- Tựa
- Chương I: Nguồn gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Nguyên Thỉ)
- Chương II: Nguồn Gốc Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (Hiện Duyên)
- Chương III : Đức Giáo Chủ Và Công Đức Truyền Giáo
- Chương IV: Đức Giáo Chủ và Sứ Mạng Thiêng Liêng
- Chương V: Đức Giáo Chủ Trong Việc Thi Hành Sứ Mạng
- Chương VI: Sự Canh Tân và Quy Nguyên Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VII: Giáo Lý Căn Bản Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương VIII: Tinh Thần Khổng, Lão Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương IX: Tinh Thần Cách Mạng Quốc Gia trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương X: Phật Giáo Hòa Hảo Với Bản Sắc Dân Tộc
- Chương Thứ XI: Phật Giáo Hòa Hảo Với Quần Chúng
- Chương Thứ XII: Sự Thực Hư và Lối Vần Vè Trong Thi Văn Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIII: Nền Văn Minh Tây Phương Qua Sấm Kinh Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XIV: Ý Nghĩa Vô Vi Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XV: Vấn Đề Hòa Bình Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVI: Sự Dung Hóa Giữa Giáo Lý Từ Bi và Tinh Thần Ái Quốc Trong Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thứ XVII: Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo Không Phải Là Một Đoàn Thể Chánh Trị
- Chương Thứ XVIII: Sự Bành Trướng Và Tiềm Lực Tự Tồn Của Phật Giáo Hòa Hảo
- Chương Thư XIV: Phật Giáo Hòa Hảo Ngày Nay
- LỜI BẠT
Kinh Pháp Hoa có chép: Phật vị nhất đại sự nhân duyên, xuất hiện ư thế (Phật vì một nhân duyên lớn mà có mặt trên đời). Và Đức Guatama cũng phán rằng: “Phật giáo vì chúng sinh mà sinh”. Như vậy Đạo Phật là đạo của quần chúng không hơn không kém.
Nếu Phật bảo “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh” thì đạo Phật lại càng là đạo của bình dân đại chúng, không có gì chối cãi.
Nhìn vào một số tăng ni tu hành khổ hạnh, người ta nghĩ rằng mình khó thể làm theo, rồi tự nhủ: Đạo Phật dành riêng cho hạng người khổ công ép xác.
Có những người khác, lầm lạc hơn, họ dòm thấy các sư chuyên trì kinh kệ, giảng thông luật, luận, liền cho rằng đạo Phật chỉ dành cho những người trí thức, rỗi rãi thì giờ.
Nghĩ như vậy là sai xa bản nhiên hằng hữu của Phật giáo.
Thuở xưa, khi Phật liễu ngộ, Ngài đã giáo hóa đủ các hạng người. Hạng hoàng đế như Bsinbisan; hạng công chúa như Nan đa, hạng trưởng giả như Pinkoda; hạng hoa khôi như Visakha... những người này đều là cư sĩ tại gia, có vợ chồng con cái, họ là quần chúng trong đời chớ nào đâu có xuất gia. Thế mà họ đều được chứng quả A La Hán hoặc vào hàng thánh quả. Bao nhiêu đó đủ hùng biện rằng đạo Phật không chỉ dành riêng cho hạng tăng sĩ xuất gia hay cho một giai cấp nào. Nó là của quần chúng. Xa quần chúng, nó không làm sứ mạng thiêng liêng của nó được.
Cũng chính vì thương quần chúng mà Phật đã phát tâm thệ nguyện: Hữu nhất chúng sanh bất thành Phật quả ngã thệ bật thành Phật (có một chúng sanh nào không thành Phật, thì ta thề không thành Phật).
Cũng vì mục đích đó mà Đức Giáo Chủ đã viết:
Thương trần ta cũng ráng thề
Đặng cho bá tánh liệu bề tu thân
Tu hành chẳng được đức ân
Thì ta chẳng phải xác thân người đời
Yêu đời yêu quần chúng đến đỗi Phật không từ chối một khổ nhọc nào có thể cứu giúp quần chúng, nên có một lần, khi nghe một môn nhân hỏi rằng ai là người đáng bị xuống địa ngục, thì Phật đáp:
-Ta nên xuống địa ngục. Chẳng những xuống địa ngục mà thường trú địa ngục; chẳng những thường trú ở địa ngục mà lại lấy địa ngục làm vui; chẳng những lấy địa ngục làm vui mà lại làm cho địa ngục biến thành một nơi trang nghiêm nữa.
Đức Giáo Chủ P.G.H.H. cũng tha thiết với quần chúng nên mới gánh chịu bao nhiêu tai nàn khủng khiếp. Trong bài Sa Đéc, Ngài đã ung dung thốt lên:
Ta chịu khổ khổ cho bá tánh
hoặc thì Ngài cảm tác:
Thân ta dầu lắm đoạn trường
cũng làm cho vẹn chữ thương nhân loài
Trong tác phẩm Đức Phật Đối Với Chúng Sanh, Đức Giáo Chủ giảng luận:
“Hỡi các người! Đức Phật đối với chúng sanh và môn đồ, như người cha đối với các con (...) Phật cũng yêu hết chúng sanh, dầu kẻ ngu người trí; tất cả môn đồ, dầu kẻ biếng nhác với kẻ siêng năng”.
Sau khi ngẫm nghĩ tận tường, còn ai bảo đạo Phật chán đời, đạo Phật tách lìa cõi thế?
Không! Đạo Phật là đạo của quần chúng, nhất là P.G.H.H., một tôn giáo nhà Phật đã độ rỗi hằng mất triệu quần chúng, phần đông là thật thà, lam lũ làm ăn. Trên thực tế, đạo đã đưa họ đến được con đường giác ngộ bản tâm, và đã giúp họ được tương đối yên ổn từ vật chất đến tinh thần giữa thời đại nhiễu nhương này. Và trước mắt họ, hiện đang thể hiện một viễn đồ khả dĩ tiến đến an vui và giải thoát.