2. Cơ sở họat động chánh trị hay các Trung Tâm chánh trị PGHH

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 22392)
2. Cơ sở họat động chánh trị hay các Trung Tâm chánh trị PGHH


Sự chia rẽ của các khối một phần lớn do dị đồng lập trường chánh trị mà những tổ chức ngoài vị thế trung tâm sinh hoạt Phật Giáo Hòa Hảo còn là những cơ sở lấy phiếu hay nhóm áp lực trong các cuộc tuyển cử.

 

Các tổ chức thuộc khuynh hướng đối lập với chánh quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về mọi phương diện phải kể trước hết là khối Phan Bá Cầm. Khối được tổ chức chặt chẽ và cán bộ đoàn viên luôn chứng tỏ sự kiên trì, hữu hiệu trong mọi vận động nhứt là qua các cuộc bầu cử có sự tham gia của khối nầy. Cũng thuộc khuynh hướng bất hợp tác với chánh quyền, khối Trình Quốc Khánh đã xác định lập trường qua “Phong trào chống độc tài độc diễn” trong kỳ bầu cử Tổng Thống 1971 của vị Tổng Bí Thư Nguyễn Hữu Lễ. Lập trường đó đánh dấu khúc quanh của thời kỳ “trăng mật” của “Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội” mà Dân Xã Đảng hệ phái 3 sao là một thành viên.

 

Cả hai tổ chức trên đểu chống lại sắc luật 060/TT/SLU ngày 27-12-1972 về qui chế chánh đảng nên đến nay chưa hủy thể để khai sinh một tổ chức mới.

 

Cũng có thể kể vào khuynh hướng nầy, Hội Cựu Quân Nhân Phật Giáo Hòa Hảo của Nghị Sĩ Trần Văn Đôn. Trong lý thuyết, Hội không chủ trương tham gia chánh trị nhưng thực tế vị Chủ Tịch của Hội đã liên kết với khối Phật Giáo Ấn Quang trong liên “danh Hoa Sen” qua các lần bầu cử mà Hội vẫn là cơ sở lấy phiếu cho liên danh.

 

Ngược lại, đại diện cho khuynh hướng thân thiện với chánh quyền hiện hữu là khối Ông Lương Trọng Tường. Mặc dù không công khai minh thị lập trường chánh trị nhưng khối khẳng định “Học Phật tu Nhân trong đó có Ân Đất Nước (1). Phản ảnh lập trường cố hữu đó, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương qua vị phát ngôn viên chánh thức của khối xác nhận Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương tôn giáo hóa chánh trị, và giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo không thể thuần túy tôn giáo mà phải chống Cộng Sản độc tài để “cứu nguy đất nước và giữ đạo chờ Thầy” (2). Vì vậy, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương luôn có những phản ứng trước những biến cố chánh trị và quân sự.

 

Đồng quan điểm với khối trên, Hội Cựu Chiến Sĩ Nguyễn Trung Trực và Bảo An Quân qua vị Chủ Tịch Nghị Sĩ Lê Phước Sang được mô tả như ủng hộ tích cực lập trường của Chánh quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

 

Trong các cuộc tuyển cử bán phần Thượng Nghị Viện, Liên danh Mặt Trời (năm 1970), Liên danh Dân Chủ, Bạch Tượng (1973) đã dựa vào hai khối trên để tìm hậu thuẩn. Hiện nay đã có ít nhứt hai Nghị Sĩ và 05 Dân Biểu đại diện cho khuynh hướng nầy tại Quốc Hội.

 

Ngoài ra, Giáo Hội khối Lê Quang Liêm (lý thuyết chủ trương không đem chánh trị vào tôn giáo) qua vị Hội Trưởng lập trường chánh trị không có gì mâu thuẩn với nhà nước và cũng có ít nhứt 04 Dân Biểu của khối tại Hạ nghị Viên (1971-1975).

 

-----------------------------------------------------------------------------


(1) Lương Trọng Tường, Diễn văn Đại Hội Thường Niên toàn quốc ngày 27.12.1972 tại Thánh Địa Hoà Hảo.


(2) Lương Trọng Tường, lời tuyên bố nhân đến chủ tọa Lễ Khánh Thành Trụ Sở Trung Ương Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Phật Giáo Hòa Hảo tại Long Xuyên ngày 18.7.1973.


***

 

Khuynh hướng thứ ba với lập trường “ôn hòa” nhưng tương đối gần với chánh quyền hơn đối lập có hai khối : Lâm Thành Nguyên với Tập Đoàn Cựu Chiến Sĩ Hòa Hảo – Dân Xã và Nguyễn Văn Ca với Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Khuynh hướng được 02 Dân Biểu tại nghị trường.

Một tổ chức khác, khối Ban trị Sự Trung Ương luôn minh định lập trường “Thuần túy tôn giáo”. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong cơ cấu Trị Sự Trung Ương là những nhân vật có liên hệ ít nhiều đến chánh trị (1).

Lập trường của khối cũng không có gì mâu thuẩn với khối Dân Xã của Phan Bá Cầm (2); dù vậy, cũng chưa có gì chắc chắn chứng tỏ hai khối liên kết nhau.

Trong giai đoạn hiện tại, với lập trường “thuần túy tôn giáo” coi như khối nầy đã có một chủ trương chánh trị. Hiện có 02 Dân Biểu được sự hổ trợ của cử tri vùng ảnh hưởng của khối tại Hạ Nghị Viện.

Thực thể tượng trưng cho giáo quyền và mang tính cách thuần túy tôn giáo, đúng lên trên mọi tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo là Tổ Đình. Các phe nhóm, các đoàn thể, chánh quyền, chánh khách đều mong được sự ủng hộ của thực thể nầy.

 

Trong Phật Giáo Hòa Hảo còn có vài nhóm khác nhưng tầm hoạt động và ảnh hưởng không đáng kể. 

------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1) Huỳnh Văn Nhiệm, Thành Nam, Văn Phú, Quant Hữu Kim, Nhan Đức Khương, Lâm Ngọc Thạch, Cựu Nghị Sĩ Lê tấn Bửu và Nghị Sĩ Trần Duy Đôn. 

(2) Ông Phan Bá Cầm chủ trương :”Giáo Hội thuần túy tôn giáo, đảng thuần túy chánh trị” (việc chanh trị có đảng lo, việc tôn giáo có tôn giáo lo).
 

 -----------------------------------------------------------------------------------------------------


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn