2. Đức Huỳnh Phú Sổ.

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 27053)
2. Đức Huỳnh Phú Sổ.

Vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo sanh ngày 25-11 năm Kỷ Mùi (1919) tại Xã Hòa Hảo (nằm bên bờ sông Vàm Nao), quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, trong một gia đình trung nông, con của Ông Huỳnh Công Bộ và Bà Lê Thị Nhậm (tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo gọi là Đức Ông và Đức Bà). Vị Giáo Chủ mà tín đồ gọi là Đức Thầy hay Đức Huỳnh Giáo Chủ từ thuở bé sống rất trầm tư mặc tưởng, ít nô đùa…

Sau khi đổ bằng Tiểu Học (Certificat d’Études Élémentaires) Thầy đành bỏ dỡ việc học hành vì bịnh sốt rét. Chứng bịnh nầy khiến Thầy phải xanh xao, gầy ốm dù thân sinh Thầy đã tìm mọi phương cứu chữa nhưng bịnh vẫn không thuyên giảm (thời kỳ mà vị Giáo Chủ nầy gọi là giai đoạn “dọn mình, sút ve cho sạch”). Một đặc điểm khác là lúc thiếu thời, Thầy không thích việc lập gia đình nên rất hổ thẹn khi có người bàn đến việc nầy.

Năm 20 tuổi, sau 4 lần “du sơn” cùng thân sinh, ngày 18-5- năm Kỷ Mão (1939), Đức Huỳnh Phú Sổ chánh thức khai đạo để “Đền linh khứu sơn trung thọ mạng”. (1)

Cũng như các vị trước, ông tự nhiên tỏ ngộ và bắt đầu vân du giáo dụ, rồi đi khuyến nông, hoạt động chánh trị, cách mạng … và đã bị Cộng Sản ám hại.

Để đạt cứu cánh: tạo đức tin hầu giác ngộ quần chúng, vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã lần lượt xử dụng ba phương tiện: chữa bịnh, thuyết pháp và viết Sấm giảng để truyền giáo.

(1) Lược sử Đức Huỳnh Giáo Chủ -Trung Ương Giáo Hội 1972.

Công cuộc truyền giáo của Thầy càng có nhiều kết quả, tín đồ theo đạo càng đông, mối lo ngại của Pháp lại càng gia tăng. Hậu quả tất nhiên ông bị Pháp dời về Châu Đốc (giữa năm 1940), liền sau đó, Thầy bị đưa sang Sađéc. Bước đường giáo đạo của Đức Huỳnh Phú Sổ đã bắt đầu "dậm trường xuyên sơn”.

Tiếp nối thời gian bị đàn áp, Đức Huỳnh Phú Sổ lần lượt bị Pháp đưa về vùng Kinh Xáng Xà No (Cần Thơ) rồi trở lại thành phố Cần Thơ và được khám nghiệm thần kinh tại nhà thương Chợ Quán (Chợ Lớn). Tại đây, vị Bác sĩ khám nghiệm cho Thầy là Trần Văn Tâm đã trở thành một tín đồ ngoan đạo. Sau cuộc điều tra tại Công an cuộc (đường Catina) Thầy Huỳnh Phú Sổ bị đời về Bạc Liêu và đặt trong tình trạng giam lỏng.

Tình hình chánh trị, quân sự biến chuyển. Nhật uy hiếp Pháp ở Việt Nam và tìm hậu thuẩn ở các đảng phái chánh trị, tôn giáo. Nhờ đó, Đức Huỳnh Phú Sổ được cơ quan Hiến Binh Nhựt (Kempeitai) giải thoát và đưa Thầy về Saigon trước khi người Pháp định đưa Thầy sang Lào.

Sau cuộc đảo chánh 9-3-1945, vị Giáo Chủ họ Huỳnh đã thật sự dấn thân vào lãnh vực chánh trị và quân sự trong khi Ông không quên đang thi hành một sứ mạng thiêng liêng về tôn giáo. Lúc nầy Huỳnh Phú Sổ đã là một phần tử nguy hiểm đối với Pháp, nhất là Cộng Sản; dù vậy Thầy cũng không hẳn hoàn toàn hợp tác với Nhựt.

Hai năm sau ngày hoạt động chánh trị và quân sự, lãnh tụ Phật Giáo Hòa Hảo đã bị Cộng Sản ám hại tại Tân Phú (Đốc Vàng) thuộc Long Xuyên (nay thuộc quận Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong ngày 16-4-1947 (25-2 Đinh Hợi) trong khi Thầy là Ủy Viên Đặc Biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ và đang hòa giải cuộc xung đột vũ trang giữa Hòa Hảo và Việt Minh Cộng Sản, để lại sự trông chờ kính yêu cho gần ba triệu tín đồ và một sự nghiệp gồm nhiều phương diện:

* Về phương diện Tôn giáo: Ngoài tư cách Giáo Chủ của một tông phái “Đạo Phật Canh Tân”, Đức Huỳnh Phú Sổ còn thành lập Việt Nam Liên Hiệp Hội (1945) nhằm đoàn kết đạo Phật, chấn hưng Phật Giáo.

* Về phương diện kinh tế: Trước thảm cảnh của nạn đói Ất Dậu 1945 tại Bắc Kỳ, vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã đi đến 107 địa điểm tại các tỉnh miền Tây để kêu gọi tín đồ và đồng bào phát tâm cứu trợ những người Việt Nam ruột thịt, đồng thời “khuyến nông” để phát triển nông nghiệp, củng cố kinh tế…

* Về phương diện văn học: Vị Giáo Chủ họ Huỳnh còn đóng góp cho nền “Văn học Sấm giảng” rất nhiều thi phẩm. Ngoài 5 quyển Sấm Giảng, Đức Huỳnh Phú Sổ còn sáng tác hơn 215 bài thi trong những năm từ 1939 đến 1947 với biệt hiệu Sĩ Cuồng hoặc tên thật. (1)

* Về phương diện y học: Ngoài tư thế một vị Giáo Chủ, một nhà truyền giáo, Đức Huỳnh Phú Sổ còn là một vị thầy thuốc với phương pháp chữa trị riêng và truyền lại 33 toa thuốc Nam trị nhiều chứng bịnh.

Về phương diện quân sự: Đức Huỳnh Phú Sổ đã chỉ huy hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp các bộ đội quốc gia để kháng chiến chống Pháp. Đó là các Chi Đội, 9, 21, 25 …. của Bình Xuyên, các Chi Đội 7, 8 của Cao Đài, Chi Đội 5 của Quốc Dân Đảng, Bộ Đội Đặc Biệt An Điềm (của nhóm chánh trị phạm Côn Đảo), và các bộ đội Phật Giáo Hòa Hảo như: Bảo An, Đệ IV Sư Đoàn Dân Quân, Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc, Liên Đội Nguyễn Trung Trực, Chi Đội 30 Nguyễn Trung Trực. (2)

* Về phương diện chánh trị: Dù là một vị Giáo Chủ nhưng Đức Huỳnh Phú Sổ vẫn hăng say hoạt động chánh trị và luôn có mặt trong các đoàn thể quốc gia từ năm 1945 cho đến khi Thầy bị Cộng Sản ám hại. Việc hoạt động chánh trị, kể cả việc tham chánh đều được Thầy công khai xác nhận, và cụ thể nhất trong việc vận động thành lập các đoàn thể chánh trị sau đây:

- Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội, một tổ chức được thành lập sau ngày 9-3- 1945 nhằm kêu gọi mọi giới đồng bào tiếp tục vận động cho nền độc lập thật sự cho Việt Nam, nhưng Hội không thành công vì sự yêu cầu của Nhựt xin vị Giáo Chủ của hơn hai triệu tín đồ miền Tây Nam Việt Nam giữ vị trí thuần túy tôn giáo.

- Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt với sự kết hợp của những tổ chức như: Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Thanh Niên Tiền Phong, Nhóm Trí Thức, Liên Đoàn Công Chức, Tịnh Độ Cư Sĩ, Cao Đài Giáo, Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội và có cả nhóm tranh đấu của Đệ IV Quốc Tế với mục tiêu: chống Đế Quốc Pháp, chống Thực Dân, bảo vệ trị an, bài trừ phản động. Mặt trận coi như tan rả khi các thành viên gia nhập Mặt Trận Việt Minh, Đức Huỳnh Phú Sổ được đề cử vào Ủy Ban Nhân Dân của Hành Chánh Nam Bộ, nhất là khi cuộc tranh chấp Hòa Hảo – Việt Minh trở nên khốc liệt.

- Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Hạ tuần tháng 4-1946 các đảng phái gồm cả các nhóm Cộng Sản trong Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ không phân biệt màu sắc chánh trị tổ hợp thành Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp mà Đức Huỳnh Phú Sổ với biệt danh Hoàng Anh là Chủ Tịch của Mặt Trận nầy.

Gần ba tháng sau, Cộng Sản khủng bố Mặt Trận, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Bình rút ra khỏi Mặt Trận và thành lập Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam. Các đảng phái còn lại không gia nhập tổ chức mới. Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp coi như tan rả.

- Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Tiếp tục cộng tác với các đảng phái quốc gia hoạt động, ngày 21-9-1945 Đức Huỳnh Phú Sổ cùng Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Nguyễn Hoàn Bích, Phan Khắc Sửu, Lâm Văn Tếch … đã thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng với chủ trương Công Bằng Xã Hội Và Dân Chủ Hóa nước Việt Nam. Tháng 10-1946 Đức Huỳnh Phú Sổ lại tham chánh trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ với chức vụ Ủy Viên Đặc Biệt.

-Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc: Gọi tắc là Mặt Trận Toàn Quốc được thành lập ngày 17-2-1947 tại Nam Kinh (Trung Hoa) trong đó có sự tham gia của Đức Huỳnh Phú Sổ và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng bên cạnh các đảng phái quốc gia khác như Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội ( Nguyễn Hải Thần), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Nguyễn Tường Tam), Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, Cao Đài, Đoàn Thể Dân Chúng, Liên Đoàn Công Chức.

Vì vậy vị Giáo Chủ trẻ của Phật Giáo Hòa Hảo đã có mặt trong nhiều lãnh vực như vừa trình bày và cũng chính Phật Giáo Hòa Hảo là một lực lượng quốc gia đáng kể trong sự đối kháng các lực lượng ngoại xâm và khuynh hướng Cộng Sản độc tài. Cũng từ các hoạt động đó mà lực lượng trở thành một đoàn thể đặc biệt trong sinh hoạt quốc gia.

Và vì trạng thái đặc thù, người viết cảm thấy vô cùng khó khăn: viết cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và không phải tín đồ đọc.

Nếu chỉ muốn đề cao phần thiêng liêng của một vị Giáo Chủ, một tôn giáo, thì không thể làm sáng tỏ sự nghiệp cách mạng của Đức Huỳnh Phú Sổ; ngược lại nếu nhìn Phật Giáo Hòa Hảo với cặp mắt khoa học, ngoại đạo để tuyên dương sự nghiệp chánh trị của Ngài thì có thể bị hiểu lầm, ngộ nhận.

Nhưng, ngày nay, với chừng ấy sự nghiệp, vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã trở thành con người của lịch sử, thì mọi người Việt nam dù là Phật Giáo Hòa Hảo hay không phải Phật Giáo Hòa Hảo, nếu xác nhận lập trường chống Cộng và yêu nước đều không thể phủ nhận công ơn của Ngài đối với quốc gia dân tộc.

(Tác giả sẽ trở lại nhận định về bản chất Phật Giáo Hòa Hảo ở cuối Chương).

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương 1970.
 (2) Lê Quang Liêm, Lược Sử Đức Huỳnh Giáo Chủ, Trung Tâm Phổ Giáo 1971.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn