Mục I : Sơ lược các đặc điểm.

16 Tháng Tư 201312:00 SA(Xem: 26571)
Mục I : Sơ lược các đặc điểm.

 Về phương diện lý thuyết Phật Giáo Hòa Hảo là một “Đạo Phật Canh Tân”, nên những đặc điểm bao gồm phần lớn sự khác biệt giữa tông phái nầy với Đạo Phật chánh truyền. 


 Mục đích của việc canh tân Phật Pháp là để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Qua hệ thống thi văn, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ trình bày từ những nét thông thường như tránh những cái xấu xa tội lỗi, dẹp tánh tham, thương người nghèo khổ … để đi dần đến những điểm then chốt trong đạo Phật như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo … Đối tượng chính của Phật Giáo Hòa Hảo là những nông dân, bằng những hình ảnh cụ thể, những biểu tượng hay những phương pháp gợi ý, dẫn khởi (1).


 Thứ đến, Phật Giáo Hòa Hảo thực hiện cuộc cách mạng trong đạo Phật, bài trừ tất cả những tệ đoan đã làm cho chánh nghĩa Phật Giáo bị lu mờ. Trong ý hướng đó, tôn giáo nầy chủ trương bài trừ mê tín, dị đoan (đồng cốt, bóng cháng, xá mã, lầu kho, giấy tiền, vàng bạc… ), bỏ hẳn nghi lễ phiền toái (thầy lễ, thầy cúng, gỏ mõ, tụng kinh), giản dị hóa việc thờ cúng (không vẽ hình đúc tượng, chẳng cúng kiến chè xôi). Tu hành, theo Phật Giáo Hòa Hảo, chỉ cần trau giồi trí tuệ, sửa tánh răn lòng, gần lành xa ác và luôn niệm Phật chớ không cần khổ hạnh, cũng chẳng bày đặt thêm.


 Lại nữa, Phật pháp bất định pháp, Phật Giáo Hòa Hảo cải cách giáo điều đạo Phật để phù hợp với trào lưu tiến hóa. Phật Giáo Hòa Hảo không thờ cốt Phật mà chỉ thờ màu dà (tượng trưng tinh thần vô thượng của nhà Phật), đem tinh hoa Nho, Lão vào giáo pháp, lập bàn Thông Thiên, không xây dựng tháp lớn, dựng chùa, lạy thì lật ngữa bàn tay chứ không lật sấp. Khi đó, đoàn thể lại có khuynh hướng bảo vệ quốc gia dân tộc thay thế chủ trương quân quyền phong kiến trong việc canh cải tứ ân (Ân thứ hai trong Phật Giáo Hòa Hảo là Ân Đất Nước thay vì Ân Quốc Vương trong đạo Phật).


 Xuyên qua hệ thống Sấm giảng, người ta cũng ghi nhận được tinh thần Nho học bàng bạc khắp giáo thuyết. Những tinh hoa Nho giáo như: tam cang, ngũ thường, tam tùng, tứ đức…. là những phương tiện cần thiết giúp con người thành hiền trong tiến trình Học Phật Tu Nhân. Việc khuyến khích tín đồ tích cực nhập thế để phục vụ Đạo và Đời cũng được tôn giáo nầy lưu tâm đặc biệt. 

 


 Mặt khác tinh thần Lão Trang cũng được dành cho một vị thế trong lý thuyết tôn giáo mà điển hình là ý thức thần tiên, thoát tục.


 Sự tổng hợp Khổng, Lão trong Phật Giáo Hòa Hảo không đồng đều mà chỉ là một phương tiện : đưa dần từ bước nhập môn Tu Nhân lần lên ý thức thoát tục để rồi tiến đến Học Phật cho giác hạnh viên mãn.


 Nếu Thiên Chúa Giáo chọn Thiên Đàng làm Đức Tin cho người đi tìm cứu cánh, Phật Giáo chọn cho giáo đồ con đường giải thoát thành Phật ở Niết Bàn trên tiến trình (gồm số 1 và 51 con số 0), thì Phật Giáo Hòa Hảo chưa đặt mức đến cuối cùng cho tín đồ của mình mà chỉ quan niệm về một Hội Long Hoa mà con người đi từ Hạ Ngươn đến Thượng Ngươn để thành Hiền (chứ chưa thành Phật) theo giáo pháp Học Phật Tu Nhân. Xét như vậy, Phật Giáo Hòa Hảo chỉ là một giai đoạn trong tiến trình của đạo Phật (2).


 Tóm lại, trong Phật Giáo Hòa Hảo có Phật, có Khổng, có Lão, có bản sắc Việt Nam qua phong tục tập quán, qua quan niệm Rồng Tiên … xuất hiện tại Việt Nam, ứng hợp với hoàn cảnh đương thời, nghĩa là có tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên và đặc tính dân tộc với quan niệm của Đông Phương về tinh thần đạo giáo (khác hơn quan niệm đóng khung của Tây Phương về tôn giáo).


 Trên thực tế, căn cứ vào những hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo, người ta ghi nhận các đặc điểm của tôn giáo nầy ; Trước hết phải kể tín đồ hầu hết là những người nông dân miền tây dù rằng đó không phải là đối tượng duy nhứt của lực lượng, đoàn thể nầy đã dấn thân tích cực vào các lãnh vực quân sự và chánh trị trong quá khứ hơn là ở địa hạt tôn giáo hay xã hội.


 Từ những đặc điểm đó, người ta đã thấy được sự khác biệt giữa Phật Giáo Hòa Hảo và các tôn giáo khác tại miền Nam Việt Nam.


-----------------------------------------------------------

(1) Nguyễn Văn Hầu, Nhận Thức Phật Giáo Hòa Hảo. Hương Sen trang 80. 

(2) Vương Kim trong một cuộc phỏng vấn của tác giả.    

-----------------------------------------------------------


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn