Kinh Đại Tập nguyệt tạng có nói : Ức triệu chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp theo đạo tu hành mà chưa có một người được chứng quả là vì đời ngũ trược ác thế tạp học khó thành, chỉ có một môn niệm Phật là dễ thông vào đường đạo mà thôi.
Ngài Thiên Như Hòa thượng cũng nói rằng: Chánh pháp, tượng pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu "A di đà Phật" tứ tự cứu độ mạt pháp chúng sinh. Có nghĩa: Sau khi chánh pháp và tượng pháp qua rồi thì các kinh lần lần hoại hết, chỉ còn lại bốn chữ "A di đà Phật" cứu độ chúng sinh trong đời mạt pháp.
Huống chi với pháp môn niệm Phật chẳng ai là chẳng hành được, người làm quan cũng niệm được, người đi buôn bán cũng niệm được, người đi cày bừa cũng niệm được; bất cứ lúc nào dù đi đứng nằm ngồi, đều niệm Phật được cả. Pháp môn đã dễ thọ trì như thế mà kết quả đâu phải là khó đạt thành.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có nói rằng: Ức Phật niệm Phật, hiện tiền dương lai, tất định kiến Phật, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai: Nhớ Phật niệm Phật thì lúc hiện tiền hay là lúc đương lai, quyết định thấy Phật, chẳng cần phương tiện mà tự nhiên tâm đặng khai thông.
Pháp môn đã phổ thông và đễ thọ trì như thế, nhưng muốn cho được chắc chắn ở kết quả vãng sinh, Đức Phật Thầy Tây An, ngoài việc dạy niệm Phật, còn khuyến tấn thực hành một vài công hạnh về đạo nhân, không khác lời dạy trong kinh Quán Vô lượng thọ Phật: Muốn sanh về Tịnh độ phải tu ba phước:
1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp hiện
2. Thọ trì pháp tam qui, cụ túc các giới hạnh và đừng phạm uy nghi
3. Phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các Kinh Đại thừa.
Cứ xét ba điều phước trên đây, chúng ta nhận thấy đó là cả pháp môn Tu Nhân và Học Phật mà Đức Phật Thầy Tây An đã xướng xuất.
Những điều như hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng giữ lòng hiền mà không giết hại sinh mạng và tu mười nghiệp thiện chính là những điều thuộc về Hiếu nghĩa Tứ Ân, những điều căn bản của Tu Nhân.
Đến như: thọ trì pháp tam qui, cụ túc các giới hạnh, đừng phạm các uy nghi, phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các Kinh Đại thừa, đều là những điều hoàn toàn thuộc về Học Phật.
Thế là, đồng thời với việc khuyên tu niệm Phật Đức Phật Thầy Tây An đã xây dựng nền tảng của Tu Nhân.
Trong lúc chúng sinh còn bỡ ngỡ trước giáo pháp của Phật, chưa lìa được mọi ràng buộc của gia đình và xã hội thì chỉ có pháp môn Niệm Phật và Tu Nhân là thích hợp với hạnh tu tại gia của họ.
Cho nên để tiếp nhận tất cả mọi hạng người vào nhà Phật, Đức Phật Thầy Tây An đã từ cửa ngõ "Mật tông" dìu dắt mọi người bước lên thềm "Tịnh độ". Vì là nấc thang dễ bước nên chẳng ai, sau khi được "Mật tông" mở cửa "Tín Tâm", mà không vững dạ đi vào.
Lúc mới vào nhà"Tịnh độ", mặc dù hơi mới lạ, nhưng chẳng bao lâu khi thi thiết được vài công hạnh về Tu Nhân thì lại muốn lục hành nhiều công hạnh khó khăn hơn. cũng như học sinh khi học xong chương trình tiểu học thì vững lòng muốn bước lên bực trung học.
Chương trình hóa độ của Đức Phật Thầy cũng thế. Sau khi dùng "Mật tông" gây lấy đức tin cho mọi người, Ngài bèn khai thị pháp môn Tịnh độ tức là pháp môn niệm danh hiệu Đức Phật A di đà cầu lấy tha lực tiếp độ vãng sanh về cõi Cực lạc, một phép tu. dù hạng sơ cơ cũng có thể lãnh thọ, Nhưng ngoài phép tu tha lực phổ thông cho tất cả các hạng người. Đức Phật Thầy còn khai thị phép tu tự lực, dành riêng cho những người có căn cơ và đủ nghị lực hành tri.
Tuy phân biệt có phép tu khó, phép tu dễ, nhưng trong thời kỳ mạt pháp nầy không thể tu Thiền mà chẳng tu Tịnh hay tu Tịnh mà chẳng tu Thiền; vì rằng hai phép tu: tự lực và tha lực, nếu cùng song hành thì hiệu quả chẳng những chắc chắn mà lại mau chóng. Ngài Vĩnh Minh Thiền sư há chẳng nhận:
Có Thiền tông, có Tịnh độ.
Như thêm sừng cho mãnh hổ.
Hiện tại thì làm thầy người,
Vị lai thì làm Phật tổ.
Như thế, Đức Phật Thầy Tây An cũng đồng chủ trương Thiền Tịnh song tu như phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng vì thời kỳ và căn cơ của chúng sinh có khác, cho nên mặc dù cùng chủ trương tu tự lực và tha lực, song phương pháp của Đức Phật Thầy có khác, Phái Trúc Lâm Yên Tử lấy Thiền làm chánh tông, còn Tịnh làm trợ tông cho nên qui hướng cả về con đường xuất thế. Đức Phật Thầy Tây An, bởi ra đời giữa thời Hạ nguơn mạt pháp, chúng sinh đa số đều căn tính cạn cợt, cho nên, cũng đồng chủ trương Thiền tịnh song tu, nhưng đặt Tịnh làm chánh tông, còn Thiền làm trợ tông và quy hướng về con đường nhập thế để chuẩn bị cho bước đường xuất thế về sau.
Do căn linh chúng sinh của hai thời kỳ không đồng mà phương pháp giáo hóa của Đức Phật Thầy Tây An có khác hơn của phái Trúc Lâm Yên Tử. Cho được phù hợp với trình độ của còn người Hạ nguơn hạ, Đức Phật Thầy xướng xuất Bửu- Sơn Kỳ- Hương với pháp tu gồm cả Mật, Tịnh, Thiền.
Chính nhờ thi thiết Mật tông cứu dân độ bịnh bằng những phương pháp huyền diệu mà Đức Phật Thầy và giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương gây được lòng tin tưởng của chúng sinh. Rồi từ chỗ sơ tín, chúng sinh được tăng trưởng đức tin bằng phép tu Tịnh độ và Hiếu nghĩa Tứ Ân. Nhưng khi hành được những điều tu phước và thập thiện, nghĩa là đi được đoạn đường Tu Giới thì với phép tu Thiền tông, hành giả sẽ tiến lên đoạn đường Tu Định và Tu Huệ.
Nhờ phân ra ba đoạn đường: Mật, Tịnh, Thiền mà Đức Phật Thầy Tây An hóa độ tất cả các hạng người, từ hạng sơ cơ đến hạng thượng căn thượng tri, khôi phục cái thịnh huống trong đạo Phật như phái Trúc lâm. Sở dị sự giác tỉnh được sâu rộng dường ấy, phải nhìn nhận, một phần lớn là do kỳ công của mật tông dọn đường khởi tín, Đó là chỗ thù thắng nhất của Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Thật là một pháp môn đối cơ trong thời kỳ Hạ nguơn mạt pháp. Những người có bổn phận hoằng dương giáo pháp ở thời này mà không hành được hay không thị hiện các pháp truyền diệu của Mật tông thì dù có tạo nhiều trợ duyên, cũng khó mà phát động một phong trào sùng mộ đạo đức trong dân chúng.
Nhưng Mật tông dù sao cũng chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố để làm hưng khởi đạo Phật thi thiết thuần mặt Mật tông, chẳng những không đủ chấn hưng đạo Phật mà lắm khi còn có hại, vì nó dễ đưa người đến mê tín dị đoan.
Thế nên, muốn gây thịnh huống cho Phật-giáo, ngoài yếu tố đối cơ, còn cần phải hoàn bị hai yếu tố nữa: Tinh thần dân tộc và thích ứng hoàn cảnh.
Chính nhờ biết khai thác và làm phát triển ba yếu tố: Tinh thần dân tộc. Đối cơ và Thích ứng hoàn cảnh mà Đức Phật Thầy Tây An xây dựng nên giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương và phát mạnh phong trào chấn hưng Phật-giáo.