Mẩu chuyện số 1 - SỰ LÂM PHÀM CỦA ĐỨC THẦY

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 53101)
Mẩu chuyện số 1 - SỰ LÂM PHÀM CỦA ĐỨC THẦY

Tại Tổ Đình Hòa Hảo thuở Đức Bà còn sanh tiền, tuy tuổi hạc đã cao, nhưng Bà vẫn sáng suốt, không lầm lẫn như những thường nhân. Ngày nọ, nhân bà nhìn những cháu bé mới biết đi lẫm đẫm, bỗng bà nhớ lại Đức Thầy khi Ngài còn nhỏ; cảm xúc trước cảnh đó, Đức Bà kể mẩu chuyện được ghi lại dưới đây:

Đức Bà nói: Sau một thời gian về gá nghĩa với Đức Ông , một hôm bà nằm mộng, có một dị nhân đến mời bà đi viếng núi. Trên đường đi cảnh vật thật là đẹp mắt, ngàn hoa khoe sắc thắm, ngào ngạt gió đưa hương, mãi mê trước phong cảnh mà ở thế gian này bà chưa hề nhìn thấy, chợt bước đến cuối của vồ đá thật cao, nhìn quanh toàn là đá dựng lởm chởm, bà nghĩ là không thể nào đi lên được nữa, bà dừng chân lại chưa biết phải làm sao thì dị nhân mới nói:

    • Tôi sẽ đưa bà lên viếng cảnh Non Bồng cho biết.

Dị nhân nắm tay bà, bà cảm thấy thân hình nhẹ bổng cùng bay vượt lên đến tận đỉnh của non cao, nơi đây một bình nguyên khá rộng, tòng bá xanh um, hoa kiểng lạ mắt mọc khắp mọi nơi, cảnh đẹp vô cùng, không sao nói hết đặng, chân bà bước có cảm giác hết sức nhẹ nhàng, đến bên gành đá, cạnh đó có một tảng đá như cẩm thạch mặt bằng phẳng bóng ngời, trên mặt có để một cái dĩa trắng chói sáng như thể bằng ngọc, trong đựng một trái đào chính đỏ tỏa ngát mùi thơm. Người dẫn đường liền mời bà ăn trái cây đó, bà đến bưng dĩa trái cây rồi mời lại dị nhân thì được người đó cho bà biết là:

- Vật quí này là riêng phần của bà được hưởng, còn người khác thì không.

Không khí nơi đây thật trong lành mát dịu, hương thơm của những loại kỳ hoa dị thảo làm cho tinh thần của bà phấn chấn chưa hề có, với hương vị đặc biệt của trái đào mà bà chưa từng nếm qua. Ôi! Nói sao cho xiết, đến khi bà vừa dùng xong trái đào thì người dẫn đường nói tiếp:

- Như vậy thì phần của bà đến đây đã xong, bà vừa ăn trái đào này là để gieo duyên cùng Phật Pháp.

Nói xong dị nhân đưa bà xuống núi, bà đi qua khỏi vồ đá cao, bị trợt chân bà liền tỉnh giấc mà lòng vẫn còn được cảm giác thơ thới nhẹ nhàng.

Thời gian sau thì bà thọ thai, thắm thoát đến tháng 11 âm lịch năm 1919 bà lại nằm mộng thêm một lần nữa:

Đang ngủ bà nghe hình như có tiếng gọi ngoài sân nhà, bà bước ra ngoài thì cảnh vật không phải là trước sân mà hoàn toàn thay đổi, cây cỏ tươi tốt, lại có một cành hoa lạ trổ ra mùi thơm ngào ngạt và chung quanh thì hoa nào cũng đang nở rộ như để đón chào bà. Đứng trước cảnh vật tươi mát đó thì bỗng chốc có vầng mây trắng kéo đến, sau đó một đám mưa bao quanh mình bà, những hạt mưa như mù sương, nhẹ nhàng ve vuốt khắp thân thể của bà, tạo cho bà có một cảm giác sảng khoái như cởi bỏ tất cả sự nặng nhọc mà bà đang cưu mang; kế tiếp, lại có vầng mây ngũ sắc từ trên cao rơi nhẹ xuống phủ quanh mình bà, cả tâm hồn lẫn thể chất êm dịu không sao tả xiết. Một hồi lâu vầng mây ấy tan đi, bà bước vào nhà liền thức giấc.

Kế đó bà cảm thấy trong người có sự chuyển động, báo cho bà biết sắp đến kỳ sanh, bà gọi Đức Ông để báo tin. Đức Bà thuật lại chuyện hạ sanh Đức Thầy thật là khác thường.

Đức Thầy ra đời được bao trong cái bọc, khi ra khỏi mình mẹ thật là trong sạch, không có máu huyết đầm đìa, hôi tanh nhơ bẩn, cái bọc tự nứt ra một hài nhi với cặp mắt long lanh nhìn thế gian trầm tư chớ không hề có tiếng khóc. Đức Bà kể tiếp:

Từ lẫm đẫm mới biết đi cho tới tuổi khôn lớn, phẩm hạnh của Thầy nghiêm trang khác thường. Khi đến tuổi cắp sách, đầu tiên học với ông thầy giáo Khoái tại thôn Hòa Hảo, sau đó Ngài đi thi tiểu học ở quận Tân Châu, thi xong, Ngài về nhà, không chịu tiếp tục học thêm nữa.

Ngài vẫn ở chung trong gia đình, sinh hoạt bình thường như mọi người khác, nhứt là công việc đồng áng, thường ngày tuy có sự gần gũi với những người thiếu niên đồng lứa tuổi, nhưng chưa bao giờ Ngài dự vào những cuộc vui chơi.

Điều đặc biệt hơn nữa là tuy với lứa tuổi còn đang niên thiếu, nhưng người ta thường thấy Ngài hay ngồi trầm tư dưới những cội cây cao bóng mát trong khu vườn sau nhà.

Thuở đó Đức Ông làm ruộng ở Kinh Thần Nông, Ngài cũng theo giúp việc, thường khi trâu, bò đến ăn phá, Ngài chỉ đuổi chúng đi nơi khác, không hề đánh đập những con vật này.

Tuy đang mắc việc ở trại ruộng, nhưng hễ cứ đến ngày 14, ngày Rằm hoặc 29, 30 Âm lịch thì người ta thấy Ngài trở về ở tại nhà, sự có mặt đều đặn trong những ngày nói trên, làm cho hầu hết người trong nhà cho là chuyện lạ và có ý tò mò, hễ có ai hỏi đến đều được Ngài trả lời là bị bệnh, nhưng chưa bao giờ thấy Ngài dùng thuốc men hoặc có vẻ chi là bệnh.

Lúa gặt xong, người ta phải gom từ cụm nhỏ lại thành ra lớn, được gọi là chồng mớ lúa, Ngài cũng làm như mọi người, nhưng công việc thì khác thường, Ngài cũng gom lại từng mớ và xếp ngay hàng thẳng lối, chiều nào cũng ngay thẳng giống như nhau, mớ nào lớn thì sớt qua nhỏ, chia đều nhau, lại còn lấy tay vỗ vào gốc lúa cho bằng đầu. Thấy chuyện làm lạ thường, ông Út ( bào đệ của Đức Ông) và ông Tám Khâm (cháu gọi Đức Ông bằng cậu) đều nói:

-Ngày mai thì gom vô cà lang mà ở đó sắp cho ngay hàng vỗ cho bằng đầu, sớt mớ này qua mớ nọ làm chi?

Có nói chi thì Đức Thầy cũng không trả lời, vẫn yên lặng làm theo ý của Ngài. Thấy vậy ông Út mới rầy:

-Cứ chồng thí cho mau, ở đó sớt đi sớt lại, so tới so lui, còn nhắm cho ngay hàng thẳng lối làm gì.

Đức Thầy trả lời:

-Mấy ông làm sao thì làm, còn tôi làm như vậy đó!

Ông Út nói nhiều lần mà Thầy vẫn làm theo việc Ngài làm, thấy vậy ông Út phó mặc.

Khi Đức Thầy được 18 tuổi, Đức Ông tính đến chuyện lập gia thất. Ở tại xã Hưng Nhơn, ông Cả Cẩn có người con gái cùng tuổi với Đức Thầy, nhan sắc và tánh tình thùy mị, trang nghiêm. Xét về lý đời thì thật là tương xứng, vì thế ông cả Cẩn muốn kết nghĩa thông gia với Đức Ông, hai người đã ước hứa với nhau, Đức Ông hẹn sẽ đưa Thầy đến để trai gái gặp nhau, điều này đã tỏ ý nhiều lần nhưng đều bị Ngài cự tuyệt. Hết cách giải quyết, Đức Ông đến bàn chuyện với ông Út giúp ông làm cách nào để đưa Thầy sang nhà ông Cả Cẩn để cho ông giữ đúng lời hứa hẹn. Ông Út vâng theo lời.

Nhân một hôm Thầy sang chơi nhà ông Út, ông ngỏ lời nhờ Thầy cùng đi với ông sang nhà ông cả Cẩn để giúp cho ông giải quyết việc sổ sách. Đức Thầy trầm ngâm hồi lâu rồi mới lên tiếng:

-Ông Út cần tiếp việc thì tôi sẽ đi với ông.

Vài ngày sau hai người cùng đi đến nhà ông Cả Cẩn, ông tiếp khách được một lúc thì người con gái bưng nước ra mời, trông cử chỉ của chủ khách và cô con gái ông Cả Cẩn thì Đức Thầy đã rõ biết câu chuyện. Ngài liền đứng lên nói cùng ông Út:

-Ông nói gạt tôi phải không ông Út.

Nói xong Đức Thầy bước ra cửa đi về.

Ông Út nói lại: Đức Thầy có ý phiền nên cả tháng không qua lại nhà của ông Út. Thời gian sau Đức Ông có đề cập đến chuyện hôn nhơn đều bị Đức Thầy từ chối quyết liệt.

Viết theo lời thuật trong băng nhựa của ông Năm Chơn (tức ông Ngô Ngọc Chơn) trước khi Đức Thầy mở Đạo người ta thường gọi ông này là ông Đạo Năm. Là cháu, con người chị thứ Tám của Đức Ông, nhà ở bên cạnh Tổ Đình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn