Sau khi Huỳnh Giáo Chủ bị Cộng Sản ám hại (16-4-1947), tổ chức võ trang Phật Giáo Hòa Hảo ký một hiệp định liên quân với Pháp (18-5-1947), để phát triển các đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, chống lại các đơn vị quân sự Việt Minh Cộng Sản, và bình định lãnh thổ miền Tây Nam Việt.
Phản ứng mãnh liệt của khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã đưa đến kết quả là các đơn vị quân sự Cộng Sản bị đánh bật ra khỏi miền Tây rất mau chóng. Để đối phó với những thắng lợi quân sự đó của Phật Giáo Hòa Hảo, phía Cộng Sản đã phát động một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và sâu độc để bôi nhọ Phật Giáo Hòa Hảo trên mặt dư luận. Đó là một chiến dịch quy mô sử dụng toàn thể bộ máy tuyên truyền Việt Minh từ Nam chí Bắc. Các phương thức đa diện được áp dụng: báo chí, truyền đơn, đài phát thanh. Nhưng đặc biệt nhất là lối tuyên truyền rỉ tai, phao tin đồn có dẫn chứng, và ngụy tạo tài liệu phổ biến qua báo chí và cán bộ rỉ tai.
Những tin đồn này rất đặc biệt, làm cho người nghe không thể nào không chú ý. Thí dụ tin đồn “Hòa Hảo ăn thịt người”, hay “Hoà Hảo bắt lương dân tra tấn các kiểu dã man như cắt lưỡi đâm mắt”... Hệ thống tuyên truyền Cộng Sản dựng ra những nhân chứng giả mạo, dựng nên những sự kiện giả mạo nhưng cụ thể. Thí dụ khi tường thuật một việc đã xảy ra, có địa danh, ngày giờ, nhân chứng đầy đủ. Sự việc đó được học tập bởi các cán bộ tuyên truyền rỉ tai, để đi các địa phương khác nhau, nhưng tường thuật giống hệt nhau, phổ biến trong quần chúng. Người nghe tin đồn, lúc đầu có thể chưa tin, nhưng nếu lại tiếp tục được nghe thêm nhiều lần, bởi nhiều người khác nhau, tất không thể không tin. Do kỹ thuật tinh vi đó, mà những tin hoàn toàn giả tạo như “Hòa Hảo ăn thịt ăn gan người” dần dà được nghe và tin như một sự thật, đã thật sự xảy ra ở miền Tây!
Sài gòn được xem là trung tâm chính trị miền Nam, và Cộng Sản lúc đó tổ chức một bộ phận công tác đặc biệt để đem các tin đồn từ nhiều tỉnh miền Tây lên phổ biến tại Sài Gòn, trong mục tiêu bôi nhọ Phật Giáo Hòa Hảo.
Lúc đó làng báo Việt ngữ Sài gòn không đông lắm, có lẽ dưới mười tờ hằng ngày. Trong đó có những tờ nổi tiếng như Điện Tín, Ánh Sáng, Tiếng Dội, Phục Hưng, Thần Chung... với các ký giả kỳ cựu trong nghề như Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Lư Khê, Tú Phương, Hiền Sĩ...
Trên mặt tờ báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc, tòa soạn đặt tại đường Lagrandière (Gia Long), vào khoảng cuối năm 1947, có đăng một thiên phóng sự nhan đề: “TÔI BỊ HÒA HảO BẮT”. Tác giả lấy tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long làm khung cảnh phóng sự, tường thuật một chuyến đi và bị bắt bởi một đơn vị quân sự Phật Giáo Hòa Hảo, rồi bị giam cầm, tra tấn, tống tiền... Cảnh nhà tù mà ký giả tường thuật không khác gì địa ngục, ký giả còn dẫn chứng ra một số tù nhân khác, và dưới ngòi bút chuyên nghiệp của ký giả, mỗi tù nhân là một bi kịch thê thảm rùng rợn, với những điều “mắt thấy tai nghe’’ của chính ký giả, những câu chuyện “trao đổi với tù nhân”... Về khung cảnh bên ngoài, ký giả đã không quên tường thuật tỉ mỉ về những “quầy bán thịt và gan người ngoài chợ, mấy anh chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo đi hành quân về mỗi anh xách một xâu gan người đem về để nấu nướng rồi nhậu say với rượu đế...”. Lại còn thêm tình tiết rằng chính mình được “mời và bắt buộc phải nhậu thịt người xào lăn và gan người xào lá hẹ, đến nỗi sau đó nôn mửa cả mấy ngày...”
Thiên phóng sự “Tôi bị Hòa Hảo bắt” được đăng nhiều ngày liên tiếp trên mặt báo Tiếng Dội, rất hấp dẫn đối với độc giả tại Sàigòn. Người dân Sàigòn làm sao có được dữ kiện chính xác để phân biệt sự thật với ngụy tạo, cho nên số người tin theo cũng không phải là ít.
Ký giả kết thúc thiên phóng sự đó bằng một “cơ may hiếm có”, nhờ một cuộc tấn công của một bộ đội kháng chiến đang đêm đánh vào vị trí quân sự Hòa Hảo, và lính Hòa Hảo bỏ chạy, ký giả nhơn cơ hội đó mà tẩu thoát, tìm đường về Sàigòn...”
Thiên phóng sự này đã làm xúc động giới lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo và cả các giới quân sự Pháp, cũng như chánh quyền địa phương của phía Việt Nam. Vì thế, một ủy ban hỗn hợp đã được thành lập để nghiên cứu điều tra xem sự thật ra sao. Kết quả công việc điều tra cho bết rằng thiên phóng sự đó hoàn toàn bịa đặt, hoàn toàn do trí tưởng tượng, chớ không dính dáng chút nào đến thực tế, không chứa đựng một tỷ lệ sự thật nào. Các dữ kiện về địa dư, về cuộc hành trình của tác giả, về địa điểm khám đường, về ngày giờ tấn công của cuộc kháng chiến, về những nhân vật kể ra trong phóng sự....tất cả đều chỉ là tưởng tượng, bịa đặt, vì không hiện hữu. Cái nhà tù mà tác giả đã mô tả, với rất nhiều chi tiết, không hề có mặt tại địa điểm nêu trong phóng sự. Trận tấn công của đội kháng chiến trong cái đêm mà tác giả tẩu thoát, cũng không hề xảy ra trong nhựt ký chiến sự của các cơ quan tình báo và chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long. Phiên chợ “có treo bán thịt người” cũng không hề có. Chỉ là chuyện hoang đường viết thành phóng sự.
Do đó, ủy ban điều tra kết luận, đây là một thủ đoạn tuyên truyền bôi nhọ, hoặc của Cộng Sản, hoặc của một giới nào thù nghịch với Phật Giáo Hòa Hảo, dùng tờ báo của ký giả Trần Tấn Quốc để phổ biến trong dư luận. Vì đây là một trong những tờ báo lớn lúc đó.
Nếu câu chuyện chỉ có thế thôi, thì cũng vẫn chỉ là một hiện tượng thông thường trong cuộc đấu tranh, nghĩa là một thủ đoạn tuyên truyền đen, một chiến thuật chiến tranh tâm lý.
Đoạn sau của câu chuyện này có vẻ lý thú hơn.
Tòa soạn báo Tiếng Dội, ngày sau đó, nhận được một bức thơ có ký tên và địa chỉ đầy đủ, của một người tự nhận là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trình bày quan điểm của mình, cho rằng báo của ông Trần Tấn Quốc đã loan tin thất thiệt, phương hại đến danh dự của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cho nên đòi hỏi ông Trần Tấn Quốc phải có bài đính chánh trong thời hạn một tuần lễ, kể từ ngày nhận thơ đó.
Khi hạn định một tuần đã qua, báo của ông Trần Tấn Quốc không đính chánh, thì ông chủ báo lại nhận được một bức thơ thứ nhì, cũng của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói trên. Bức thơ thứ nhì này, lời lẽ cứng rắn hơn, tỏ vẻ bất bình nhiều hơn vì sự im lặng khinh miệt của ông Trần Tấn Quốc. Và bức thơ đề nghị một cuộc đấu kiếm để rửa cái nhục bị bôi nhọ và bị khinh miệt. Luận điệu nêu trong bức thơ, đại ý rằng:
“Ký giả và chủ báo có cây viết và tờ báo, dùng cây viết và tờ báo để hạ nhục người khác. Người bị hạ nhục không có tờ báo, mà sự yêu cầu đính chánh lại bị bác bỏ, nên chỉ còn cách bắt chước các hiệp sĩ thời xưa, là đấu gươm rửa nhục...”
Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo này đề nghị ký giả Trần Tấn Quốc lựa chọn võ khí, địa điểm, người chứng và ngày giờ, rồi thông báo cho hay, bất luận thứ võ khí nào, ở nơi nào, lúc nào, người kia cũng sẵn sàng chấp nhận và sẽ y hẹn. Cũng hứa danh dự rằng sẽ chỉ có một mình đến để so gươm với ký giả Trần Tấn Quốc, đúng theo tinh thần mã thượng quân tử.
Sau một tuần, cũng không có thơ hồi âm của ký giả Trần Tấn Quốc, người kia gởi thêm một lần nữa bằng lối bảo đảm cho chắc ăn là thơ đã tới tay người nhận, đồng thời cũng gởi bản sao đến một số báo chí hằng ngày tại Sài Gòn, yêu cầu đăng tải. Ký giả Trần Tấn Quốc lâm vào tình trạng nan giải, bối rối, ông không đến tòa soạn, và cũng không về nhà, có lẽ vì lo sợ “hành động mạnh” của tác giả bức thơ. Tòa soạn báo Tiếng Dội được điều hành gián tiếp qua các cộng sự viên, trong đó có ký giả kỳ cựu Lê Văn Thử bút hiệu Việt Tha. Ông Quốc ẩn mặt luôn, ngày Tết cũng không về nhà ăn Tết. Sau cả tháng, ông không thấy ai theo dõi và có hành động hăm dọa chi nữa, ông mới trở về nhà và đến tòa soạn sinh hoạt bình thường trở lại. Tuy nhiên, ông cũng không viết bài biện bạch cho thái độ im lặng của mình trước lá thơ thách đấu kiếm kia.
Câu chuyện tới đây cũng chấm dứt, người thách đấu kiếm cũng không có thêm hành động nào khác nữa, nhưng ký giả Trần Tấn Quốc thì vẫn phải đề cao cảnh giác, theo lời thuật lại của một số người chung quanh ông, và đặc biệt là của nữ nghệ sĩ Thanh Loan, một người đẹp đã sống chung với ký giả Trần Tấn Quốc như một cặp vợ chồng.
Cũng từ đó, báo Tiếng Dội không còn đăng bài nào có tính chất phỉ báng Phật Giáo Hòa Hảo nữa.
Nếu cần ghi thêm một số chi tiết, thì đó là hai sự việc mà trong giới làm báo tại Sài gòn đều biết. Sự việc thứ nhứt là nữ nghệ sĩ Thanh Loan mấy năm trước 1975, đã bỏ Sài gòn vào chiến khu theo Mặt Trận Giải Phóng miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch và do Hà Nội tổ chức làm “con ngựa thành Troie” để chiếm miền Nam. Thanh Loan là một nữ nghệ sĩ cải lương có tài và duyên dáng, được cảm tình các giới, nổi tiếng một thời sau những Phùng Há, Năm Phỉ, đồng thời với những Kim Chung, Bích Thuận, và trước lớp Ngọc Giàu, Út Bạch Lan... Có người cho biết rằng Thanh Loan vào bưng là do sự móc nối của ông thầy tuồng Trần Hữu Trang, nhưng cũng có một số bạn gái của cô, cho biết chỉ vì thua tứ sắc, thiếu nợ quá nhiều, nên cô biến vào bưng cho giản tiện. Dù vì lý do nào mà nữ nghệ sĩ Thanh Loan vào bưng, cô cũng trở thành một yếu tố để Cộng Sản lợi dụng tuyên truyền với dân chúng.
Sự việc thứ hai là thái độ chính trị của ký giả Trần Tấn Quốc. Ông không bao giờ ủng hộ chính quyền Quốc gia, mặc dù ông xưa nay vẫn sống trong vùng an ninh quốc gia. Khuynh hướng chính trị của ông xưa nay vẫn là ủng hộ phía “bên kia”. Ngay từ 1945, ông đã có thái độ thân Việt Minh, và giữ thái độ đó về sau. Chắc hẳn các vị trong ngành cảnh sát công an nắm vững hồ sơ cá nhân của vị ký giả kỳ cựu này, và đều rõ khuynh hương chính trị của ông, nhưng vẫn cứ để được tự do hành nghề viết báo, là vì ông Quốc rất khôn khéo, tế nhị, lại có kinh nghiệm dày dặn trong nghề cầm bút, làm báo, cho nên không bao giờ ông phạm một sơ hở để lộ diện và để công an có thể làm khó mình.
Câu chuyện trên đây là một điển hình của tuyên truyền Cộng Sản và ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam. Thái độ của quần chúng và trí thức miền Nam trong giai đoạn kháng Pháp 1945-1955 và giai đoạn chống Cộng 1955-1975, một phần quan trọng vì chưa trực tiếp nếm mùi Cộng Sản, nên mới không phân biệt được rằng Cộng Sản mới là mối hiểm họa chính yếu lâu dài của dân tộc, trong khi thực dân Pháp chỉ là hiểm họa nhứt thời trước mắt sẽ phải từ bỏ tham vọng thuộc địa trước cao trào giải phóng và trước áp lực quốc tế. Sự thật này đã xảy ra, năm 1955 ông Ngô Đình Diệm có phải cầm súng đánh Pháp đâu, mà Pháp vẫn phải ra đi. Nhưng Cộng Sản thì vẫn còn đó, để đến 1975, dựa vào thế lực đế quốc Nga Sô, toàn chiếm lãnh thổ Việt Nam và đặt ách thống trị trên dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay.
Báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc công khai bôi nhọ Phật Giáo Hòa Hảo năm 1947, thế mà lại được một số người tin theo, trong khi người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo đang đứng mũi chịu sào tại mặt trận để ngăn chống sức tàn phá của các đơn vị võ trang Cộng Sản, thì lại bị chính những kẻ mệnh danh là giới trí thức, cầm bút dẫn đạo dư luận, bôi tro trát trấu vào mặt một cách không chút lương tâm, áp dụng thủ đoạn bịa đặt không chút lương tri nghề nghiệp!
Vậy thì lẽ phải ở đâu? Người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo kia không có phương tiện trả lời cho ký giả, đã hành động như thế, nhưng cũng vẫn không có đáp ứng, mà nếu có áp dụng giải pháp “kiện ra tòa về tội mạ lÿ” thì rồi sẽ đi đến đâu trong cái bối cảnh 1947 đó? Công lý ở đâu mà đòi có công lý? Vì công lý lúc đó đang đội cái mũ đỏ của Nga Sô, hay cái mũ đen của thực dân, cố nhiên của những chiếc áo đen rất oai nghiêm trịnh trọng của “những nhà trí thức trong xã hội”.
Chỉ đáng thương cho người chiến sĩ, muốn minh oan bằng khí giới sở trường của mình, mà không được.
LẠC Tử
Gửi ý kiến của bạn