I. Cõi cực lạc

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 37591)
I. Cõi cực lạc

           Cứu cánh của Học Phật là đạt đến cõi Cực lạc của Đức Phật A- Di- Đà. Vậy cõi Cực lạc là thế nào mà các Ngài khuyên ta tu về cõi ấy?

            Trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca có cho biết rằng: Từ đây trải qua 10 muôn ức cõi Phật, thuộc về hướng Tây có một thế giới tên là Cực lạc. Cõi đó có Đức Phật A- Di- Đà, hiện nay đang thuyết pháp. Sở dĩ có tên Cực lạc là vì những người sanh về cõi đó hoàn toàn an vui không còn chịu mọi sự khổ.

           Cảnh trí rất mực đẹp xinh, làm toàn bằng bảy thứ báu: bàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Khắp nơi đều có ao báu, trong ao chứa một thứ nước có 8 công đức, mọc đầy sen quí, mùi vị thơm tho, sắc màu rực rỡ.

           Trên bờ có cây báu sấp thành bảy, có bảy lớp lan can, bao phủ bởi bảy lớp lưới kết bằng diệu chơn châu chiếu ra ánh sáng.

           Ngoài ra, còn có đường sá, lầu các cung điện, nhứt nhứt món gì cũng làm bằng bảy báu cả. Chung quanh cung điện có cả trăm thứ hoa lá kỳ tú, khi gió động thì phát ra những tiếng nhạc pháp, có nhiều thứ chim, tiếng hát hòa nhã, diễn thành hưng pháp vi diệu.

           Trong cảnh trí thanh tịnh trang nghiêm ấy, con người đều từ trong hoa sen sanh ra, hình thể khinh thành, không còn ô trược, lại hằng làm bạn với các bực thượng thiện, cho nên tâm không thối chuyển, một mực tu hành cho đến ngày quả mãn công thành.

           Thật là một thế giới an vui tột bực, ngoài sức nghĩ bàn. Thế mà, người muốn sanh về cõi ấy lại không khó, chỉ chuyên tâm niệm danh hiệu Đức Phật A- Di- Đà, khi lâm chung mà tâm không tán loạn thì chắc chắn được Ngài tiếp độ.

           Khi thuyết kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca cho là một việc hy hữu, hơn nữa, sợ chúng sanh ở cõi ngũ trược ác thế không thể tin được nên Ngài không dứt lặp lại câu: Đây là “nan tín chi pháp” (Pháp khó tin).

           Đức Phật sợ người đời sau hoài nghi, nên dè dặt nói trước là “pháp khó tin” để cho mọi người “hoan hỷ tín thọ” (vui vẻ tin theo). Hầu tránh cái đoạn nghi chấp.

           Mặc dầu Đức Phật đã nói trước, nhưng kẻ hậu học ngày nay, khi đọc kinh A-Di-Đà vẫn còn nhiều người ngờ vực. Trong số những luận điệu hô hoặc, đại khái có thể phân làm ba loại như sau:

 1.     Nói cõi Cực lạc không thật có. Bất cứ sự vật nào, dầu làvật vô hình như tư tường, cũng không ở ngoài luật hằng chuyển, biến dị, dịch hóa. Đã có sanh thì phải có diệt, không có vật nào trường tồn bất biến. Thế giới Cực lạc cũng là một thế giới như bao nhiêu cõi khác, đương nhiên phải chịu luật biến dị, thế mà trong kinh A-Di-Đà nói rằng nhân dân ở cõi đó thọ mạng “vô lượng vô biên A tăng kỳ diếp” và Đức Phật A- Di- Đà đã thành Phật đến nay kể có 10 kiếp. Như vậy là không có luật biến dịch chi phối sao ? Do đó mà nhiều người không tin cõi Cực lạc có thật.

 2.     Nói Phật A- Di- Đà là một thần thoại. Cùng một quan niệm phủ định như trên, có người cho rằng: Đức Phật “A- Di- Đà chỉ là một vị thần trong thần thoại” “chỉ là Thích già thi hóa ra”, “chỉ là lý tưởng hóa của trí từ bi mà thôi” (1)

 3.     Nói kinh  A- Di- Đà là một bài ngụ ngôn – Không đến đỗi phủ định tiêu cực như hai hạng trước, có một hạng người còn tin Phật, thay vì nói cõi Cực lạc không thật có, họ lại cho rằng kinh A- Di- Đà là “một bài học ngụ ngôn, ví chẳng khác những ngụ ngôn của thi sĩ kiêm luân lý gia Lã phụng tiên (La Fontaine) của Pháp”. Bởi không dám bài bác lời Phật nói, vì Phật không bao giờ nói ngoa, “họ bèn nghĩ đến cái lối ngụ ý của Phật, dùng “hiển”  chỉ  “ẩn”,  dùng sắc tướng vật chất để chỉ cái vô vi tinh thần”.

 Rồi để minh chứng cho lập luận của mình, họ mới tìm tòi những lối biện giải thích dương như sau:

           Họ cho rằng Ao bảy báu là chỉ thất Thánh tài (bảy báu của Thánh) như:

 1-     Giới (giới cấm);

 2-     Tín (đức tin);

 3-     Văn (nghe kinh);

 4-     Tinh tấn (Sấn sướt);

 5-     Tâm (Hổ thẹn);

 6-     Huệ (sáng tỏ);

 7-     Xả (bỏ dục lạc).

 Nước Tám công đức là ám chỉ tinh thần sảng khái, thân thể được 8 đặc điểm :

 1-     Mắt trong;

 2-     Thân mát;

 3-     Miệng thơm;

 4-     Thịt mềm;

 5-     Da trơn;

 6-     An hòa;

 7-     Không đói khát;

 8-     Thân được giải thoát.

 Bảy hàng cây là thí dụ bảy điều giác ngộ:

 1-     Trạch pháp (Chọn pháp);

 2-     Tinh tấn (Quyết đi tới);

 3-     Hỷ xả (Vui bỏ mọi cố chấp);

 4-     Kinh an (Coi nhẹ sự an ổn xác thân);

 5-     Niệm (Nhớ điều lành);

 6-     Định (Tâm không xao động);

 7-     Hành xả (Bỏ cách tu hành bề ngoài).

 Bảy lớp lan can là ám chỉ bảy điều răn:

 3        của thân là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm,

 4        ở miệng là: nói dối, đâm thọc, chưởi mắng, ỷ khôn lanh.

 Bảy lớp lưới là ám chỉ 7 đức tánh của người tu Đại thừa:

 1-     Tâm

 2-     Pháp

 3-     Giải

 4-     Tịnh (Trong sạch)

 5-     Tư (Nuôi dưỡng tâm trong sạch)

 6-     Thời (Biết ngày giờ tu tập),

 7-     Quả (Kết quả).

 Đại loại lối biện giải ngụ ngôn là như thế, nghĩa là tìm tòi những đoạn văn hay pháp ngữ nào trong điển phù hợp với kinh A-Di-Đà thì đem ra áp dụng, rồi biện giải rằng Đức Phật muốn mượn ý đó mà dạy người đời những pháp tu để được phá vỡ vô minh phát khai trí tuệ.

 Nói tóm lại dầu không phủ nhận lời nói của Đức Phật Thích Ca, nhưng luận điệu của phái thứ ba cũng không khác gì hai phái trước, tựu trung đều nhận cõi Cực lạc là không thật có.

           Có qua cõi Cực lạc chỉ là một danh từ tượng trưng chăng?

           Trước khi đề cập đến những luận cứ trên, chúng ta nên xét coi lời nói của Đức Phật có hàm ý nghĩa ngụ ngôn hay không?

           Điều mà người đều công nhận là không bao giờ Đức Phật nói chơi hay nói quanh. Các kinh điển cho ta thấy rằng lời nói của Ngài luôn luôn chơn thật, không hý luận. Trong các Kinh Luật. Ngài nghiêm cấm nói dối thì ta không thể nghi ngờ lời của Ngài là hý luận.

           Kinh Kim cang có viết: “Như lai thị chân ngữ giả,thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả.” Lời nói của Như Lai là lời nói chơn thật, lời nói như một, không nói dối không nói khác.

           Trong kinh Đại Tập cũng có viết: “Mãnh phong khả thuyết tác hệ phược. Tu di khả thuyết khẩu xuy động. Bất khả thuyết Phật hữu nhị ngữ, Thiệt ngữ, như ngữ cập tịnh ngữ”. gió bạo có thể nói là sợi dây ràng buộc, núi Tu di có thể nói dùng miệng thổi bay, nhưng không thể nói Phật nói hai lời. Vì lời nói của Ngài là lời nói chơn thật, như thật, lời trong sạch.

           Vậy đủ cho ta tin rằng lời nói của Phật bao giờ cũng chơn thật, những điều Ngài nói ra không phải là những câu chuyện thần thoại. Nếu cần phải dùng đến cái “hiển” để chỉ cái “ẩn thì Ngài cũng không bao giờ dùng lối ngụ ngôn hay thần thoại mà thường dùng lối tỷ dụ, dùng quyền pháp để dắt dẫn chúng sanh đi đến thiệt pháp. Thế thì kinh A-Di-Đà có phải là một pháp quyền dùng hiển để chỉ ẩn, như luận điệu đã nhận đó là một bài học ngụ ngôn không?

           Nếu cõi Cực lạc không thật có và kinh A-Di-Đà là một bài học ngụ ngôn, dùng quyền pháp để hiển lộ thiệt pháp thì lẽ nào các vị Bồ tát như Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Phổ Hiền, các vị Tổ như Long Thọ, Mã minh, cùng các vị Thiền sư như Bách Trượng, Thiên Như, Linh Chi, Viễn Công Trí giả, các Tổ trong Tịnh độ tông… là những bực tiên giác, sáng tỏ lại không nhận ra, mà trăm người như một, hết lời tán thán cảnh trang nghiêm của cõi Cực lạc khuyến tấn chúng sanh cùng tu Tịnh nghiệp.

           Một bằng chứng là các ngài đã gia công sáng tác rất nhiều kinh sách xiển dương pháp môn Tịnh độ, như Liên tông bửu giám, Tịnh độ cảnh quán yếu môn, An lạc tập Quyết nghi luận, Tịnh độ cảnh quán yếu môn, An lạc tập, quyết nghi luận, Tịnh độ chỉ qui, Tịnh độ văn, Tây quí trực chỉ, Thập nghị luận. Hoặc vấn, An dưỡng phú v.v..

           Ngay trong khế kinh của Đức Phật, ngoài ba bộ kinh: A-Di-Đà, vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ là những chánh kinh về Tịnh độ, còn có những kinh: Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng nghiêm, Bảo tích… trong đó Đức Phật thường nhắc đến cõi Cực lạc và pháp môn niệm Phật.

           Các vị Bồ tát và Tổ sư không một vị nào nhân kinh A-Di-Đà  là quyền pháp cả, chúng ta sanh vào thời mạt pháp, căn cơ thiển bạc, há lại tỏ ngộ hơn mấy Ngài ư ?

           Phương chi, trong phần duyên khởi kinh quán vô lương thọ, Đức Phật đã dùng thiệt ngữ chỉ cho bà Vi đề hy thấy cảnh Cực lạc là một cõi hiện thực. Nhắc lại khi bà Vi đề hy vợ của vua Tần Bà sa la bị con là A xà thế nghe theo lời của Đề bà đạt đa giam cầm vào lãnh cung thì sanh lòng buồn thảm. Đức Phật bèn hiện đến khai ngộ bà, dùng uy lực cho bà thấy rõ các cõi uế tịnh. Sau khi thấy được cảnh Tịnh độ thì bà rất hoan hỷ quyết sanh về cõi đó. Nếu cõi Cực lạc không thật có, vậy thì cảnh mà bà nhớ uy lực của Phật trợ cho thấy đó chẳng phải là thiệt cảnh Tịnh độ sao?

           Thêm một dẫn chứng nữa là trong kinh Bồ Tát xứ thai có cho biết rằng: từ cõi Diêm phù đề, cách 12 ức Na do tha thuộc về hướng Tây, ở phân nửa đường đi cõi Cực lạc, có một quốc độ tên là giải mạn giới là cõi không kém gì cõi Cực lạc về sự trang nghiêm khoái lạc. Sở dĩ có tên là Giải mạn quốc là vì những người tu Tịnh nghiệp nhưng tâm còn giải đãi (giải). kiêu mạn (Mạn), nhiễm trước dục lạc thì vì tâm mê trước ấy mà sanh về cõi Giải mạn, không tiến nổi đến cõi Cực lạc.

           Như thế cõi Cực lạc không sao có thể nói được là không thật có Đức Phật A-Di-Đà  là một thần thoại.

           Dầu vậy, chúng ta cũng nên tiến thêm một bước nữa xét coi Cực lạc có ở ngoài sự tác động của luật hằng chuyển như nghi vấn đã nêu ra không?

           Cứ theo kinh điển thì các quốc độ hay thế giới sở dĩ thành lập, điều kiện then chốt là do nghiệp lực sanh khởi, Tất cả vạn tượng đều do nghiệp lực của chúng sanh cảm sanh ra. Mỗi thế giới trong vũ trụ, từ thô hình cho đến khinh thanh đều là quốc độ của mỗi hạng chúng sanh đồng một nghiệp cảm. Trong kinh Lăng nghiêm, Đức Phật đã giải rõ các hạng chúng sanh và các cõi đồng nghiệp cảm của họ, từ cõi Địa ngục cho đến các cõi Trời hữu sắc và vô sắc, Các cõi ấy không do quyền lực hữu ngã nào sáng tạo, mà là do nhân duyên của các đồng nghiệp sanh khởi. Như cõi Ta bà chẳng hạn, khi các nhân duyên hòa hợp thì tu, đến khi các nhân duyên chia ly thì tán.

           Các cuốc độ khác thành lập cũng không ngoài nguyên lý nhân duyên hòa hợp ấy. Nhưng đối với các cõi Phật, ngoài nghiệp cảm duyên khởi, sự thành lập còn tùy thuộc ở nguyện lực của vị Phật giáo chủ ở cõi đó. Như trường hợp cõi Lưu ly của Dược sư Như lai hay cõi Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà mà các kinh thường nói đến, thì ta thấy rõ cái chủ lực sáng tạo đều hoàn toàn do công đức của vị  Phật giáo chủ cả. Với một vị Phật công hạnh, viên mãn thì không ai dám phủ nhận là không đủ uy lực để tạo ra một thế giới theo biệt nguyện. Mà đã do nguyện lực của một vị Phật tạo thành thì thử hỏi cõi đó còn bị chi phối bởi luật vô thường như các cõi do nghiệp cảm của chúng sanh duyên khởi chăng?

           Cứ như khế kinh thì từ cõi Nhị thiền trở lên, các tam tai (Thủy tai, Hỏa tai, vàphong tai) khởi lên trong thời kỳ Hoại kiếp vẫn không hề đả động đến. Trong lúc đó thì các cõi từ Nhị thiền trở xuống đều bị phá hoại. Nếu nói rằng vạn vật đều ở trong luật biến di, vậy chúng ta phải cắt nghĩa thế nào khi nói đến các cõi từ Nhị thiền trở lên. Chẳng lẽ chúng ta lại cho rằng kinh điển nói không thật.

           Các cõi Thiền do nghiệp lực của chúng sanh duyên khởi còn bền vững lâu dài như thế thì với những cõi do nguyện lực của một vị Phật tạo thành như cõi Cực lạc của Phật Vô lượng thọ, Vô lương quang, chúng ta lại hoài nghi sự trường tồn của nó sao?

           Chúng tôi nói đến trường tồn, chớ chưa nói là không có dịch biến, nhưng sự dịch biến không phải mau chóng như các cõi hữu hình hay thế gian. Như cõi Ta bà là cõi hữu hình mà còn biến hoại trong vòng một Đại Kiếp (1.280 triệu năm) thì cõi khinh thanh như cõi Cực lạc, dầu có biến dịch cũng phải muôn triệu lần lâu hơn. Phương chi cõi ấy lại nhờ nguyện lực của Đức Phật A-Di-Đà và các hàng Bồ tát duy trì thì sự dịch biến dầu có, đâu phải với óc phàm mà biện luận được.

           Trong kinh Bí Hoa có nói rằng: Sau khi Phật A-Di-Đà nhập Niết bàn thì Đức Quán Thế Âm thành Phật, hiệu là Biến xuất Nhứt thiết quang Công đức Sơn Như Lai. Xem đó, cõi Cực lạc nào đâu chẳng có sự dịch biến.

           Nói tóm lại, với nmhững lý giải như trên, chúng ta tin rằng cõi Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà là một cõi có thật và từ trước đến nay những người tu Tịnh nghiệp, đa số đã được vãng sanh. Người sanh về cõi này chẳng phải trụ luôn ở đó mà chỉ lưu ngụ trong mộti thời gian học Đạo, đến khi quả mãn công thành thì trở lại cõi trần từ duyên hóa độ.

           Đức Huỳnh giáo chủ chứng minh điều đó trong câu: “Nếu ai giữ được trọn lành trọn sáng, về cõi Tây phương an dưỡng mà học đạo cho hoàn toàn đặng trở về cứu vớt  chúng sanh “.

           Và Ngài còn thổ lộ cho ta biết:

 Ta chịu lịnh Tây phương thọ ký

 Giữ nghiệt long đặng cứu bá gia.

           Và rõ hơn nữa:

 Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,

 Đức Di Đà truyền mở đạo lành.

 Bởi vì Ngài thương khắp chúng sanh.

 Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.

           Nếu những biện giải, chứng minh trên đây chưa đủ cho người đời nay tin cõi Cực lạc là một cõi hiện thực thì chúng ta cũng không lấy làm lạ về thái độ dè dặt của Đức Phật Thích ca khi Ngài nói kinh A-Di-Đà  là “pháp khó tin của tất cả các pháp thế gian”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn