“Sau ngày toàn thể Miền Nam được giải phóng, bọn Lương Trọng Tường, Hai Tập vẫn nổ súng chống lại cách mạng và nhân dân. Bọn Huỳnh Văn Nhiệm còn tập họp hệ thống Ban Trị sự tỉnh quận, xã mở hội nghị bàn kế hoạch tổ chức chống phá Cách Mạng, phát thẻ, thu của tín đồ hàng triệu đồng, chôn giấu vũ khí tiếp tục hành động phản cách mạng. Đồng bào tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã tố cáo hành động của chúng trước chính quyền cách mạng. Ngày 2-7-1975, chân tướng xấu xa phản đạo, phản nhân dân, phản cách mạng của bọn Tường, Tập, Nhiệm bị vạch trần. Trong ảnh: Những vũ khí do bọn Phản động chôn giấu bị nhân dân và chính quyền khui lên. Những tên trùm phản động bị vạch mặt.”
Tờ báo này tường thuật rằng các cấp trị sự Phật Giáo Hòa Hảo huyện Thốt Nốt tỉnh Cần Thơ (trước thuộc Long Xuyên, sau Cộng Sản đổi ranh giới thành ra Thốt Nốt thuộc Cần Thơ) gọi là “Đại Hội Tôn Giáo Trở Về Nguồn Cội Dân Tộc”, kéo dài ba ngày và kết thúc ngày 31-7-1975 bằng cuộc mít tinh 1.500 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, nói là để thi hành nghiêm chỉnh bản thông cáo ngày 19-6-1975 của Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo bằng cách giải tán ngay tức khắc các Ban Trị Sự, Ban Chấp Hành Dân Xã Đảng, các Ban Phổ thông Giáo lý, các Phòng Đọc Giảng, Tổ chức Bảo An, các Đoàn thanh niên, phụ nữ Phật tử, các phòng thuốc nam v.v... để mọi người trở về vị trí tại gia.
Qua bản tin này, có thể nhìn thấy chánh sách của Cộng Sản là:
1. Giải tán tất cả mọi Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, kể cả các ban Phổ Thông Giáo Lý. Tức là một chánh sách cấm hành đạo.
2. Tìm cách hủy diệt cấp lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
3. Khích lệ người Hòa Hảo đánh lại người Hòa Hảo.
Tình trạng tổng quát của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo từ sau 30-4-1975 được tóm tắt trong một bản “Báo cáo tình hình Quốc nội của Văn Phòng Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, công bố trên tập san Đuốc Từ Bi xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1981. Nguyên văn như sau:
CÁC BIỆN PHÁP CỘNG SẢN ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Sau khi chiếm Miền Nam, Cộng Sản đặc biệt “chiếu cố” đến đoàn thể. Các biện pháp sau đây đã được thi hành tức khắc.
Các Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo, Ban Chấp Hành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, các hệ thống Độc giảng đường, các Tổ chức Bảo An, Thanh Niên, Phụ Nữ, Cựu chiến sĩ, Xã hội, thuốc Nam từ thiện, tất cả đều phải giải tán, ngưng hoạt động.
— Toàn bộ hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo gồm một Ban Trị Sự Trung ương, 28 Ban Trị Sự cấp Tỉnh, 82 Ban Trị Sự cấp Quận, 476 Ban Trị Sự cấp Xã, 3.100 Ban Trị Sự cấp Ấp đã bị giải tán.
— 213 tự viện và trung tâm huấn luyện giáo lý, 468 độc giảng đường, 452 hội trường, 2.876 văn phòng hội quán, đã bị chiếm đoạt.
— 36.500 trị sự viên các cấp, 2.700 cán bộ phổ thông giáo lý, 6.000 cán bộ độc giảng viên bị cấm hoạt động.
Cơ sở Đạo bị xâm chiếm: Trụ sở, hội quán, thư viện, trường học... bị đổi thành cơ quan công an, quân sự, hành chánh, công nghiệp. Các độc giảng đường bị đóng cửa, biến thành trụ sở Ấp, hay đồn bót. Đến ngay các nghĩa trang cũng bị phá hủy. Thí dụ nghĩa trang Bình Minh bị cày, mộ đài bốn liệt sĩ Phật Giáo Hòa Hảo tại Cần Thơ bị rào kẽm gai cấm lui tới.
Mọi cán bộ diện chính trị đều bị bắt đi học tập, có người đến nay vẫn chưa được về. Cán bộ Đạo trong hệ thống Ban Trị Sự đi học tập có hạn kỳ, Trung Ương học lâu, xã học mau, và có thảo về cũng bị canh chừng hay bị bắt lại. Cán bộ Trung Ương học ít nhất là hai năm. Nhiều cán bộ Đạo vì thái độ cương nghị và bất khuất, đã bị xử tử, như ông Nguyễn Thành Long, Hội trưởng quận Cái Răng, Cần Thơ bị bẻ cổ chết. Trước đó ông Huỳnh Văn Lầu cũng đã bị xử tử tại Châu Đốc (1975).
Cộng Sản ép buộc các tín đồ tiêu hủy kinh sách, dẹp bàn thờ, dẹp hình Giáo Chủ, làm áp lực bỏ Đạo chối Thầy. Nhưng không kết quả, sức đề kháng của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tuy thụ động nhưng rất bền bỉ. Sau đó Cộng Sản tỏ ra mềm dẻo, buộc treo hình Hồ Chí Minh cao hơn hình Đức Thầy, nhưng người tín đồ có nhiều phương pháp đối phó tuy thụ động mà rất hữu hiệu.
Cộng Sản ra lệnh cấm lưu hành kinh giảng, tài liệu các loại, mục tiêu là diệt ngay những tư tưởng. Nhưng phản ứng ngược lại: nhu cầu thỉnh kinh sách Phật Giáo Hòa Hảo đã không giảm mà còn tăng lên, lan tràn hơn xưa, ngay các giới ở thủ đô Sài Gòn cũng tìm đọc sám giảng Phật Giáo Hòa Hảo nhiều hơn xưa.
Một mặt dụ dỗ và ép buộc cán bộ trẻ Phật Giáo Hòa Hảo ra làm việc cho họ, Cộng Sản một mặt gài cán bộ của họ vào nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo để chi phối ngầm. Tới nay âm mưu này cũng không kết quả, số người cộng tác với chánh sách CS rất ít, bị tín đồ xem là giáo gian, không tác động gì đến lòng trung kiên của khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hai triệu người.
Ngay âm mưu “Sư thúc Mười Trí” cũng hoàn toàn thất bại. Mười Trí không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, trước kia thuộc đơn vị Bình Xuyên, cộng tác với Đức Thầy trong lúc chống Pháp, được Đức Thầy gọi là Chú (chú em) trong chiến khu. Lợi dụng vị thế đó, sau này Mười Trí tự xưng “sư thúc” cũng mặc áo dà, để tìm cách chi phối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng đã bị tẩy chay hoàn toàn. Hiện nay thì Mười Trí đã chết như một dụng cụ vô dụng.
Cộng Sản cũng tổ chức nhiều cuộc mít tinh buộc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đi tham dự và lấy các quyết định “tự động” uœng hộ “chánh quyền cách mạng” như phiên họp 2 ngày 29-30 tháng 7-1975 tại Thốt Nốt, An Giang. Nhưng khi về nhà, người tín đồ vẫn một mực trung kiên, không thần phục Cộng Sản.
CÁN BỘ PHẬT GIÁO HÒA HẢO TÙ ĐÀY HỌC TẬP
Cộng Sản đặc biệt lưu ý đến cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo cấp Trung Ương. Hiện còn nhiều vị đi học tập năm năm vẫn chưa về. (xin dấu tên, vì lý do an ninh).
Một số thân hữu từng bị giam chung với các cấp trị sự viên Phật Giáo Hòa Hảo đã thuật lại tinh thần bất khuất của anh em trong trại giam. Vẫn cương quyết chay giới, vẫn đoàn kết keo sơn, vẫn không hề khuất phục, vẫn dám phản đối Cộng Sản khi chúng xúc phạm đến Đức Thầy. Các vị này càng ở tù lâu, râu tóc ra càng dài, tinh thần lại càng cứng cõi thêm.
Bác sĩ NHĐ bị giam ở Long Xuyên thuật lại rằng bất cứ sinh hoạt nào mà Cộng Sản xúc phạm đến đoàn thể hay Giáo Chủ, là đồng loạt anh em trị sự viên đứng lên lập tức, quay mặt ra ngoài, im lặng, không tham dự. Một thái độ tẩy chay, tuy thụ động, nhưng cương quyết, đồng lòng nên Cộng Sản phải nể.
Bác sĩ Nguyễn đức An viết trong tuần báo Người Việt: “TÙ HÒA HẢO KHÔNG CÚI ĐẦU”, trong đó Bác sĩ An thuật lại những ngày sống chung khám đường với các cấp cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo. Một cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo đã nói với bác sĩ:
— Chắc chúng tôi sẽ chết trong tù, nhưng các anh em Hòa Hảo ngày một ngày hai sẽ lớn mạnh. Phật Giáo Hòa Hảo không thể chết. Không bao giờ, bác sĩ cứ tin như vậy.
Bác sĩ cho biết:
— Già trẻ lớn bé cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo rút vô bưng, vừa Sản xuất vừa gây dựng lại Đạo, chờ ngày đập Cộng Sản. Tôi biết chắc như vậy, và điều này là một khích lệ lớn lao cho phong trào Phục Quốc Diệt Cộng sau này. Cộng Sản đưa một số đơn vị chủ lực thiện chiến vào quân khu 7 và 8, đa số là Bắc Kỳ, vây một vòng làm cái rọ ngăn chận du kích Hòa Hảo. Trường kỳ kháng chiến đang xảy ra ở đây. Cái “nhân” thật tốt và đáng tin tưởng. Vì đạo, vì nước, không vì một miếng đỉnh chung nào cả. Có lý tưởng, có quyết tâm, phải thành công.
Và Bác sĩ An kết luận:
— Trong hơn bảy tháng ở tù chung, tôi ghi nhận một sự kính mến quý vị lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Họ rất giản dị, chất phác, thật thà, tin ở Đức Thầy, một lòng không đổi. Lối sống của họ như các nhà tu. Chừng mực, bình tĩnh, bình thản, dù bị đe dọa, mơn trớn, thách đố.
Cộng Sản đã buộc quý vị Trị sự viên Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo đi các tỉnh diễn thuyết “thú nhận tội lỗi và kêu gọi đồng đạo hợp tác với cách mạng”, nhưng kết quả tâm lý không có chút nào (tháng 10/1976). Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hiểu rằng các vị này bị bắt buộc phải đọc lên những gì Cộng Sản muốn họ phải đọc. Nói chung, hàng ngàn cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo Dân Xã bị bắt bớ giam cầm. Số người đã chết trong ngục khá nhiều, ở hải ngoại chưa đủ tin tức về những cái chết thảm đó. Chỉ nghe được về cái chết của một số nhân vật quan trọng, do thơ, từ đồng đạo vượt biển cho hay.
NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Năm 1945, 1947, Cộng Sản đã hạ sát khá nhiều cán bộ Phật Giáo Hòa Hảo. Năm 1975 và sau đó, các vị cao đồ Phật Giáo Hòa Hảo sau đây đã qua đời:
— Ông NGÔ VĂN KÝ, tức ông Phán Ký, chết tại Phú Nhuận, Gia Định năm 1977. Ông là một cao đồ của Đức Giáo Chủ, được giao phó nhiều nhiệm vụ đặc biệt ở Miền Đông, và nguy hiểm nhất là bảo vệ công tác của Đức Thầy trong thời kháng Pháp. Lúc đó 1945-1946, Đức Thầy ẩn dạng tại nhà ông Phán Ký vùng Biên Hòa, sau đó ra chiến khu Miền Đông. Sau này, ông Ngô Văn Ký là cố vấn Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo.
— Ông QUAN HỮU KIM, chết tại Sài Gòn (1975) ít tháng sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam. Ông Kim phụ tá với Đức Thầy tổ chức công tác bí mật trong vùng Saigon-Chợ Lớn. Khi bị quân Pháp ruồng bắt, ông Kim đã chuẩn bị nhiều điểm bí mật để Đức Thầy trú ẩn và điều khiển bộ máy cách mạng. Trong thời kỳ này lớp đào tạo cán bộ bí mật và lưu động thực hiện ngay trong lòng địch, do sự tổ chức của ông Kim. Sau này ông trở thành Ủy viên Trung Ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Cố vấn Ban Trị Sự Trung Ương. Trước khi về hưu, ông làm đổng lý văn phòng Bộ Canh Nông.
— Ông PHAN BÁ CẦM, Chết tại Sài Gòn (Khám Chí Hòa) cuối năm 1979. Ông Cầm trước kia là Trưởng Ban Chấp Hành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tỉnh Châu Đốc, sau làm Chánh Thư Ký Ban Trị Sự Trung Ương (1947-1948), và sau này trở thành Tổng Bí thơ Trung ương Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội. Ông còn là Chủ tịch Lực lượng Dân tộc Việt, đồng thời Chủ tịch Hội Nhân Quyền Quốc tế, phân bộ Việt Nam. Dưới bút hiệu Vương Kim, ông đã viết rất nhiều sách nghiên cứu về Đạo Phật và Phật Giáo Hòa Hảo, trong đó cuốn tái bản trên mười lần như cuốn “Tận Thế Long Hoa Hội”. Ông là một chiến sĩ quốc gia không chịu khuất phục uy vũ hay chạy theo danh lợi. Cộng Sản giết ông trong tù.
— Ông TRÌNH QUỐC KHÁNH, trước là Trưởng Ban Chấp Hành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tỉnh Long Xuyên, sau làm Tổng Bí thơ Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ông tuy ốm yếu nhưng rất cương nghị. Có người cho biết khi Cộng Sản buộc ông phải chối bỏ Đức Thầy, ông trả lời rằng: ‘’Xin quý vị để tôi được tôn kính Đức Giáo chủ của tôi, như là quý vị tôn kính Hồ Chủ tịch của quý vị vậy. Quý vị không chối bỏ Hồ Chủ tịch của quý vị, thì xin đừng bắt tôi chối bỏ Thầy của tôi’’. Sau đó có tin ông chết trong ngục. Chưa có xác nhận rõ lúc nào.
— Ông LÂM THÀNH NGUYÊN. Trước là Chỉ huy trưởng Quân lực Dân Xã, và sau này Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Sĩ Phật Giáo Hòa Hảo/Dân Xã. Ông đã chết trong khi bị Cộng Sản bắt đi học tập.
Sau 1975, Cộng Sản đã hành quyết ông Huỳnh Văn Lầu, tại Châu Đốc, Ông Nguyễn Thành Long tại Cái Răng, và một số quân nhân gốc Phật Giáo Hòa Hảo ở Chương Thiện. Tin nhận từ địa phương cho biết trước khi chết các vị Tử vì Đạo này vẫn can trường bất khuất, không hề sợ hãi.
THÁNH ĐỊA VÀ TỔ ĐÌNH PHẬT GIÁO HÒA HẢO
Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo là nơi thân xác Đức Giáo chủ ra đời. Bất cứ người tín đồ nào cũng mong có dịp về lạy Phật tại Tổ Đình. Sau khi Đức Ông và Đức Bà viên tịch, cô Năm Huỳnh Thị Kim Biên kế tục công việc quản trị Tổ Đình, lo thờ phượng nhang đèn.
Sau ngày Cộng Sản chiếm Miền Nam, Thánh Địa và Tổ Đình trở nên đìu hiu: Cộng Sản cấm tụ họp và cấm hành lễ ngày kỷ niệm khai đạo 18 tháng 5. Trong ngày lễ này, trước kia hàng năm có đến 500.000 tín đồ về Thánh Địa hành lễ. Ngày nay không còn cảnh đông đảo, người chật đường, hoa đăng chật sông như xưa kia. Các độc giảng đường cũng bị đóng cửa, không còn cảnh tượng sớm chiều kinh kệ ngâm nga qua loa phóng thanh.
Ngày 19-6-1975, Cộng Sản buộc Tổ Đình ra thông cáo giải tán tức khắc hệ thống Ban Trị Sự, Ban Chấp Hành Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Ban Phổ thông Giáo lý, các tổ chức Thanh Niên, Bảo An, Từ Thiện, Cựu Chiến Sĩ...
Cô Năm Huỳnh Thị Kim Biên đã qua đời vì bạo bịnh, ngày 23 tháng 10 Mậu Ngọ (1978), vì thuốc chích quá dung lượng. Tin sau cùng cho hay ông Lâm Đồng Thanh, người sau cùng tại Tổ Đình cũng bị bắt chưa thả.
Tóm lại, Thánh Địa và Tổ Đình Hoà Hảo ngày nay trở nên lặng lẽ đìu hiu biểu tượng một trạng thái nhẫn nại, chịu đựng của khối tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo, trong cơn bão tố cuồng phong, nhưng vẫn vững lòng tin ở một ngày mai trời lại sáng (*)
Gửi ý kiến của bạn