Mẩu chuyện số 52 - LỜI KHÉO KHỎI TAI NẠN

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 45508)
Mẩu chuyện số 52 - LỜI KHÉO KHỎI TAI NẠN

C

âu chuyện nầy vào lúc Đức Thầy mới khai Đạo, tức là năm 1939. Ở chợ Mới có ông Phủ Nẵm, làm Quận Trưởng, lãnh trách nhiệm của nhà cầm quyền Pháp, cho người theo dõi Đức Thầy. Hắn mật báo với Chánh tham Biện tỉnh Long Xuyên là Đức Thầy mưu toan quốc sự. Mặt khác, hắn luồn bắt những người truyền bá kinh giảng Phật Giáo Hòa Hảo và ra lịnh cho Ban Hội tề các xã trong quận Chợ Mới hãy biên tên những ai đã quy y với Đức Thầy, nạp hết danh sách lên để hắn căn cứ vào đó mà lừa lọc, rồi cho lính bắt đánh đập, tù đày.

Lúc bấy giờ tại xã Long Điền có hai ông Năm Cống và Nguyễn văn Sóc, thấy tình thế như vậy liền bơi xuồng lên Hòa Hảo để gặp Đức Thầy (vì sợ lộ chuyện nên không dám đi bộ). Khi hai ông bước vô Tổ Đình vừa kỉnh lễ xong, thì quay ra chào Đức Thầy. Ngài liền hỏi:

-Có gì không? Ở dưới họ biên tên những người theo Đạo và bắt bớ phải không?

Hai ông Năm Cống và Nguyễn văn Sóc bạch với Thầy rằng:

-Thật đúng vậy, chúng tôi sợ quá không biết phải làm sao.

Đức Thầy ôn tồn bảo:

-Hai ông về yên tâm, nếu họ có đến hỏi thì cứ nói: Tôi theo Đạo Ông Tư Hòa Hảo, ông dạy tôi ăn chay, làm lành, lánh dữ, sưu đi, thuế đóng.

Hai ông lấy viết ghi lời của Đức Thầy dạy xong xuôi thì Thầy liền đứng dậy. Mặt Ngài bừng đỏ và nghiêm trang đưa cánh tay ra và xòe bàn tay nghiêng vừa dằn xuống, vừa nói:

-Không chỉ sưu đi thuế đóng như vầy thôi đâu.

Ngài lập lại câu nói ây ba lần. Nghe xong ông Cống và ông Sóc kỉnh lễ rồi chào xá Đức Thầy từ gĩa ra về.

Qua hôm sau thì có làng lính đến hỏi, ghi tên vào danh sách. Hai ông đều trả lời đúng theo câu Đức Thầy đã dạy, họ chép y văn, báo lên quận, nên hai ông khỏi bị bắt trong đợt đó.

Câu chuyện này thuật theo lời của ông Nguyễn văn Sóc.

PHẦN NHẬN XÉT:

N

gười xưa thường bảo: “Một lời nói có thể làm cho nước thạnh nhà an, và cũng vì một lời nói mà làm cho tan nước” (Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang). Thật vậy, lời nói nó có hiệu năng tạo ra muôn hình vạn trạng khác nhau, có khi hòa ái khi trở thành thù nghịch, từ thù chia rẽ trở nên hòa nhã yên vui. Cho nên người đời cẩn trọng trước khi sử dụng lời nói, phải tùy thời, tùy chỗ mà áp dụng chớ không cố định. Có lúc lời nói phải cương cường, nhưng có lúc phải nhu hòa mềm dẽo, miễn làm sao đem lại sự kết quả tốt đẹp là được.

Cổ Đức răn dạy: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”. Người đời vì không biết thận trọng lời nói nên thường chuốc lấy tai hại, như vua Tề thời chiến quốc, ỷ ngôn khinh ngạo Trường Vạn trong cuộc đánh cờ, nên bị Trường Vạn đập cho một bàn cờ chết tốt. Còn người biết cẩn ngôn cẩn hạnh sử dụng lời nói đúng thời đúng cảnh, thì dù ở trong hang hùm bẫy rập, cũng có thể yên thân. Như trường hợp ba anh em Lưu Bị lúc thất thời còn ở đậu với Tào Tháo, tấm thân như cá nằm trên thớt, Lưu Bị chỉ có suốt ngày lo trồng rau cải, ai thấy cũng cho là kẻ tầm thường. Một hôm Tháo mời Lưu Bị dự tiệc và hỏi?

-Đương thời với chúng ta ai là kẻ anh hùng?

Lưu Bị chỉ quanh quẩn nào là Vương Thực, Vương Thiệu, v.v. . .Tháo bác hết, cho kẻ ấy đều là hạng tầm thường, rồi nói:

-Chì có Lưu Sứ Quân với Tháo đây mới là kẻ anh hùng!

Lưu Bị giựt mình buông rơi chiếc đũa, may lúc đó có tiếng sấm sét. Bị liền giả vờ xin lỗi với Tháo:

-Vì tiếng sét bất ngờ làm tôi giựt mình rơi đũa!

Nhờ thế từ đó Tào Tháo coi thường Lưu Bị, nên ba anh em mới thoát thân và sau làm nên sự nghiệp. Nếu Lưu Bị không có lời khôn khéo chưa chắc gì thoát chết dưới tay Tào Tháo.

Thưa quí vị, ở đây dưới thời Pháp thuộc họ muốn tiêu diệt những người cốt cán của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo nên hai ông Năm Cống và Nguyễn văn Sóc làm sao chẳng lo sợ, song để trấn an và giải cứu tín đồ, Đức Thầy dạy hai ông câu nói:”Hai ông an tâm, nếu họ đến hỏi thì cứ nói. Tôi theo Đạo ông Tư Hòa Hảo, Ông dạy tôi ăn chay, làm lành, lánh dữ, sưu đi thuế đóng”.

Một câu nói tuy thấy thông thường nhưng vô cùng khéo léo. Trong lúc có người vì quá sợ không dám nhận mình là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo để khỏi bị bắt. Đức Thầy dạy hai ông trả lời trong vế đầu của câu nói tỏ ra cứng rắn không mất chí khí. “Tôi theo Đạo Ông Tư Hòa Hảo”, qua vế sau của câu nói tỏ ra mềm dẽo nhẫn nại. “Ông dạy tôi ăn chay, làm lành, lánh dữ, sưu đi thuế đóng”. Làm cho bọn làng lính và người Pháp hiểu rằng người theo Đạo Phật Giáo Hòa Hảo rất hiền lành dễ trị, nên họ có giảm bớt phần nào về việc ám hại người theo đạo. Do đó, hai ông đều khỏi bị bắt.

Thưa quí vị sở dĩ Đức Thầy dạy tín đồ ẩn nhẫn như thế là vì chưa phải lúc cho ta chống cự với người Pháp.

Rán nhẫn trăm phần dù khó nhẫn,

Dạ thưa quan chức phận làm dân.

Còn điểm chót Đức Thầy nhấn mạnh ba lần.

-Không phải sưu đi thuế đóng như vầy thôi đâu.

Ý Ngài muốn tiên tri cho tín đồ biết sau nầy sẽ còn nhiều hơn nữa, thật đúng như vậy. Từ ấy đến nay qua mấy thời kỳ, nạn sưu cao thuế nặng mỗi lúc mỗi tăng, mà dân chúng phải gánh chịu. Đức Thầy đầy lòng thương xót bá gia nên thường nhắc đến.

Hết đây rồi tới dị kỳ,

Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết tha.

Hoặc là:

Ngồi Khùng trí đoái nhìn cuộc thế,

Thấy dân mang sưu thuế mà thương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn