D. Đức Huỳnh Giáo chủ

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 33624)
D. Đức Huỳnh Giáo chủ

MỘT NHÀ CÁCH MẠNG DÂN TỘC.

 * * *

           Ngoài địa vị giáo chủ của nền Phật giáo Hòa Hảo. Đức Huỳnh Giáo chủ còn là một nhà chí sĩ, một nhà cách mạng, một nhà kháng chiến chống Pháp, chẳng huy động môn nhơn đệ tử tranh đấu, cho lợi quyền của dân tộc.

           Trong sám giảng thi văn của Ngài, tinh thần dân tộc luôn luôn được đề cao:

 Đừng chia lìa Bắc tổ Nam tông.

 Chỉ một giống Lạc Hồng thượng cổ.

           Với tinh thần ấy, Ngài cương quyết đấu tranh cho giang san chủng tộc:

 Thương sanh chúng đòi cơn dạ ngọc.

 Ta quyết gìn chủng tộc giang san.

           Khi đã mang nặng một mối tình dân tộc thì lòng yêu nước yêu dân càng thêm đậm đà tha thiết, tràn trề trong những dòng thơ hoán tỉnh:

 Chúng sanh phải tưởng giống dòng

 Hiệp tâm hiệp lực cột đồng nhà Nam.

           Ngài đã bộc lộ lòng ái quốc ưu đời trong bài tứ tuyệt:

 Thâm hiểu lòng ta nỗi cuộc đời.

 Một bầu nhiệt huyết chẳng xa lơi;

 Mến yêu quốc thủy anh đồng chủng.

 Phải tính sao xong nỗi cuộc đời.

           Và theo Ngài, có trả xong nợ nước, phổ cứu đồng bào mới làm rồi bổn phận con dân, mới được quyền thảnh thơi tu tỉnh.

 Đâu là ái quốc với yêu đời.

 Phổ cứu cho rồi mới thảnh thơi.

           Thế nên, với tinh thần truyền thống bất hợp tác với giặc, Ngài kêu gọi tín đồ sớm rời dứt quan trường lánh xa bọn thống trị, vì nhục cho giống nòi dân tộc.

 Cả kêu kia hỡi là ai.

 Quan trường rời dứt mặt mày chùi lau.

 Lui chơn ra khỏi cho mau.

 Tìm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan.

           Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngài, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, những người có chơn trong bộ máy cai trị của Pháp, nhứt luật từ chức, gây thành một phong trào bất hợp tác sâu rộng. Do đó, quân Pháp nhận thấy Đạo Phật giáo Hòa Hảo không phải là một nền Đạo tu tiêu cực, chuyên lo tu hành không tham gia việc nước mà là một nền Đạo đề cao và un đúc tinh thần dân tộc bất khuất, ái quốc ưu dân, cho nên ra lịnh truy nã. Nhiều tín đồ thuần thành của Phật giáo Hòa Hảo bị bắt, hoặc đưa đi an trí, hoặc tù đày và một số lớn đã bỏ mình nơi Côn đảo vì chánh sách hà khắc của Thực dân. Riêng về bản thân của giáo chủ thì chúng lưu đi nơi này nơi nọ, hết Sa đéc đến Cần Thơ rồi Bạc liêu…

           Cơ hội đã đến cho Việt Nam vùng lên cởi ách nô lệ. Đức Huỳnh Giáo chủ phát động phong trào “Việt nam Độc lập Vận động” và trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Noi gương các vị Thiền sư như Khuông Việt, Tuệ trung Thượng sĩ, Ngài đành:

 Dứt áo cà sa khoác chiến bào.

           Và:

 Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa

 Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

           Để rồi một khi :

 Đền xong nợ nước thù nhà.

 Thiền môn trở gót Phật đà Nam mô.

           Không khác Tuệ trung Thượng sĩ đời Trần, một khi dẹp xong chân Mông Cổ, rút chiến bào mặc lại cà sa trở về am tự.

           Trong bài Hiệu triệu của Việt Nam Độc lập. Vận động hội, Ngài đã kêu gọi:

 “ Vậy thì mỗi người công dân Việt Nam đều phải nghĩ đến xứ sở mình, đến tương lai đất nước mình, đến sự sống còn của dân tộc mình; vì mặc dầu đã bị triệt hạ trên dãy đất Đông Dương, Đế quốc Pháp bên kia trời cũng vẫn còn hoài bão cái mộng tưởng khôi phục lại quyền chủ trị; vậy thì đồng bào hãy cố gắng lên !”

           Rồi thì Ngài đứng lên thành lập nghĩa quân, phất cờ chống Pháp còn ôm mộng xâm lăng muốn đặt ách đô hộ lại trên đất nước Việt Nam. Ngài đã nhiệt liệt kêu gọi tráng sĩ:

 Tiếng roi lại bình Ngô sát Đát,

 Sử xanh còn ngào ngạt hương thơm.

 Trông phường giá áo túi cơm.

 Trông phường úy tử mà nhờm đi thôi,

  Hãy tỉnh giấc ! hỡi muôn ngàn tráng sĩ

  !

 Nhìn thời xưa hùng vĩ nước nhà ta.

 Bắc Nam một dãy san hà.

 Mồ hôi giọt máu ông cha tài bồi.

 Trải qua cũng lắm hồi vận bỉ.

 Rồi anh em tráng sĩ đứnglên.

 Liều mình dục pháo xông lên,

 Liều mình giết giặc xây nền tự do,

 Nay vận nước đến hồi thịnh thái,

 Chí anh hùng ta hãy noi gương.

 Một mai nước được phú cường,

 Tâm than tráng sĩ cột rường nhà Nam.

           Nhưng họa nước còn chịu lắm hồi gian khổ. Bọn xâm lược chưa đuổi xong thì lại gặp phải ách độc tài đảng trị cộng sản. Ngài cực lực phản kháng. Cuộc biểu tình của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Châu thành Cần Thơ năm 1945 là bằng chứng hùng hồn nói lên tinh thần dân chủ của dân chúng miền Tây quật khởi chống độc tài Cộng sản. Có thể nói trên lịch sử chống Cộng ở Việt Nam, tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo là những chiến sĩ tiền phong đã ý thức sớm hơn đâu hết cái hiểm họa cộng sản.

           Để thực hiện tham vọng độc tài, bọn cộng sản mưu sát Ngài và đồng thời thẳng tay đàn áp tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo. Nhưng may, Ngài đã thoát thân và ẩn lánh một thời gian trong rừng núi ở miền Đông. Rồi thì do những cuộc đàn áp của cộng sản mà ở miền Tây nhiều cuộc xô xát giữa Việt minh Cộng sản và tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo xảy ra, gây nên một cảnh tượng vô cùng bi đát:

           Ngài rất đau lòng hạ bút:

 Cường quyền một lũ người si,

 Oan này hận ấy sử ghi muôn đời.

 Truyền khắp nước muôn lời vu cáo.

 Dùng trăm ngàn thói bạo hiếp dân.

 Làm cho trong nước rẽ phân,

 Làm cho giặc Pháp một lần sướng rang.

 Vậy cũng gọi an bang định quốc.

 Rồi rút lui bỏ mất thành trì.

 Giống nòi nỡ giết nhau chi.

 Bang duật tương tri lợi lũ ngư ông.

           Nhìn thấy non sông một ngày một tràn ngập bọn xâm lăng, Ngài chi xiết đớn đau, không thể ngồi yên để cho muôn dân chịu khổ, non nước tan tành, nên thống thiết kêu gọi đoàn kết, bỏ mối thù xưa để cùng đâu lưng chung cật chống Pháp:

 Thù riêng muôn vạn cho cam,

 Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.

 Khắp Bắc Nam Lạc Hồng một giống,

 Tha thứ nhau để sống cùng nhau;

 Quí nhau từng giọt máu đào,

 Để đem máu ấy tưới vào địch quân.

           Rồi thì Ngài bắt đầu hoạt động trở lại, liên lạc với các đảng phái quốc gia để tiến đến sự thành lập Mặt trận Quốc gia liên hiệp; Sau đó Ngài hiệp cùng các nhà chánh trị, cách mạng lập lên Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng và đồng thời xây dựng Quân đội Nguyễn Trung Trực, vì đại nghĩa bỏ thù riêng, hùng dũng phất cờ kháng chiến chống Pháp.

           Như chúng ta đã biết, Ngài từng nói:

 Ta dạy thế mượn lời Phật Thành,

 Nên truyền ban cho chúng sanh tường.

           Thế thì, khi chủ trương quân sự và chánh trị, có gì trái với giáp pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca không ? Về điều này, Đức Huỳnh giáo chủ có giải thích:

           “ Theo sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do nơi Đức Thích Ca mâu ni Phật đã khai sáng lấy chủ nghĩa từ bi bác ái đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nòng cốt thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng vì những câu “Nhứt thiết chúng sanh giải hữu Phật tánh” và “Phật cũng đồng nhứt  thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Đức Phật là do nơi trình độ giác ngộ không đồng đều, chớ không phải họ không tiến hóa ngang hàng với chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với những giáo lý chơn lý chơn chánh ấy. Giáo lý đó Đức Phật Thích Ca Mâu ni không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài là do nơi hoàn cảnh xã hội của Ấn độ xưa không thuận tiện. Thế nên Ngài chỉ phát dương cái tinh thần đó mà thôi. Ngày nay trình độ tiến hóa của nhân loại đã tới một mực khả quan, đồng thời với tiến hóa về khoa học thì ta có thể thực hành giáo lý đó để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với cái tâm hồn bác ái từ bi mà tôi đã hấp thu, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại.”.

           Phương chi chủ yếu của pháp môn Tu Nhân Học Phật lấy Tứ Ân làm căn bản, hơn nữa tín đồ Phật-giáo Hòa Hảo thuộc hàng cư sĩ tại gia; thế nên ngoài sự phụng hành Phật-giáo, họ còn có bổn phận bảo vệ đất nước khi quốc gia hữu sự.

           Vả lại, bản hoài của Đức Huỳnh giáo chủ là muốn đem giáo pháp của Như lai áp dụng vào đời sống xã hội, nên chi Ngài từng tuyên bố:

           Đối với toàn thể tín đồ Phật-giáo, tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca, tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải được thực hiện trên đường chánh trị”.

           Với những lý tưởng như trên, với những hoạt động chánh trị không ngừng, Đức Huỳnh giáo chủ quả là một nhà cách mạng, chẳng những trên địa hạt giải phóng dân tộc mà còn trên địa hạt giải phóng chúng sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn