Sự thực hư trong lối văn tiên tri của người xưa

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 45244)
Sự thực hư trong lối văn tiên tri của người xưa

 

Người Việt Nam ta chắc không còn một ai lấy làm lạ gì với những lối nói nửa úp nửa mở trong những lời tiên tri, những câu sấm ký đã xuất pháp từ cửa miệng của các bậc siêu nhân. Sở dĩ các Ngài không nói trắng ra được là vì nhiều lẽ.

 

Chúng ta đâu có thể nghi ngờ ở sở học uyên bác của Vạn Hạnh thiền sư, môt cao tăng thường được vua Lý Nhân Tông khen tặng bằng câu “Vạn Hạnh dong tam tế, chân phù cổ sấm ky”. Vậy mà lúc nhà Lê do vua Lê Đại Hành chấp chánh, thiền sư nổi tiếng là bậc tiên tri, vẫn phải trả lời úp mở theo công thức sấm ký. Chẳng hạn, vua hỏi về việc phá Tống, sư đáp: “Nội ba bảy ngày thì giặc sẽ tan”; còn khi hỏi về việc bình Chiêm, thì sư chỉ nói một câu là: “khuyên nên đánh chóng”, mặc dù những lời giải đáp ấy trong tương lai, phải đúng vanh vách như ba lần bảy là hai mươi mốt...

 

Thiền sư còn tiên đoán được việc nhà Lý sẽ thay nhà Lê, qua bài sấm được định nghĩa:

 

Tật Lê chìm biển Bắc

Cây Lý mọc trời Nam

Bốn phương tắt binh lửa

Thiên hạ mừng bình an.

 

Sách Thiền Uyển Tập Anh và nhiều sử sách khác đều kể chuyện sư Vạn Hạnh đã đoán được bài sấm mà sâu ăn thành chữ trên cây vông gạo, và biết trước rằng nhà Lê sắp mất và nghiệp Lý sẽ thành. Do đó mà nhà sư nói cho Lý Công Uẩn biết chuyện và lập mưu đưa ông này lên ngôi vua. Những câu sấm ấy biết đâu chẳng là của thiền sư Vạn Hạnh!

 

Bài sấm tương truyền như vầy:

 

Gốc cây trắng trắng

Vỏ cây xanh xanh

Hoa đao mọc ngã

Thập bát tử thành

Đông A nhập địa

Cây khác nảy sanh

Cung Chấn vầng nhật

Cung Đoài ẩn tinh

Khoảng sáu bảy năm

Thiên hạ thái bình

 

Trong thời Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ một Bạch diện thư sinh mà chỉ mỗi một lần đi thi, đã đổ ngay bằng cấp Văn Trạng và được phong đến Trình Quốc Công, nên tục gọi cụ là Trạng Trình. Thế mà khi cần đưa ra những gì về thiên hạ đại sự, nhất là việc chỉ điểm cho tương lai, cụ đều dùng toàn lối văn sấm ký.

 

Chẳng hạn, trong đời Lê Chiêu Tôn, một bên là Trịnh Tuy, một bên là Mạc Đăng Dung, vì muốn tranh quyền nhiếp chính mà đánh nhau suốt mấy năm, cụ Trạng Trình đoán số Thái Ất, biết được nhà Lê sẽ phục nghiệp và họ Trịnh về sau sẽ đoạt quyền vua Lê nên đã nói lên trong một bài cảm hứng với hai câu:

 

Ngựa phi ắt có thời quay cổ

Thú dữ nên phòng lúc cắn người (1)

 

Khi vua Lê băng, họ Trịnh muốn tiếm vị luôn, nhưng còn sợ lòng người, vẫn nhớ công đức nhà Lê mà chống lại mình, nên sai người đến hỏi ý kiến cụ Trạng. Trạng Trình không đáp thẳng lời sứ giả, mà chỉ nói với người nhà rằng:

 

“Giống mới thất mùa, hãy tìm giống cũ mà gieo mạ lại”

 

Và cụ quay sang nói với thư đồng:

 

“Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản”

 

Họ Trịnh nghe lọt vào tai, cho người đi tìm con cháu nhà Lê (giống cũ) về làm vua, và chỉ đóng vai Chúa, nắm hết quyền binh (giữ chùa thờ Phật).

 

Đến đời Lê mạc, Nguyễn sơ có cụ Nguyễn Thiếp là hạng văn tài lỗi lạc, được vua Quang Trung xem là bậc thầy và thế nhân tôn xưng là La Sơn Phu Tử. Cụ đã do thuật lý số mà tiên đoán:

 

“Sông ngư nước cạn, nhà Nguyễn trở về”

 

hoặc là:

 

“Tùng lâm mãn địa, anh hùng tất tập ư Hoan Châu” (rừng thông đấy đất, anh hùng đều nhóm ở Hoan Châu)

 

và:

 

“Lam giang chi thủy nhập nộn hồ. Nam nhân nhập đế Trung quốc” (khi sông Lam chảy vào bàu Nón, thì người nước Nam vào làm vua Trung quốc.)

 

Trong Hạnh am thi cảo của cụ có bài Sấm Ký mà cụ viết ra năm 58 tuổi như vầy:

 

Ba năm gió thuật bể thanh

Ông già đoán Dịch xem tình ra sao

Hang đông nhật mọc quỷ tiêu

Cõi tây xuân ấm lúa cao vầng dài

Khôn ngoan công lập ải ngoài

Thanh nhàn trốn ẩn vui vầy sống lâu

Nghĩa còn tuy cảnh khác nhau

Kể chi khi sợ khi sầu tuy vui (2)

 

Người ta đã thấy ứng vào câu thứ ba, việc Nguyễn Hữu Chỉnh người Đông Hải, diệt họ Trịnh; ứng vào câu thứ tư, việc Quang Trung Hoàng Đế bình quân Thanh; ứng vào câu thứ năm, việc chúa Nguyễn Ánh khởi binh từ Gia Định; ứng vào hai câu cuối cùng, việc các sĩ phu chia rẽ vì kẻ ra, người ẩn trong thời thay ngôi đổi chúa, từ cuối Lê đến đầu Nguyễn.

 

Còn biết bao nhiêu mẫu chuyện khác với những câu thơ, bài văn mang tính chất hư hư thật thật, nhiều khi mập mờ tối nghĩa, tuy rằng các tác giả vốn dĩ là những người bác học đa tài. Nhưng thiết tưởng đưa ra vài chứng tích như trên, cũng đủ gợi thêm cho vấn đề thêm sáng.

 

(1) Ngựa phi ... quay cổ chỉ nhà Lê

Thú Dữ ... cắn người ... chỉ họ Trịnh

(2) Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn, trong sách La Sơn Phu Tử do nhà Minh Tân xuất bản tại Paris 1952.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn