- Tựa
- Chương I: Nguồn gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Nguyên Thỉ)
- Chương II: Nguồn Gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Hiện Duyên)
- Chương III : Đức Giáo Chủ Và Công Đức Truyền Giáo
- Chương IV: Đức Giáo Chủ và Sứ Mạng Thiêng Liêng
- Chương V: Đức Giáo Chủ Trong Việc Thi Hành Sứ Mạng
- Chương VI: Sự Canh Tân và Quy Nguyên Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VII: Giáo Lý Căn Bản Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VIII: Tinh Thần Khổng, Lão Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương IX: Tinh Thần Cách Mạng Quốc Gia trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương X: Phật Giáo Hòa Hảo Với Bản Sắc Dân Tộc
- Chương Thứ XI: Phật Giáo Hòa Hảo Với Quần Chúng
- Chương Thứ XII: Sự Thực Hư và Lối Vần Vè Trong Thi Văn Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIII: Nền Văn Minh Tây Phương Qua Sấm Kinh Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIV: Ý Nghĩa Vô Vi Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XV: Vấn Đề Hòa Bình Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVI: Sự Dung Hóa Giữa Giáo Lý Từ Bi và Tinh Thần Ái Quốc Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVII: Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo Không Phải Là Một Đoàn Thể Chánh Trị
- Chương Thứ XVIII: Sự Bành Trướng Và Tiềm Lực Tự Tồn Của Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thư XIV: Phật Giáo Hòa Hảo Ngày Nay
- LỜI BẠT
Trọng tâm công tác của Giáo Hội nhằm vào hai mục tiêu chính. Thứ nhứt là phổ truyền Giáo Lý P.G.H.H. trong nước và ngoài nước. Thứ hai, thực hiện các công tác xã hội, cứu trợ, bố thí.
Công việc phổ truyền Giáo Lý được xem như món ăn tinh thần để bồi dưỡng và phát huy đạo đức trong nhân loại để cải tạo con người, đồng thời công tác xã hội nhằm nâng cao mực sống của chúng sinh trong một xã hội đang tiến bộ theo trào lưu của thế kỷ 20.
Mặc dù đang trong đà đẩy mạnh của nhiều việc phải làm. Giáo Hội vẫn nỗ lực việc cứu trợ nạn lụt miền Trung, việc giúp đỡ các cô nhi quả phụ và thương phế binh, việc cấp học bổng để nâng đỡ các học sinh nghèo, việc cất nhiều ngôi nhà lá để tặng cho các đồng bào xấu số ở nhiều nơi bị hỏa tai hay chiến họa,việc tặng quà và giúp thuốc men cho các phạm nhân trong các trại cải huấn các tỉnh và ngoài Côn đảo ... (1)
Chương trình văn hóa xã hội dự định còn nhiều. Hiện nay một loại trường từ Trung đến Đại Học do Giáo Hội sẽ dựng lên, cần được đặc biệt chú ý. Loại trường này có thể mệnh danh là trường Từ Bi chẳng hạn, dạy theo chương trình Chánh phủ nhưng sẽ có mỗi tuần một số giờ Giáo Lý P.G.H.H. hoặc đưa sang các trung tâm tu học Giáo Lý P.G.H.H. hoặc đưa đi du học tại các đại học đường Phật Giáo ngoại quốc.
Một trung tâm huấn luyện cán bộ xã hội cũng cần được mở ra với một chương trình dài hạn, do những người tình nguyện nhận chịu sự hi sinh trong một nếp sống khắc khổ để đứng ra góp phần tế trợ và cải tạo lại một xã hội đang bị suy đồi.
Các công tác y tế nông thôn, các trại tế bần, các nhà dưỡng lão, các viện mồ côi... mà Đức Giáo Chủ đã đề ra năm 1946, phù hợp với Giáo Lý tu phước trong Phước huệ song tu, cũng cần được Giáo Hội xúc tiến để thực hiện cho kỳ được. (2)
Công tác truyền bá Giáo Lý đã được tích cực hoạt động. Mặc dù trong tình trạng sơ khai, khởi sự bằng con số không, Giáo Hội đã mở đầu bằng một cuộc đại hội với trên 400 vị Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý trong toàn quốc để biểu quyết một chương trình hoạt động then chốt của ngành Phổ Thông Giáo Lý. Kế đó là các cuộc hội nghị để đính chính những chỗ in sai trong Kệ Giảng, hội nghị để trình bày và nghiên cứu các ngôn hành của Đức Thầy hầu tập đại thành những gì cần phải bảo tồn.
Khoảng 250 cuộc hội nghị được mở ra trong vòng ba năm (1964-1967) để nghiên cứu Giáo Lý P.G.H.H. Hằng trăm nhân viên phụ trách trong hằng chục tiểu ban chuyên môn để nhắm đúng mục tiêu phát huy Giáo Lý. Kết quả, Nguyệt san Đuốc Từ Bi, cơ quan Phổ Thông Giáo Lý P.G.H.H. với số lượng xuất bản mỗi tháng từ 15 đến 20 ngàn quyển phát hành khắp quốc nội và ra đến hải ngoại. Nội san Sống Vì Đạo, Hướng Đạo, Chân Tiến, Chân Đạo, Ánh Đạo đã được ra đời co các cây bút trẻ đang tu học tại các trung tâm Giáo Lý phụ trách. Tiếng nói Chánh Pháp và Sấm Giảng của Đức Giáo Chủ được chính thức tuyên dương trên các Đài Phát Thanh Sài Gòn, Ba Xuyên và sau chuyển sang Cần Thơ, mỗi tuần nửa giờ đều đặn.
Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ do Đức Giáo Chủ viết ra, sau khi được đính chính và đề từ cẩn thận – vì lâu ngày tam sao thất bổn – đã liên tục ấn hành mỗi kỳ hằng 20n ngàn bộ. Phẩm Tôn Chỉ Hành Đạo được phiên dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và in bằng ba thứ tiếng với ấn loát mỹ thuật để phổ biến trên trường quốc tế. Một bản chữ Hán cũng đã được dịch ra để đápứng nhu cầu đòi hỏi tại các quốc gia Nhựt Bản, Trung Hoa và Đại Hàn.
Ban tu thư Phổ Thông Giáo Lý cũng đã biên soạn được nhiều quyển sách thuộc loại học tập nội bộ và ấn hành hằng loạt để phát dương tinh thần tu học và sinh hoạt đường lối của Giáo hội, trong số đó có loại song ngữ được trình bày bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trên 40.000 quyển đã phát hành và hiện đã soạn xong những quyển mới để tiếp nối xuất bản.
Song song với những hoạt động trên, còn có hằng trăm cuộc phỏng vấn được trả lời cho các ký giả báo chí, các văn gia học giả, các phái viên các đài vô tuyến truyền thanh và truyền hình trong và ngoài nước hỏi về P.G.H.H. Hằng ngàn buổi diễn giảng đạo pháp với nhiều đề tài nghiên cứu cẩn thận được các vị Giảng viên Giáo Lý đi diễn giảng khắp đô thị, thôn quê do nhu cầu của đại chúng. Một phái đoàn xuất dương sang các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Thái Lan với hằng ngàn Kinh, sách, báo được mang theo; cũng như một phái đoàn khác được đưa ra bốn Tỉnh miền Trung để sinh hoạt Giáo Lý P.G.H.H. đều không ngoài mục tiêu đã nhắm.
Để xây dựng cho có nhiều cán bộ có khả năng hầu nỗ lực hoạt động đạo pháp trong hiện tại cũng như cho tương lai, 21 trung tâm tu học Giáo lý P.G.H.H. đã được mở ra tại Thánh địa cũng như tại các tỉnh trong năm 1966-1968. Mỗi trung tâm tu học này thu nhận khoảng 500 tu sinh, trong số đó lứa tuổi không đồng đều, nhưng toàn thể đều nỗ lực tu học theo một chương trình chung do cơ quan Phổ Thông Giáo Lý biên soạn, giảng huấn và điều hành guồng máy hoạt động. Sinh hoạt này thật hết sức cần thiết cho một nền Đạo lớn, do đó mà Giáo Hội lúc nào cũng cố sức chăm lo cho được mỗi ngày nẩy nở thêm người tài đức hầu chuẩn bị việc đưa sinh viên xuất dương du học, chuẩn bị giáo sư dạy về Giáo Lý tại các học đường, hoặc sung vào cơ quan tuyên úy P.G.H.H. mà Giáo Hội đang tranh thủ (3).
Cùng với việc đào tạo lớp người mới để nối tiếp với thế hệ nhân viên tuổi sắp về chiều, còn có công tác quan trọng nữa là khai thác các nhân tài đang có sẵn, tùy khả năng tham dự vào các tiểu ban, động viên hết nhiệt tình vào việc Đạo. Nhờ vậy mà trong nhiệm kỳ I, riêng về phương diện truyền giáo, tính từ tháng 12 năm 1964 đến tháng 12 năm 1967, đã có đến 3.263 vụ được hoàn toàn thanh toán, 407.760 ấn bản thuộc tài liệu tu học và nghiên cứu được xuất bản, và 458.352 quyển Kinh, sách, báo được phát hành trên toàn quốc và hải ngoại. Như vậy tính chúng đã có đến 866.112 ấn loát phẩm được đưa ra (4).
Hiện nay, chương trình tu học còn được chuẩn bị sẵn sàng cho các khóa huấn luyện Độc Giảng Viên, khóa đào tạo thiếu nhi, khóa sơ cấp bổ túc, khóa trung cấp để tiến lên cao cấp. Chương trình Tiếng Từ Bi cũng được dự liệu mở rộng thêm trên các Đài phát thanh Huế, Ban Mê Thuột và khi giải quyết xong vấn đề Tuyên Úy P.G.H.H. thì sẽ có chương trình phát thanh trên Đài Quân đội... Chương trình phát hành Đuốc Từ Bi cũng được nghiên cứu đến việc đặt một trung tâm phát hành tại Âu Châu để tiện bề phổ biến hơn nữa.
Tóm lại, những điều mà Đức giáo Chủ phán dạy phải làm, như việc tra cứu kinh điển, việc dịch sách, việc viết sách nói về đạo Phật, cũng như việc mở trường dạy Đạo Phật, việc phái người đi giảng Đạo Phật... đều đã được nỗ lực thi hành trong thời khoảng ba năm qua. Nhưng vấn đề thật lớn lao và rộng rãi, chương trình cần phải liên tục và trường kỳ mới có thể đi đến cái đích viên mãn của nó (5)
(1) Tham khảo theo tài liệu thuyết trình của Ban Trị Sự Trung Ương (nhiệm kỳ I) trong kỳ viếng thăm các tỉnh hồi tháng 7 năm 1966.
(2) Nguyễn Văn Hầu: Muốn về cõi Phật, chương Hành thiện.
(3) Số quân nhân gốc là tín đồ P.G.H.H. hiện nay có trên 60 ngàn người đang chiến đấu trong quân đội V.N.C.H.
(4) Đó là chưa kể đến hằng 100.000 học liệu của 10 trung tâm tu học tiếp tục khai giảng từ tháng giêng đến tháng 7 năm 1968.
(5) Xem chương Hoằng Pháp trong quyển Muốn về Cõi Phật do Hương sen xuất bản, cùng một tác giả.