2- Vấn Đề Vận Dụng Quần Chúng Nông Thôn

20 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 76949)
2- Vấn Đề Vận Dụng Quần Chúng Nông Thôn
VẤN ĐỀ VẬN DỤNG QUẦN CHÚNG NÔNG THÔN

Muốn thay đổi xã hội, trước hết phải thay đổi con người.

Xã hội Việt Nam vốn đã là xã hội nông nghiệp. Trước năm 1945, 80% dân chúng sinh hoạt trong nghề nông và sống tại nông thôn. Văn minh Tây phương và các tiện nghi đời sống thời đó phần nhiều phục vụ khối dân đô thị. Thị dân được xem là lớp người tiến bộ, nông dân là lớp người hậu tiến.

Sinh hoạt tư tưởng tập trung tại đô thị: trường học, thư viện, sách báo chỉ có ở đô thị. Người nông dân không biết tờ nhật báo là gì. Ngay ở thập niên 60, tổng số báo hàng ngày phân phối ở miền Nam khoảng 300.000 tờ, 60% tức là 180.000 tờ được tiêu thụ tại thủ đô Sàigòn, 40% tức 120.000 tờ được tiêu thụ tại các tỉnh. Như thế bổ đồng, cứ mười người dân tại Sàigòn có một tờ báo, trong khi ở vùng nông thôn (kể luôn các thị trấn ở tỉnh) 150 người có một tờ báo.

Ở thời điểm thập niên 1930, các “phương tiện chuyên chở văn hóa” cho nông thôn lại còn hiếm hoi hơn ở thập niên 60 rất nhiều. Người nông dân năm 1930, làm sao biết Đông Du là gì, Đông Kinh Nghĩa Thục là gì, cụ Phan Bội Châu là ai, cụ Phan Châu Trinh muốn gì, lại càng không thể biết được Rousseau nói gì về tự do, Montesquieu viết gì về dân chủ?

Trái lại, người dân đô thị có nhiều cơ hội và phương tiện để tiến bộ về kiến thức, tư tưởng, và do đó, vấn đề truyền bá ý thức đấu tranh, cách mạng, chống thực dân, tất nhiên dễ đến với người đô thị hơn là người nông thôn.

Trong tình huống đó, làm thế nào để chuyển khối quần chúng “hậu tiến” tại nông thôn thành lớp người có ý thức. Nói chung, làm sao chuyển động được quần chúng? Làm sao thay đổi được quần chúng từ vô thức sang có ý thức, từ thụ động sang tích cực, từ lãnh đạm sang nhiệt thành, từ bảo thủ sang hy sinh?

Đó là công việc quan trọng, vô cùng nặng nề khó khăn, mà các lãnh tụ cách mạng lúc đó ngoảnh mặt đi. Thật ra, lúc đó, tại miền Nam, chỉ có đảng Cộng Sản Đông Dương làm công tác vận dụng quần chúng tại nông thôn vào đấu tranh, nhưng bản chất chủ nghĩa duy vật Mác-Lê và con người cán bộ Cộng Sản không thích hợp và thiếu hấp dẫn đối với nông dân. Cho nên, các mưu tính nổi dậy của đảng Cộng Sản tại miền Nam thời đó đã thất bại thê thảm. Trong các lãnh tụ chánh trị miền Nam thời đó, chỉ có một Nguyễn An Ninh là nhìn thấy tầm quan trọng của nông thôn và nông dân, ông đích thân đi bán dầu cù là dạo từ làng này sang làng khác, để tiếp xúc với nông dân và tuyên truyền ý thức nông dân. Nhưng ông mất sớm, lại cô đơn, phương thức của ông đã không lan rộng ra được.

QUAN ĐIỂM QUẦN CHÚNG CỦA HUỲNH GIÁO CHỦ

Một điều đặc biệt cần nhấn mạnh, là Huỳnh Giáo Chủ đặc biệt lưu ý đến khối nông dân, khác hẳn chủ trương của các lãnh tụ chánh trị và trí thức đương thời, chỉ nhắm vào khối thị dân có học.

Chúng ta đã thấy các đảng cách mạng chánh trị xuất phát từ thập niên 1930, như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân, Đại Việt... ngoài Bắc, và phong trào Lập Hiến, nhóm Đệ Tứ, đảng Quốc Gia Độc Lập trong Nam, đều chỉ thâu nhận đảng viên trí thức làm lãnh đạo, và có học làm cán bộ, chớ không mấy ai lưu ý đến nông dân ít học. Như thế, khối đa số quần chúng, tức khối nông dân, bị coi như hậu tiến, nên bị bỏ rơi.

Cũng nên nhắc lại ở đây một câu chuyện trao đổi giữa một lãnh tụ cách mạng và Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, năm 1945 tại Sàigòn. Ông Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ nổi tiếng của nhóm Đệ Tứ tại miền Nam (bị Cộng Sản giết cuối năm 1945) đặt một câu hỏi với Huỳnh Giáo Chủ:

— Tại sao hầu hết các tín đồ của Giáo Chủ là nông dân thiếu học?

Huỳnh Giáo Chủ trả lời:

— Trong một xã hội có nhiều thành phần người. Quý ông đã lựa chọn giới có học mà thâu nhận vào đảng và quý ông bỏ rơi đám người nông dân thiếu học. Quý ông bỏ họ, thì tôi phải cứu vớt họ, chớ không lẽ bỏ rơi luôn họ sao? Họ cũng là người Việt Nam, là chúng sanh, và tôi chắc họ sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc tranh đấu sắp tới. Chẳng khác nào quý vị đã lựa chén kiểu chén sứ, bỏ mảnh sành nồi đất, thôi để tôi lo cho lớp người thất thế trong xã hội đó.

Quan điểm quần chúng của Huỳnh Giáo Chủ đã thể hiện, về phương diện Đạo đức, lòng Từ bi của Phật không bỏ rơi chúng sanh nào, đồng thời thể hiện cái nhìn sâu xa về vai trò quần chúng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc. Người lãnh tụ nhìn ngắn hạn, có thể cho rằng chỉ cần cái đầu lãnh đạo giỏi là điều khiển được cả một dân tộc. Ngược lại, cái nhìn dài hạn của Huỳnh Giáo Chủ, cho rằng phải có khối quần chúng ý thức và kiên trì, thì tiềm lực của dân tộc mới chịu đựng bền bỉ trong trường kỳ.

Có nhìn lại bức tranh xã hội miền Nam thời kỳ đó, mới nhận thức được và đánh giá được sự thành công hi hữu của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo trong công cuộc ý thức và vận dụng quần chúng vào Đạo đức và Cách mạng.

PHƯƠNG PHÁP: BÁO ĐỘNG, CỨU ĐỘ, Ý THỨC

Từ 1849 đến 1856, Phật Thầy Tây An, cũng như từ 1939 đến 1945, Huỳnh Giáo Chủ, bằng thuyết giảng và hành động, đã đưa vào quần chúng nông thôn một giáo lý đào tạo con người biết TU HIỀN và YÊU NƯỚC. Hai vị đều áp dụng một phương pháp giống nhau, và rất đặc biệt.

Bước đầu là BÁO ĐỘNG: Tai họa khủng khiếp sắp đến rồi, mọi người hãy thức tỉnh ngay! Lời báo nguy đó như một tiếng sét giữa khung cảnh im lìm của đồng ruộng, làm nổ tung cái tâm trạng âm thầm chịu đựng của nông dân. Những con người xưa nay an phận thủ thường, không ước vọng cao xa, tiêu cực và thụ động, bỗng nhiên đứng dậy vì tâm hồn rung chuyển mạnh mẽ, như có luồng điện đi ngang... Họ đã thức.

Bước kế tiếp là CỨU ĐỘ. Phật Thầy Tây An cũng như Huỳnh Giáo Chủ đã tận tình cứu chữa cho hàng ngàn người thoát khỏi nhiều chứng bịnh nan y, nguy hiểm, bằng các phương thuốc mầu nhiệm mà khoa học khó giải thích.

Cứu bịnh đã gây niềm tin mãnh liệt trong khối nông dân chất phác. Họ vừa thức, và bây giờ họ có thêm niềm tin.

Bước thứ ba là Ý THỨC. Phật Thầy Tây An cũng như Huỳnh Giáo Chủ đã đưa ý thức Đạo đức và Ái quốc thẳng vào tâm hồn của khối nông dân ấy đang ở tâm trạng sẵn sàng tiếp nhận, sẵn sàng học theo, sẵn sàng làm theo, với mức độ nhiệt thành hăng say và tin tưởng tuyệt đối.

Cứu độ bịnh tật và thuyết giảng đạo Phật, sử dụng ngôn ngữ bình dân, văn thể có vần, và nhất là biểu lộ cốt cách thánh thiện, thần cách từ bi, qua hành động và nếp sống, các vị Giáo Chủ đã bước một bước dài, rất dài, trong một thời gian rất ngắn, đó là tạo được niềm tin mãnh liệt của khối quần chúng, điều kiện tâm lý tối cần thiết cho bước khởi hành của bất cứ đại sự nào, dù là tín ngưỡng hay cách mạng. Sự thuyết phục bằng lý thuyết, chủ nghĩa, thường tiến những bước chậm chạp, mất nhiều thì giờ và đạt kết quả giới hạn trong việc gây tạo niềm tin và dấy động phong trào.

Có nhà tâm lý học, khi nghiên cứu tâm lý quần chúng, ví quần chúng như đàn trừu, bắt chước nhau mà phản ứng và hành động. Do đó, cho rằng phong trào có hấp lực thì cuốn hút được quần chúng đi theo. Nói như thế là nói quần chúng không ý thức, nhắm mắt chạy theo số đông. Những phong trào quần chúng không ý thức đó không có khả năng tồn tại. Khi điều kiện khách quan tức là hấp lực kia không còn nữa, quần chúng quay lưng đi, và phong trào tan rã.

Cho nên nghiên cứu phương pháp của Phật Thầy Tây An và Huỳnh Giáo Chủ, ta có thể phân biệt được: tại sao nhiều phong trào xuất hiện và tan rã, trái lại, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn là một khối quần chúng mà ý chí không thay đổi — dù cho hiện nay sống dưới chế độ Cộng Sản — để vẫn còn là một tiềm lực khả tín của dân tộc trong tương lai.

Phật Giáo Hòa Hảo là một phong trào quần chúng tín ngưỡng hình thành và phát triển tại nông thôn, thực tánh xã hội của Phật Giáo Hòa Hảo là một tổ chức nông dân.

Kết quả của phương pháp vận dụng và giáo dục quần chúng nông thôn mà Huỳnh Giáo Chủ áp dụng được xem là một trong những sáng tạo đặc biệt trong diễn trình lịch sử cận đại Việt Nam, nếu đem so sánh với sự hình thành và phát triển từng người, từng bước của các chánh đảng cách mạng đương thời.

Phật Giáo Hòa Hảo đã hình thành theo cường độ ồ ạt mau chóng, đông đảo của một phong trào quần chúng, một hiện tượng hi hữu ở Việt Nam.

Có một câu hỏi được nêu lên cho các nhà phân tích xã hội: Phật Giáo Hòa Hảo là một phong trào quần chúng, một tôn giáo, hay một tổ chức chánh trị?

Giới Phật Giáo Hòa Hảo khẳng định đây là một tôn giáo, và nhiệm vụ tranh đấu chánh trị chỉ đến sau như một nhiệm vụ của một giai đoạn lịch sử. Sứ mạng tôn giáo mới là căn bản và cứu cánh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn