Viễn nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 47400)
Viễn nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương

          Nhìn vào lịch sử Phật-giáo Việt Nam, chẳng sử gia nào không nhìn nhận rằng chẳng có thời kỳ nào đạo Phật hưng thịnh bằng đời Lý đời Trần. Trong nước từ quan chí dân đều một lòng sùng mộ việc tu hành, kẻ đủ điều kiện tu giải thoát thì xuất gia, người còn bận việc đời thì giữ phần cư sĩ.

 

          Khắp nơi trong nước, cảnh già lam được nhiệt liệt dựng lên, ở mỗi gia đình, ngoài việc thờ phượng tổ tiên, còn có ngôi thờ Tam bảo. Có thể nói xã hội Việt Nam ở đời Lý đời Trần đã thấm nhuần tinh thần đạo Phật cả hai phương diện xuất thế và nhập thế.

 

          Do đâu đạo Phật đời Lý đời Trần hưng thịnh hơn các triều đại khác? Hẳn phải có nguyên nhân? Nhiều sử gia cho rằng Việt Nam cho đến đời Lý, chủ quyền quốc gia mới thật điện định. Nhờ được trấn an bờ cõi, các vua quan đời Lý có đủ thì giờ lo nghĩ việc mở mang dân trí. Đương nhiên Phật-giáo cũng như Khổng giáo và Lão giáo là ba nền đạo đề cao nhân cách, đào dưỡng tinh thần hướng thượng của chúng sinh, hẳn được nhà cầm quyền vun bồi và trợ trưởng. Đó là cơ hội thuận tiện cho Phật-giáo hưng thịnh.

 

          Xét ra thì sự nhận định trên đây chỉ dừng trên phương diện, ngoại duyên. Chớ chưa phải tìm động nhân chính. Thì như có một miếng đất tốt, thích hợp cho sự trồng tỉa mà ngay hột giống không tốt, không có sức phát triển thì cũng không làm sao có kết quả tốt đẹp. Miếng đất tốt chỉ là ngoại duyên, còn hột giống mới là nội nhân. Một nền triết học hay giáo lý cũng thế, mặc dù gặp hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển nhưng nếu nội dung của nó không phù hợp với đời sống cùng trình độ của mọi người thì cũng không tài nào hưng khởi lên được.

 

          Thế nên cái động nhân để làm phát triển một nền học thuật hay giáo lý, chính là những khả năng thích nghi sẵn có của nó. Thiếu những khả năng ấy thì dù hoàn cảnh có thuận tiện cũng không sao phát triển được.

 

          Sở dĩ đạo Phật hưng thịnh nhất ở đời Lý đời Trần là cũng nhờ các danh tăng lúc bấy giờ biết làm phát triển cái khả năng thích nghi sẵn có của đạo Phật để được phù hợp với dân tộc tinh và cơ duyên của chúng sinh trong nước. Thay vì mô phỏng mù quáng theo các danh tăng dời Lý đời Trần khéo biến Thiền tông Trung Hoa thành một môn Thiền Việt Nam, phối hợp tu xuất thế và nhập thế. Các Ngài Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang đời Trần thành lập một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam lấy tên: phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

          Với danh hiệu hoàn toàn Việt Nam, với pháp tu phù hợp với trình độ và căn tính của dân trong nước. thảo nào đạo Phật chẳng được phát đạt và toàn dân sùng mộ.

 

          Chính cái nội nhân thích nghi của đạo Phật mới là cái động cơ chính làm phát triển đạo Phật khắp nơi. Đó chẳng phải là cái thông lệ riêng của Việt Nam mới có, mà bất cứ ở nơi nào, nếu người đứng ra hoằng dương giáo pháp biết làm phát triển cái nội nhân thích nghi ấy cũng đều thâu hoạch kết quả như thế.

 

          Thử lấy Thiền tông để chứng minh, ta sẽ thấy ngay ở Ấn Độ là nơi xuất phát Thiền tông ; nhưng chính ở đấy trong khoảng thời gian một ngàn năm, Thiền tông chưa lập thành hẳn tông phái. Mãi khi du nhập vào Trung Hoa, các danh tăng cõi Chấn dân, biến nó thành một môn Thiền Trung Hoa, gây nên một thịnh huống vô cùng náo nhiệt mở rộng khắp nơi trong nước, đâm chồi nảy tược ra làm ngũ gia thất tông, Ngũ gia là: Lâm tế, Tào động, Qui Ngưỡng, Vân môn và Pháp nhãn, Về sau phái Lâm Tế có thêm hai chi Dương Kỳ và Hoàng Long; do đó mới gọi là Ngũ gia Thất tông.

 

          Đến như Thiền tông ở Nhật Bản, mặc dù do hai Ngài Vĩnh Tây và Đạo Nguyên cầu pháp ở Trung Hoa, nhưng khi du nhập vào Nhật lại dung hợp với Thần đạo và Võ sĩ đạo lập thành một Thiền phái hoàn toàn Nhật Bản. Nhờ thích ứng với dân tộc tinh Nhật, Thiền tông  phát triển rất mạnh ở đảo Phù tang và sau hai Ngài Vĩnh Tây và Đạo Nguyên, còn phân ra khá nhiều chi phái, giáo nghĩa thêm đủ dầy, lợi ích càng sâu rộng.

 

          Cứ xem đó thì một nền giáo lý cho được phát triển, cái động cơ chính là các nhà truyền giáo phải biết làm cho thích hợp với dân tộc tinh và trình độ của dân trong nước. Cái nguyên nhân giúp cho đạo Phật hưng thịnh ở đời Lý đời Trần chính là ở chỗ đó.

 

          Các danh tăng Việt Nam đã biết phối hợp đạo Phật với dân tộc tinh nên gây được lòng sùng mộ của toàn thể nhân dân, nhưng cái thịnh huống ấy không thể duy trì lâu dài, khi cuộc Nam Bắc phân tranh nổi lên vàtiếp theo đó dẫn khởi cuộc đô hộ của quân Pháp, khiến cho tinh thần dân tộc phải một phen tiềm tàng, cơ hồ mai một.

 

          Trong những lúc hỗn loạn làm xáo trộn cả giá trị tinh thần, chính là lúc rất thuận lợi cho các mê tín dị đoan nảy mục đâm chồi. Lịch sử Trung Hoa đã chứng minh rằng vào đời Lục Triều và Tam Quốc, trong nước không dứt loạn lạc, chính là lúc phái phương sĩ, một biến thể của đạo Lão phát triển mạnh mẽ nhất. Hoàn cảnh xã hội Việt  Nam sau đời Hậu Lê cũng diễn ra những cảnh huống loạn lạc tương tợ Phái Trúc Lâm Yên Tử không sao tránh khỏi cảnh suy vi thất lạc, trong lúc tư tưởng của dân trong nước  đang thối triều. Ban sơ Thiền phái Việt Nam chưa suy lạc cho lắm, nhưng trải qua một thời gian hàng mấy trăm năm loạn lạc, các tập tục mê tín ngoại lai thâm nhập càng nhiều làm cho bản chất thuần lý phù hợp với dân tộc tinh phai lạc đi.

 

          Nay muốn trấn hưng đạo Phật, tất phải làm sống lại tinh thần dân tộc. Nếu mãi nô lệ ngoại quốc, cứ nhất nhất mô phỏng những điều chỉ thích hợp với nước người mà không chịu áp dụng đúng với tinh thần dân tộc và phù hợp với căn cơ của dân trong nước thì những giáo lý ấy dù có được tiếp nhận chăng nữa cũng không gây được sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của toàn dân. Một giáo lý thiếu tinh chất thích nghi là một giáo lý cằn cỗi ngưng đọng, mất bản tính chất Phật giáo.

 

          Ý thức được cái động nhân tiến triển của đạo Phật, nên chỉ khi ra đời Đức Phật Thầy Tây An không đạp theo dấu của các nhà sư lúc bấy giờ chỉ biết bắt chước và tai hại hơn nữa là Ấn Độ tùng xướng khởi lối tu mê tín dị đoan của Thần Tú. Để đề khởi tinh thần Phật-giáo đời Lý đời Trần. Ngài noi gương các vị tổ của phái Trúc lâm Yên tử mà sáng lập một tông phái phù hợp với dân tộc tinh Việt Nam và tương xứng với trình độ của dân chúng trong thời kỳ mạt pháp. Ngài thành lập phái Bửu Sơn  Kỳ Hương và xướng xuất pháp môn Tu Nhân học Phật.

 

          Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một tông phái hoàn toàn Việt Nam. Kiểm điểm các danh tông của Phật giáo Ấn độ và Trung Hoa hay bất cứ  nền Phật-giáo của một nước nào ta thấy Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một danh từ đặc biệt Việt Nam, không có trùng tên hay trùng ý với một tông phái nào khác.

 

          Nước Trung Hoa lấy làm hãnh diện về sự sáng lập Thiên thai tông là một tông hoàn toàn Trung Hoa, thiết tưởng chúng ta cũng không đến đỗi thiếu sáng kiến hay tự ty mặc cảm khi có tông phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Nhật Bản tự hào có Nhật liên tông một đặc sáng Nhật Bản nhưng thật ra Nhật liên tông chẳng qua là một thoát thai của Thiên thai tông Trung Hoa, do Thượng tọa Nhật Liên, sau một thời gian tu tập bên Trung Hoa trở về nước sáng lập.

 

          Đến như Bửu- Sơn  Kỳ- Hương thì không thế. Nó chẳng những Việt Nam ở danh từ màcòn phù hợp với dân tộc tính Việt Nam ở phương diện hành đạo. Có thể nói Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là hoá thân hay hậu thân của Trúc Lâm Yên Tử, nhưng có điều khác hơn Trúc Lâm là Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, cho được phù hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ Hạ Nguơn mạt pháp, không còn là một thiền phái chú trọng nhiều về mặt xuất gia và chủ trương vừa xuất thế và nhập thế, mà là một tông phái trú trọng về cư sĩ tại gia và chủ trương chỉnh bị giai đoạn nhập thế để tiến dẫn đến xuất thế. Sở dĩ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương về pháp môn hành đạo có chỗ không giống Trúc Lâm Yên Tử, chẳng qua vì căn cơ của chúng sinh và hoàn cảnh của thời kỳ có khác. Nhưng trên phương diện dân tộc và sự phấn phát đã đem lại cho nền Phật-giáo Việt Nam thì Bửu- Sơn  Kỳ- Hương không khác Trúc Lâm Yên Tử

 

          Ngay tên tông, hai phái cũng có chỗ tương xứng tương đồng nhau rồi. Đặc biệt là trong danh từ "Trúc Lâm Yên Tử " cũng như "Bửu- Sơn  Kỳ- Hương ", mỗi danh hiệu gồm có đến bốn chữ, trong lúc ấy danh hiệu các tông Trung hoa hay Nhật bản chỉ gồm có một hay hai ba chữ là cùng. Các chi phái của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương sau này cũng lấy danh hiệu gồm có bốn chữ như: Tứ Ân Hiếu nghĩa của Đức Bổn Sư, Phật-giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh giáo chủ.

 

          Điều đáng chú ý hơn nữa là Trúc Lâm Yên Tử và Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều lấy tên núi làm tên tông. Yên Tử là một ngọn núi thuộc về tỉnh Quảng Yên, nơi các tổ nhà Trần đến lập cảnh già lam. Do đó mà Thiền phái do ba Ngài: Điều ngự Giác Hoàng, Pháo Loa và Huyền Quang sáng lập có tên là Trúc Lâm Yên Tử. Xét ra thì đó cũng là một thông lệ thường thấy trong việc đặt tên của nhiều tông phái.

 

          Ngoài việc lấy tên núi làm tên tông, nhiều cao tăng còn nhớ tên núi nơi mình đến tu hành mà thành pháp danh. Như ngài Triệu Linh Hựu đến núi Qui Sơn mở giáo truyền đạo trong 40 năm mà được danh hiệu là Qui Sơn đại sư; như Ngài Hy vận Thiền sư lên núi Hoàng bá thuộc tỉnh Giang tây tu hành giảng giáo mà được pháp danh là Hoàng Bá Thiền sư và phái của Ngài lập ra có tên là phái Hoàng bá, tức là phái Thiền truyền lại cho Nghĩa Huyền để rồi lập lên chi Lâm Tế.

 

          Danh hiệu Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, sở dĩ được Đức Phật Thầy Tây An dùng đặt cho tông phái của mình cũng không ngoài trường hợp như đã kể trên.

 

          Bửu Sơn là tên núi, nơi mà Đức Phật Thầy Tây An đến tu luyện trước khi ra đời mở đạo. Trong nhiều thi văn của các ngài trong phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã có nói đến. Trong Giác mê của Đức Phật Thầy có đoạn việt:

 

Sát mai đã trọng thửa công,

 

Bửu Sơn đã tới tay không trở về

 

          Danh từ Bửu sơn được Đức Phật Huỳnh giáo chủ nói trong bài thơ:

 

Diên này vốn thiệt ở Núi vàng.

 

Thương đời nói rõ việc tầm than;

 

Khắp trong lê thứ mau mau tỉnh,

 

Yên tri nghĩ suy biết đá vàng.

 

          Như thế Bửu Sơn có nghĩa là Núi Vàng hay Núi báu. Vì dân lại gọi Núi báu? Điều này Đức Huỳnh giáo chủ đã giải rõ trong hai câu :

 

Trong Năm non rồng phụng tốt tươi

 

Miền Bảy Núi mà sau Báu Quí.

 

          Thì ra, vì sau này nó trở lên báu quí mà nó có câu Núi Báu. Núi ấy ở trong miền Bảy Núi tức Thất Sơn. Nó được ông Sư vãi Bán khoai định vị và cho biết nhờ đâu nó trở nên quí báu trong một đoạn thơ như sau:

 

Chừng nào Núi Cấm hoá lầu.

 

Thì là bá tánh đâu đâu thái bình.

 

          Và ở một đoạn khác:

 

Chừng nào Bảy Núi thành Vàng.

 

Thì là mới đặng thanh nhàn tấm thân

 

          Cứ theo đó thì hai chữ Bửu Sơn có nghĩa là Núi báu, Núi vàng. Đến như hai chữ Kỳ Hương thì ông Ba Thới có giải nghĩa trong Kim cổ kỳ quan:

 

Tiếng Kỳ Hương thơm nực biên thùy

 

          Hay trong Thừa Nhàn:

 

Kỳ Hương để tiếng biên thùy.

 

          Thế thì Kỳ Hương có nghĩa là mùi hương lạ, tiếng thơm lan truyền ra ngoài cõi biên thùy

 

          Nói tóm lại, bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương có nghĩa là Núi báu, sau này sẽ làm rạng rỡ cho non sông nước Việt, tiếng thơm lạ bay nực ra ngoài cõi biên thùy báo tin một nguồn ân thánh triết ra đời tạo lập một kỷ nguyêm mới, cõi đời Thượng nguơn an lạc.

 

          Danh từ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương  đã trở thành danh hiệu một tông phái Việt Nam do Đức Phật Thầy Tây an khai sáng. Những tín đồ của môn phái này được Đức Phật Thầy cũng như những vị kế truyền phát cho một lòng phái có bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương khi qui y thọ giáo.

 

          Lòng phái là một miếng giấy vàng, có khi giấy bạch, trên đó có in bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương bằng son tàu.

 

          Người lãnh được lòng phái, thường may một cái đãy đeo vào mình, với tin tường là nhờ đó sẽ được mạnh khoẻ, xa lánh mọi tà ma, tai nạn. Họ giữ rất kỹ và quí trong còn hơn bạc vàng tiền của, thà chết chớ không chịu trao cho ai.

 

          Cứ như được biết, Đức Phật Thầy có trao cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành một cái ấn bằng cây để in lòng phái. Về sau Đức Cố Quản trao lại cho trưởng nam tức ông Trần Văn Nhu để in phát cho những người đến qui y thọ phái.

 

          Ngoài ra, Đức Phật Trùm. Đức Bổn sư cũng có phát lòng phái như thế cho tín đồ của mình.

 

          Bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương do đó mà rộng truyền ra khắp nơi và những vị kế truyền Đức Phật Thầy Tây An đều tự nhận là hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Trong thi văn của các Ngài thường nhắc đến 4 chữ ấy và lấy đó khoán thủ trong nhiều bài thơ. Như  Ông Ba Thới trong Kim Cổ Kỳ Quan có viết :

 

Tác công nghiệp có kẻ biên thùy

 

Hoang lâm tích hậu Bửu Kỳ Hương Sơn

 

          Trong thi văn của Đức Huỳnh Giáo chủ, Ngài dùng bốn chữ ấy khoán thủ, chẳng hạn:

 

Bửu châu công luyện chốn non thần,

 

Sơn thủy môn giang bảo giác dân.

 

Kỳ quái chờ nơi thiên nhất định.

 

Hương nồng dành thưởng kẻ tròn ân.

 

Hay bài thơ Hán văn dưới đây:

 

Bửu kiến trừng tâm dụng thể tiên

 

Sơn sanh giả kế chưởng huyền thiên

 

Kỳ thâm hạ giái ly đài nguyệt

 

Hương vị trầm thinh bi kỷ niên.

 

          Và nhất là bài thơ khoán thủ "Tứ bửu linh tự" sau đây của Đức Phật Thầy Tây An sáng tác còn lưu truyền đến nay mà nhiều người được biết:

 

Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên.

 

Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền.

 

Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc,

 

Hương Xuất Trinh Sinh Tạo Nghiệp Yên.

 

          Đây là một bài thơ thuộc loại "tung hoành dọc", nghĩa là đọc bề dọc cũng có nghĩa mà đọc bề ngang cũng có nghĩa. Cứ theo chiều dọc đọc xuống, chúng ta sẽ có một bài thơ bảy câu bốn chữ:

 

Bửu- Sơn  Kỳ- Hương ,

 

Ngọc Trung Niên Xuất,

 

Quân Sư Trạng Trình.

 

Minh Mạng Tái Sinh.

 

Thiên Địa Tân Tạo.

 

Việt Nam Phục Nghiệp.

 

Nguyên Tiền Quốc Yên.

 

          Mỗi câu đều có nghĩa, mặc dù trong đó chứa nhiều ẩn tự ẩn ngữ, cần phải hiểu cách chiết tự đảo cú mới khám phá được lý diệu mầu huyền bí (1)

 

          Nói tóm lại Đức Phật Thầy Tây An dùng bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương làm tông danh, với ý nghĩa là để ghi dấu chỗ phát tích của tông phái do Ngài sáng lập và báo tin một chuyển biến lớn trong đời sống của dân tộc Việt Nam.

 

          Ngoài ra bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương còn hàm súc những giáo pháp mà Ngài xướng xuất để hóa độ chúng sinh trong buổi Hạ Nguơn để kịp kỳ đi đến Hội Long Hoa và tạo lập đời Mới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn