Tổ chức cơ cấu

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 48566)
Tổ chức cơ cấu

 

Năm 1946, trong một câu trả lời cho báo Nam Kỳ, Đức Thầy có cho biết rằng Ngài đã kết nạp được hơn triệu tín đồ. Sau đó, nhờ ảnh hưởng của 107 lần chu du khuyến nông thuyết pháp của Ngài qua các tỉnh miền Nam hồi 1945 và nhờ sự truyền bá Kinh Giảng không bị cấm ngăn như dưới thời Pháp thuộc, số tín đồ P.G.H.H. tăng lên đến 2.000.000 người. Từ họ Ngô bị lật, sự truyền bá tư tưởng được tự do hơn, số tín đồ PG.H.H. càng lúc càng tăng thêm. Cụ thể ở Gò Công, Long Khánh, (miền Nam) hoặc Cam Ranh, Sông Cầu (miền Trung) xưa kia rất ít hoặc không có bóng dáng người tín đồ P.G.H.H. thì ngày nay, bàn Thông Thiên cũng như trang Tam Bảo được thượng lên tại nhiều nhà để thể hiện tinh thần quy phục.

 

Số tín đồ P.G.H.H. hiện hữu, đại diện cho một tỉ số 39% trên dân só vùng Hậu Giang hay 18% trên tổng số dân Việt Nam Cộng Hòa. Có những tỉnh như Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong, Sa Đéc, tín đồ P.G.H.H. lên đến 90%. Dân số ở các tỉnh khác, tỉ số này thay đổi từ 20 đến 60%.

 

Với một khối quần chúng vĩ đại mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã kết nạp được, Ngài đã cho thành lập ngay từ năm 1945, các cơ cấu trị sự của Đạo từ Trung Ương đến thôn xã. Chính Ngài đã giữ nhiệm vụ Chánh Hội Trưởng cấp Trung Ương của Đạo để điều hành các cơ sở hạ tầng. Ngài cũng đã lập Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội để hô hào thống hợp đạo Phật trong nước giữa khi các sơn môn nếp sinh hoạt rời rạc với cảnh tượng “riêng Pháp bảo, riêng chùa, riêng Phật”. Nhưng các cơ cấu nói trên vì tình thế, bị bế tắc, hoặc có hồi ngưng trệ.

 

Hiện nay, sau những lần Pháp nạn khốc liệt, P.G.H.H. đã có tư cách pháp nhân. Giáo Hội Trung Ương (nhiệm kỳ 1) lần hồi phục hoạt các cơ cấu Trị sự cũ và thiết lập thêm các cấp Trị Sự mới, làm thành một hệ thống dây chuyền, chặt chẽ liên hệ nhau để thiệt hành việc đạo.

 

Theo nguyên tắc dân chủ, Giáo Hội được bầu cử từ Chi hội lên Ấp, Xã, Quận, Tỉnh, đến Trung Ương. Mỗi cơ cấu có một Ban Trị Sự đông từ 9 vị (Xã) đến 17 vị (Trung Ương) và cho đến nay, Giáo Hội gồm có:

 

- 16 Ban Trị Sự Tỉnh và Liên Tỉnh

 

- 56 Ban Trị Sự Quận

 

- 363 Ban Trị Sự Xã

 

- 2.842 Ban Trị Sự Ấp

 

Giữ đúng tinh thần vô vi, Giáo Hội không chủ trương kiến trúc quy mô các cơ sở quy ngưỡng. Tuy nhiên, dù giản dị thế mấy, Giáo Hội cũng đã có:

 

- 401 hội quán và 2.876 trụ sở (1)

 

- 152 Tự viên (đã được hợp thức hóa thành tài sản Giáo Hội).

 

- 388 Độc giảng đường với 401 bộ máy phóng thanh (2)

 

Số Trị viên các cấp để sinh hoạt tại các Ban Trị Sự, cộng 23.848 người. Ngoài ra Giáo Hội còn có hằng trăm Giảng viên và 10.000 Giảng sinh được đào tạo tại 21 trung tâm tu học và Học viện Giáo Lý với trách nhiệm đi diễn giảng Đạo Pháp khắp nơi cho đại chúng nghe. Giáo Hội lại tổ chưc các Ban Quản Tự các Tự Viện, Ban Quản Trị các Độc Giảng Đường để liệu lý công việc nhà chùa và điều hành các công quả xướng đọc Sấm Giảng. Mỗi Ban Quản Tự là 13 nhân viên và mỗi Ban Quản Trị cũng 13 nhân viên. Như vậy, số Ban Quản Tự và Ban Quản Trị gồm có:

 

- Ban Quản Tự Tự Viện: 13 x 152 : 1.976 nhân viên

 

- Ban Quản Trị Độc Giảng Đường: 13 x 388 : 5.044 nhân viên.

 

Tổng cộng nhân viên của các ngành thuộc hệ thống Giáo Hội hiện nay là 40.968 người. ai nấy đều làm việc hoàn toàn hi sinh với tính cách sư sĩ tại gia, tự làm lụng để tự tu tự độ và gắng gổ độ tha, không được cung cấp lương bỗng và cũng không thụ nhận sự tài trợ của ai hết.

 

Tất cả trên dưới một lòng hướng về vị lãnh đạo duy nhất và tối cao là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Từ ngày 16-4-1947, Đức Giáo Chủ vắng mặt, quyền uy tối thượng toàn thể tín đồ vẫn đặt trọn nơi Ngài. Nhưng về phần tinh thần, có Đức Ông Huỳnh Công Bô và Đức Bà Lê Thị Nhậm (thân phụ và thân mẫu của Ngài) lần lượt nối tiếp giữ nhiệm vụ hướng dẫn đồng đạo.

 

Hiện nay, Đức Ông và Đức Bà đã viên tịch, Tổ Đình (1) vẫn được quy ngưỡng. Nơi đây có cụ Huỳnh Văn Quốc, bào đệ Đức Ông, cô Huỳnh Thị Kim Biên, bào muội Đức Thầy, ông Lâm Đồng Thanh, tế tử của Đức Ông và Đức Bà, đại diện trông coi phụng tự và nhắc nhở việc tu hành cho các tín hữu. Hằng năm đến ngày 18 tháng 5 âm lịch, tức ngày kỷ niệm Đức Thầy khai sáng đại đạo, người ta kéo về như thác đổ, bàn chân nối tiếp với bàn chân, họ quỳ rạp từ thềm nhà tổ đến ngoài sân, nguyện cầu bá tánh giải thoát tâm mê và Đức Thầy mau trở lại...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn