20- Sau Khi Huỳnh Thủ-Lãnh Ra Đi

30 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 78081)
20- Sau Khi Huỳnh Thủ-Lãnh Ra Đi
Sau khi Đức Thầy ra đi, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ở vào một tình thế vô cùng khó khăn. Trước mặt là quân xâm lược Pháp, sau lưng là Cộng Sản khủng bố. Trung thành với đường lối chống thực dân, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cố thủ vị trí bí mật, nhưng Pháp quyết không để yên, tìm cách bắt bớ các cán bộ Dân Xã. Chủ ý của Pháp lúc đó là làm tê liệt bộ máy Dân Xã, tức vô hiệu hóa bộ phận lãnh đạo chánh trị, để quân đội Pháp có thể chủ động tình thế, bởi Pháp cần có sự hợp tác của các đơn vị võ trang Phật Giáo Hòa Hảo để đối phó với Cộng sản.

Cuối năm 1947, hai ủy vên Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng bị ám sát chết: Ông Nguyễn Văn Sâm bị giết tại Chợ Lớn (10-10-1947) và bác sĩ Trần Văn Tân bị giết tại Gia Định (11-1947).

Trong tình thế nan giải đó, một Đại Hội Quân Chính được triệu tập, và sau đó Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tuyên bố tạm đình chỉ công tác, rút hẳn vào bất động. Ba tờ báo, cơ quan truyền huấn của Dân Xã cũng đình bản: tờ Quần Chúng tại Saigon, tờ Dân Xã tại miền Tây, và tờ Nợ Nước của bộ phận huấn luyện Liên tỉnh. Đình bản để địch không hiểu biết gì về hiện tình Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng nữa (1948)

Các cán bộ Dân Xã được phân tán, một số chuyển sang công tác mới trong địa hạt văn hóa, giáo dục, và tôn giáo, với ý thức bảo tồn tiềm năng cán bộ, đồng thời nuôi dưỡng lý tưởng cho lớp trẻ. Các nhà in báo được chuyển sang in sách và kinh giảng. Nhiều trường học được thành lập, như trường trung học Nguyễn Trung Trực (Long Kiến, Long Xuyên) trường trung học Hòa Hảo (Thánh Địa Hòa Hảo, Châu Đốc), trường trung học Kinh Dương (Chợ Mới, Long Xuyên). Các cơ sở huấn luyện quân chính cũng đóng cửa, chuyển sang huấn luyện về giáo lý.

Nói chung, hoạt động Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng lúc đó bị trầm xuống, trong một tình thế vô cùng khó khăn, nhưng được chuyển hướng sang tôn giáo và văn hóa.

Tuy nhiên, một số cán bộ Dân Xã vẫn bí mật hoạt động, nhưng giới hạn. Năm 1950, khi tổ chức Nghĩa Quân Cách Mạng (do ông Lê Quang Vinh tự Ba Cụt chỉ huy) cải tổ thành quân lực Dân Xã, một số cán bộ cao cấp của Dân Xã tái lập tổ chức Đảng, hoạt động bí mật trong bưng biền. Ban chấp hành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng do ông Trình Quốc Khánh làm Tổng Bí thơ hoạt động trong chiến khu cho đến khi Đại tá Lê Quang Vinh về hợp tác với quân đội quốc gia, thì đảng quyết định ra công khai, hợp thức hóa về mặt pháp lý để trở thành một chánh đảng hợp pháp trong phạm vi luật lệ quốc gia Việt Nam (1954).

Đến khi hiệp định Giơ-neo ký kết, lực lượng Lê Quang Vinh ra tuyên ngôn phản đối sự chia cắt đất nước, rồi rút vào bưng. Ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, ứng phó tình thế trong Nam với một chánh sách sai lầm, và với cái nhìn phiến diện, ngắn tầm đối với các tôn giáo trong Nam. Ông ra sắc lịnh giải tán Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, cấm hoạt động. Nhưng đảng đã bất chấp sắc lịnh đó, vẫn tiếp tục hoạt động bí mật, dù cơ sở tại Saigon đã bị tịch thâu.

Năm 1955, để nối tiếp các hoạt động Dân Xã, quý ông Phan Bá Cầm, Nguyễn Bảo Toàn đứng tên xin hợp thức hóa đảng trở lại, dưới danh xưng là ĐảNG VIỆT NAM DÂN CHủ XÃ HỘI (thay vì VIỆT NAM DÂN CHủ XÃ HỘI ĐảNG, chỉ đặt chữ đảng lên đầu thay vì ở cuối). Lý do là theo luật pháp lúc đó Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã bị giải tán rồi, nay hợp thức hóa phải có sự thay đổi để thích nghi nhu cầu pháp lý.

Nhưng chỉ ít lâu sau, đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội cũng trở thành nạn nhân của chế độ Ngô Đình Diệm. Đây là một kế hoạch khủng bố hai mặt. Vừa khủng bố đảng Việt Nam Dân chủ Xã hội (ông Nguyen Bảo Toàn, Phan Bá Cầm) ngoài thành, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (ông Trình Quốc Khánh) trong bưng. Ông Trình Quốc Khánh bị bắt giam, ông Nguyễn Bảo Toàn phải trốn sang Cao Miên, rồi qua Mỹ (1956). Ông Phan Bá Cầm bị bắt giam tại Saigon sau cuộc đảo chánh hụt 11-1960. Toàn bộ đảng bị chế độ Ngô Đình Diệm khủng bố tứ phía. Rất nhiều cán bộ đảng bị bắt. Năm 1963, mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm đã thủ tiêu một số cán bộ cao cấp Dân Xã: Nguyễn Bảo Toàn, Phạm Xuân Giá, Trần Văn Tập, Lê Hoài Nam, Huỳnh Thiện Tứ, Huỳnh Hữu Thiện...

Sau khi Đệ nhất Cộng Hòa chấm dứt (1963), Phật Giáo Hòa Hảo có cơ hội phục hoạt, gây dựng lại cơ sở. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng chấn chỉnh lại hàng ngũ đã bị đánh phá suốt chín năm qua dưới chế độ Đệ nhứt Cộng Hòa.

Tới năm 1966, các bộ phận Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng hợp nhứt trong một tổ chức Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng thống nhứt. Từ thời kỳ này, Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng phối hợp với các đảng cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân, Phục Quốc Hội thành lập tổ chức chung lấy tên là LỰC LƯỢNG DÂN TỘC VIỆT, với bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ làm Chủ tịch, và ông Phan Bá Cầm làm Tổng Bí thơ. Lực lượng Dân tộc Việt là một tổ chức dung hòa các chủ thuyết của các đảng cách mạng Việt Nam, để có một cương lĩnh duy nhứt, một tổ chức cách mạng chung, cùng tranh đấu cho mục tiêu Cứu nước và Dựng nước.

Sau 30-4-1975, Cộng Sản toàn chiếm Việt Nam, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng lại một lần nữa bị đàn áp tàn nhẫn. Toàn bộ các cán bộ đảng bị bắt giam. Hai vị Tổng bí thơ Phan Bá Cầm và Trình Quốc Khánh bị chết vì không chịu nổi sự hành hạ tinh thần và thể chất trong khám đường Cộng Sản. Rất nhiều cán bộ cao cấp bị đưa ra Bắc Việt giam giữ, cho tới nay vẫn chưa được trả tự do.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn