A. Đức Cố Quản

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 32660)
A. Đức Cố Quản

          Ông tên tộc là Trần Văn Thành, hồi trào vua Thiệu Trị và Tự Đức làm đến chứng chánh quản cơ. Có lẽ người đời gọi ông Trần Văn Nhu trưởng nam của Ngài bằng cậu, nên vì kính trọng mà gọi Ngài là Đức Cố. Ngài quê quán ở cù lao Nhỏ thuộc xã Bình Thạnh Đông. Tổng An lương, tỉnh Châu đốc. Trên bước đường võ nghiệp, Ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách. Ngài đã cầm quyền đánh tan giặc Miên nhiễu hại biên thùy và đã thu phục được hai tướng Miên là Ông Bướm và ông Vôi.

           Khi Đức Phật Thầy Tây An giáng lâm ở Xẻo môn rạch Ông chưởng, tỉnh Long Xuyên, cứu dân độ thế, Đức Cố Quản thân đến ra mắt, nhưng vì bịnh nhơn đông đảo nên Ngài phải ở đợi trong ba hôm mới được Đức Phật Thầy Tây An cho mời vào và được Đức Phật Thầy tiếp đón và đàm đạo rất tâm đắc.

           Ngài trở về Bình Thạnh Đông cùng khuyên gia quyến quy y. Khi Đức Phật Thầy Tây An về ở Núi Sam. Ngài phế cả sự nghiệp mà theo Thầy, đem gia cư về núi Doi, phá rừng dựng lên làng Hưng Thới. Ngài được Đức Phật Thầy giao phó trọng trách đi cắm 4 cây thẻ tại vùng Thất Sơn và giữ trại ruộng Bửu Hương Các ở Láng Linh.

           Ngài là một trong Thập nhị HIền thủ được Đức Phật Thầy truyền nhiều bí pháp. Có thể nói Ngài là một đệ tử bậc nhứt của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã hành sử và thực thi đạo Tứ Ân trong công cuộc phục vụ chánh nghĩa quốc gia.

           Gặp hồi nhà nghiêng nước đổ, quân Pháp đến xâm chiếm Việt Nam, các nơi nhiều vị anh hùng như Trương Công Định ở miền Đông, Thiên hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp dấy binh khởi nghĩa Cần vương, Đức Cố Quản chiêu mộ nghĩa binh kháng địch.

           Ông Vương Thông, có tả tình hình nước nhà lúc bấy giờ trong những câu:

 Bây giờ đến lúc gập ghình.

 Giặc thời lấy nước lánh mình đi đâu.

 Các quan ẩn ánh san đầu.

 Chiêu binh ra đánh giải sầu một phen.

 Nam Kỳ có tướng qua Thiên.(Thiên hộ Dương)

 Cùng quan lớn Định (Trương Công Định) cầm quyền đánh Tây.

 An Giang có một ông đây (Đức Cố Quản)

 Chữ dạ nghe Thầy ái quốc trú quân..

            Nghe theo lời Thầy dạy phải tận trung báo quốc, Đức Cố Quản rút về rừng Bảy thưa ở khoảng Thất Sơn Núi Sập, lập đồn lũy, huấn luyện quân binh chờ ngày đánh Pháp. Ngài đánh nhau với Pháp trong hai trận.

           Trận thứ nhất là trận quân Pháp hãm đồn Hưng Trung cũng gọi Sơn Trung. Trong trận này vì quân ta bị tấn công thình lình nên bị đánh bại. Dầu vậy, quân Pháp không chiếm đồn, vì địa thế hiểm yếu sợ bị phản công nên rút lui.

           Về trận này, ông Vương Thông có viết:

 Sơn trung quan mới đặt bày.

 Khen ai khéo mách Tây hay kéo vào.

 Anh hùng một trận đề đao,

 Ngay vua sống thác quản bao thân này.

 Dốc làm một trận với Tây.

 Sống thời làm tướng thác nay thành Thần.

 Rồi thì:

 Giặc vô bốn phía phủ này.

 Rập bô nó bắn gẫy cây hư đồn.

 Đội cai thất vía kinh hồn.

 Đâm đầu mà chạy lũy đồn tan hoang.

           Sau trận thất bại này, Đức Cố Quản về ẩn ánh ở Láng Linh lo việc tu hành, khai kinh mở đất, sống một cuộc đời vô cùng vất vả.

 Thời Trời còn khiến nhơn dân.

 Nghe Ngài về đórần rần đến thăm.

 Chịu bề khổ hạnh mấy năm

 Khai kinh mở ruộng nhứt tâm tu hành.

 Thân Ngài chẳng quản rách lành.

 Ở trong Láng đó lều tranh chờ thời.

           Nhưng đến năm Nhâm Thân (1872) Cố được sắc lịnh của triều đình mưu việc cần vương khởi nghĩa. Cố lại dựng cờ ở Bảy Thưa lập lên quân đội, mạng danh là “Binh Gia Nghị”, lo việc tích trữ quân lương rèn luyện võ khí, đợi ngày hưng binh phạt địch. Songchưa kịp khởi binh thì quân Pháp từ ba mặt tấn công vào, quân Gia nghị tận lực chống ngăn nhưng cự dương không nổi, phải đành tan rã. Trong trận đánh lần thứ hai này, Đức Cố Quản mất tích luôn, nhằm ngày 21 tháng 2 năm Quí Dậu (1873),  nêu một tấm gương sáng vị  quốc vong thân cho muôn đời ngưỡng vọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn