1. Đức Phật Thầy Tây An và các vị kế truyền Bửu Sơn Kỳ Hương.

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 24610)
1. Đức Phật Thầy Tây An và các vị kế truyền Bửu Sơn Kỳ Hương.

1.- ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN VÀ CÁC VỊ KÊ TRUYỀN BỬU SƠN KỲ HƯƠNG.

Vị Giáo chủ giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH) chính danh Đoàn Minh Huyên đã khai sinh tông phái vào năm Kỷ Dậu (1849) tại nguyên quán Tòng Sơn (Sađéc) (1); và lấy Chùa Tây An (Núi Sam, Châu Đốc) làm nơi truyền giáo (vì vậy mà Ngài được gọi là Phật Thầy Tây An). Tín đồ được vị Giáo Chủ cấp một “lòng phái” (giấy vàng viết chữ Hán bằng mực đỏ) có ghi 4 chữ “Bửu Sơn (Núi Báu) Kỳ Hương (mùi thơm lạ)”. Thầy Đoàn Minh Huyên xướng minh pháp môn “Tu Nhân Học Phật” và dạy tín đồ trọng “Tứ Ân”, thờ ngôi “Tam Bảo” với Trần Điều.

 

Ngoài việc dạy tín đồ, Đức Phật Thầy Tây An còn truyền một bí pháp cho các đại đệ tử để thay Ngài giúp đời trị bịnh, và lập trại ruộng, qui tụ nông dân quần cư (2). Ảnh hưởng Bửu Sơn Kỳ Hương – nhờ đó – lan rộng khắp các tỉnh miền Tây Nam Việt Nam và theo học giả Lê Văn Siêu: Miền Hậu Giang nhờ giáo lý mà hóa độ được đám dân quân cư tứ chiến và tránh được tình trạng trụy lạc, đàng điếm (Đuốc Từ Bi số 3 tháng 4/1965).

 

Sau Đức Phật Thầy truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương không trực tiếp kế truyền đến Phật Giáo Hòa Hảo mà còn trải qua các vị Tổ sư khác, nhưng sự tiếp nối đó không hề do sư môn trao truyền cho đệ tử, lại do tâm đắc hoặc cách cảm bằng trực giác giữa các vị. (3)

 

Vị thứ nhứt sau Đức Phật Thầy là Đức Phật trùm (còn gọi là Đạo Đèn) khai đạo năm 1868 tại Châu Đốc và cũng áp dụng phương thức truyền đạo, giáo lý của Thầy Đoàn Minh Huyên.

 

Qua hai lần hoằng giáo của Bửu Sơn Kỳ Hương – thời kỳ thành lập giáo hệ - Ngoài thành tích về tôn giáo, xã hội, tông phái nầy còn được tuyên dương sự nghiệp về nông nghiệp. Đến cuối thời Phật Trùm đã có 04 trại ruộng được thành lập,: (1) Trại trên núi Thái Sơn cách Núi Sam 10 km do Đức Phật Thầy Tây An thành lập, (2) Trại Bửu Sơn Các (Láng Linh) ở làng Mỹ Thạnh Tây – An Hương – Châu Đốc, (3) Trại ruộng ở Núi Voi do Đức Phật trùm cai quản, (4) Trại ruộng ở Mỹ Thạnh Đông – An Hương – Châu Đốc do Đức Cố Quản Trần Văn Thành cai quản. (4)

 

Thời kỳ kế tiếp của Bửu Sơn Kỳ Hương là thời kỳ củng cố giáo hệ. Khởi đi từ Đức Bổn Sư, kế truyền Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư Ngô Lợi sau những năm hóa đạo đã chánh thức mở đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” tại Núi Tượng (nên được gọi là Đức Bổn Sư Núi Tượng) theo giáo pháp của Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng thờ phượng theo nhà thiền. Ngài cũng truyền lại nhiều kinh giảng như “Đồ Thư” và “Hiếu Nghĩa”.

 

Bửu Sơn Kỳ Hương sang thời kỳ thứ II: Phổ biến giáo hệ, với hai vị: Ông Sư Vải Bán Khoai và Thầy Huỳnh Phú Sổ.

 

Cũng trong khoảng cách giữa Đức Phật Thầy Tây An và Đức Phật Trùm, Ông Sư Vải Bán Khoai xuất hiện 12 năm sau ngày Đức Bổn Sư viên tịch cũng với giáo pháp của Đức Bổn Sư. Ngoài ra, Ông Sư Vải trong khi truyền giáo đã thường hay cải dạng nhằm đối phó với sự đàn áp khắc nghiệt của Pháp và phù hợp với hoàn cảnh xã hội khi nền văn minh vật chất Tây Phương ồ ạt du nhập vào Việt Nam. (5)

 

39 năm sau khi Ông Sư Vải Bán Khoai vắng bóng, năm 1939, Thầy Huỳnh Phú Sổ hoằng khai đạo Phật Giáo Hòa Hảo để kế truyền dòng pháp Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Theo Ông Hồ Hữu Tường (trong Phi Lạc Sang Tàu) thì Đoàn Minh Huyên chính là Nguyễn (Hồ) Quang Thiệu (con Vua Quang Trung) lưu lạc vào Nam và cải danh là Đoàn Minh Huyên. 

(2) Nguyễn Văn Sâm, Các Tôn Giáo Miền Nam, giảng văn “Văn Minh Việt Nam” Đại Học Văn Khoa Saigon 1972-1973. 

(3) Nguyễn Văn Hầu, Nhận Thức Phật Giáo Hòa Hảo, Saigon 1968 trang 18. 

(4) Nguyễn Văn Sâm, Các Tôn Giáo Miền Nam, Giảng Văn “Văn Minh Việt Nam”, Đại Học Văn Khoa Saigon 1972-1973.  

 (5) Vương Kim, Giác Tiến, số 7 năm 1957 trang 23.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn