Mẩu chuyện số 30 - THẦY CHỨNG SỰ QUY Y

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42385)
Mẩu chuyện số 30 - THẦY CHỨNG SỰ QUY Y

O

ng Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý tỉnh Phong Dinh có nhắc mẩu chuyện của ông Bảy ở Xà No như sau:

Số là ông Bảy nầy có cất nhà ở giữa đồng để làm ruộng, thường xem Sấm Giảng của Đức Thầy để tu hiền. Ông lập ngôi Tam Bảo và bàn Thông Thiên, khấn nguyện nhờ Đức Thầy chứng giám. Ông tự khép mình vào hàng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, ăn chay giữ giới, cúng lạy theo lời Đức Thầy chỉ dạy. Đến tháng 6 Âm lịch, Đức Thầy về Cần Thơ Khuyến Nông, ông Bảy đến xin Đức Thầy cho qui y. Ông Bảy sắp trình thưa công việc thì Đức Thầy nhìn ngay ông và nói:

-Ủa ông đã qui y vào lúc 12 giờ trưa tháng Giêng hôm trước mà, tôi đã chứng kiến một lần cho ông rồi, còn qui y gì nữa? Qui y một lần thôi chớ!

PHẦN NHẬN XÉT:

Tâm lý chung của con người thì khi họ ân cần mong muốn một điều gì, hoặc van xin với ai, thì họ rất sợ không được người đó chấp thuận. Nếu được chuẩn hứa một điều nào quan trọng thì họ thường lập lại đôi lần để cho người kia đừng quên. Thế nên ông Bảy tuy đã âm thầm phát nguyện qui y, nhưng vẫn còn lo ngại, không biết sự phát nguyện của mình có được Thầy chứng không?

Vốn là một bậc Đại Giác thì làm gì chẳng rõ được tâm niệm của chúng sanh, thế nên không để cho đệ tử thắc mắc lo âu, Ngài liền cởi mở cho ông Bảy mà cũng cởi mở chung cho đa số tín đồ. Về điểm nầy Ngài có viết

Mấy người bê trễ chậm chơn tới Thầy,

Nghe theo lời chỉ sau đây.

Lãnh bài cầu nguyện về rày mà tu.

(Từ Giã Làng Nhơn Nghĩa)

Tuy lãnh bài cầu nguyện mà tu như vẫn được như đã gặp Ngài. Bởi vì:

Tuy là hữu ảnh vô hình,

Chớ dân lòng tưởng sân Trình đáo lai.

(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)

Bởi Phật chỉ dụng chữ tín thành, khi được sống bên cạnh Thầy mà không sửa tánh răn lòng thì sao bằng người ở xa ngàn dậm mà ngoan đạo, tiến tu. Xưa Phật còn trụ thế, lúc Ngài đi thuyết Pháp ba tháng ở Thiên Cung mới trở về, các đệ tử đưa nhau đến yết kiến Ngài, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc đến cúi đầu, lễ sát chơn Phật mà bạch:

-Bạch Thế Tôn, đệ tử Liên Hoa Sắc, người đã đến yết kiến Phật trước nhứt, để lạy mừng Ngài từ Thiên Cung vừa trở về Tịnh xá. Đức Phật từ bi đáp:

-Liên Hoa Sắc, con không phải là người đến yết kiến Như Lai trước đâu!

Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc nhìn đi nhìn lại chung quanh, chưa ai đến trước mình, bà mới bạch:

-Bạch Thế Tôn, chớ vị nào đến trước con, sao con không thấy?

Đức Phật ôn tồn đáp:

Chính Tôn Giả Tu Bồ Đề là người đến viếng Như Lai trước nhứt. Tuy ông chưa đến bằng hình thể, chớ tâm ông đang hướng về làm lễ Như Lai trước hơn các môn đệ khác.

Vậy chúng ta là người trí không lo sợ là Thầy mình không biết rõ việc làm phải của mình, mà phải sợ mình không sáng suốt và đủ nghị lực để bỏ những thói hư tật xấu của mình và cũng đừng nên lo tìm hiểu cái quấy dở của kẻ khác mà phê phán. Khách quan, can đảm và nhận xét mà bài trừ cái quấy dở của mình, vì lúc nào bên mình cũng có:

Lưỡng Thần ghi chép liên miên,

Nào tội, nào phước dưới miền trần gian.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Hơn nữa đối với Đức Thầy thì:

Cặp mắt thánh dòm xem tứ hải,

Thương hồng trần mượn xác tái sanh.

(Diệu Pháp Quang Minh)

Chớ lo chi Ngài không biết được việc làm của mình, nhưng sở dĩ đôi khi cái phải chưa đến với ta là bởi cái phải ta mới làm mà cái quấy ta đã làm trước hơn, nên đợi khi:

Quả dữ trả rồi nhân thiện đến.

(Bài Thơ Cho Cô Hai Gương Cần Thơ)

Nhứt định không có việc làm nào lại không được sự chứng biết của bậc vô hình và Thầy Tổ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn