hưởng một phần đến sự bành trướng.

 

Phong trào lại tùy thuộc hoàn toàn vào vị Giáo Chủ trong khi vị nầy hiện diện quá ngắn ngủi và hành sử quá nhiều tư thế. Lực lượng lại thiếu người nuôi dưỡng, phát huy sau khi Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt.

 

Thời gian, phương tiện cũng cần thiết để phát triển tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo chỉ có 8 năm đối với vị Giáo Chủ và hơn 34 năm cho cả tôn giáo. Thời gian đó quả thật quá ngắn đối với một tôn giáo để phổ truyền giáo pháp ngay trên những vùng đất mà trước đó có nhiều tôn giáo khác có đầy đủ phương tiện vật chất, cán bộ đã thiết lập ảnh hưởng.

 

Ngay từ buổi đầu, Phật Giáo Hòa Hảo lại là kẻ thù lần lượt của Pháp, rồi Cộng Sản trước sức bành trướng nhanh chóng của tôn giáo nầy. Cộng đồng đã phải cùng một lúc đương đầu với hai lực lượng hùng hậu và đã phải bỏ rơi công tác tôn giáo, sau đó hoàn cảnh cũng không đãi ngộ Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Nội bộ lại chia rẻ từ sau ngày vị Giáo Chủ vắng mặt, hoạt động quân sự phủ trùm mọi lãnh vực trước kẻ thù nham hiểm, thủ đoạn đã tạo nên ấn tượng không thuận tiện trong tâm tư quần chúng nhứt là sự thận trọng của cư dân miền Trung và Bắc Việt Nam.

 

Nhìn lại giáo thuyết, luật lệ, lễ nghi Phật Giáo Hòa Hảo dù có giản dị nhưng vẫn còn nhiều phiền toái trong các sinh hoạt tôn giáo. Giáo thuyết nặng về luân lý hơn củng cố đức tin nên đã phải “cạnh tranh” rất khó khăn với các tôn giáo khác, nhất là Khổng Giáo.

 

Tóm lại, ảnh hưởng Phật Giáo Hòa Hảo giảm dần từ vùng Thánh Địa đến các vùng khác, và theo thời gian ảnh hưởng đó hầu như không gia tăng. Đồng thời, ảnh hưởng chỉ toát ra từ vị Giáo Chủ hơn là các phương diện khác. Điều đó, hẳn nhiên không thuận lợi cho sự trường tồn của Phật Giáo Hòa Hảo.

 

***

Chú thích : (1) Nguyễn Văn Hầu, Thất Sơn Mầu Nhiệm, Từ Tâm 1972.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn