Mẩu chuyện số 59 - GÌN GIỚI LUẬT

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44810)
Mẩu chuyện số 59 - GÌN GIỚI LUẬT

V

ốn có sẵn lòng từ bi và trách nhiệm cứu nguy dân tộc, Đức Thầy không thể lặng nhìn đồng bào Miền Bắc đang bị giặc đói hoành hành, nên Ngài đứng ra cổ võ đồng bào Miền Nam chung sức gạo tiền để chở ra cứu trợ miền Bắc. Mặt khác Ngài kêu gọi toàn dân nổ lực tăng gia sản xuất. Bởi:

Muốn cứu khỏi tai nàn của nước,

No dạ dày là chước đầu tiên.

Cuộc hành trình nầy mệnh danh là Khuyến Nông kéo dài từ mồng một tháng 5 đến cuối tháng 6 năm Ất Dậu 1945. Đức Thầy khởi hành từ Sai gòn rồi đi khắp châu thổ sông Cửu Long và đăng đàn thuyết pháp 107 nơi. Mỗi nơi đều có số dự nghe ngoài sức tưởng tượng. Vào ngày mùng 6 tháng 6 Ngài thuyết giảng tại sân vận động Mỹ Hội Đông. Từ lúc được tin ấy, ai ai cũng chuẩn bị. Chỉ để một người coi nhà còn bao nhiêu đều đi dự hết. Có nhiều gia đình đóng cửa bỏ đó, người nhà đồng kéo đi hết, nhưng khi trở về, chẳng nhà nào bị mất đồ đạt. Trong số, có gia đình cô Ba Tuội.

Số dự thính nơi đây, ngoài những tín đồ đã quy y với Đức Thầy từ năm Kỷ Mão 1939 còn có đủ mặt đồng bào các giới.

Hôm đó, ngoài việc khuyến nông Đức Thầy còn khuyến tu và đề cập đến giới luật thật nhiều. Ngài giảng giải rành về Tám Điều Răn Cấm và đọc đi đọc lại ba lượt. Mỗi lần đọc dứt Tám Điều Răn Cấm thì Ngài kêu hỏi:

-Tất cả bổn đạo và bà con có mặt hôm nay, nếu ai bằng lòng gìn giữ theo đây, hãy đưa tay lên.

Bấy giờ mọi người đồng đưa tay, qua ba lần như vậy, Ngài dừng lại một phút rồi nói tiếp:

-Sau nầy Thầy sẽ vắng mặt một thời gian, rồi Thầy trở về với nguyên xác cũ, tất cả bổn đạo hãy nhìn Thầy cho kỹ kẻo sau nầy bị lầm kẻ giả trá.

Thưa quí vị, câu chuyện nầy chúng tôi thuật lại theo lời của cô Ba Phạm thị Tuội ở xã Nhơn Mỹ.

PHẦN NHẬN XÉT:

Nếu xưa Cổ Đức đã bảo: “Tam thế Phật pháp giới nghi căn bản, bản chi bất tu đạo diễn hồ tai”. Thì nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dạy: “Điều cần nhứt là giữ giới luật hàng ngày”. Giới luật là điều căn bản của các hạng tu hành, không luận kẻ xuất gia hay cư sĩ, thiện tín hay tăng ni. Tuy có kẻ giữ giới nhiều, người thọ giới ít, chung qui mỗi người đều phải giữ giới, chính đó là hàng rào để ngăn chận các điều tội lỗi.

Một nhà tu nếu không giữ giới luật thì khó mong hết lỗi, mà tội lỗi chưa hết, thử hỏi đường đạo đi đến đâu. Cho nên tại vị trí nói trên Đức Thầy giảng đi giảng lại Tám Điều Răn Cấm ba lần, đó là Ngài muốn cho mỗi tín đồ nhận định chính xác để gắng công trì giới. Ngài xét biết đối với làn sóng văn vật hiện nay, người tu rất dễ vi phạm giới luật, mà nếu vi phạm giới luật thì công phu tu hành khó mong thành đạt, lại còn uổng phí một kiếp tu hành khó mong gặp lại cơ hội:

Kỳ xả tội nay còn một lúc,

Sao chẳng tu đặng có hưởng nhờ.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Phương chi yếu điểm của nhà tu là cần đạt huệ, mà muốn có trí huệ trước tiên phải giữ giới, nhân giới mới sanh định và nhân định mới sanh huệ. Tức là nhờ Giới Định Huệ tam học mới trừ được Tham Sân Si là tam độc để chứng thành Phật quả. Trong Sấm Kinh Đức Thầy chỉ dạy:

Nếu ai mà biết chữ tu trì,

Tâm bình tịnh được thì phát huệ.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Hoặc

Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp

Niệm Phật thì phải diệt lòng tà.

(Quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ)

Đồ lao muốn lánh sớm nghe ta,

Bố thí trì chay giữ giới mà.

Phật Đạo trau giồi tâm tánh lại,

Giác thuyền chuyên chở lúc can qua.

Còn việc Đức Thầy tiên tri sau nầy Ngài sẽ vắng mặt một thời gian rồi Thầy trở về nguyên xác cũ. Trường hợp nầy Ngài cũng có nói với ông Ngô Thành Bá trong dịp đi viếng núi Tà Lơn:

Ngày sau Thầy phải xa cách bổn đạo một thời gian, trong thời gian ấy tín đồ phải chịu đau khổ, và không một ai biết Thầy ở nơi nào”

Từ độ ấy đến nay, qua những lần pháp nạn, đủ chứng minh một cách rõ ràng cho lời tiên tri nói trên.

Vậy trên đường tu dầu gặp nhiều đau khổ, ta không nên bi quan chùn bước vì đây chỉ là định luật:

Đời cùng đạo bi quan ly hiệp.

Thế gian hiếm kẻ thánh tài,

Ra đời phải chịu ít ngày gian nan.

Cổ kim nghiệm biết đừng than,

Để cho Trời Phật lo toan việc nầy.

Chỉ e nhiều người thiếu đức tin và lòng kiên nhẫn rồi chùn chân thối bước. Vậy mỗi tín đồ nên lo tròn bổn phận, chứ đừng lo ngại Đức Thầy không trở lại và nhiệm vụ chẳng thành công như Ngài đã thốt:

Mãn sợ sông Ngân cầu lỗi nhịp,

Lo chi Ô Thước chẳng xong cầu.

Và Ngài còn hứa hẹn với các tín đồ:

Ít lâu Ta cũng trở về,

Khuyên trong bổn đạo chớ hề lãng xao.

Trì lòng chớ có núng nao,

Từ đây nhơn vật mòn hao lần lần.

Còn điểm chót hết Đức Thầy căn dặn:

“Rồi Thầy trở về nguyên xác cũ, tất cả bổn đạo hãy nhìn Thầy cho kỹ, kẻo sau nầy bị lầm kẻ giả trá.

Câu nầy Đức Thầy cũng có nói với nhiều người. Như cô Cò ở Sai gòn và ông Nguyễn Phước Còn ở Long Kiến. Bởi đoán biết sau nầy có ba ngàn sáu trăm mối tà đạo ra đời “Tam thiên lục ba khắp tràn hại dân”. Thừa lúc Đức Thầy vắng mặt, bọn chúng giả xưng là Ngài mượn xác, hoặc là bày ra mưu nầy chước nọ gạt gẫm các tín đồ nhẹ dạ thiếu trí mê tín làm điều xằn bậy mà hư hỏng cuộc đời. “Lòng tà đạo nhân hư bất dục”. Nên Ngài hằng khuyên:

Đừng bạ đâu tin bướng nghe càng,

Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp.

Và để tăng lòng tin mọi người, Ngài hứa hẹn một cách chắc chắn:

Can qua dân chúng chớ buồn lo,

Tích đức chờ ta chốn hẹn hò.

Tiên cảnh Phật đài xem rực rỡ,

Hoàn cầu đến đó ấm cùng no.

Cùng no bốn biển một cha thôi,

Bỏ dứt thói hư với tật tồi.

Trên có Phật Trời soi việc thế,

Dưới đầy cơm áo lão về ngôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn