Không thể phủ nhận thực lực chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Nam Việt Nam. Một đảng chánh trị (Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng) kỳ cựu có chủ nghĩa, có đường lối hoạt động, có lập trường quốc gia vững chắc mà những ngày qua đã đóng góp rất nhiều cho lịch sử trong những lần vận động độc lập cho đất nước. Ngày nay, đảng dựa vào hậu thuẩn một tôn giáo để phát triển và hành động trong khi khuynh hướng Dân Xã cũng được coi như một trong những giải pháp hòa giải cuộc chiến và sự phân chia hiện tại của Việt Nam.
Nhờ ở khối tín đồ thuần nhứt và cô động Phật Giáo Hòa Hảo có thể cùng các tôn giáo khác dự phần giải quyết cuộc chiến tranh Nam Bắc.
Một ưu thế khác nữa, Phật Giáo Hòa Hảo đang chiếm giữ một địa điểm chiến lược quan yếu trên vùng châu thổ sông Cửu Long mà Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh không thể bỏ rơi và hẳn nhiên phải bảo vệ lực lượng gồm hầu hết đoàn viên tích cực chống Cộng.
Cũng không thể loại trừ một ưu điểm về giáo thuyết Học Phật Tu Nhân đã đào tạo những công dân sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, cho quốc gia. Nhờ đó, Phật Giáo HòaHảo lại được củng cố một thế chánh trị càng vững chắc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khung cảnh chậm tiến quốc gia, sinh hoạt dân chủ còn quá phôi thai, với những bước đi dọ dẫm, sinh hoạt chánh trị, dân chủ Phật Giáo Hòa Hảo lại càng bi đát hơn : thực lực chia rẻ, lập trường không đồng nhứt, thiếu cán bộ chuyên nghiệp, các đại diện không phản ảnh trung thực khuynh hướng mà mình đại diện. Sự kiện với 03 Nghị Sĩ và 15 Dân Biểu tại nghị trường nhưng không tạo được sinh khí Phật Giáo Hòa Hảo, cũng như không có tiếng nói chung của các đại diện đã nói lên tình trạng rạn nứt, chia rẻ trầm trọng của lực lượng
Tình trạng đó như đã nói – do chánh trị tạo nên và nuôi dưỡng mà một nguy cơ làm sụp đổ Phật Giáo Hòa Hảo đang ló dạng.
Thêm vào đó, dủ đã tham gia vào sinh hoạt chánh trị nhưng Phật Giáo Hòa Hảo chưa sử dụng đúng mức những kỹ thuật áp lực thông thường như thông tin tuyên truyền, bạo động để áp lực trên các trung tâm quyết định như Hành Pháp, Lập Pháp và Hành Chánh …. Trong khi lực lượng chưa gây xúc động quần chúng trên dư luận. Và dù là một tôn giáo, hình thức vận động tín đồ qua kỹ thuật “thuyết pháp” hay thông tin hữu hiệu : Sự rỉ tai chưa được đoàn thể khai thác đúng mức.
Đó là hoàn cảnh của một đoàn thể vừa trưởng thành nhưng thiếu chuẩn bị trước một môi trường đầy quyến rủ. Từ lâu, đa số cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo là những người kháng chiến, sống ở bưng biền, mật khu và ngày nay, họ đã công khai hóa các sinh hoạt của mình. Vì vậy, nếp sống đặc thù của sinh hoạt chánh trị Phật Giáo Hòa Hảo vừa táo bạo vừa rụt rè, vừa dấn thân vừa do dự. Và cũng nhờ đó mà người ta nhận diện được nỗi khổ tâm của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vốn chất phát mà giàu nhân đạo, vốn dễ tin nhưng cũng rộng lượng. Cùng vai trò của chánh quyền trong sinh hoạt chánh trị ở một quốc gia vừa bắt đầu đi vào con đường dân chủ hóa hay chiều hướng sinh hoạt chánh trị của các cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo.
Các khía cạnh khác của sinh hoạt chánh trị Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được tác giả khảo luận trình bài tiếp ở chương cuối cùng của luận văn.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(1) Nguyễn Ngọc Huy, cuộc bầu cử bán phần Thượng Nghị Viện 30.8.1970, Cấp Tiến số 21 – 1970 trang 3.
(2) Công Luận, Thách Đố ngày 7.8.1971
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------