I. Phật Giáo Hòa-Hảo Trong Tiến Trình Đạo Phật

26 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 29112)
I. Phật Giáo Hòa-Hảo Trong Tiến Trình Đạo Phật

 

Trước hết một điều không thể ngộ nhận là PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO không phải là một nền Đạo mới lập khác hơn Đạo Phật mà chính một là tôn phái của Đạo Phật.

 

Tôn phái này do một vị sáng lập ra nó đã sanh trưởng ở thôn Hòa-Hảo, một làng nằm trên Bắc ngạn sông Vàm-Nao, một chi lưu nối liền sông Tiền và sông Hậu của Cửu Long giang, thuộc quận Tân Châu, Tỉnh Châu Đốc. Do đó mà tôn phái này có tên là PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO.

 

Về trường hợp lấy địa danh làm tôn danh không phải là việc mới lạ trong Phật-Giáo. Như trường hợp Thiên Thai Tôn là một tôn phái đặc biệt của Trung-Hoa do các Đại-sư của Long-Thọ Bồ-Tát rồi truyền lại cho Ngài Huệ Tư. Sau Huệ Tư truyền lại cho Trí-Giả; Trí-Giả lên núi Thiên Thai lập cảnh già lam, nhân đò mệnh danh là Thiên-Thai-Tôn.

 

Ngoài ra còn nhiều vị cao tăng đại đức lấy nơi mình tu hành làm pháp danh, như Ngài Triệu-Linh-Hựu Thiền sư lên núi Qui-Sơn mở đạo, do đó có tên Qui-Sơn Đại sư, như Ngài Hy-Vận Thiền sư lên núi Hoàng-Bá tu hành mà có danh là Hoàng-Bá Thiền sư.

 

Tôn phái PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO thành danh cũng không ngoài trường hợp vừa kể. Nó là một tôn phái của Phật-Giáo.

 

Người sáng lập ra tôn phái này tục danh là HUỲNH-PHÚ-SỔ mà tín đồ của Ngài gọi là Đức Thầy và người đời thường tôn xưng là Đức HUỲNH-GIÁO-CHỦ.

 

Ngoài ra danh từ Hòa-Hảo còn tiêu biểu cho tinh thần kết liên nhãn loại đại đồng trên nền tảng Hòa-Hảo như Ngài đã nói:

 

Mảng chờ trông bá tánh thảnh thơi,

Khắp bốn biển liên dây Hòa-Hảo.

 

Đúng lý thì tôn phái của Ngài phải là Hòa-Hảo tôn cũng như Thiên Thai tôn hay phái Hoàng-Bá mà lại có tên là PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO, có lẽ Ngài sợ người đời hiểu lầm nền Đạo của Ngài khai sáng là một tôn giáo mới và dụng ý của Ngài là muốn cho đời nhận ngay tôn pháo của Ngài là một tôn phái Đạo Phật. Sứ mạng của Đức Thích Ca Mâu Ni như Ngài thường nhận:

 

Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

Ẩn xác phàm gìn Đạo Thích Ca.

 

Hoặc:

 

Đạo vô vi của Phật ân cần,

Nối theo chí Thích Ca ngày trước.

 

Và Ngài còn nói: “Đối với toàn thể tín đồ Phật-Giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca”.

 

Như thế đủ chứng minh Phật-Giáo Hòa-Hảo là một tôn phái cũng như bao nhiêu tôn phái khác của Phật-Giáo và bắt nguồn trong Phật-Giáo.

 

Nó không phải là một tôn giáo mới hay Phật giáo canh tân như nhiều người lầm tưởng.

 

Vì đâu?

 

Vì với hai chữ Phật-Giáo trong bốn chữ Phật-Giáo Hòa-Hảo đủ nói lên là một tôn pháo của Đạo Phật rồi.

 

Hơn nữa với Đạo Phật thì không có thể có giáo pháp canh tân hay đổi mới. Bởi vì diệu dụng của Phật pháp luôn luôn khế lý và khế cơ là hai điều kiện căn bản của Phật pháp.

 

Khế lý thuộc về thể, khế cơ thuộc về dụng. Giáo pháp của Đức Phật không như các giáo điều cố định của các tôn giáo khác mà luôn luôn sinh động và dung hòa. Du nhập vào quốc gia nào, Phật giáo không hề gặp sự kháng cự của các nền Đạo đã có trong nước, vì nó có tính chất hòa hợp và trong sự hòa hợp nó luôn luôn giữ được chất liệu của Phật pháp, làm bật nổi được Phật chất. Nghĩa là Phật pháp vẫn giữ được căn bản khế lý của nó. Đó là điều kiện thắng diệu của Phật pháp. Nếu trong chỗ hòa đồng mà không giữ được chất liệu của Đạo Phật hay bản khế lý thì không còn là Phật-pháp nữa.

 

Khế lý là bản chất phù hợp với giáo lý chân chánh mà Đức Phật đã chỉ dạy, đại khái có ba nguyên tắc căn bản là:

 

1). Phù Hợp Với Luật Nhân Quả. Phàm đã có gây nhân là phải chịu quả báo, không bao giờ có gây nhân mà không hái quả; hễ gây ra nghiệp lành thì sẽ có quả lành, bằng gây ra nghiệp ác thì gặt lấy quả ác, không hề sai chạy. Thế nên một hiện tượng hay một ý tưởng nào trình bày không đúng luật nhân quả là phi chân lý.

 

2). Phù Hợp Với Luật Bình Đẳng. Mọi vật đều trong luật bình đẳng. Phàm đã gây nhân nặng thì chịu quả nặng, gây nhân nhẹ thì hưởng lấy quả nhẹ không hề sai lệch, cũng như trồng lúa ít mà muốn được lúa nhiều là điều không bao giờ có. Luật ấy tự nhiên như nhiên không hề chịu sự chi phối của quyền lực thiêng liêng nào cả. Cho nên những chủ trương bất bình đẳng là sai với tánh Phật pháp, tức là sai chân lý.

 

3). Phù Hợp Với Luật Hằng Chuyển. Mọi vật đều luôn luôn ở trong sự chuyển biến dịch hóa. Không có vật nào, nếu là vật hữu hình, là không ở trong sự biến động và thôi thúc từ trạng thái sinh thành tiến đến trạng thái hư hoại. Chấp hằng còn hay chấp mất hẳn là sai với luật hằng chuyển và lọt vào hai kiến chấp: Thường kiến và đoạn kiến là sai chân lý.

Ngoài điều kiện khế lý, Phật pháp còn một thắng diệu nữa là luôn luôn khế cơ hay đối cơ. Đức Phật được tôn xưng Pháp vương hay Dược vương ông vua của y dược, chữa trị tất cả các bệnh căn, vì Đạo Phật có đến 8 muôn 4 ngàn pháp môn. Tùy căn bệnh của chúng sanh mà Đức Phật đưa ra món thuốc thích ứng và tùy theo thời kỳ, quốc độ mà giáo phái của Phật có mỗi sắc thái khác biệt, không thời kỳ nào giống thời kỳ nào. Nhờ điều kiện khế cơ hay đối cơ ấy mà Đạo Phật thích ứng được mọi quốc gia, mọi hoàn cảnh để rồi trở thành một nền Phật giáo dân tộc. Về phương diện khế cơ, cho được phát triển và được tiếp đón nồng nhiệt của nhân dân, Phật pháp phải hàm súc ba tánh chất: Dân tộc tính, Đối cơ và Hoàn cảnh. Không phù hợp với dân tộc tính thì khó mà được toàn dân đón nhận. Không đối cơ thì chỉ là những giáo điều cằn cỗi không sao đối trị được bệnh căn muôn mặt. Không thích ứng với hoàn cảnh thì chẳng khác lúa sạ trên đá hay trong lúc hạn hán thì không sao mọc mầm đăm rễ, phát triển lên được.

 

Giáo pháp mà PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO xiển dương trong pháp môn Học Phật Tu Nhân chẳng những vừa khế lý, không ngoài giáo pháp của Phật mà còn vừa khế cơ, phù hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.

 

PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO là một tôn phái chánh thống phật-giáo, không thể hiểu là một tôn giáo mới hay phật giáo canh tân được.

 

Sở dĩ giáo pháp hay hình thức hành đạo của Phật Giáo Hòa Hảo có đôi điều không giống hệt với giáo pháp hay phương thức hành đạo của môn phái khác, đó chẳng qua để đối trị căn cơ của chúng sanh vậy. Trong 8 muôn 4 ngàn pháp môn, Đức Thầy chỉ thái dụng pháp môn nào thích hợp cho căn cơ, không hề sửa mới, cũng như vị lương y dùng thuốc, tùy căn bệnh mà đầu thang, không thể dùng m ôt thứ thuốc mà trị liệu tất cả mọi người không cùng một bệnh chứng.

 

Trong tiến trình của Đạo-Phật, Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn phái như bao nhiêu tôn phái Phật giáo khác. Sứ mạng của nó khác hơn các tôn phái khác, vì là tôn phái đối cơ, nó xuất hiện trong thời mạt hạ và vì cơ chúng sanh quá thiển bạc, cho nên để cứu độ đa số chúng sanh cho kịp kỳ Long Hoa Đại Hội hầu chọn lọc hạng người hiền đức tạo lập đời Thượng ngươn thánh đức, tôn chỉ của Phật Giáo Hòa Hảo đặt nặng vào hàng cư sĩ tại gia mà thôi.

 

Do điều kiện đối cơ ấy mà giáo phái của Phật Giáo Hòa Hỏa thu gọn trong pháp môn Tu Nhân Học Phật.

 

Vì là một giáo pháp đối cơ cho nên trong sự tu hành có điều không giống các tôn phái khác. Do đó, có nhiều thắc mắc được người đời nêu ra như:

 

Tại đâu Phật Giáo Hòa Hảo không làm lễ qui y cho tín đồ với các nhà sư?

 

Sở dĩ về nghi thức thờ phượng, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không thờ hình tượng mà chỉ thờ ngôi Tam Bảo, một tấm trần điều hay trần dà là vì Đức Thầy bao giờ cũng chủ trương đơn giản hóa hình thức thờ phượng, chỉ chú trọng về tinh thần thanh thỏa vô vi như Ngài đã viết:

 

“Từ trước đến nay, các chùa chiền đã tạo quá nhiều hình tượng. Đành rằng vì tôn kính đấng Từ bi mới làm ra thờ phượng. Ngài, nhưng cũng có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Bây giờ chúng ta không nên tạo thêm nữa. Làm thế chúng ta không có ý hủy báng sự phượng thờ của các chùa chiền. Cách thờ phượng ấy tùy theo điều kiện các sư mà chúng ta có thể sùng ngưỡng đặng. Nhưng riêng về cư sĩ ở nhà không nên tạo thêm nữa; nên thờ đơn giản cho lòng tin trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài. từ trước chúng ta thờ trần điều là di tích của Đức Phật Thầy Tây An để lại. Nhưng gần đây có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng cùng tông phái với chúng ta, làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật nên toàn thể trong đạo đổi lại màu dà. Lại nữa, từ trước đến giờ các sư dùng màu dà để biểu hiện cho sự thoát tục của mình, và màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc và cá nhân. Vì vậy chúng ta dùng nó trong chỗ thờ phượng để tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”.

 

Đến như qui y, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không qui y với một nhà sư nào mà chỉ qui với ngôi Tam bảo là cũng vì tinh thần vô vi chú trọng ở tâm hồn hơn hình thức phiền phức.

 

Huống chi về phép qui y, Đạo Phật có hai hình thức: Sự qui y và Lý qui y. Phép qui y theo Phật Giáo Hòa Hảo là thuộc về Lý qui y. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trong lúc Đức Thầy vắng mặt, hành phép “tự qui y” với sự chứng kiến của hai tín hữu.

 

Tự qui y Phật là tự mình vâng theo Đức Phật. Trong kinh Niết Bàn, Đức Phật có nói: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, nghĩa là trong tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, cho nên có thể thành Phật. Như vậy tâm ta đã có Phật thì tự ta qui y Phật của ta, không cần ông Phật nào khác.

 

Tự qui y Pháp là tự dâng mình theo đúng pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ các pháp chơn chánh có thể nương theo đó tu hành mà chứng quả. Thế nên ta tự qui y Pháp chơn chánh trong tâm của ta, quyết vâng theo, không còn theo Pháp nào khác.

 

Tự qui y Tăng là tự vâng theo Thầy trong tâm tức là tự tánh thanh tịnh của mình. Ông thầy ấy là thanh tịnh, hòa hợp, có đủ phương pháp dìu dắt mình ra khỏi nẻo sanh tử. Tự qui y ông thầy của tâm mình, không còn qui y theo ông thầy nào khác.

 

Đó là ba phép qui y tự tánh. Nó thuộc về lý, khác hơn phép qui y thuộc về sự, chú trong ở hình thức bên ngoài.

 

Còn một điều thắc mắc mà người đời gần đây đặt ra là: Phật Giáo Hòa Hảo quả là một tôn phái Phật Đạo, tại sao gọi Đức Huỳnh là giáo chủ mà không gọi là giáo tông.

 

Danh từ Đức Huỳnh Giáo Chủ sở dĩ có là từ sau Ngài vắng mặt. Vì sự tôn kính tri ân cứu độ mà người đời gọi Ngài là giáo chủ, thật ra lúc nào Ngài cũng không chấp nhận cho tín đồ của Ngài gọi Ngài là giáo chủ mà chỉ khiêm tốn được gọi Thầy là Đức Thầy.

 

Nhưng về phương diện huyền cơ vô hình mà xét thì danh từ ấy dùng để tôn xưng Ngài không phải là quá đáng, không chánh xác.

 

Nói tóm lại, trong tiến trình Đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn phái của Đạo Phật một tôn phái đặc biết của hàng cư sĩ tại gia với pháp môn Học Phật Tu Nhân, một pháp môn đối cơ và đối cảnh, có diệu dụng cứu độ đa số chúng sanh căn tánh thiển bạc trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn