Giới Thiệu

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44394)
Giới Thiệu

Tiến sĩ LÊ HIẾU LIÊM

M

ấy năm trước, được nghe 5 cuộn băng về Những Mẩu Chuyện Bên Thầy, tôi vô cùng thích thú và ao ước những câu chuyện Đạo sống động, đầy ý nghĩa nầy, về chính cuộc đời của một bậc Thánh, một vị Bồ Tát được sinh ra trên quê hương Việt Nam và rất gần gũi với chúng ta, sẽ được in thành sách để phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết, học hỏi và tu hành. Niềm mong ước ấy nay đã được thực hiện. Tôi nhiệt liệt tán dương công đức của Thanh Niên Phật Giáo Hòa Hảo hải ngoại đã làm một việc có ý nghĩa, cho ra đời một tác phẩm vô cùng hữu ích cho mọi người tu. Qua tác phẩm nầy, chân dung thật, hành động thật, sống động, cao cả và vi diệu của một nhân vật tôn giáo lớn của Việt Nam cận đại, là Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, được giới thiệu trung thực. Tác phẩm nầy cho chúng ta thấy chính Ngài, một thanh niên bình thường trong lứa tuổi đôi mươi, đích thật là một vĩ nhân phi thường, một Bồ Tát có mặt thật giữa cuộc đời cứu khổ, cứu nạn cho con dân và quê hương Việt Nam.

Nếu so sánh về mặt xả thân hy sinh tranh đấu cho quốc gia, dân tộc, trong tinh thần Bồ Tát Đạo, với nhân vật tôn giáo được kính trọng nhất thế giới hiện nay, là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, người được coi là hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, là một vị “Phật sống”, thì Đức Huỳnh Phú Sổ, qua cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho nên độc lập của tổ quốc Việt Nam, không thua không kém. Nếu so sánh về mặt tiến hóa tâm linh và sự chứng đắc những thần thông chân chánh trong chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, như Tha Tâm Thông, biết tâm ý của người khác, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, thấy và nghe xa ngàn dậm, thì Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam đã có phần trội vượt, siêu việt hơn Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Đọc những mẩu chuyện trong cuốn sách nầy thì sẽ rõ. Tây Tạng được coi là đất nước có trình độ tiến hóa tâm linh rất cao trên thế giới. Việt Nam còn sinh những người con có trình độ tiến hóa tâm linh cao cả hơn cả người lãnh đạo tôn giáo và chánh trị của một nước có trình độ tiến hóa tâm linh rất cao. Còn gì vinh dự và vẽ vang hơn cho người Việt Nam chúng ta. Điều nầy chứng minh truyền thống tâm linh Việt Nam, trong chủ đạo Phật Giáo, không thua kém bất cứ truyền thống tôn giáo lớn nào trên thế giới.

Thế nhưng tiếc thay, Bụt nhà không thiêng. Trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được vô số người thuộc đủ mọi quốc tịch, sắc dân trên thế giới, trong đó có nhiều người Việt Nam, biết đến, ngưỡng mộ, tôn thờ và tiếng nói của Ngài được nhiều giới tôn giáo, khoa học, chánh trị trên thế giới lắng nghe, thì Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam, không nói gì trên thế giới, không mấy ai biết, mà ngay cả 77 triệu người Việt Nam ngày nay, có được bao nhiêu người biết đến Ngài và biết chọn con đường tu hành mà Ngài đã giảng dạy là những người có nhiều phước duyên, công đức.

Tuy con số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không phải là nhiều, nhưng với một người trẻ tuổi, chỉ mở đạo, hoằng pháp có vài năm, trong một hoàn cảnh nghiệt ngả vô cùng, và với những phương tiện giảng đạo thô sơ, mà đã có hàng triệu tín đồ, thì đây cũng là điều hy hữu, hiếm có trong lịch sử tôn giáo. Và chỉ có nhân cách siêu phàm của Ngài mới giải thích được sự thành công lớn lao nầy. Trong 50 năm nay (1948-1998), với những phương tiện truyền thông hiện đại, toàn cầu, có ai trên thế giới đã thu hút được một lượng tín đồ lớn lao, trong một thời gian ngắn ngủi như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của Việt Nam đã thu hút trong thời gian 1940-1947?

Cuốn sách quí giá nầy đã ra đời thật đúng lúc để giới thiệu cho mọi người vị Giáo Chủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử tôn giáo Việt Nam và lịch sử tôn giáo thế giới. Đây là một tấm gương phản chiếu một nhân cách hoàn hảo, thánh thiện. Như những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật Thích Ca, như cuộc đời của thánh tăng, đạo sư đã đi vào huyền thoại, tác phẩm nầy đã đưa chúng ta lên cao, gần gủi những con người đã giác ngộ, và đồng thời trao cho chúng ta một thông điệp của Chư Phật, Bồ Tát: Bạn hãy là một vị Bồ Tát có mặt thật giữa cuộc đời để cứu khổ, cứu nạn cho quê hương và cho muôn người, muôn loài.

Hoa Kỳ, Phật lịch 2542 ngày 18 tháng 10 năm 1998.

LÊ HIẾU LIÊM, tác giả “Bồ Tát HUỲNH PHÚ SỔ & PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn