Các giới tranh đấu nhận định rằng tình trạng nghịch lý lúc đó không thể kéo dài. Thật là phi lý khi một nước đã thua trận, chánh quốc mất chủ quyền (Đức Quốc Xã chiếm nước Pháp, Pétain đã đầu hàng) thế mà vẫn còn quyền cai trị thuộc địa, vẫn còn quyền hạ lịnh, thâu thuế, bắt bớ, giam cầm, làm chủ đất nước của người Việt Nam! Các giới tranh đấu Việt Nam mong ước và thúc đẩy giới chức Nhựt mà mình có quen biết, cộng tác, hãy mau chấm dứt tình trạng nghịch lý đó, nghĩa là chấm dứt quyền cai trị của Pháp bằng một cuộc đảo chánh mà người Việt sẵn sàng cộng tác. Nhưng phía Nhựt đã trì hoãn, duy trì hiện trạng tiện lợi cho họ, cho đến ngày 9-3-1945 mới thực sự lật đổ quyền lực của Pháp tại ba quốc gia Đông Dương, mà lý do chính yếu là vì lúc đó Pháp ở đây đang rục rịch tổ chức kháng chiến hợp tác với Đồng Minh để chống lại Nhựt. Cho nên cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945 hoàn toàn do lực lượng cơ động của Nhựt, không có phối hợp hay cộng tác của các tổ chức tranh đấu sau khi đảo chánh. Chỉ có một vài nhóm nhỏ không có lập trường và đường lối cách mạng được Nhựt sử dụng vào một số công tác an ninh địa phương trong cuộc đảo chánh, rồi sau đó không có một uy thế chánh trị nào.
Rõ ràng là Nhựt đã gạt bỏ các tổ chức đấu tranh ra ngoài phạm vi quyền lực sau đảo chánh 9-3-1945, cho nên chỉ làm một màn trình diễn trên thượng tầng là tuyên bố trao trả chủ quyền vào tay Hoàng đế Bảo Đại, nhưng thực sự đã không để cho nội các Trần Trọng Kim được thực sự hành xử chủ quyền cai trị như một chánh phủ độc lập. Các viên chức Nhựt đến thay thế các viên chức Pháp trong các vị trí then chốt của guồng máy cai trị, chớ không được trao thẳng sang cho người Việt Nam.
Theo lời thuật lại của ông Trần Văn Ân, thì chính ông, một thân hữu của giới chức cao cấp Nhựt tại Đông Dương, đã được Nhựt giúp đỡ sang Tân Gia Ba để tránh sự ruồng bắt của Pháp, chính ông cũngkhông được Nhựt cho phép trở về Việt Nam sau cuộc đảo chánh 9-3-1945. Mãi cho đến cuối tháng 5-1945, ông Trần Văn Ân nhờ bà vợqua đời, mới được quân đội Nhựt đưa về Việt Nam để làm tang lễ và lo cho con cái tại Thốt Nốt, Long Xuyên. Cũng theo lời ông thì giới lãnh tụ chánh trị trong Nam lúc đó không có chuẩn bị nào để sẵn sàng nắm lấy hay xen vào bộ máy chánh quyền sau cuộc đảo chánh 9-3-1945. Luật sư Huỳnh Văn Phương, một lãnh tụ nổi tiếng lúc đó, đã nói với ông Trần Văn Ân khi ông này từ hải ngoại về Saigon, rằng: "Anh tiên đoán hay hơn chúng tôi, đã dặn dò chúng tôi trước khi ra đi là phải chuẩn bị lấy chánh quyền khi Nhựt đảo chánh, nhưng chúng tôi đã không làm được điều đó".
Tuy nhiên, sau đảo chánh là một tình trạng thuận lợi cho các sinh hoạt đấu tranh, vì không còn lo sợ sự bắt bớ khủng bố của thựcdân Pháp nữa. Phản ứng của các giới đấu tranh cũng khá mau lẹ. Ngay đầu tháng 6-1945, các tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài,Đệ Tứ, Quốc Gia Độc Lập đã hội họp để chuẩn bị thành lập một trận đấu tranh lấy danh nghĩa là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt. sau đây là phần trích từ hồi ký của ông Trần Văn Ân:
CHUNG QUANH SỰ THÀNH LẬP MẶT TRẬN QUỐC GIA THỐNG NHẤT
Từ Chiêu Nam về, tôi tới Saigon ngày 31 tháng 5 năm 1945. Sở dĩ tôi được về là vì vợ tôi quá cố vào những ngày đầu tháng 5-1945. Ngày đảo chánh tôi còn đang ở Djakarta (Indonésie).
Sáng ngày 9-3-1945, nhơn nghe đài phát thanh bổn xứ, tôi kinh ngạc nghe khi nghe mấy tiếng "Etsnan dukurits…" (nghĩa là Việt Nam độc lập), tôi liền đòi đọc báo sớm ngày hôm ấy, báo Nhựt xuất bản ở Djarkarta, được đọc lời tuyên bố độc lập của vua Bảo Đại, tôi liền xin gặp vị Tham mưu trưởng Nhựt tại Djarkarta và đòi về ngày Chiêu Nam để về Saigon. Tôi được trả lời là phải đợi có máy bay. Thế rồi tôi đợi máy bay. Máy bay thì có, mà ít dám bay lên trời vì lúc bấy giờ Mỹ làm chủ tình hình không gian. Tôi phải lên máy bay để về Chiêu Nam mấy lần, mà luôn mấy lần đều trở lại chỗ phát bay, vì thiếu an ninh không gian; và mỗi lần ra đi đều phải có dự bị nào thuốc quinine, nào áo thun, để ngừa khi máy bay bị bắt buộc đỗ xuống rừng rậm, có đồ mà cho thổ dân để cầu an…
Về tới Singapore vào khoảng mấy tháng sau Pháp bị đảo chánh, tôi vẫn chưa được về Saigon, vì không an ninh. Lúc bấy giờ ngày nào Saigon cũng bị B-29 (của Mỹ) dội bom. Mãi tới ngày 31 tháng 5 tôi mới về tới Saigon, sau khi có tin vợ tôi quá cố vào ngày 17 tháng 5-1945 (mồng 6 tháng 4 Ất Dậu). ngày 1 tháng 6 tôi về quê nhà tại Thốt Nốt, đi bái mộ vợ tôi và thăm sáu đứa con, đứa lớn mới lên 13 tuổi, đứa nhỏ vừa lên 4, được đứa em gái tôi trông nom. Nước mắt tôi chưa ráo, con tôi chưa hết mừng cha, nhà tôi chưa dọn dẹp, hành trang tôi cưa coi lại cái nào phải giặt cái nào phải bỏ, thì có một phái đoàn từ Saigon xuống, nói là thăm tôi, mà kỳ thực là muốn rước tôi lên Saigon ngay. Phái đoàn gồm có: Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Lịnh (Đệ Tứ Quốc Tế), Nguyễn Thạnh Cường (Quốc Gia) và một người nữa, đến nay tôi quên tên. Thạch với tôi vốn chỗ thân tình. Cường với tôi đã cùng ở trong một đảng cách mạng, trong đó có Võ Oanh, Trần Quốc Bửu, Phan Khắc Sửu, vv… Thạch nói ngay với tôi là do sáng kiến của Đức Thầy Phật Giáo Hòa Hảo muốn anh em xuống Thốt Nốt rước Ân lên Saigon và lên gấp vì thời cuộc đi quá lẹ.
— Để làm gì? Tôi hỏi.
— Để lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất.
— Tại sao cần phải có tôi? Tôi lau nước mắt chưa khô đây mà.
— Việc gấp lắm. Đức Huỳnh Giáo Chủ nói phải có "toi" Ân, và thêm lời: Il t'avat vu avant ton départ pour l'étranger. Ettu lui avais dit des choses qui se justifient.
Thạch có tánh quen nói tiếng Pháp. Cho rằng Đức Thầy nói có gặp tôi trước khi tôi đi ngoại quốc, và tôi còn nói những điều đã xảy ra đúng. Lịnh và Cường bảo:
— Ân, không thể mất thì giờ. Từ Đức Thầy tới anh em, ai cũng nghĩ rằng phải có "toi" trước hết là vì người Nhựt nể "toi" sau là vì hai anh Ngà, Sâm cần có "toi" làm việc hết mình.
Tôi đành gạt lệ để con ở nhà, cùng anh em lên Saigon.
Hai hôm sau, họp nhau tại đường Miche (về sau là Phùng Khắc Khoan) lúc đó Đức Thầy ngụ và làm việc tại đây. Hôm ấy có mặt đại diện Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Thanh Niên Tiền Phong, và thành phần trí thức. Tôi đại diện đảng Quốc Gia Độc Lập. Sau khi chấp nhận nguyên tắc thành lập mặt trận, anh em giao cho tôi viết tuyên ngôn Mặt Trận, với đề nghị của Đức Thầy và sự tán thành của Thạch. Thạch nói:
— Viết Việt văn tôi phải nhường cho Ân.
Chúng tôi biết nhau từ thuở Đại hội Aix-en-Provence Pháp. Hôm ấy tôi không nói chuyện nhiều với Đức Thầy. Chỉ nghe Đức Thầy nói:
— Ân về kịp thời, may quá. Tôi có ý trông. Chúng ta có nhiều chuyện phải nói. Ân khéo tiên đoán cuộc đảo chánh 9-3.
Lúc tôi về Saigon, tôi đã nghe qua Thanh Niên Tiền Phong bị Cộng Sản nằm vùng nhiều. Tôi có nói với Kha Vạng Cân và ông Iida (lãnh sự Nhựt) người có trách nhiệm trong sự thành lập Thanh Niên Tiền Phong, nhưng rồi ai cũng bỏ qua vì thời cuộc đi mau quá.
Qua những sự việc đã diễn ra tại Việt Nam từ sau cuộc đảo chánh 9-3-1945, có thể tóm lược các điều căn bản như sau:
Lý do đảo chánh
Nhựt đảo chánh Pháp là để tóm thâu mọi quyền hành trên bán đảo Đông Dương. Trước đó Nhựt cho Pháp tiếp tục hành xử quyền cai trị Đông Dương để Pháp phục vụ bộ máy chiến tranh của Nhựt. Tới 1945, Nhựt nhận thấy tại Âu Châu trục Đức-Ý sắp bại trận, trong khi lực lượng Anh Mỹ phản công quân đội Nhựt ồ ạt tại Thái Bình Dương, lại thêm ngày đêm oanh tạc Đông Dương, cho nên Nhựt Bổn phải nắm lấy toàn bộ quyền hành để tiện bề ứng phó. Nhựt còn e ngại lực lượng quân sự Pháp tại Đông dương chạy theo tướng De Gaulle, quay súng đánh úp sau lưng quân đội Nhưt khi quân lực Đồng minh đổ bộ tấn công bán đảo Đông Dương.
Nói như thế để thấy cho rõ thêm: Cuộc đảo chánh 9-3-1945 không có mục đích tháo cũi xổ lồng giải phóng dân tộc Việt Nam, mà vẫn chỉ để phục vụ mục tiêu chiến lược của Nhựt Bổn.
Nhựt thay Pháp để cai trị
Nhựt triệt hạ bộ máy cai trị Pháp, nhưng không thật sự trao quyền cai trị đó cho Việt Nam. Mặc dầu Bộ Tổng tư lịnh quân đội Nhựt tại Đông Dương có tuyên cáo trong một bản tuyên bố: "Đại Nhựt không có ý xâm chiếm lãnh thổ ở Đông Dương, mà sẽ hết lòng hỗ trợ cho các dân tộc Đông Dương muốn tự vệ đối với các cường quốc xâm lược đại Đông Á", mặc dầu ngày 10-3-1945, Chánh phủ Thiên Hoàng họp tại Tokyo có tuyên bố: "Chánh phủ Nhựt sẽ tận tâm ủng hộ dân tộc Việt Nam đoạt những nguyện vọng thiết tha về sự độc lập quốc gia", nhưng thực tế tại Việt Nam lúc đó đã không phản ảnh ý nghĩa của những lời tuyên bố kể trên.
Tại miền Nam, Thống đốc Pháp là Pagès bị triệt chức, nhưng không phải là một người Việt lên thay thế, mà lại là Thống đốc Minoda. Ông này minh bạch cho biết rằng "vẫn duy trì các cơ quan cai trị hiện hữu, các luật pháp hiện hành… Về việc cai trị, chỉ có chánh phủ được phép quyết định, không đảng phái nào có quyền tham gia. Dân chúng phải tuân theo mạng lịnh của các viên quan chức sắc do chánh phủ bổ nhậm…".
Như thế, có nghĩa là Việt Nam được độc lập trên giấy tờ, nhưng Nhựt thay thế Pháp để cai trị, Minodda thay thế Pagès, tiếp tục cai trị Nam Kỳ theo luật lệ của thực dân Pháp.
Một vài sự việc được xem là đặc biệt
— Nhà chức trách Nhựt ra lệnh kéo đồng hồ tại Việt Nam tăng lên 1 giờ.
— Một số phủ, huyện, đốc phủ sứ được bổ nhậm làm chủ tỉnh.
— Đông Dương Ngân Hàng của Pháp đặt dưới quyền điều hành của quân đội Nhựt, các chương mục ký thác bị quản chế.
— Rất nhiều người Pháp, kể cả thường dân, công chức, quân nhân,bị hiến binh Nhựt bắt giam và phải đem nạp võ khí, máy thâu thanh.
— Một số sĩ quan và binh sĩ Pháp rút về các vùng đồng quê, tổ chức kháng chiến chống Nhựt, nhưng chẳng bao lâu phải tan rã, về quy thuận quân đội Nhựt, bởi họ không quen chịu đựng cực khổ ởbưng biền, và không được quần chúng giúp đỡ. Kháng chiến mà không có hậu thuẫn nhân dân thì không thể nào tồn tại được.
Những hoạt động đấu tranh sau 9-3-1945
Sau cuộc đảo chánh này, một số chánh trị phạm được trả tự do. Những chiến sĩ xuất ngoại lưu vong như Trần Trọng Kim, Trần Văn Ân, Dương Văn Giáo lần lượt trở về nước.
Tại Saigon, các tổ chức đấu tranh trao đổi ý kiến để chuẩn bị ứng phó với biến chuyển mới của thời cuộc, chính yếu là các tổ chức Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Việt nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Đệ Tứ. Trên mặt nổi, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng do ông Hồ Văn Ngà lãnh đạo, cùng với Cao Đài, đã tổ chức một cuộc biểu tình có khoảng 50.000 người tham dự, tại vườn Ông Thượng Saigon ngày 18-3-1945. Đây là cuộc biểu tình lớn đầu tiên, nói chung là để làm lễ tưởng niệm tri ân các nhà ái quốc cách mạng đã vị quốc vong thân, nói riêng là để truy điệu cụ Dương Bá Trạc đã bỏ mình trong thời kỳ lưu vong tại Tân Gia Ba, thi hài đã được hỏa thiêu và do ông Trần Văn Ân gửi về nước. Trên bình ngoại giao, Ban Tổ chức cuộc biểu tình ngày 18-3-1945 tỏ lòng biết ơn quân đội Nhựt đã triệt hạ bộ máy cai trị Pháp để đem lại tự do cho các dân tộc Đông Dương. Các diễn giả chính trong cuộc biểu tình là Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Nguyễn Vĩnh Thạnh (chỉ huy lực lượng Cao Đài).
Theo tinh thần các điểm căn bản đã được thảo luận từ trước, các tổ chức đấu tranh ở miền Nam đã thực hiện được những công tác sau đây;
— Việt Nam Quốc Gia Đảng mở rộng thêm với sự tham gia hoạt động của các chiến sĩ vừa được tự do hay vừa ở hải ngoại trở về, và từ đó đổi tên thành Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng. Nhiệm vụ trong thời kỳ này là chỉnh đốn, tăng cường hàng ngũ để tiến dần đến một hình thức đại đoàn kết, hợp tác với các tổ chức khác chuẩn bị một mặt trận đấu tranh chung.
— Cao Đài tuyển mộ thêm thanh niên vào đạo quân "Nội Ứng Nghĩa Binh" và "Cận Vệ Quân Hội Thánh", hoạt động dưới danh nghĩa chánh trị của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh do Hoàng thân Cường Để làm Hội chủ. Trong bài diễn văn của ông Nguyễn Vĩnh Thạnh tại Vườn Ông Thượng ngày 18-3-1945, có nói rằng sau này sẽ cải tổ thành "Quân Đội Quốc Gia Việt Nam", cho nên có thể xem rằng các đơn vị quân sự đã được quan niệm ngay từ lúc khởi đầu,như thành phần tương lai trong một quân lực của Quốc Gia Việt Nam độc lập.
— Phật Giáo Hòa Hảo đã tổ chức hệ thống Bảo An tại các vùng nông thôn miền Tây Nam Việt, từ nay sẽ tăng gia phát triển tổ chức để chuẩn bị hoạt động trong giai đoạn mới. Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo bây giờ đã hoàn toàn thoát khỏi sự kềm chế của Pháp, nên sau khi tuyên bố thành lập "Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội", Giáo Chủ trở về hoạt động ở Hậu Giang, lần đầu ngay sau cuộc đảo chánh để trấn an nhân tâm trong thời kỳ xáo trộn, lần thứ nhì vào tháng 6 và 7-1945 để khuyến nông, kêu gọi nông dân tăng gia canh tác sản xuất nông nghiệp cứu đói Bắc Việt và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chủ quyền độc lập quốc gia. Hàng ngũ nông dân được chỉnh đốn, củng cố, sẵn sàng để tham gia một mặt trận chung theo kế hoạch đã được chuẩn bị bởi cấp lãnh đạo các tổ chức đấu tranh tại miền Nam lúc đó.
— Nhóm Đệ Tứ, với các lãnh tụ vừa được tự do, hoạt động liên kết với các giới trí thức để mở mặt trận ngoại giao đối với Đồng Minh khi Nhựt chiến bại.
Tất cả nổ lực trên đây đã đưa đến sự hình thành một mặt trận chung ở miền Nam, ra đời ngày 14-8-1945, mang danh là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt.
Chánh phủ Trần Trọng Kim
Trên bình diện quốc gia, sau cuộc đảo chánh 9-3-1945, đương kim Hoàng đế Bảo Đại đã có các hành động sau đây:
— Tuyên bố ngày 12-3-1945 rằng Việt Nam là một Quốc gia độc lập, hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã ký kết với Pháp ngày 6-6-1862 và 15-8-1884.
— Ban hành đạo Dụ ngày 17-3-1945 ấn định chế độ chính trị mới cho Việt Nam:
1. Chế độ chánh trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu DÂN VI QUÝ.
2. Sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Đại Nhựt Bổn trong công cuộc kiến thiết Đại Đông Á.
— Ngày 17-4-1945, tuyên chiếu thành lập nội các Chánh phủ Trần Trọng Kim gồm có:
Thủ tướng: Trần Trọng Kim.
Bộ trưởng Ngoại giao: Trần Văn Chương.
Bộ trưởng Nội vụ: Trần Đình Nam.
Bộ trưởng Kinh tế: Hồ Tá Khanh.
Bộ trưởng Tài chánh: Vũ Văn Hiền.
Bộ trưởng Tiếp tế: Nguyễn Hữu Trí.
Bộ trưởng Giáo dục: Hoàng Xuân Hãn.
Bộ trưởng Tư pháp: Trịnh Đình Thảo.
Bộ trưởng Thanh niên: Phan Anh.
Bộ trưởng Giao thông Công Chánh: Lưu Văn Lang.
Bộ trưởng Y tế Cứu tế: Vũ Ngọc Ánh.
Có thể xem đây là Chính Phủ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam độc lập, nhưng trên thực tế, nội các Trần Trọng Kim chỉ là một cơ cấu chóp bu, không liên hệ với hạ tầng quần chúng, cũng không hành xử quyền hành theo hệ thống hàng dọc từ Trung ương xuống địa phương. Điển hình là tại Nam Kỳ, Thống đốc Minoda vẫn hành xử quyền năng, không lệ thuộc vào nội các Trần Trọng Kim. Bộ máy hành chánh miền Nam thống thuộc Thống đốc Minoda trên mặt điều hành công quyền cũng giống như tại Bắc Việt với Thống sứ Tsukamoto. Nội các này chỉ mới bổ nhậm được hai vị Khâm Sai là Phan Kế Toại cho miền Bắc và Nguyễn Văn Sâm cho miền Nam.
Nội các quyết định quốc kỳ (cờ quẻ ly) và quốc ca (Thanh Niên Hành Khúc). Tuy thành phần nội các gồm những nhà trí thức khoa bảng có nhiệt tâm yêu nước, nhưng lại không phải là những chiến sĩ cách mạng, cho nên chương trình hành động của nội các chỉ nhắm giải quyết những công việc trước mắt, chớ không nghĩ đến sách lược, chiến lược ứng phó với các biến chuyển dồn dập xảy ra trong thời kỳ đầy xáo trộn chính trị đó.
Cũng vì thế mà trước áp lực của các biến cố như Nhựt đầu hàng, Việt Minh tuyên truyền được Đồng Minh ủng hộ… mà nội các Trần Trọng Kim đã vội từ nhiệm (7-8-1945).
Hoàng đế Bảo Đại cũng ở vào thế bất lợi: đứng đầu một quốc gia mới tuyên bố độc lập, nhưng không có chủ quyền thực sự. Bộ máy quân sự và chính trị của Nhựt vẫn hành xử quyền cai trị, quyết định mọi việc quan trọng. Trước mắt là những khó khăn mọi mặt của một quốc gia lâm chiến, đặc biệt là nạn đói đang hoành hành ngoài Bắc Việt, chánh phủ không làm chủ được ngân sách quốc gia và các nguồn tiếp liệu kinh tế, có biết bao nhiêu vấn đề cấp bách mà chính phủ đành bó tay vì không có thực quyền, cũng không đủ phương tiện tài chánh nhân sự…
Trong một trạng huống như thế, muốn giải quyết các khó khăn, chánh phủ phải huy động được sự hợp tác của các tầng lớp quần chúng tham gia vào kế hoạch do chánh phủ vạch ra và chỉ đạo, nhưng nội các Trần Trọng Kim không có cơ sở quần chúng, lại không nghĩ đến phương thức huy động phong trào quần chúng, cho nên không thể một mình giải quyết được các khó khăn, nhứt là trong lúc mà tình thế biến chuyển mau lẹ với các biến cố trầm trọng.
Trái lại, Việt Minh tuy không ở vị trí chánh quyền trung ương, như chánh phủ Trần Trọng Kim, nhưng đã áp dụng phương thức huy động quần chúng, tạo nên phong trào ồ ạt tham gia, cho nên đã chủ động được tình thế lúc đó để nắm lấy giềng mối cai trị.
Giới chức quyền quân sự và chính trị Nhựt tại Đông Dương lúc đó vẫn hành động như một đế quốc có quyền hành trên hết. điển hình là các sự việc sau đây:
1. Đảo chánh ngày 9-3-1945, Nhựt vẫn muốn giữ Nam Kỳ làm một vùng lãnh thổ riêng, không thống thuộc triều đình Bảo Đại. Khi Hoàng đế Bảo Đại nêu vấn đề thống nhứt lãnh thổ với Đại sứ Yokohama ngày 12-3-1945, ông này trả lời rằng: "Xin Hoàng thượng hãy nhẫn nại. Tình hình quân sự hiện giờ làm cho nước Nhựt phải đặt Nam Kỳ như một vùng chiến lược, và phải nắm quyền cai trị xứ đó. Nhưng khi Nhựt đã thắng trận, sẽ giao trả lại cho Việt Nam".
2. Cuối tháng 5-1945, Đại tướng Tư lịnh quân đội Nhựt ở Đông Dương là Tsushihasui đến yết kiến Hoàng đế Bảo Đại để yêu cầu Hoàng đế phải hạ chiếu chỉ tổng động viên để tuyển mộ quân sĩ ra mặt trận chiến đấu tiếp tay với quân đội Thiên Hoàng.
3. Đại sứ Yokohama can thiệp với Hoàng đế Bảo Đại để thỏa mãn yêu sách của vua Cao Miên là Shanouk về điều chỉnh lại biên giới giữa Việt Nam và Cao Miên…
Trên đây là vài sự việc điển hình cho những khó khăn của một quốc gia trước đó một cổ hai tròng, tròng Pháp và Nhựt, nay được nhẹ bớt đi một tròng của Pháp, nhưng vẫn chưa được hành xử chủ quyền bởi vì cái tròng của Nhựt vẫn còn đè nặng thêm một thời gian nữa.
Những diễn tiến thời cuộc đã xảy ra trong giai đoạn này, nhìn bằng nhãn quan của người vô tư, ta thấy rằng Hoàng đế Bảo Đại, nội các Trần Trọng Kim đều là những người có lòng ái quốc, có thiện chí muốn sớm thực hiện được nguyện vọng độc lập tự do của một dân tộc đã bị nô lệ suốt trên 80 năm qua. Nhưng thân phận của một quốc gia nhược tiểu bị trị trong bối cảnh thế giới lúc đó, bị chi phối bởi các quyền lực bên ngoài, hết đế quốc Pháp, lại đến đế quốc Nhựt. Tuy biết rằng mình sắp chiến bại, tuy biết rằng dân tộc Việt Nam vô cùng khát khao độc lập tự do, nhưng Nhựt Bổn lúc đó trước hết phải nghĩ đến quyền lợi của Nhựt Bổn, và chỉ nới tay cho Việt Nam ở những địa hạt nào mà quyền lợi đế quốc Nhựt tương đồng với quyền lợi Việt Nam, có lợi chung cho dân tộc Việt Nam nhưng cũng phải có lợi cho cả Nhựt Bổn. Vấn đề Nam Kỳ là một lãnh thổ còn cần thiết cho nhu cầu chiến lược của Nhựt, thì nhứt định Nhựt phải nắm lấy quyền hành cai trị, không thể trao quyền đó cho chánh phủ Trần Trọng Kim trên bình diện quốc gia, mà cũng không thể để cho các tổ chức đấu tranh miền Nam tham dự vào cơ cấu quyền lực ở Nam Kỳ.
Cũng vì thế mà từ ngày truất phế quyền lực Pháp đến ngày Nhựt Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh 15-8-1945, miền Nam Việt Nam ở trong trạng thái vô chánh phủ: chánh quyền trung ương cô lập Huế, Thống đốc Minoda lêu bêu trên chóp bu miền Nam, bộ máy hành chánh xịch xạc chạy tùy hứng, các tổ chức tranh đấu bắt đầu ráp nối những mảnh vỡ do Pháp Nhựt đã gây ra trước đó để chuẩn bị ứng phó một tình trạng sẽ diễn ra nhưng không thể tiên đoán nó sẽ ra sao, thế nào?
Quần chúng miền Nam hoang mang và không hiểu được những gì đang xảy ra trên đất nước của mình, và trên thế giới có liên hệ đến vận mệnh dân tộc mình. Rất ít người có được tin tức về lời tuyên bố lạc hậu của tướng De Gaulle tại Brazzaville ngày 24-3-1945, về những gì đã được quyết định Tam Cường, Tứ Cường tại Yalta và Postdam về tương lai Việt Nam, lại càng ít người hiểu được thái độ của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt cương quyết ngăn chặn không cho thực dân Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương dưới sự giám hộ của Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho giai đoạn độc lập.
Điều quan trọng hơn nữa là: ít ai biết được kế hoạch đã được thiết lập bởi Mốt-cu chỉ đạo và hỗ trợ cho Hồ Chí Minh chiếm lấy vị thế ưu thắng tại Đông Dương trong mục tiêu hội nhập Đông Dương vào hệ thống đế quốc Nga Sô.
Trong khi các tổ chức đấu tranh và quần chúng yêu nước Việt Nam còn phải loay hoay với các vấn đề trước mắt: chỉnh đốn hàng ngũ, đối phó với Pháp và Nhựt, tức là các vấn đề hạ từng chiến thuật, thì bộ tham mưu của Cộng Sản Đệ tam Quốc tế, với các dữ kiện đã nắm vững, hoạch định chiến lược thượng tầng, lần lượt loại bỏ từng con cờ: Nhựt Bổn, Tầu, Pháp, Anh, Mỹ trên bàn cờ Đông Dương, để rốt cuộc vai trò chủ động tại vùng lãnh thổ này phải lọt vào tay đảng Cộng Sản Đệ tam. Nhìn vấn đề trên một khía cạnh khác, có thể giả thuyết rằng:
1. Nếu Nhựt Bổn đã thành tâm thiện chí giúp đỡ dân tộc Việt Nam giải phóng quốc gia, thể hiện trong hành động bằng việc thực sự trao trả chủ quyền và yểm trợ võ trang thì cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam đã có được khả năng căn bản để đối phó với thực dân Pháp và Cộng Sản Đệ tam.
2. Nếu Pháp sớm giác ngộ, sáng suốt, trao trả chủ quyền cho dân tộc Việt Nam theo một công thức tiệm tiến như Anh đối với Ấn Độ, Mã Lai, như Hoa Kỳ đối với Phi Luật Tân, thì cuộc chiến tranh Việt Pháp đã không xảy ra, và Đảng Cộng Sản đã không có cơ họi cướp lấy ưu thế tại Việt Nam.
Thái độ ngoan cố của thực dân Pháp, thái độ ích kỷ của Nhựt trong thời kỳ đó, là những yếu tố khách quan bất lợi cho dân tộc Việt Nam, được Cộng Sản khai thác thành các yếu tố thuận lợi cho kế hoạch thôn tính Đông Dương của Mốt-cu.
Gửi ý kiến của bạn