Phấn phát tinh thần dân tộc

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 41554)
Phấn phát tinh thần dân tộc

          Bửu- Sơn  Kỳ- Hương được xem như hậu thân của phái Trúc Lâm Yên Tử. Thật thế, Đức Phật Thầy Tây An quả xứng đáng là vị thừa kế của Thiền phái đời Lý, đời Trần, vì Ngài đã tạo cho Việt Nam một nền Phật-giáo dân tộc.

 

          Sở dĩ các tổ Trúc Lâm gây được thịnh huống cho đạo Phật đời Trần là nhờ biết khai thác và làm phát triển ba yếu tố: tinh thần dân tộc, đối cơ và hoàn cảnh.

 

          Về phương diện dân tộc tinh, Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam từ cách đặt tên đến nghi thức hành đạo.

 

          Về phương diện đối co, pháp môn Thiền Tịnh song tu rất thích hợp với trình độ của con người ở thời kỳ Tượng pháp, gồm có hạng hạ căn cần tu cầu tha lực và hạng thượng căn đủ sức tu tự lực.

 

          Về phương diện hoàn cảnh, chủ trương nhập thế và xuất thế rất phù hợp với tinh thần của một xã hội đang đòi hỏi sự nỗ lực của tăng lẫn tục trong công cuộc để tỉnh tinh thần hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và giữ vững tín ngưỡng quốc gia chống lại mọi cuộc xâm lăng bờ cõi ở phía Bắc và mọi sự uy hiếp dị giáo ở phía Nam.

 

          Cũng như phái Trúc Lâm Yên Tử. Đức Phật Thầy Tây An đã nắm vững ba yếu tố ấy khi đứng ra phát động phong trào chấn hưng Phật-giáo.

 

          Cho được nhận rõ vai trò Bửu- Sơn  Kỳ- Hương trong công cuộc phục hoạt đạo Phật đời Lý đời Trần, thiết tưởng nên hiểu qua quá trình phát triển cùng chủ trương và giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An.

 

          Sinh năm 1807, năm Gia Long thứ 6 nhưng đến năm 1850 tức năm Tự Đức thứ 3. Đức Phật Thầy Tây An mới ra mở đạo và tịch năm 1856, tức là thời kỳ trong nước gặp nhiều cuộc loạn lạc. Tam giáo: Nho, Lão, Phát, suy vi.

 

          Trong đời Lê và Nguyễn là thời kỳ Nho học độc tôn, thế mà nhìn về sĩ phong, Lê Quí Đôn không khỏi than rằng: "Quốc gia khôi phục thừa sau khi nhiễu nhương thì nhà nho vắng vẻ; đến đời Hồng Đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn; đời Đoan Khánh trở đi thi sĩ tập suy bại quá lắm". Ở thời kỳ Nho học độc tôn mà Nho giáo còn hư hèn như thế thì đủ biết tình trạng suy đồi của Đạo giáo và Phật-giáo.

 

          Chính trong hoàn cảnh đen tối ấy. Đức Phật Thầy Tây An ra đời, mở cơ phổ hóa, không nói ta cũng thấy khó khăn là bực nào.

 

          Công cuộc đề khởi tinh thần sùng mộ đạo sanh không khác cách tri binh của một ông thầy thuốc giỏi. Ông lương y phải rõ bịnh căn để châm thế thuốc thang cho phù hợp với trạng thể của con bịnh thế nào thì người đứng ra hoằng dương giáo pháp cũng phải hiểu rõ can tinh và hoàn cảnh của chúng sinh để đưa ra pháp môn cho được xứng cơ như thế ấy. Bằng chẳng hiểu can cơ thì chẳng khác người cho thuốc mà không rõ bịnh căn, đã không hết bịnh, tâm thì còn hại đến thân.

 

          Là một đấng sáng tỏ, thông đạt huyền cơ, với lại có sứ mạng lâm phàm dìu dắt chúng sinh trong thời kỳ mạt hạ. Đức Phật Thầy Tây An thấu rõ căn bịnh ngặt nghèo  của chúng sinh nên đưa ra một phương thuốc vô cùng hiệu nghiệm.

 

          Ngài thành lập giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và khai thị pháp môn Tu Nhân học Phật, vừa phấn phát tinh thần dân tộc, vừa phù hợp với căn cơ chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp và hoàn cảnh ác liệt sắp đưa đến cảnh quốc phá gia vong.

 

          Với bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, một danh hiệu hoàn toàn Việt Nam, Ngài gọi lại tinh thần dân tộc của phái Trúc Lâm Yên Tử đã phai mờ trong mấy trăm năm loạn lạc, Trịnh Nguyễn phân tranh. Cái tinh thần dân tộc ấy chẳng những biểu lộ trên tông danh mà còn hàm chứa trong pháp môn Tu Nhân học Phật.

 

          Về phương diện Tu Nhân. Ngài xướng xuất Tứ Ân Hiếu Nghĩa để dịu dắt con người trở lại với đạo Nhân là căn bản của con đường đưa đến mục đích cuối cùng giải thoát.

 

          Trải qua mấy mươi năm binh cách, những thuần phong mỹ tục đều đổ nát. Con người  không còn thiết gì đến hiếu trung nhân nghĩa. Trong gia đình mọc lên  thứ con bất hiếu, ngoài xã hội đầy dẫy hạng bất lương. Với cái tinh thần suy đồi đọa lạc dường ấy mà đem những giáo lý cao siêu của Thiền tông ra giảng giáo thì chỉ làm cho họ thêm chán chê, chớ không mong gì thức tỉnh được. Và lại nền tảng của hầu hết các đạo giáo đều xây dựng trên đạo Nhân. Nếu Nhân đạo không tròn, vị tất đã hành được Phật đạo. Thử nghĩ, một người mà đối với cha mẹ trong nhà không có hiếu, đối với xã hội không có nhân, thì phỏng có trở nên một tín đồ thuần thành của đạo Phật chăng?

 

          Phương chi sách Liên Tông Bửu Giám có viết: "Hiếu dưỡng vi bách hạnh chi tiên, hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh, dục đắc đạo đồng chư Phật, tiên tu hiếu dưỡng nhị thân". Điều hiếu dưỡng là đứng đầu đức hạnh. Tâm hiếu thảo tức là tâm của Phật vậy; hạnh hiếu thảo đâu chẳng là hạnh của Phật. Vậy muốn đắc đạo ngang hàng với chư Phật, trước hết khá nên hiếu dưỡng mẹ cha.

 

          Thiền sư Trường Lộ Sách cũng nói: "Hiếu chi nhất tự, chúng diệu chi môn. Phật ngữ dĩ hiếu vi tông". Một chữ hiếu là cái cửa đi đến muôn diệu. Lời Phật lấy hiếu làm gốc.

 

          Kinh Đại Tập còn nói rằng: "Nếu đời không có Phật xuất thế mà thờ cha mẹ một cách hoàn thiện tức là thờ Phật vậy."

 

          Sách nho cũng nói: "Thiên Kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên". Ngàn kinh muôn điển, hiếu nghĩa là đầu.

 

          Thì ra cả Phật lẫn Nho đều nhận sự hiếu thảo là đầu của các hạnh. Người không có hiếu thảo đối cha mẹ thì còn mong làm được việc gì.

 

          Đạo hiếu đã quan trọng dường ấy; thế nên, phàm muốn cho người trở lại với đạo nghĩa, trước hết phải gây cho được đức hiếu thảo. Trong gia đình có làm được đứa con hiếu thì ngoài xã hội mới làm được người dân có nghĩa.

 

          Hành được hai điều hiếu nghĩa tức là xử vẹn bổn phận làm người, không hổ với Bốn Ân đã mang nặng. Phàm sanh ra làm người, mấy ai chẳng mang lấy Bốn Ân:

 

1. Ân của tổ tiên cha mẹ tạo nên hình vóc con người, nuôi dưỡng cho đến khi thành nhân khôn lớn. Vậy phận làm con phải một lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ.

 

2. Ân của đất nước bọc đùm che chở cho thân được yên, nhà được vững. Vậy phận làm dân phải hết lòng bảo vệ quê hương xứ sở.

 

3. Ân của Tam bảo tức Phật, Pháp, Tăng đã đào luyện nên người hiền đức, chỉ rõ con đường giải thoát khỏi nẻo mê lầm. Vậy phận làm môn nhân phải hết dạ kính thành, xiển dương phổ hóa.

 

4. Ân của đồng bào nhân loại đã khó nhọc làm lụng để cung cấp cho đời mọi nhu cầu cần thiết. Vậy phận làm người phải giúp đỡ thương yêu, không vì mình hay đồng bào mình mà gây ra tai hại cho kẻ khác, dân tộc khác.

 

 

 

Nói tóm lại, phàm sanh ra làm người, không ai là chẳng mang nặng Bốn Ân vừa kể. Có trả được Bốn Ân ấy mới phải là con người có Hiếu, có Nghĩa, mới làm xong cái đạo làm người. Nó là nền tảng của tất cả các đạo giáo trên thế gian. Nó là bước đầu của con đường tiến lên quả vị Phật Thánh. Nếu bổn phận làm người mà không rồi thì đừng mong bước lên con đường Đạo.

 

          Tế Điên Hòa thượng có nói rằng: "Dục tu Tiên đạo, tiên tu nhân đạo, nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ". Muốn tu đạo Tiên Phật, trước phải tu đạo làm người. Đạo làm người mà không tu thì đạo Tiên Phật khó đến vậy.

 

          Không ai bỏ con đường Tu Nhân mà thành được Phật-đạo, Đức Phật Thích Ca trước khi đắc đạo, hằng bao nhiêu số kiếp hành nhân đạo. Nhờ những công hạnh thi thiết trong giai đoạn nhập thế đắp bồi, tích lũy sâu dày mà Đức Phật chóng đạt thành quả vĩ trong giai đoạn xuất thế.

 

          Xem đó đủ thấy, muốn xuất thế trước phải hoàn thành giai đoạn nhập thế, muốn tu Phật đạo, trước phải tu Nhân đạo, cũng như muốn cất nhà trước phải xây nền đắp móng cho vững chắc. Ví bằng chẳng hành xong đạo làm người mà muốn đạt thành quả vị Thánh Tiên thì cũng chẳng khác người cất nhà mà không chịu đắp móng xây nền.

 

          Công cuộc chấn hưng Phật giáo cũng thế. Từ trước đến nay, nhà Thiền sở dĩ được sum nghiêm, tăng ni được yên ổn tu trì là nhờ thiện nam tín nữ sùng mộ đạo đức, ủng hộ cúng dường. Sự phồn thịnh phấn phát Phật giáo, xem đó, đều do lòng ngưỡng đạo của đàn na, tức hạng tại gia cư sĩ . Sau mấy trăm năm loạn lạc, nhân dân khốn khổ, tàn thất gia đình, đời sống đã không yên, còn đâu tinh thần hộ trì Phật-pháp. Gia dĩ, những sự đàn áp, những tà thuyết mê tín dị đoan thừa cơ hội khởi lên. Những người dối thế trốn đời lần lần; đột nhập vào cửa thiền, đó là những duyên cớ khiến cho tín đồ một ngày một mất đức tin, xa dần cửa đạo.

 

          Nay muốn chấn hưng đạo Phát, thiết tưởng, việc xây dựng tín đồ để làm nền tảng là điều cần phải thi thiết trước hết. Một đoàn thể mà không có đoàn viện còn có thể thành là một đoàn thể chăng, hà huống là đạo Phật lại không có tín đồ nhà Phật thì làm sao phát triển cho được. Nhưng cho được trở thành một tín đồ nhà Phật, tức hạng người làm theo lời Phật dạy với hy vọng sau này thành Phật thì ít nhất cũng phải là người hiếu từ  với cha mẹ, nhân ái với mọi người, nghĩa là phải làm tròn nhân đạo.

 

          Chính nhận rõ cái động nhân ấy, nên chi Đức Phật Thầy Tây An, muốn khôi phục cái thịnh huống đạo Phật đời Lý đời Trần, cũng phải bắt đầu xây dựng cái nền tảng tu nhân trước, để một mặt chấn chỉnh cuộc đời và một mặt khác chấn hưng Phật đạo. Hai phương diện này không thể thực hiện lẻ loi riêng rẽ: vì rằng mục dích của sự chấn chỉnh cuộc đời là để làm cơ sở cho sự chấn hưng Phật đạo, cũng như sự chấn hưng Phật đạo là để hoàn mỹ cuộc đời. Đời với Đạo liên quan mật thiết nhau, không thể có Đạo mà không Đời, hay có Đời mà không Đạo.

 

          Con đường tiến hóa nhân loại là con đường hướng thượng từ bậc thấp tiến lên bậc cao, từ chỗ không tự do tiến đến chỗ cuối cùng giải thoát. Thế nên việc Tu Nhân cũng chỉ là để trang nghiêm đoạn đường nhập thế, làm nấc thang bước lên đoạn đường xuất thế. Vì vậy mà đồng thời với Tu Nhân, Đức Phật Thầy Tây An còn chủ trương Học Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn