Tính chất giản dị trong việc thờ cúng là tính chất dân tộc

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 39649)
Tính chất giản dị trong việc thờ cúng là tính chất dân tộc

 

Trong tác phẩm Bản ngã người Việt (2) chúng tôi đã nói đến tâm tình giản dị hồn nhiên của người dân Việt Nam.

 

Với đặc tính đó, PGHH đã không chấp nhận những nghi lễ quá rườm rà phiền toái có thể gây tốn kém vô ích và sai xa bản thể thanh tịnh vô vi của Phật giáo.

 

Người tín đồ P.G.H.H. trong việc trang trí chỗ thờ phượng, thật hết sức giản dị tinh khiết. Cư sĩ tại gia P.G.H.H. chỉ trú trọng vào ba nơi thờ chánh là Bàn Thông Thiên (đặt giữa trời), Bàn Thờ Ông Bà Bàn Thờ Phật (đặt trong nhà). Trong trường hợp giản dị tối đa, người tín đồ P.G.H.H. có thể tưởng niệm trong lòng mình cũng đủ.

 

Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà

Phật bất chấp không nài thời khắc

 

Việc cúng Phật, theo quy tắc chính yếu của đạo, là không cúng bằng vật gì khác hơn bông hoa và nước lả, đèn hương. Nhưng nếu người tu không đủ phương tiện vật chất hoặc điều kiện thuận tiện thì được phép giảm chế tất cả. Chính Đức giáo Chủ đã dạy các tín đồ của Ngài: “Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không”.

 

Cái bản nhiên giản dị củqa dân tộc từ thời cổ sơ cho mãi mãi đến về sau, được giữ lại trong tính chất hồn nhiên của P.G.H.H. Hãy nghe những lời giảng dạy của Đức Giáo Chủ trong việc thờ tự:

 

“Nếu trong nhà chật, nội bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài.

 

Còn người nào có cốt Phật trong nhà, để vậy cũng đặng . Hình tượng bằng giấy không nên chừa lại và phải đốt đi.

 

Kẻ nào ở chung đậu với người khác không tu hiền, hoặc nhà cửa nhỏ hẹp quá không có chỗ thờ phượng thì đến giờ cúng kiến chỉ vái thầm và niệm Phật trong tâm cũng được”.

 

Nhưng giản dị không có nghĩa là bỏ đi tất cả lễ nghi khuôn phép. Giản dị là để cho “lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nháng bề ngoài” mà thôi. Mà lòng tin tưởng trở lại tâm hồn tức là người tu phải chứng ngộ được lòng chí thành của mình. Chính điều đó mới là sự tối quan trọng để cho hành giả đắc đạo, chứ việc cúng dường cũng vẫn không có gì là cần thiết lắm. Đức giáo Chủ có nói:

 

Tới với ta chớ đem đồ cúng

Chỉ đem theo hai chữ thành lòng

 

Xem thế thì đủ rõ cái hồn nhiên dung dị vốn có của dân tộc và hiện thấy trong P.G.H.H. không phải là không cần thiết.

 

(1)Đã đăng trên Tuần san Văn đoàn bộ III, từ số 42 đến 50, ngày 16-8-1962 đến 17-10-1962.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn