Mẩu chuyện số 77 - QUA NĂM DÊ

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42973)
Mẩu chuyện số 77 - QUA NĂM DÊ

V

ào khoảng mùa Xuân năm Tân Tỵ 1941 Đức Thầy bị người Pháp an trí tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Họ kiểm soát quá gắt gao, không cho tín đồ lui tới viếng thăm Ngài. Duy có Đức Ông, Hương chủ Cưu và một vài tín đồ khác, cứ mỗi tuần vào chiều thứ bảy mới được vào thăm trong vòng vài tiếng đồng hồ mà thôi.

Sau đó một thời gian, Đức Thầy cảm hóa được Bác Sĩ Trần văn Tâm, vị cai quản bịnh viện nầy, và thu phục được anh gác cửa bằng cách là dùng chai nước lạnh để trị bịnh mù mắt cho mẹ anh được sáng lại. Nhờ vậy, mà từ đó anh em tín đồ đến thăm Đức Thầy mới được dễ dàng.

Một hôm ông chủ Cưu (* 3) đang tiếp chuyện với một ít đồng đạo tại cửa, còn Đức Thầy thì nằm nghỉ nơi gian phòng phía trong. Bấy giờ quí vị ấy cùng ông chủ Cưu bàn qua việc tu hành, lần lượt họ đưa ra hai câu giảng:

Qua năm Dê đến lúc mùa hè,

Trong bá tánh biết ai hữu chí.

(Sấm Giảng Quyển 4)

rồi họ hỏi ông chủ hai câu ấy ý nghĩa như thế nào. Ông chủ Cưu giải thích cho quí vị ấy nghe và nói hơi lớn tiếng: “Nếu đến mùa hè năm Dê mà không có chuyện gì hết thì tôi không tu nữa”. Bỗng Đức Thầy bước đến lưng ông Cưu, vỗ vai ông mà nói:

-Sao ông Cưu nói kỳ vậy, tu là tu, thời cuộc là thời cuộc. Chớ đâu phải vì thời cuộc mà mình mới tu.

Tiếng chuông cảnh tỉnh ấy làm ông chủ giật mình và hối tiếc vì lời mình đã nói ra.

Viết theo lời ông Lâm Thơ Cưu.

*3- Chủ Cưu: Gọi tắt tên Ông Hương chủ Lâm Thơ Cưu.

Hương Chủ là hương chức thứ hai trong Ban hội tề (gồm Hương Cả, Hương Chủ, Hương Thân, Hương Hào. . ) ở làng xã nước ta vào thời Pháp thuộc.

PHẦN NHẬN XÉT:

Mục đích của người tu Phật là cắt đứt sự sanh tử phiền trược khổ đau để đến nơi an vui thoát khổ. Thế nên hành giả phải trau tâm sửa tánh, chỉ ác dương thiện, (*4) diệt sạch lòng tà, chuyên tâm niệm Phật, như câu:

Trau tâm luyện tánh cho minh,

Chuyên lo niệm Phật sửa mình cho trơn

(Khuyến Thiện)

Và sự đầu tiên của người hành đạo là cốt sửa những tư tưởng, tìm cách đánh đổ những tư tưởng xấu xa, đem thay vào tư tưởng ôn hòa đạo đức. Nhưng vì chúng sanh bị vô minh che kín chơn tâm, nên nhận giả làm thiệt, cứ để cho lợi danh tình ái làm mờ đục tánh giác ngộ của mình. Thế nên, muốn phá lớp mây mù ấy, Ngài phải hé lộ chút cơ huyền cho chúng sanh thấy biết được cơ tận diệt gần kề, màn Hạ nguơn sắp sửa mãn để quay về với thực tế mà dứt đi cái giả ảo, để rồi:

Sớm về cõi Phật an thân,

Kẻo kiếp phong trần dày gió dạn sương.

(Khuyến Thiện)

Thế mà chúng sanh cứ chấp tới đời mới tu, nên ông chủ Cưu đã hai lần được Đức Thầy thức tỉnh.

Chẳng những riêng ông chủ Cưu mà cũng có nhiều người cứ chấp đời tới mới là tu. Thật ra, nếu tu mà cứ chú trọng về thời cuộc thì khó mà bền vững sự tu hành. Bởi thiên cơ là máy trời, theo lời Đức Giáo Chủ cho biết nó đến mau hay chậm là do ở nhân nghiệp của chúng sanh, nhưng dù sớm hay chầy thì ta cũng nên nhớ là tử thần cũng không dung vị cho bất cứ một ai, và luật nhân quả rất công bình không thiên lệch. Như vậy, nếu không tu tức là ta đã gieo nhiều nhân tội ác và phải lấy cái quả bất lành ở mai hậu.

Kinh Phật có dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Mà có được thân người và gặp được Phật pháp là cơ hội ngàn năm một thuở. Thế nên Đức Thầy dạy ông chủ Cưu mà cũng là dạy chung cho tất cả tín đồ qua mấy câu ngọc ngữ nầy. Ngài bảo:

“Sao ông Cưu nói kỳ vậy, tu là tu, thời cuộc là thời cuộc. Chớ đâu phải vì thời cuộc mà mình mới tu.”

Câu kim ngôn trên đây có một giá trị tuyệt đối, nhắc ta hãy sáng suốt mà tu vì chơn lý, chớ không nên tu vì thời cuộc, để khỏi phải hối tiếc về sau. Chớ nếu cứ chờ đợi thời cuộc mà mình không đủ đức hạnh thì cũng lãnh lấy cái đại khổ cho ta, chớ có ích gì.

* 4-Có ý nói: Thôi, dừng lại, không làm việc ác nữa và việc song hành đó là dung dưỡng điều thiện. Tức “Bỏ ác hành thiện”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn