Người ta phần đông đều biết ông Đình Tây và thường nhắc đến chuyện ông thả “ông năm chèo”, chớ ít ai biết ông Đình Tây có một người anh chú bác cũng là một đệ tử cao siêu của Đức Phật Thầy.
Khi Đức Phật Thầy dựng lên cái trại ruộng ở Thới Sơn, thì người ta đã thấy ông Tăng theo hầu hạ trước hơn ai hết.
Sở dĩ, người ta gọi ông là ông Tăng Chủ, vì ông là người đầu tiên được Đức Phật Thầy giao cho làm chủ coi sóc trại ruộng ở Thới Sơn.
Cũng như các hàng đệ tử khác, ông đạt được phép thần thông, cho nên ngoài việc phát phù trị bịnh cho bá tánh, ông còn hàng phục các mãnh hổ trong rừng.
Thuở đó rừng núi Két, cọp dữ có tiếng, thế mà từ ngày ông được lịnh Đức Phật Thầy giữ trại ruộng ở Thới Sơn, thì các thú dữ thảy đều kiêng sợ ông như chúa sơn lâm. Có thể nói, khi ông đi rừng hễ gặp cọp thì cọp thảy đều quì mọp, có khi cùng đi theo ông lên núi.
Về chuyện ông Tăng Chủ điều khiển mãnh hổ, người ta kể lại rất nhiều.
Trong bao nhiêu chuyện thuần phục mãnh hổ, đây là giai thoại do người rể của ông Đình Tây thuật lại rất lý thú.
Một hôm vào chật vật tối, Đức Phật Thầy đi xa về, khi Ngài vào gần tới cốc, thấy một ông bạch hổ ngồi cú xụ gần bàn thông thiên.
Khi thấy Đức Phật Thầy trờ tới thì cọp ta há miệng ra. Thấy vậy, Đức Phật Thầy mới hỏi:
- Chà!Đau gì mà ốm nhom vậy hả Đạo hổ? Bộ ông lại xin thuốc phải không?
Vừa nói, Đức Phật Thầy vừa bước vào cốc và kêu lớn lên:
- Ông Tăng đâu? Ra coi Đạo hổ đau gì mà ngồi cú xụ đó?
Khi ấy, ông Tăng ở phía sau, nghe tiếng Đức Phật Thầy, liền chạy ra trước chỗ ông hổ ngồi và hỏi:
- Ông làm gì ngồi đây? Sao mà ốm quá vậy?
Ông hổ há miệng ra, ngước lên trước mặt ông Tăng. Ông Tăng hỏi thêm:
- Bộ ăn mắc xương phải không?
Ông hổ hội ý, đập đuôi và gặt đầu.
Ông Tăng liền bảo:
- Nếu mắc xương thì cúi đầu xuống. Ông hổ làm theo lời.
Ông Tăng cung tay đấm ngay cổ cúp của ông hổ ba cái. Tức thì cục xương quá to từ trong miệng vọt ra. Ông Tăng la lên:
Chà! Cố ăn như thế nào mà mắc cục xương quá lớn như thế. Thôi hết rồi, đi đi!
Khi ấy Đức Phật Thầy bước ra kêu ông hổ mà dạy rằng:
- Từ nay về sau, tôi cấm ông không được cho bà con phá khuấy bổn đạo của tôi lên núi hay vào trong rừng Thất sơn nữa, nghe không?
Ông hổ cúi đầu lui ra. Rồi vài hôm sau cỏng lại một con heo mà đền ơn ông Tăng.
Quả thật từ đó về sau, các thú dữ trong rừng không dám bén mảng ra phá khuấy dân cư nữa.
Như một lần nọ, có một con hạm bên núi Bà Đội-Om qua phá khuấy, ông Tăng dẫn ông bạch hổ ấy đến đánh đuổi. Ông hổ này tụ tập, kéo theo một đàn hổ đến ví con hạm ấy đánh rơi xuống trũng núi chết tốt, cả mình mảy bị thương như cái rỗ sảo.
Đến sau, ông Tăng và ông Đình Tây có cất một cái miểu nhỏ tại đình làng gần chùa Thới sơn mà thờ ông hổ ấy.
Khi ông Tăng tịch, người ta đem táng ông gần chùa. Trong tấm mộ bia của con cháu ông dựng lên gần đây, có đề ngày 27 tháng mười là ngày ông tịch. (xem hình số 12).