1-Tình-hình xã-hội Việt-Nam từ năm Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày tịch

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 60169)
1-Tình-hình xã-hội Việt-Nam từ năm Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày tịch

Cứ theo bài-vị tại chùa Tây-An ở núi Sam thì Đức Phật-Thầy sanh năm Đinh-mão (1807) và tịch năm Bính-thìn (1856), thọ 50 tuổi.
Trước khi nói đến hành-trạng của Ngài, tưởng cũng nên biết qua tình-hình xã-hội Việt-Nam trong khoản thời-gian 50 năm ấy, có những biến-cố gì xảy ra và sự giáng-lâm của Ngài có quan thiết gì đến nhơn-sanh thế-tục chăng?
Từ trước đến nay, người đời đã có cái quan-niệm rằng: các bực thánh-nhân siêu-phàm, giáng lâm luôn luôn trong những lúc nhơn dân đau khổ, tai nạn dập dồn, tình-hình xã-hội rối beng, nhơn-tâm ly tán.
Như Đức Phật Thích-Ca ra đời là lúc nước Ấn-độ, về phương-diện chính-trị, chia ra hàng trăm nước nhỏ, mỗi nước có một vị tiểu-vương, tranh-chấp lẫn nhau; về phương-diện xã-hội chia ra đẳng-cấp rất sâu-sắc khuynh-loát lẫn nhau; còn về phương-diện đạo-đức thì các tà-pháp khởi lên lôi cuốn con người vào đường dị-đoan mê-tín.
Đến như Đức Khổng-tử cũng thế, Ngài ra đời trong lúc nước Tàu ở trong tình-trạng Xuân-Thu chiến-quốc, các nước chư-hầu khởi lên tranh quyền tranh lợi, làm cho muôn dân đồ thán, vận nước đảo-điên.
Đức Phật-Thầy giáng-lâm cũng không ngoài cái thông-lệ ấy.
Mà thật thế, tình-hình xã-hội Việt-Nam trong lúc Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày Ngài tịch, không thua gì tình-hình nước Aán-độ trong lúc Phật Thích-Ca ra đời, hay tình-hình nước Tàu trong lúc Đức Khổng-Tử đản-sanh.
Vào năm 1807, nghĩa là năm Đức Phật-Thầy ra đời, trong nước vua Gia-Long đã thống-nhứt sơn-hà, dẹp được cái nạn Nam-Bắc phân-tranh, cốt-nhục tương-tàn, không đến đổi chia ly như hồi Xuân-Thu chiến-quốc của Đức Khổng-Tử ra đời, nhưng về phương-diện đối-ngoại, nhứt là cuộc-diện ở miền Nam thì vẩn còn ở trong tình-trạng rối rắm.
Nước Việt-Nam, lúc bấy giờ khốn khổ về việc ủng-hộ nước Chơn-lạp chống lại mọi sự dòm ngó của Tiêm-la.
Trong lúc dân nước vừa thoát khỏi nạn cốt-nhục tương-tàn trong mấy mươi năm gây chiến với Tây-sơn, nhà tan cửa nát chưa kịp xây dựng lại thì chỉ vì việc bảo- vệ cho vua Nặc-ông Chân về nước mà vua Gia-Long, năm 1813, sai quan Tổng-trấn thành Gia-định là Lê-văn-Duyệt đem 10.000 quân lên Nam-vang. Rồi khi điều-đình cho quân Tiêm-la rút lui, vua Gia-Long còn sai Nguyễn-văn-Thụy đem 1.000 quân ở lại bảo-hộ nữa.
Chẳng những thế, muốn ngừa giặc Tiêm-la, ông Nguyễn-văn-Thoại vưng lịnh triều-đình khởi công đào kinh Vĩnh-tế vào tháng Chạp năm 1819, hàng vạn dân đến làm xâu. Nhơn dân bỏ công ăn việc làm, khốn khổ về việc đào con kinh nầy không sao kể xiết.
Thì ra, chỉ vì giành với Tiêm-la cái quyền làm đàn anh nước Chơn-lạp mà dân chúng Việt-Nam phải lao mình vào vòng khói lửa với quân Tiêm.
Năm 1833, Tiêm-la sai quân thủy-lục chia làm 5 đạo sang đánh Việt-Nam. Đạo binh thứ nhứt là thủy-quân có hơn 100 chiến-thuyền tiến đánh Hà-tiên. Đạo binh thứ nhì là lục-quân sang đánh Nam-vang rồi tiến đánh An-giang. Quân Việt do Trương-minh-Giảng, Nguyễn-Xuân đem quân từ Gia-định lên đánh ở mặt An-giang. Chỉ trong một tháng, quân ta lấy lại Hà-tiên và tiến lên đánh thành Nam-vang đưa Nặc-ông Chân về nước, rồi sau đó Trương-minh-Giảng được lịnh triều-đình rút binh về.
Thế cũng chưa yên. Em của Nặc-ông Chân là Nặc-ông Đôn qua cầu viện quân Tiêm-la về chống lại anh. Người Chơn-lạp lại cầu viện với quân ta; vua bèn sai Vũ-văn-Giai vào Gia-định hợp cùng Nguyễn-tri-Phương, Doãn-Uẩn, Tôn-thất-Nghị tiến đánh quân Tiêm-la lấy lại thành Nam-vang cho Nặc-ông Chân, rồi kéo binh về thủ An-giang.
Thế là cũng vì bảo-hộ nước người mà dân-chúng Việt-Nam phải đem thân ra lằn tên mũi đạn, kẻ thì bỏ mạng nơi chiến-trường, người thì phiêu-linh đất khách.
Việc ngoài nước đã làm cho dân-chúng khốn-khổ như thế mà đến việc trong nước cũng làm cho dân-chúng nguy-khốn khôn cùng.
Năm 1833, Lê-văn-Khôi khởi loạn ở Gia-định khiến cho lương-dân phải trãi qua một cơn khủng-khiếp vì sự đàn áp, họa lây.
Ngoài cuộc tao-loạn của Khôi, trong nước từ Bắc chí Nam chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên. Nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc nên từ năm 1834 đến năm 1838, có nhiều giáo sĩ và đạo-đồ bị giết.
 Đến năm 1841 lại có bọn Lưu-Sâm ở Trà-vinh hiệp với bọn thầy chùa nổi lên làm loạn. Nhà vua phải phái ông Nguyễn-công-Trứ và Nguyễn-tiến –Lâm đến dẹp mới yên.
Chẳng bao lâu, quân Pháp đến bắn phá Đà-nẳng ngày 14-4-1847, mở màn cho cuộc công-hãm của quân Pháp các đồn lũy của ta. Thế là dân chúng Việt-Nam, vừa khốn khổ trong trận giặc huynh đệ giữa nhà Nguyễn và Tây-sơn, nay lại lâm vào tình-trang chiến-tranh thê thảm giữa Pháp và Việt.
Nhìn tổng-quát lại tình-hình xã-hội Việt-Nam từ năm 1807 đến 1856, nghĩa là từ ngày Đức Phật-Thầy ra đời cho đến ngày Ngài tịch, chẳng có lúc nào dân-chúng được ở yên. Bao nhiêu cuộc tao-loạn trong nước, rồi tiếp đến cuộc công-hãm của quân Pháp, thêm vào những cuộc chiến-tranh với Tiêm-la để bảo hộ nước Chơn-Lạp, làm cho đời sống của dân-chúng vô cùng khốn-khổ. Cửa nhà tàn phá, ruộng đất bỏ hoang, gia-đình tan-tác, thử hỏi trong tình thế nguy-khổn ấy, tinh-thần đạo-đức của dân trong nước phỏng còn có hay chăng? Cái thời rực-rỡ của Phật-giáo ở đời Lý, đời Trần bắt đầu tàn-tạ từ đời Hậu-Lê. Sống trong hỗn-loạn, trong giặc-giã, trong đau khổ, dân-chúng đã mất dần tin-tưởng về đạo-đức.
Xưa nay, người đời có cái quan-niệm rằng: Trong những lúc sanh-linh đồ-thán, bại-hoại cang-thường, nhơn-tâm điên-đảo, thì luôn luôn có Thánh-nhơn lâm-phàm độ thế cứu dân.
Có phải chăng, do cái định-lệ ấy mà Đức Phật-Thầy ra đời giữa lúc nhơn-tâm xao-xiến, vận nước khuynh nguy?

 

(Kiểm bài ngày 22-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn