Mẩu chuyện số 66 - BÀI TOÁN ĐỐ

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42745)
Mẩu chuyện số 66 - BÀI TOÁN ĐỐ

K

hoảng đầu mùa xuân năm Ất Dậu 1945, tức sau khi chấm dứt cuộc Khuyến Nông, Đức Thầy trở về văn phòng tại đường Miche, Sài Gòn. Khi đó ông xã Bộ ở Châu Đốc đến viếng Đức Thầy, và ông lưu lại một thời gian ở đây. Một hôm nọ vào khoảng 10 giờ sáng ông Bộ đang tiếp rước ba người khách có vẻ là người học thức và cũng có đọc Giảng của Đức Thầy rồi. Lúc đó cũng có mặt một số tín hữu tại phòng khách. Trong câu chuyện đàm đạo, quí ông có đưa ra hai câu giảng:

Lời truyền sấm như bài toán đố,

Ai biết tầm thì được hưởng nhờ.

Để tìm hiểu ý nghĩa, lúc đang bàn luận, bỗng Đức Thầy từ trên lầu đi xuống và hỏi:

-Các ông bàn luận gì đó?

Ông xã Bộ liền đứng dậy thưa:

-Chúng tôi đang tìm hiểu ý nghĩa hai câu giảng:

Lời truyền sấm như bài toán đố,

Ai biết tầm thì được hưởng nhờ.

Mà Đức Thầy đã viết ra trong Giác Mê Tâm Kệ.

Được vậy tốt lắm.

Đó là lời Đức Thầy nói.

-Sẵn dịp nầy tôi đố các ông hai lần hai là mấy?

Ông xã Bộ bèn đứng lên:

-Bạch Thầy hai lần hai là bốn.

Đức Thầy nói:

-Không phải vậy, đó là các ông tính theo cữu chương, em học trò tính cũng được. Ở đây là toán đố mà! Các ông hãy tính kỹ lại đi.

Nói xong Đức Thầy bước thẳng ra các chậu kiểng phía trước, còn ông Bộ và ba người khách bóp trán tính, bàn tính mãi cũng không ra được đáp số. Độ năm phút sau Đức Thầy trở lại hỏi:

-Sao! Các ông tính được chưa?

Mấy người đồng nói:

-Bạch Thầy chúng tôi tính chưa được.

Đức Thầy liền nói:

-Như vậy để tôi ra thai cho, hai lần hai là ba đó. Nhớ là ba chớ không phải là bốn nghen. Đây là bài toán đố chớ không tính theo cữu chương, các ông hãy tính nữa đi.

Nói rồi Đức Thầy đi luôn lên lầu. Mọi người đều ngồi lặng thinh tiếp tục suy tính. Ít phút sau, Đức Thầy trở xuống hỏi:

-Sao! Nãy giờ các ông tính ra chưa?

Bốn người đều đứng lên đồng nói:

-Thưa Thầy! Chúng tôi suy tính mãi không ra, nhờ Thầy giải giùm.

Đức thầy vui vẻ bảo:

-Có gì khó đâu. Đây, các ông nhìn theo tôi

. Đoạn Ngài cầm một miếng giấy nhỏ đưa lên, vừa xé hai, Ngài vừa nói:

-Một lần hai.

Rồi Ngài để một nửa mảnh giấy xuống bàn, còn lại nửa mảnh Ngài đưa lên vừa xé vừa nói:

-Hai lần hai là ba.

Rồi để hết hai mảnh giấy xuống bàn Ngài nói tiếp:

-Đó, các ông xem kỹ coi có phải hai lần hai là ba không? Chớ đâu phải là bốn. Tôi đố mẹo mà!

Mọi người có mặt đều reo cười tán thán.

Câu chuyện nầy chúng tôi thuật theo lời ông xã Bộ kể lại.

T

hêm một lần nữa năm 1946 Đức Thầy ở Miền Đông. Hôm ấy nhằm lúc rảnh việc, các tín hữu cùng một nhóm anh em Bình Xuyên, họp nhau tại văn phòng để bàn luận về sấm kinh. Câu chuyện đạo đức đang thấm nhuần vào tâm trí của mỗi người thì có một anh đưa ra hai câu giảng:

Lời truyền sấm như bài toán đố,

Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ”.

(Giác Mê Tâm Kệ)

Rồi anh em nói:

-Chúng ta thử bàn xem bài toán đố Đức Thầy đề cập trong hai câu giảng nầy ra sao?

Tất cả đều đồng ý mỗi người bắt đầu suy tới tính lui trên mười phút đồng hồ, kẻ bàn thế nầy, người luận thế khác, nhưng chẳng có ý nào được toàn thể công nhận. Cuộc biện giải đang xôn xao, may đâu Đức Thầy vừa đi tới, Ngài liền hỏi:

-Các anh em bàn luận gì mà nghe sôi nổi thế?

-Bạch Thầy! Chúng tôi đang suy luận bàn tán về cái bài toán đố trong hai câu giảng: “Lời truyền sấm như bài toán đố, Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ”. Đó là bài toán gì?

Đức Thầy liền hỏi:

-Vậy các anh em có tìm được chưa?

Trong đó có một người đứng lên thưa:

-Bạch Thầy! Chưa, và nhờ Thầy giải thích giùm.

Lúc đó Đức Thầy cười vui và nói:

-Tôi cho các anh em biết một phần rồi mỗi người tự sắp mà làm nghen! Đây là một bài toán cộng chớ không có gì hết, gồm có tám con số tám, anh em sắp làm sao cộng cho được một ngàn là đúng.

Nói xong Ngài bước sang phòng khác, nghe qua nhiều người chạy đi lấy viết, có người bẻ cây ngồi vẽ trên mặt đất cho mau. Ai nấy đều sắp số và tính lia lịa. Thời gian trên hai mươi phút, hết sắp chiều nầy rồi sắp qua chiều khác, lộn tới lộn lui, đủ cách hết, nhưng chẳng người nào cộng đủ số một ngàn. Bấy giờ kẻ ngồi cắn bút, người thì đi tới đi lui suy nghĩ. Sau đó Đức Thầy từ phòng bên kia bước trở lại hỏi:

-Nãy giờ có ai tính được thử trình bày xem.

Mọi người đồng nói:

-Thưa Thầy! Sắp cách nào cũng cộng không trúng, chúng tôi xin chịu thua, nhờ Thầy sắp hộ cho.

Đức Thầy liền đi lại tấm bảng đen, tay cầm cục phấn để sẵn tại góc phòng, tất cả đều im lặng và hướng mắt theo. Ngài cầm phấn viết nhanh lên bảng bài toán cộng như sau: Thầy viết hàng trên ba con số 8 tức là 888. Kế đó, Đức Thầy viết hai con số 8 tức 88 ngay hàng chục và hàng lẻ. Còn lại dư ba con số 8 Đức Thầy sắp theo hàng lẻ, bắt đầu Đức Thầy cộng xuống. Liền đó một tràng pháo tay vang vội hòa với tiếng cười, tiếng ca ngợi cả phút đồng hồ. Đức Thầy đợi cho các tiếng ấy chấm dứt, Ngài mới giải thích:

-Đây mới phần sự của bài toán thôi, còn phần lý của nó trong Tôn Chỉ Hành Đạo Tôi có viết Tám Điều Răn Cấm, nếu tín đồ nào gìn giữ được kỹ lưỡng, không hề quấy phạm, dầu việc rất nhỏ, tất được một ngàn việc phước nhân, một ngàn việc phước nhân nầy nó có hiệu năng đưa mình đến dự Hội Long Hoa và sống với đời Thượng Nguơn Thánh Đức.

Nghe xong những người có mặt trong hội trường đều yên lặng, phản tỉnh tâm tư, hầu để ghi nhớ lời giáo huấn ấy. Thấy không còn ai hỏi gì nữa, Đức Thầy ung dung trở lại thơ phòng.

Bài toán đố sau là kể theo lời của ông Trần văn Tươi.

PHẦN NHẬN XÉT:

Chúng ta nghe qua một cốt truyện mà hai trường hợp vừa kể trên, chúng ta có thể rút một ít bài học kinh nghiệm như sau:

Điểm thứ nhứt: Toán đố là một phép đố mẹo, học trò muốn làm được, ít ra phải có thầy giáo chỉ dạy phương thức rành mạch và người học cũng cần lĩnh hội chính xác. Học toán đố còn khó như vậy, còn học Kinh Sấm của Đức Huỳnh Giáo Chủ lại càng khó khăn hơn gấp bội. Nếu người tu không quan tâm và cố gắng thì mong gì thấu đạt.

Điểm thứ hai: Câu giảng Lời truyền sấm như bài toán đố là Đức Thầy ví dụ sự học hiểu lời truyền sấm khó khăn cũng như học làm toán đố mà các ông ấy đã hiểu lầm cứ lo tìm bài toán đố chớ không chịu tìm hiểu Kinh Sấm. Tuy nhiên Đức Thầy cũng chìu theo tánh hiếu kỳ của các ông ấy, Ngài mới dùng phương tiện đưa ra hai bài toán đố. Khi mọi người làm không được, Ngài mới hướng họ trở về điểm thiết yếu là am hiểu sấm kinh và giữ gìn giới luật, bởi người tu có Chuyên chú nghĩ suy từ nét dấu, có tìm hiểu nghĩa và làm theo mới đắc đạo.

Điểm thứ ba: Là vấn đề trì giới là điểm tối quan trọng của nhà tu nên Đức Thầy khéo áp dụng phương tiện đưa ra bài toán cộng có tám con số 8 để ám chỉ cho Tám Điều Răn Cấm gồm có sự lẫn lý, khiến cho tín đồ tăng trưởng đức tin nơi sự trì giới như Ngài đã từng dạy, cần nhứt là ở chỗ giữ Giới Luật hàng ngày. Giới Luật ví như hai bờ lề trên con lộ, nếu người lái xe chạy vượt khỏi bờ lề thì xe bị lật chết, nhà tu nếu không trì hành Giới Luật tai hại cũng như thế.

Tám Điều Răn Cấm trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo, tuy thấy đơn giản nhưng nó gồm nhiếp Tam Tụ Giới trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Nếu ai giữ gìn trọn vẹn Tám Điều Răn Cấm đó, tất được trọn lành, trọn sáng mà thành Đạo vậy. Tại thế gian, hoặc vãng sanh Cực Lạc, hai quả vị giải thoát ấy đã thành đạt thì sự có mặt ở Hội Long Hoa và sống đời Thượng Nguơn sẽ thừa sức bảo đãm. Đức Phật xưa há chẳng dạy: “Giới minh như nhựt nguyệt, diệc như Anh Lạc Châu vi trần Bồ Tát chúng do thị thành chánh giác” (Nghĩa là giới sáng như mặt nhựt, mặt nguyệt và cũng như hột châu Anh Lạc chư Bồ Tát đông như số vi trần đều nhờ sự Trì giới mà thành bậc Chánh Giác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn