Mục I : PHẬT GIÁO HÒA HẢO : TÔN GIÁO hay TRIẾT THUYẾT
Qua những điều trình bày, một nghi vấn lại được đặt ra cho Phật Giáo Hòa Hảo : đoàn thể nầy là một tôn giáo hay chỉ là một hệ thống triết thuyết ?
Thật không một giải đáp nào thỏa mãn tuyệt đối mà tùy theo quan điểm khác nhau. Nếu theo quan niệm về tôn giáo của Tây Phương thì Phật Giáo Hòa Hảo không là một tôn giáo thuần túy mà chỉ là một hệ thống triết thuyết như Khổng Giáo bởi lẽ Phật Giáo Hòa Hảo chú trọng “luân lý” hơn lả “đức tin”. Nhưng ngược lại, theo Đông Phương, Phật Giáo Hòa Hảo là môt tôn giáo có đủ những điều kiện khả hữu và không bị gò bó trong khuôn khổ nhứt định của phương Tây.
Mục II : PHẬT GIÁO HÒA HẢO : TÔN GIÁO QUỐC GIA ? QUỐC TẾ ?
Một vấn đề khác nữa là Phật Giáo Hòa Hảo có thể trở thành tôn giáo quốc gia, tôn giáo quốc tế không ? Và muốn được, Phật Giáo Hòa Hảo phải có những điều kiện và những khó khăn nào ?
Một tôn giáo thành lập trong khuynh hướng đại đồng, không thể dành riêng cho một địa phương, một đối tượng… (“Khắp bốn biển liên dây Hòa Hảo”) mà phải được phát triển khắp quốc gia và quốc tế. Nhưng, thực tại, đến nay Phật Giáo Hòa Hảo chưa thật sự trở thành một tôn giáo quốc gia, một tôn giáo quốc tế, bởi vì Phật Giáo Hòa Hảo chưa được toàn quốc Việt Nam chấp nhận, và cũng chưa thật sự vượt khỏi biên thùy Việt Nam để sang một quốc gia khác trên thế giới.
Nói như vậy, không có nghĩa là Phật Giáo Hòa Hảo không thể trở thành tôn giáo quốc gia.
Phật Giáo Hòa Hảo được khai sinh trong hoàn cảnh của Việt Nam, và vì Việt Nam, đối tượng chánh của tôn giáo là Việt nam với một giáo thuyết hợp thực tế, giáo điều tương đối giản dị… phù hợp tập quán Việt Nam … nên có thể được toàn quốc Việt Nam chấp nhận, hẳn nhiên sẽ gặp rất nhiều trở ngại ; từ lý thuyết tôn giáo phải đượng đầu với Phật Giáo trong “Đức tin”, với Khổng Giáo trong “luân lý” … đến phương tiện vật chất hoàn toàn thiếu thốn, thời gian ngắn ngủi … đến tư thế những nhà lãnh đạo…
Đã trở thành tôn giáo quốc gia, việc trở thành tôn giáo quốc tế với phạm vi nhỏ hẹp, với đòi hỏi xây dựng hệ thống giáo điều qui củ, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, con đường thành đạt mục tiêu đó quả thật chông gai, diệu vợi ! Nhìn hoàn cảnh hiện tại của Phật Giáo Hòa Hảo, nhiều người không khỏi bi quan !
Mục III : ĐƯỜNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Đến ngày nay, dù người khó tánh hay quan điểm bất đồng cũng không thể phủ nhận vai trò của Phật Giáo Hòa Hảo trong sinh hoạt cộng đồng quốc gia hay ít nhứt cũng tại miền Tây Nam Việt Nam. Nhưng Phật Giáo Hòa Hảo phải làm gì ? Cần thực hiện những cải tổ nào để đáp ứng vai trò của đoàn thể.
I.- ĐỐI NỘI
. Cấp lãnh đạo :
Cấp lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo – dù trong lãnh vực nào – là những người chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của tôn giáo, là cấp thảo hoạch chương trình, đường lối và hướng dẫn tín đồ vào những sinh hoạt đoàn thể, phục vụ quốc gia.
Về phương diện xã hội, Phật Giáo Hòa Hảo cần cải tổ tích cực tham gia việc phát triển xã hội, mở trường đào tạo cán bộ chuyên nghiệp để phục vụ hữu hiệu, đặt các cơ sở xã hội dưới cùng một danh nghĩa để thống nhứt hoạt động và điều hành, mở rộng căn bản hoạt động cho tất cả các ngành hoạt động xã hội, y tế, cứu tế … Cần nhứt, Phật Giáo Hòa Hảo thành lập “quỹ tương trợ”, nhận lãnh những thành phần bất hạnh khắp nơi để phân phối trong vùng Phật Giáo Hòa Hảo nhờ sự trợ giúp của tín hữu với tình thương chân thành hơn là bắt đầu thiết lập Cô nhi Viện, Viện Dưỡng Lão … (nếu muốn nên thành lập làng Cô Nhi, làng trên các vùng nông thôn Phật Giáo Hòa Hảo mà không thiếu tình thương).
Trong lãnh vực kinh tế, Phật Giáo Hòa Hảo cần dấn thân tích cực hơn để tạo phương tiện phát triển. Theo đó, Phật Giáo Hòa Hảo phải đặt lại chánh sách, nắm vai trò chủ động với những hoạt động hữu thường. Phật Giáo Hòa Hảo hoặc trực tiếp, hoặc qua trung gian một tổ chức khác sẽ đứng ra gọi cổ phần thành lập xí nghiệp sản xuất, biến chế nông ngư sản, đại lý phân phối phân bón cho nông dân, lập hợp tác xã (tiêu thụ hoặc sản xuất) khai thác các dịch vụ : nhà sách, tiêm buôn, khách sạn… Ngoài ra Phật Giáo Hòa Hảo cũng nên cộng tác với chánh quyền trong chánh sách “ đất có người cày tại vùng đồng rộng Tây Nam Phần, hay khuyến khích các tín đồ tham gia tất cả các hoạt động kinh tế thích nghi với địa phương.
Ở địa hạt văn hóa, giáo dục, Phật Giáo Hòa Hảo không thể do dự thêm nữa, mà phài nhận chân khuyết điểm, phài phối trí các cơ quan lãnh đạo văn hóa giáo dục trong mỗi khối để dần dần đưa hoạt động nầy ra khỏi những tranh chấp. Như vậy mới có thể phục hồi niềm tin cho tín đồ mới lớn và qui tụ họ thành một khối mạnh mẽ. Vấn đề cải tổ mọi mặt tại Viện Đại Học Hòa Hảo cũng được coi là một điều cần thiết để tránh xáo trộn; đem chánh trị ra khỏi Đại Học ít nhứt cũng trong lúc nội bộ chia rẻ tưởng cũng cần thực hiện gấp. trong khi việc tăng cường “màu sắc tôn giáo” cho cơ sở không thể coi là một trở ngại. Càng chú tâm đến Đại Học, Phật Giáo Hòa Hảo lại càng phải chú tâm hơn đến các cấp giáo dục bậc mẫu giáo, tiểu học và trung học để tạo sự liên tục và nền tảng cho Đại Học, đồng thời để đoàn ngũ hóa và giữ vững tin thần tín đồ trẻ để họ khỏi “đi hoang” … Cũng trong hoạt động nầy, Phật Giáo Hòa Hảo có thể bảo trợ (qua trung gian Viện Đại Học) việc thiết lập “Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Học và Nghệ Thuật vùng Châu thổ sông Cửu Long” để khai quật văn minh địa phương, hay một Bảo Tàng Viện hoặc một Thư Viện tàng trữ di tích Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài ra, đã đến lúc Phật Giáo Hòa Hảo không thể thờ ơ với chương trình gởi sinh viên, học sinh Phật Giáo Hòa Hảo du học và bảo trợ cho các sinh viên, học sinh nghèo trong xứ. Qui tụ tất cả các thành phần tín đồ trẻ dưới cùng một danh nghĩa cũng là một công tác cần đặt ra cấp bách cho Phật Giáo Hòa Hảo.
Về phương diện chánh trị, trường hợp Phật Giáo Hòa Hảo vô cùng tế nhị, không thể tách hẳn chánh trị ra khỏi tôn giáo nhưng cũng không thể đem cả đoàn thể dấn thân vào chánh trị nhứt là lúc nầy. Bản chất Phật Giáo Hòa Hảo không là một tôn giáo thuần túy, thuyết chính danh của Khổng Tử cũng không tách Đạo ra khỏi Đời theo khuôn mẫu Tây phương hay Mác-Xít. Tại cấp Trung Ương, Phật Giáo Hòa Hảo sẽ thiết lập một “KHỐI CHÁNH TRỊ" độc lập (nhưng không hoàn toàn biệt lập) với Giáo Hội và vị Trưởng khối là Phát ngôn nhân chánh thức của đoàn thề về mọi vấn đề chánh trị. Khối nầy có thể gốm 3 cơ quan :
- Ủy ban điều nghiên các vấn đề chánh trị trong và ngoài nước để cập nhựt hóa đường lối.
- Dân Xã Vụ chuyên trách các vấn đề của Việt Nam Dân Chủ Xã Hõi Đảng (huấn luyện cán bộ, hệ thống hóa đảng viên, mở rộng căn bản hoạt động, quảng bá rộng rãi chủ trương và lập trường Phật Giáo Hòa Hảo, cải tổ và trẻ trung hóa đảng, đồng thời biến Dân Xã thành một đảng vừa là đảng cán bộ, vừa là đảng quần chúng.
- Ủy Ban (hay lực lượng) Dân cử hệ thống hóa các cấp dân cử Phật Giáo Hòa Hảo.
Những biện pháp chế tài cần được áp dụng cứng rắn đối với những phần tử đi ngược lại chủ trương của đoàn thề, đào tạo nhân sự chánh trị chuyên nghiệp và chuẩn bị thận trọng. Khi dấn thân vào sinh hoạt chánh trị, trước hết Phật Giáo Hòa Hảo phải tìm được sự nhất trí trong hành động và muốn hành động hữu hiệu phải thống nhất tư tưởng, tổ chức, cơ cấu.
Thà tiến chậm hơn đốt giai đoạn nguy hiểm cho tương lai lực lượng.
Thuộc phạm vi quân sự, chủ trương của một tôn giáo và luật pháp uy quyền quốc gia không cho phép một tôn giáo võ trang. Vả chăng, kinh nghiệm quá khứ giúp cho Phật Giáo Hòa Hảo thấy rằng vũ khí không đủ cho một tôn giáo bảo vệ tín ngưỡng và tự do mà điều tiết yếu là võ trang tinh thần cho tín đồ. Tuy nhiên, Phật Giáo Hòa Hảo có thể thành lập một “KHỐI CỰU CHIẾN BINH”để thống nhứt các các hội cựu quân nhân nhằm hoạt động tương trợ, xã hội hơn là quân sự.
Trong khuôn khổ tôn giáo, dù là một tôn giáo nhập thế, Phật Giáo Hòa Hảo không thể áp dụng các nguyên tắc thế tục cho tôn giáo mà vị thế tôn giáo phải được củng cố trong cộng đồng quốc gia, và uy tín nhà lãnh đạo cần phải được bảo vệ. Theo chiều hướng đó, Phật Giáo Hòa Hảo cầm mở những tu viện để thiêng liêng hóa các cán bộ truyền giáo; đoàn thể phải tự lực cánh sinh để giữ đúng lập trường dân tộc thuần tuý (nếu có thể được), cương quyết loại trừ những cám dỗ vật chất vì đó là yết tố làm Phật Giáo Hòa Hảo xa dần với truyền thuyết. Một vài cải tổ về hình thức tưởng cũng cần đặt ra để phù hợp với hoàn cảnh xã hội.
Nhằm tăng uy tín và giáo quyền cho vị lãnh đạo, thể thức chọn người có thể lần lượt theo các giai đoạn sau đây :
- Tổ Đình và Hội Đồng Bảo Pháp họp kín sau khi đã cầu nguyện và trường chay nữa tháng để chọn ứng cử viên (tối đa 3 vị nhưng tối thiểu là 2).
- Tiểu sử, hoạt động của ứng viên sẽ do hai cơ quan trên phổ biến rộng rãi trên toàn quốc. Các ứng viên sẽ sống biệt lập hoặc tại Tổ Đình, hoặc tại ngôi Chùa chánh, hoặc tại Giáo Hội.
- Địa phương họp kín để cử đại biểu tham dự đại hội bầu cử.
- Tổ Đình và Hội Đồng Bảo Pháp chỉ định thành lập Hội Đồng Tuyển Cử gồm : Đại Diện Tổ Đình ( Chủ Tịch), Đại Diện Hội Đồng Bảo Pháp (Phó Chủ Tịch), Đại Diện Giáo Hội (Tổng Thư Ký), nhiều ủy viên và có sự quan sát của các đại biểu tổ chức ngoại vi.
- Đại Hội tòn quốc tổ chức long trọng và trang nghiêm mang màu sắc tôn giáo. Các Đại biểu cử tri lần lượt khấn nguyện, tuyên thệ vô tư và trung thành trước khi đầu phiếu nghiêm trang theo nguyên tắc đa số tuyệt đối (nếu không đạt được đến vòng thứ ba chỉ cần đa số tương đối).
- Ứng viên đắc cử sau đó sẽ trường chay một tháng để được Tổ Đình sắc phong và làm lễ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ long trọng và uy nghi dưới sự hiện diện của Tổ Đình, Hội Đồng Bảo Pháp, Giáo Hội, Địa phương (giới hạn) chánh quyền Trung Ương, tôn giáo, đoàn thể bạn.
- Vị lãnh đạo sẽ tham khảo ý kiến Tổ Đình và Hội đồng Bảo Pháp để thành lập Hội Đồng Lãnh Đạo theo hiến chương.
. Tín Đồ :
Các tín đồ hay các Trị sự viên thuộc cấp chính là thành phần quyết định sự hưng thịnh cho tôn giáo. Trong trường hợp thiếu sự lãnh đạo, thái độ của tín đồ lại càng cần thiết hơn nữa.
Tín đồ lớn tuổi : Vốn là thành phần chứng kiến những thăn trầm của Phật Giào Hòa Hảo và chiếm đa số trong đoàn thể, những tín đồ lớn tuổi phải đề cao cảnh giác, sáng suốt nhận định mọi đường lối, cá nhân lãnh đạo để khỏi bị mê lầm và trở thành “công cụ” cho thiểu số; tín đồ lớn tuổi phải “tu và hành” theo đạo, học và trau dồi kiến thức để tự cứu lấy mình hơn là trông chờ ở tha nhân. Những người lớn sẽ chịu trách nhiệm trước vị Giáo Chủ và có bổn phận nặng nề trong việc giáo dục tín đồ trẻ.
Tín đồ trẻ : Thực tế, các tín đồ trẻ Phật Giáo Hòa Hảo càng ngày càng xa dần với Phật Giáo Hòa Hảo hoặc giữ thái độ tiêu cực. Dù thành phần nầy có lý do để chối từ nhưng thái độ “quay lựng” không làm lợi cho đoàn thể. Chính những tín đồ trẻ là một lực lượng đe dọa đào thải đối với những phần tử bất lực, phản bội đoàn thể và cũng là thành phần nối tiếp lãnh đạo nên không thể do dự mà phài phá bỏ mặc cảm, từ bỏ thái độ tiêu cực để phục vụ đoàn thể… Sự trường tồn của Phật Giáo Hòa Hảo tùy thuộc vào các tín đồ trẻ nhiều hơn… Ngược lại, giới lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo cũng nên dành một chánh sách cỡi mở để tạo cơ hội cho tín đồ trẻ tham gia và bằng mọi cách giữ và phát triển thành phần tín đồ nầy, không phải bằng những huyền bí của vị Giáo Chủ mà bằng triết thuyết và chính những hành động cụ thể. Vấn đề thực tế giới lãnh đạo suy gẫm : Tại sao Phật Giáo Hòa Hảo không bành trướng, không tạo niềm tin cho giới trẻ ? Ảnh hưởng Dân Xã cũng giảm trên thành phần nầy ? … Vấn đề đã được giải đáp và biện pháp nằm trong tay giới lãnh đạo tôn giáo và chánh trị.
II.- ĐỐI NGOẠI
. Đối với những người khác tôn giáo :
Phật Giáo Hòa Hảo phải cấp thiết giải tỏa những ngộ nhận và thành kiến về đoàn thể qua những vị “sứ giả” chân chính và bằng những minh chứng cụ thể với tất cả các phương tiện truyền thông. Việc thực hiện tinh thần “Hòa Hảo” với người ngoài tôn giáo cần được phát triển để thực hiện sự đoàn kết có lợi cho quốc gia.
. Đối với chánh quyền :
Phật Giáo Hòa Hảo – đối với chánh quyền – chỉ nên giao dịch với tư thế một tôn giáo và nên tránh việc công khai minh thị ủng hộ cá nhân nhà lãnh đạo, đồng thời cũng nên đề cao cảnh giác để tránh sự can thiệp của chánh quyền tạo sự chia rẻ lược lượng hay không nên đặt Phật Giáo Hòa Hảo chỉ thành một khối lấy phiếu trong các cuộc bầu cử. Phật Giáo Hòa Hảo cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển mọi mặt quốc gia theo đường lối chân chánh của đoàn thể.
Trái lại, tạo sự ổn cố, đoàn kết quốc gia là một nhiệm vụ thiết thực của chánh quyền. Thế nên, đối với Phật Giáo Hòa Hảo, chánh quyền nên thực tâm giúp đoàn thể nầy phát triển hơn là tạo ra và nuôi dưỡng sự chia rẻ lãnh đạo. Tạo sự đoàn kết cho Phật Giáo Hòa Hảo tức là chánh quyền có một hậu thuẩn hùng mạnh cho lập trường quốc gia.
Kinh nghiệm lịch sữ và thực tại chứng minh Cộng Sản sai lầm khi giết Đức Huỳnh Giáo Chủ và chánh quyền Đệ I Cộng Hòa đã kém tế nhị trong vụ án Ba Cụt Lê Quang Vinh.
Thủ đoạn và âm mưu chỉ có lợi nhứt thời. Đó là kinh nghiệm cần có của chánh quyền.
. Đối với quốc tế :
Phật Giáo Hòa Hảo phải chứng tỏ đoàn thể không phải chỉ là một tổ chức chánh trị, một lực lượng quân sự, một hội, một “hiện tương mới” mà là một tôn giáo với đầy đủ các điều kiện khả hữu. Dù cần phát triển nhưng Phật Giáo Hòa Hảo cũng thận trọng khi nhận sự trợ giúp. Với tình hình quân sự và chánh trị vô cùng tế nhị tại Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo lại càng thận trọng hơn để bảo vệ đoàn thể. Ngoài ra, nếu có thề được, Phật Giáo Hòa Hảo nên gia nhập “Hội Phật Giáo Thế Giới” (để được coi là một hội viên chánh thức). vừa không mâu thuẩn với nội dung Phật Giáo Hòa Hảo vừa giúp đoàn thể có thêm thế mạnh và thuận tiện phát triển sang hải ngoại.
Mục III : NHỮNG CẢI TỔ CẦN THIẾT
Ngoài những điều cần thực hiện đó, trên bình diện khác, những biến cố gần đây của Phật Giáo Hòa Hảo đã đặt lực lượng nầy truớc các vần đề quan yếu ?
1)- Vì sao các nhà lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo bị ám sát hay bị đe dọa ?
2)- Có nên duy trì tình trạng lẫn lộn tôn giáo và đảng, chánh trị và quân sự không ?
Vấn đề thứ nhứt đặt ra không phải chỉ để giải đáp câu hỏi : ai ám sát các yếu nhân Phật Giáo Hòa Hảo ? Vì sao các vị lãnh đạo lại luôn bị đe dọa, vì ai cũng có thể tự trả lời cho hai câu hỏi đó nếu có một ít theo dõi về lực lượng nầy, mà vấn đề quan trọng là tình trạng đó kéo dài Phật Giáo Hòa Hảo sẽ đi về đâu ? và biện pháp nào để chấm dứt ?
Tình trạng hận thù, giết hại, tố cáo lẫn nhau với cường độ càng gia tăng đã báo hiệu cho cuộc phiêu lưu của Phật Giáo Hòa Hảo mà hậu quả có thể làm lực lượng vở tan bởi vì khối tín đồ càng bị lôi kéo vào tranh chấp, thù hận, phần còn lại bi quan, những tín đồ trẻ càng xa lánh, dư luận về Phật Giáo Hòa Hảo càng được củng cố, người lãnh đạo bị tố cáo, uy tín càng suy giảm. Hiểm họa về một cuộc hổn loạn của Phật Giáo Hòa Hảo trong tình trạng chánh trị tại miền Nam không thể loại bỏ… Tìm nguyên nhân gây ra tranh chấp và hủy diệt nguyên nhân là biện pháp chấm dứt tình trạng xung đột. Vấn đề tuy đơn giản nhưng rất phức tạp là tách hẳn chánh trị ra khỏi tôn giáo ngay trong lúc nầy đồng thời cải tổ lại cơ cấu điều hành (tác giả sẽ bàn sau).
Vấn đề thứ hai, tình trạng lẫn lộn tôn giáo, chánh trị như thời gian qua và đến hôm nay không nên duy trì vì đó là một nguy cơ làm Phật Giáo Hòa Hảo tan rả. Thật vậy, nếu có sự lẫn lộn tôn giáo và chánh trị thì với số phiếu áp lực của Phật Giáo Hòa Hảo, người tìm đến Phật Giáo Hòa Hảo – dù mới dù cũ – không vì theo Đạo mà theo Đảng, theo quyền lợi. Chừng ấy, dần dần, người tôn giáo càng ít (người tâm đạo sẽ rút lui) người chánh trị càng đông. Tôn giáo còn là bình phong và đến một lúc “bình phong” cũng không còn mà chỉ có Phật Giáo Hòa Hảo là một đảng chánh trị qui tụ toàn những người vì quyền lợi, không vì lý tưởng, và cũng sẽ tan rả dần vì quyền lợi chia xẻ không đồng đều … Viễn ảnh đó tuy có xa nhưng cũng có thể gần và Phật Giáo Hòa Hảo đang có dấu hiệu khởi đầu nguy cơ ấy.
Tuy nhiên, chìa khóa của mọi giải pháp cho Phật Giáo Hòa Hảo là vấn đề thống nhứt Phật Giáo Hòa Hảo và cải tổ cơ cấu lãnh đạo.
. Vấn đề thống nhứt :
Vấn đề tuy đã cũ, đã có “Ủy Ban Thực Hiện Thống Nhứt Đoàn Thể” hoạt động nhưng đến nay vẫn còn là vấn đề mới mà tác giả rất tha thiết đóng góp ý kiến (dù vấn đề vô cùng khó khăn, tế nhị).
Trước khi đưa ra một giải pháp, tác giả tạm thời đặt một số điều kiện cần thiết và tối thiểu nhưng nếu không hội đủ thì dù giải pháp có tuyệt diệu, trong trường hợp hiện tại Phật Giáo Hòa Hảo, đều không thể thành đạt (ngoại trừ sự tái xuất của vị Giáo Chủ).
Những điều kiện cần thiết :
- Chánh quyền vô tư và thực tâm giúp Phật Giáo Hòa Hảo thống nhứt.
- Các cá nhân lãnh đạo, phải thực tâm, cương quyết và hy sinh.
- Loại trừ ảnh hưởng chánh trị vào tôn giáo.
- Các cơ quan trực thuộc cũng xác nhận ý chí chung.
- Đình chỉ mọi xuyên tạc, tố cáo lẫn nhau từ trên xuống dưới để tạo bầu không khí thuận tiện, đình chỉ một thời gian ngắn việc phát triển cơ sở.
- Tổ Đình vô tư, can đảm và cương quyết nhận lãnh trọng trách.
Giải pháp :
Việc thực hiện thống nhứt lần lượt theo các giai đoạn sau :
1/- Tất cả các vị lãnh đạo tất cả các khối đều được Tổ Đình yêu cầu từ chức. Tổ Đình chỉ định người xử lý thường vụ trong thời gian 03 tháng. Các khối giữ nguyên trạng.
2/- Tổ Đình triệu tập một đại hội tại một địa điểm trung lập gồm các khối, các hệ phái …
Đại hội nầy sẽ :
-Biểu quyết giải tán các cơ quan điều hành cấp Trung ương, đình chỉ công tác địa phương và giữ nguyên trạng.
- Biểu quyết hủy bỏ các Hiến Chương tu chính.
- Suy cử với sự chứng minh của Tổ Đình một “Ủy ban Lãnh Đạo Lâm Thời mỗi khối 01 người (Tam Đầu Chế). Sau đó, ủy ban chọn người theo thể thức liên hiệp vào các khối (hay vụ, viện) chuyên môn và do Tổ Đình bổ dụng. Các vị nầy sẽ tuyên thệ và vô tư, thẳng thắn và quyết tâm.
- Bầu “Ủy Ban Thảo Hiến” để chỉ căn cứ vào Hiến Chương đầu tiên 1965 mà tu chính một Hiến Chương hoàn toàn mới phù hợp với hiện trạng đoàn thể và quốc gia.
3/- Sau một tháng, Tổ Đình và Ủy ban Lãnh Đạo Lâm Thời triệu tập một Đại Hội khác để thảo luận và biểu quyết dự án tu chính Hiến Chương đến khi nào đạt đa số tuyệt đối.
4/- Tổ Đình trong buổi lễ trang nghiên tuyên bố ban hành Hiến Chương, giải tán Ủy ban Thảo Hiến, Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời và uỷ quyền cho Ủy ban Lãnh Đạo Lâm Thời mới (theo tinh thần Hiến Chương) để thi hành các điều khoản cần thiết và chuyển tiếp.
5/- Tổ chức bầu lại tất cả các cấp Trị sự địa phương với chương trình vận động sự tham gia của các nhân sĩ uy tín.
6/- Tổ chức bầu cơ quan lãnh đạo trung Ương (thủ tục như đã viết).
7/- Lễ bàn giao với màu sắc tôn giáo đầy vẻ uy nghi và thiêng liêng.
Muốn đóng trọn vai trò quan thiết đó và để duy trì lâu bền tình trạng thống nhứt, Tổ Đình, Hội Đồng Bảo Pháp và cơ cấu lãnh đạo trung ương cần được cải tổ :
* Tổ Đình : (Hội Đồng các Hệ phái) :
Tăng cường nhân sự gồn đại diện Giáo hội, Đảng, Hội, vô tư nhưng gia tộc đứng đầu, soạn nội qui, qui định rõ rệt nhiệm vụ chú trọng nội bộ.
* Hội Đồng Bảo Pháp :
Nhiệm vụ kiểm soát chánh sách, đường lối, các nhiệm vụ Bảo Pháp khác, và một nội qui điều hành.
* Cơ cấu lãnh đạo Trung Ương :
Tác giả đề nghị mô hình tổ chức sau đây:
TỔ ĐỈNH |
|
HỘI ĐỒNG BẢO PHÁP |
Khối Chánh Trị PGHH |
|
Phụ Tá HT liên lạc Khối Chánh Trị |
|
HỘI TRƯỞNG |
|
Phụ Tá HT liên lạc Khối CCB |
|
Khối Cựu Chiến Binh PGHH |
2 PHÓ HỘI TRƯỞNG |
CHÁNH THƠ KÝ
|
Chuyên môn |
C.M |
C.M |
C.M |
C.M |
C.M |
Nhân sự điều hành các Ban (Viện hay Vụ) có thể gồm : Chánh : lớn tuổi (trên 40 tuổi) tượng trưng đạo đức; Phó hay Phụ Tá : có thể trẻ tuổi (ít nhứt 25 tuổi) nhưng tiêu biểu khả năng chuyên môn. Riêng Viện Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo đương nhiên điều hành lãnh vực văn hóa giáo dục Phật Giáo Hòa Hảo.
Tóm lại, Phật Giáo Hòa Hảo là lực lượng có thế đứng chắc chắn nhưng hiện bị suy yếu. Để tránh tình trạng đó, Phật Giáo Hòa Hảo cần quyết tâm và dành nhiều nỗ lực vào việc ổn cố nội bộ để sau đó phát triển đoàn thể với chương trình qui mô và đóng góp sự thăng tiến đồng đều cho quốc gia.
Tuy nhiên con đường phát triển quả có nhiều khó khăn trở ngại đòi hỏi sự cố gắng và hy sinh lớn lao ở các thành phần liên hệ đoàn thể.
Phật Giáo Hòa Hảo là một lực lượng cần yếu cho quốc gia. Và đoàn thể bằng nhiều cách hoàn thành vai trò lịch sử đó./-