2-Gia-thế của Đức Phật-Thầy

24 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 61360)
2-Gia-thế của Đức Phật-Thầy

Đức Phật-Thầy sanh tại làng Tòng-sơn, thuộc Cái-tàu-thượng, tỉnh Sa-đéc, vào giờ Ngọ ngày rằm tháng mười năm Đinh-mão (1807), năm Gia-Long thứ tám.

Cứ theo bài-vị ở chùa Tây-An núi Sam, thì Ngài họ Đoàn, lót chữ Minh, tên Huyên. Nhiều bực bô-lão lại truyền rằng Ngài tên thiệt là Đoàn-văn-Huyên, và mỗi khi nói đến chữ Huyên thì ai ai cũng đều tỏ vẻ kính-cẩn hạ giọng xuống bằng hai chữ nho ráp lại: Ngôn trước Tuyên sau.

Trái lại Giảng Tòng-sơn thì nói Ngài tên Lê-Hướng-Thiện. Như thế đủ thấy giảng Tòng-sơn không đáng tin. Cứ xét thêm một chút nữa cũng đủ thấy những tài-liệu dẫn ra trong giảng ấy đượm rặc mùi tiểu-thuyết hóa, như nói thân phụ của Ngài là một vị cai-tổng và sau khi thân-phụ qua đời, vì người chú âm-mưu sang-đoạt tài-sản mà Ngài và thân-mẫu chỉ còn đủ tiền mua một chiếc xuồng đi bán trầu cau, chịu đói chịu rách nhọc-nhằn cho đến đổi thân-mẫu của Ngài nhiễm bịnh mà thác. Chỉ lấy hai chữ “cai-tổng” mà xét cũng đủ thấy không đúng sự thật, vì chức-vị nầy chỉ mới thấy xuất-hiện từ thời Pháp-thuộc lại đây. Đức Phật-Thầy tịch trước ngày Nam-kỳ thất thủ có trên mười năm, thế mà nói thân-phụ của Ngài làm chức cai-tổng là một chức-vị của thời Pháp-thuộc chẳng là sai sự thực đấy ư ?

Thật ra, về gia-thế của Đức Phật-Thầy, đến nay khó mà biết cho đích-xác được, vì cách xa chúng ta gần một trăm năm mươi năm.

Nhưng có điều mà mọi người đều nhận là hiện nay ngôi mộ của Phật-mẫu, tức thân-mẫu của Ngài còn chôn tại Cái-nai, cách vịnh Tòng-sơn theo rạch Cái-Tàu-Thượng đi bộ vô ba ngàn thước. Có điều lạ là mỗi năm mỗi cao lên, mặc dù không có ai đắp, cho nên nước không ngập. Chẳng những thế, từ trước đến nay. Trên nền mộ ấy chẳng bao giờ có cỏ mọc và không có trâu bò nào thả ăn ngoài đồng mà dám lại gần phá khuấy.

Bình sanh, Ngài cũng như bao nhiêu dân trong làng, sống về ruộng rẫy, chí-thú lo việc cày cấy hết năm này qua năm khác. Đời sống của Ngài kể ra cũng không có gì đáng nói. Nhưng đến năm Ngài được 43 tuổi bổng nhiên Ngài thay đổi trang-thái mà người đời cho Ngài là khật-khùng hay điên; vì Ngài đã tỏ ra khác thường về hành-động và ngôn-ngữ. Ngài không còn lo làm ăn nữa, và ngày này cũng như ngày nọ, nói ra toàn những giong nửa hư nửa thực, khi phàm khi Thánh.

Phải chăng vì dân làng khinh bạc, cho Ngài là điên là khùng không đáng kể hay dân chúng ở vùng Cái-Tàu-Thượng không có nhân duyên với Ngài mà Ngài bỏ làng ra đi?

Ngài đi với một chiếc xuồng con, ngược theo rạch Cái-Tàu-Thượng, rồi trổ ra Xẻo-môn, làng Kiến-thạnh bây giờ là làng Long-kiến thuộc tỉnh Long-xuyên. Cứ theo Giảng-xưa thì Ngài đến làng Kiến-thạnh vào mùa thu năm Kỷ-dậu (1849), giữa lúc bịnh thời-khí đương hoành-hành trong dân-gian. Số người mắc bịnh chết rất nhiều, cho đến các vị lương-y hay pháp-sư trong vùng cùng đều lấy mắt mà ngó. Dân tâm xao-xiến đến cực độ. Người ta đều sống trong khủng-khiếp, lo âu, chẳng biết hôm nay mình đi tẩn-liệm người, rồi ngày mai có ai tẩn-liệm cho mình hay không? Trong Giảng-xưa có tả cảnh-trạng thê-thảm như vầy:

Tháng tám ôn-dịch rất nhiều,

Thiệt năm Kỷ-dậu dương-trần liêu-điêu.

Và chính trong lúc mọi người liêu-điêu ấy, bổng một sớm tinh sương tại đình Kiến-thạnh, ông từ khi vào đốt hương nơi bàn chánh, trực thấy một người ngồi sừng-sựng trên bàn thờ Thần. Ông ta vụt la hoảng lên và toan chạy ra ngoài phi-báo thì người ngồi trên bàn thờ Thần ấy khoát tay và quát to lên kêu trở lại.

Ông từ định trí rồi hỏi lên rằng: Ông là ai mà dám lên ngồi trên bàn thờ Thần?

Người ấy đáp:

- Phật-Thầy giáng-thế cứu đời là ta!

Tự nhiên ông từ không tin, nên chỉ một mực toan chạy đi nữa, thì Đức Phật-Thầy cũng lặp lại câu ấy. Chừng đó không biết ông từ suy-nghĩ thế nào mà trở vô hỏi lại:

- Ông xưng là Phật-Thầy giáng-thế cứu đời, vậy hiện nay dân trong làng bị bịnh ôn-dịch, ông có phương chi cứu họ không?

- Sao lại không! Đâu, ai đã mắc bịnh ôn-dịch hãy đem lại đây, Ta cứu cho!

Sẵn có người con của ông cả trong làng đang ỉa mửa, ông từ bèn chạy đi thưa tự sự cho ông cả hay, và sau đó, quả thật Đức Phật-Thầy cứu con ông cả khỏi. Ngoài ra còn nhiều người nữa cũng được cứu khỏi.

Tin ấy đồn ra, dân chúng tựu đến xin thuốc càng lúc càng đông. Và mỗi khi có người nào đến xin thuốc thì Đức Phật-Thầy hỏi tên họ người bịnh rồi mới cho. Hễ người nào nghe qua tên họ mà Ngài nói cứu được thì Ngài phát thuốc,, còn người nào mà Ngài không chịu cứu thì không ai thoát khỏi cả.

Thuốc thì không có gì lạ, toàn là nước lã. Ngài lấy chén chung cúng nước trên bàn Thần, múc nước mà phát. Hết người này đến người khác, thay phiên nhau múc nước cho Ngài mà không kịp. Về sau Ngài lấy giấy bao nhang xé từng mảnh mà cho. Hết giấy bao nhang Ngài lấy giấy vàng xé nhỏ bằng ngón tay mà phát.

Ngài ở nơi đình được ba hôm thì dời về cái cốc của ông Kiến, tức là nền chùa Tây-An Cổ-tự bây giờ, để tiếp-tục phát phù trị bịnh cho bá-tánh.

 

(Kiểm bài ngày 22-9-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn