Ông Nguyễn văn Xuyến mà người đời thường gọi là ông Đạo Xuyến, sanh năm Giáp ngọ (1833) ở làng Bình long, tỉnh Châu đốc, trong một gia đình lễ giáo nho phong.
Trong hàng đệ tử của Đức Phật Thầy, có thể kể là người trẻ nhứt, vì khi Đức Phật Thầy ra đời độ thế vào năm Kỷ dậu (1819), ông đến qui y thọ phái thì lúc đó ông mới có 17 tuổi.
Ông bỏ gia đình mà theo Đức Phật Thầy từ ngày ra mở Đạo cho đến khi tịch diệt. Như các môn đệ khác, ông được liệt vào hạng Đạo, nghĩa là hàng đệ tử được truyền nhiều diệu pháp.
Cứ theo lời những người được ông bà kể lại cho nghe thì khi được Đức Phật Thầy truyền pháp, ông thường lên núi tự tu luyện lấy. Ông đạt được phép thần thông có thể sai binh khiển tướng, thuần phục các thú dữ. Bởi thế người đời không lấy làm lạ mà thấy ông thường cỡi bạch hổ hạ san.
Như có một lần nọ ông xuống núi gặp lúc người Cao miên ken, nghĩa là hợp nhau ruồng bắt người Việt theo cần vương. Họ vây ông mà hỏi: Anh là người Việt, anh định vào sóc Thổ để làm gì? Ông trả lời là lên núi để học đạo.
Họ nói: Nếu anh là người học đạo phải đi qua cái cầu này. Nói rồi, họ bắc một cái cầu bằng một cây sậy ngang qua một cái lạch nước rồi bảo ông đi. Hễ ông đi được thì thôi, còn bằng đi không được thì ông sẽ chung một số phận với cái cầu sậy ấy.
Thế mà ông vẫn đi qua cầu ậy không gẩy. Thấy vậy, đám người Miên kia đều mọp xuống bái phục.
Nhận thấy ông đạt nhiều phép thần thông, Đức Phật Thầy giao cho ông cái nhiệm vụ vân du đi cứu dân độ thế, khuyến giáo người đời. Ông đi gần khắp miền Nam nước Việt, cứ đi trong một hai tháng là về thăm Thầy, lãnh giáo một lần.
Có một lần nọ, ông đi ba tháng mà không thấy về. Đức Phật Thầy có ý trông đợi, nhắc nhở đến luôn. Lúc đó ông đương hóa độ ở Bà Rịa. Ông vụt thu xếp hành trang ra về, mặc dù tín đồ của ông khẩn khoản thế nào cũng không được. Khi về tới chùa Tây An ở núi Sam, gặp lúc Đức Phật Thầy bận việc hốt thuốc phát phù cho bá tánh, ông khép mình đứng ở phía xa, thế mà Đức Phật Thầy đã biết ông về nên xây lại nói: Ông Đạo Xuyến về đó hả? Thầy chào ông!
Khi phát thuốc xong, Đức Phật Thầy dắt ông vào liêu, khuyến giáo trong năm sáu tiếng đồng hồ.
Về sau ông thuật lại cho biết Đức Phật Thầy không bằng lòng cho ông tu hạnh ly gia cắt ái ấy, vì như thế ông sẽ tuyệt tự, không người nối nghiệp mà truyền lại giáo pháp, trong lúc còn lâu lắm mới tới đời.
Về điều này, người không hiểu pháp môn của Ngài không khỏi băn khoăn, vì nó trái với giới luật của nhà thiền.
Nhưng một khi hiểu được pháp môn hành đạo của Ngài, người ta mới không còn phải lấy làm lạ. Ngài là bực đẳng giác, thấu rõ cơ huyền và căn tánh của chúng sanh. Trong thời kỳ Hạ Nguơn sắp mãn để lập lên đời Thượng Nguơn, muốn cứu vớt chúng sanh cho kịp kỳ Long Hoa Đại Hội, Ngài chỉ dụng có phương pháp thức tỉnh cho họ cải ác tùng lương, trở nên con người hiền đức, nghĩa là khuyến giáo cho họ làm tròn nhơn đạo. (1)
Bởi thế, đạo của Đức Phật Thầy có thể hiểu là đạo: Tu nhân học Phật.
Ông Ba Thới đã khéo tóm lược ý nghĩa phép tu ấy trong hai câu:
Tu quốc vương có vợ có chồng,
Có con có cháu nối dòng an bang.
Về sau, ông Đạo Xuyến, vưng theo lời Thầy trở về quê lập gia thất, sanh đặng sáu người con:
(1) xem chương tư nói rõ về pháp môn hành đạo.
Ba trai, ba gái. Ông dựng lên ở làng Bình Long, phía trên chợ Cái dầu, ngôi chùa Long Châu Thới để thờ Phật và làm nơi cứu dân độ thế bằng phù phép và pháp thuật của ông. Dân trong vùng đến nhờ ông cứu độ và qui y rất đông. Nhứt là những bịnh điên tà đều được ông chữa trị rất thần diệu. Ngoài cách chữa trị bịnh nhơn, ông còn lãnh nuôi con nít. Ai sanh con khó nuôi đều đem đến ký bán cho ông nuôi. Ông lên núi luyện được nhiều vị sơn thần đem về chùa. Mỗi vị được ông tượng cho một cái cốt. Ông khiển các vị tướng ấy lên, hễ vị nào chịu nuôi thì thân chủ rước về mà thờ.
Khi ông cả Tồn, người con trai thứ ba của ông lớn lên, ông giao lại ngôi chùa ấy.
Ông tịch ngày mồng bốn tháng tám năm giáp dần (1914) hưởng thọ 82 tuổi.
Nối nghiệp cha, ông cả Tồn cũng dùng một ít pháp thuật. Ông chấn chỉnh chùa Long Châu Thới và tiếp tục trị bịnh cho tới ngày ông mất, nhằm ngày 12 tháng 9 năm Bính Thìn (1916).
Chùa Châu Long Thới kể ra cũng là một ngôi chùa cổ, dựng lên có gần một trăm năm. Ban sơ chùa cất bằng tre lợp lá, sau nhiều lần tu bổ, cho đến năm Nhâm thìn (1952) Đức ông, thân sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ và ông Lâm Thành Nguyên đứng ra chủ xướng việc sùng tu. Chùa cất lại bằng gạch ngói, có hậu tổ, đông lan, tây lan, phong cảnh đẹp đẽ như ngày nay (xem hình số 14).
Sau khi tu chỉnh, nghi thức thờ phượng trong chùa đã được sửa đổi thờ trần đỏ theo chơn truyền của Đức Phật Thầy.