4-Lâm nạn

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 51289)
4-Lâm nạn


Vả chăng, trước khi Đức Phật-Thầy ra đời, tà thuật rất thạnh hành trong dân chúng. Chẳng nơi nào là không có thầy pháp, thầy nhưn bông, thầy phù thủy, thầy lổ ban, cô đồng bà bóng ... làm ăn rất phát đạt. Người dân quê có đau ốm hay thắc mắc một điều gì trong công ăn việc làm, thảy đều cầu đến họ. Có thể nói xã hội thôn quê là xả hội của những thầy pháp, cô đồng bà bóng... và đời sống dân quê đã tùy thuộc hoàn toàn đám người đó.

Nay Đức Phật Thầy ra đời, chữa bịnh đã không lấy tiền mà lại bất cứ bịnh nào cũng cứu khỏi, lý đương nhiên đám thầy ăn hại dân quê kia mất cả uy tín và lợi lộc. Mất uy tín thì không đáng kể, chớ còn mất lợi lộc thì phải biết. Họ mới lấy gì mà sống đây? Mà ở đời, từ xưa đến nay, bất cứ việc tranh chấp nào cũng phát khởi từ trong chỗ giành quyền doạt lợi mà ra cả! Bởi vậy, một khi người ta thấy mối lợi của mình bị một người nào đó làm mất hay sang đoạt thì người ta phải tìm cách tranh lại cho kỳ được, bằng đủ mọi phương tiện, dầu phải làm hại đến mạng người mà cứu được mối lợi của mình, họ cũng dám làm.

Như đám thầy pháp, phù thủy.. kia, khi thấy Đức Phật Thầy ra đời cứu bịnh làm cho dân quê không còn đến cầu chữa nơi họ nữa, nghĩa là họ không còn sống vào sự mê tín của dân quê nữa thì họ đâm ra bực tức, tìm đủ cách nói xấu Đức Phật Thầy cho dân chúng nhẹ dạ nghe theo, hoặc tìm phương hãm hại cho Ngài không còn tiếp tục nữa.

Tương truyền có một lão lang băm kia, khi nghe thiên hạ đồn rằng Đức Phật Thầy chỉ dùng nước lã mà cứu được bịnh thời khí thì y tỏ vẻ ngạo báng mà rằng: Bốc thuốc có sách có vở như ta, còn biết cứu được chưa, chớ tài gì uống nước lã mà khỏi bịnh. Y chỉ nói một câu đó mà hôm sau y vướng phải bịnh dịch tả. Y trổ hết tài, bốc hết thuốc mà bịnh của y cứ mãi một ngày một trầm trọng thêm. Thân nhơn liệu thế không kham, nên cầu đến Đức Phật Thầy. Khi biết rõ danh tánh rồi thì Ngài cười mà rằng: Sao nó không giỏi uống thuốc của nó hốt, lại cầu đến nước lã của ta? Mặc dầu nói thế, chớ Ngài cũng cứu cho khỏi bịnh.

Đó là một trong bao nhiêu trường hợp của hạng người bày điều bêu riếu hay nói xấu làm giảm uy tín của Đức Phật Thầy.

Nhưng một khi thấy nói xấu mà không làm giảm uy danh của Ngài thì họ bèn nghĩ ra phương hãm hại. Họ thấy Đức Phật Thầy chữa bịnh một cách kỳ diệu không khác pháp thuật của gian đạo sĩ, hơn nữa cách dạy đạo của Ngài cũng lạ hơn nhà thiền, không thờ hình ảnh tượng cốt lại thờ một tấm trần điều. Bấy nhiêu việc lạ tai lạ mắt đó cũng đủ cho họ nghĩ ra phương pháp hãm hại rồi.

Họ phao truyền lên rằng Ngài là gian đao sĩ, chẳng những phao truyền mà còn mật báo với nhà cầm quyền ở trấn An giang nữa.

Nên biết danh từ gian đạo sĩ lúc bây giờ là một điều đáng ghê sợ đối với triều đình.

Năm 1841, nghĩa là tám năm trước ngày Đức Phật Thầy ra đời, ở Trà vinh có bọn Lưu Sâm hợp với bọn thầy chùa làm loạn. Triều đình phải phái ông Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tiến Lâm đến dẹp mới yên. Việc còn ràng ràng đó, mà kẻ loạn không ai khác hơn là đám thầy chùa; thế cho nên cái danh từ gian đạo sĩ ở thời đó nó có giá trị như danh từ phiến loạn chớ chẳng vừa.

Nay có tin mật báo có gian đạo sĩ mà vị gian đạo sĩ ấy lại còn tựu tập dân quê hàng muôn hàng ức người nữa, thì thử nhà cầm quyền nào lại không lo sợ chẳng có một vụ tao loạn nữa xảy như vụ thầy chùa làm loạn ở Trà Vinh kia!

Phương chi hồi bấy giờ, giặc giã nổi lên lung tung trong nước. Nào là trận đánh ở Tiêm la ở Chơn lạp, vua Thiệu Trị ra chiếu, tháng hai năm 1847, truyền cho quân ta do Nguyễn Tri Phương đốc xuất từ Trấn tây rút về trấn thủ An giang, làm cho dư luận xôn xao. Tiếp theo là trận hải chiến ở Đà nẳng, quân Pháp bắn chìm chiến thuyền của ta, vua quan ta phải một phen kinh khủng.

Dồn dập bao nhiêu biến cố như thế. Làm thế nào các quan trấn ở An giang, khi nghe tin báo có gian đạo sĩ xuất hiện trong trấn của mình mà không đem lòng lo sợ.

Thế là Đức Phật Thầy bị bắt.

Quan trấn An giang sai hai tên lính là đội nhì Bồng và cai nhứt Trung xuống tận làng Kiến thạnh điệu Ngài về tỉnh.

Trong chuyến đi này, người ta còn nhớ câu chuyện khi cai nhứt Trung thi hành phận sự, vì quen tính lỗ mảng có xúc phạm đến Đức Phật Thầy, nên ba ngày sau bị á khẩu rồi chẳng bao lâu thì chết.

Câu chuyện ấy xảy ra như thế này:

Khi cai nhứt Trung đến cốc của Ngài, vì thiên hạ đông đảo nên đứng ở ngoài réo lên:

- Ở đây có phải cái cốc của ông Đạo không?

Đức Phật Thầy đáp phải.

Cai nhứt Trung nạt lớn:

- Có lịnh quan lớn đòi, phải đi gấp.

- Thầy chờ tôi cúng ngọ rồi sẽ đi.

Cai nhứt Trung lại nạt nữa và hối thúc làm cho Ngài ra đi chẳng kịp cúng ngọ.

Khi đội Bồng và cai Trung đưa Ngài đến tỉnh An giang thì ở đây các quan đã lập tâm sắp đặt trước để thử thách, vì theo tờ mật cáo thì Đức Phật Thầy có nhiều phép huyền diệu, chẳng những chữa mọi tật bịnh mà còn hiểu cả ý tưởng người đời. Bởi thế các quan còn ý hoài nghi, chưa tin hẳn Ngài là gian đạo sĩ. Họ phải thử thách cho rõ trắng đen.

Và đây là lớp màn các quan dàn cảnh khi tiếp Đức Phật Thầy Tây An.

Lúc Đức Phật Thầy được đưa vào ra mắt thì các quan cũng ra vẻ niềm nỡ mời ngồi. Họ chỉ bộ ván có trải chiếu bóng mà rằng:

- Mời chú Đạo ngồi!

Đức Phật Thầy từ chối:

- Mời quan lớn ngồi trước. Tôi là một chú Đạo đâu dám vô lễ.

- Không sao đâu, tôi cho phép thì cứ việc ngồi.

- Bẩm quan lớn! Tôi nói tôi không dám vô lễ là vô lễ với Phật, vì tôi là một chú Đạo đâu dám ngồi trong lúc Phật nằm.

- Chú nói cái gì lạ vậy, bộ chú giễu với tôi sao chớ!

Đức Phật Thầy không nói không rằng, Ngài bước lại dở chiếc chiếu lấy ra một bức tượng Phật Bà Quan Âm.

Mọi người đều kinh ngạc.

Thế là một chuyện dàn cảnh thử thách đã bị bộc lộ. Mặc dầu Đức Phật Thầy đã cho họ thấy mầu nhiệm của Ngài, nhưng sau đó họ vẫn đem giam Ngài vào khám,

Cứ theo Giảng xưa kể lại thì trong thời gian nằm khám Ngài cũng đã cho mấy chú đội cai giữ khám khổ tâm chẳng ít:

Cám thương mấy chú đội cai,

Canh giờ Thầy muốn ra ngoài như chơi!

Mặc dầu ai cũng biết Ngài bị giam nơi khám nhưng lâu lâu người ta vẫn thấy Ngài ở ngoài phố. Chúng chạy cho mấy chú đội cai hay. Họ chạy vào khám xem xét thì thấy Ngài vẫn còn bị giam như cũ. Như có một lần, chính viên cai gác khám đi chợ, bắt gặp Ngài cùng ở ngoài phố, chạy lại nắm tay Ngài mà hỏi: Ai cho ông ra ngoài này?

Thì Ngài đáp: Sao chú biết đi chơi, chú lại không cho tôi đi dạo phố?

Đến chừng tên cai ấy trở về thì vẫn thấy Ngài còn giam trong khám.

Việc này đồn đến tai quan trên, với lại theo tờ phúc trình của viên cai quản đề lao thì biết Đức Phật Thầy không có ăn trường chay như các nhà sư, càng làm cho các quan khó xử trí. Nên chi họ định thử một lần nữa.

Một hôm, nhằm ngày rằm, người ta dọn cho Ngài một mâm cơm vừa chay vừa mặn, có đơm sẵn tám chén cơm. Các quan hỏi Ngài:

-Hôm nay chú ăn chay hay ăn mặn?

Ngày đáp: Hôm nay tôi ăn chay.

Các quan nói: Vậy thì mời chú dùng.

Đức Phật Thầy ngồi lại, sau khi chào các quan và được họ cho phép, Ngài thông thả độ hết chén này đến chén khác. Ngài độ một hơi hết ba chén, xem cũng muốn no, nhưng Ngài còn lấy thêm chén cơm thứ tư và nói: Quan lớn muốn cho tôi độ cơm chay thì tôi phải độ cho hết.

Nói rồi, Ngài ăn hết chén cơm thứ tư mới thôi.

Các quan đều phải ngạc nhiên, vì bốn chén cơm của Ngài độ đó toàn là cơm chay, còn bốn chén cơm còn lại đều để mỡ ở dưới đáy.

Thế cũng chưa hết. Ngài còn làm cho họ phải kinh ngạc một lần nữa, khi Ngài bẩm với quan trấn:

-Quan lớn định tâm nếu tôi ăn lộn cơm mặn thì trói tôi phải không?

Chúng tôi đâu dám vô lễ như thế?

Không! Quan lớn đã sắm dây hẳn hòi để trói tôi kia mà! Vì sợi dây ấy hãy còn nằm co trong quả kia. Vừa nói, Ngài vừa vói tay mở nắp quả lấy ra một sợi dây hàng cỡ sợi dây lưng, đoạn đưa lên và nói:

- Đây quan lớn để sẵn sợi dây này đặng trói tôi.

- Mặc dầu họ đã bắt đầu khâm phục Đức Phật Thầy, nhưng tiếp theo đó, họ còn dàn cảnh nhiều cuộc thử thách khác nữa, nhưng tựu trung mỗi lần thử thách là mỗi lần Ngài cho họ thấy thêm sự mầu nhiệm huyền diệu của Ngài.

Khi họ nhận chân được Ngài rồi thì họ đem lòng kính phục vô cùng. Bắt đầu từ đó, Ngài được trọng đãi và có nhiều quan chức đến xin thọ giáo qui y.

Quan trấn tỉnh An giang có làm tờ thượng tấu về triều đình, nhìn nhận Ngài là một Đại đức chơn tu và yêu cầu triều đình phong chức cho Ngài chánh thức ra mở cơ phổ hóa, cứu thế độ dân.

Sau đó, triều đình hạ chiếu chuẩn phê tờ thượng tấu của quan trấn tỉnh An giang, trong đó Đức Phật Thầy thọ phong như các vị thiền sư đại đức khác.

Trong lễ cung nghinh thánh chỉ, có xảy ra một việc rất ngộ nghĩnh. Vả chăng theo chiếu chỉ thì Đức Phật Thầy được nhìn nhận là một vị Đại đức chơn tu, thế thì Ngài phải xuống tóc như các nhà sư. Để dự vào lễ thế phát, chừng như nhà cầm quyền có rước một vị hòa thượng sắc tứ đến chứng kiến.. Khi xuống tóc cho Ngài vừa xong, người ta toan cạo đến hàm râu thì Ngài cản lại mà rằng:

-Trong chiếu chỉ của triều đình dạy xuống tóc chớ đâu có dạy cạo râu mà các Ngài đòi cạo.

Các quan đều chưng hửng, vì thật ra trong chiếu không có nói việc ấy bao giờ. Thế là các quan đành phải chịu. Và do đó, Đức Phật Thầy vẫn để râu như thường, mặc dầu đã thế phát như các nhà sư.

Từ hôm Đức Phật Thầy được triều đình chánh thức nhìn nhận trở đi, các quan trong tỉnh xin qui y thọ giáo rất đông. Họ còn yêu cầu Ngài lập ngay ở tỉnh thành một kiểng chùa để cho Ngài phổ hóa và tiện cho bá tánh cùng các quan đến lễ Phật, nhưng Ngài không khứng. Ngài xem địa thế rồi vào núi Sam dựng lên một ngôi chùa bằng cây săng lợp lá để tiếp tục công cuộc hoằng pháp lợi sanh đã bỏ dở từ ngày Ngài lìa khỏi cái cốc ở Xẻo môn. Thế là cái quang cảnh vô cùng náo nhiệt trước kia ở làng Kiến thạnh nay diễn lại ở núi Sam. Ngày này qua ngày nọ, Ngài phát phù trị bịnh không hở tay, mà số người đến qui y thọ giáo cũng không sao kể cho xiết. Chính nơi đây Ngài thâu nhận nhiều đệ tử đạo cao đức cả, như anh em ông Đình Tây, ông Đạo Xuyến, ông Đạo Lập..

Muốn cho cơ phổ hóa được bành trướng rộng ra, Ngài vào núi Thới sơn dựng lên một cái trại ruộng có chỗ cho môn đệ thờ Phật và lo việc ruộng rẫy hầu độ anh em bổn đạo, vì theo Ngài, Ngài muốn cho tín đồ tự làm lấy mà ăn, chớ không nên ăn nhờ vào bá tánh.

Tiếp theo trại ruộng ở Thới sơn, Ngài còn xuống Láng Linh lập một cái trại ruộng nữa. Mặc dầu Ngài ở núi Sam và xem đó như là “chùa chánh”, nhưng Ngài thường đến thăm trại ruộng luôn và vân du khắp tỉnh Châu đốc, Long xuyên. Ngài có trở lại viếng chùa ở Xẻo môn và đến Cốc của ông sư Nhựt gần Dinh ông Chưởng, thuộc làng Kiến an, trong ba tháng. Nghe đâu Ngài có để lại chùa này một cốt Phật bằng đồng mà hiện nay vẫn còn thấy thờ phượng.

Trong giảng xưa nhận lầm cái Cốc của ông Kiến ra chùa ông sư Nhựt, nên có đoạn nói rằng:

Rùng rùng bá tánh tới lui,

Vào chùa sư Nhựt ở thời hôm mai.

Nhưng thật ra cái Cốc ở Xẻo môn là của ông Kiến, còn chùa của ông sư Nhựt thì ở ngoài Dinh ông Chưởng cách nhau cả chục cây số.

Khi vân du khắp nơi, Ngài trở về núi Sam, rồi chẳng bao lâu tịch, vào giờ ngọ ngày 12 tháng 8 năm Bính thìn (1856), sau bảy năm ra hoằng hóa. Trước khi Ngài tịch. Ngài có dặn sau này ngôi mộ của Ngài không được đắp nấm mà phải ban bằng. Hiện ngôi mộ của Ngài vẫn còn, nằm phía sau chùa Tây-An ở núi Sam.

 

(Kiểm bài ngày 22-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn