Gọi ông là Đạo Lập, là vì chính ông đứng ra lập cảnh chùa Bồng Lai ở Bài bài, thuộc làng Nhơn hưng quận Tịnh Biên, tỉnh châu đốc, chớ thật danh của ông là Phạm Thái Chung, pháp danh là Sùng Đức Võ tiên sanh. Trong bài vị chùa Bồng Lai còn ghi thêm biệt danh là Bồng Lai La Hồng tiên sanh. Nhưng dân chúng ở Bài bài mỗi khi nói đến ông, họ chỉ gọi: Đức tiên sanh.
Ông quê quán ở Cồn Tiên, thuộc làng Đa phước, ngó qua tỉnh thành Châu đốc. Khi nghe Đức Phật Thầy về An giang, ông đến xin qui y thọ phái. Cũng như các đệ tử khác, ông được Đức Phật Thầy truyền nhiều diệu pháp. Về sau ông lên núi Tà lơn tu luyện thêm. Ông thường đến Bài bài hóa độ, ở đây ông thâu nhận một số đệ tử trong đó có ông Huỳnh văn Thiện cũng gọi là ông chín Thiện, được ông thường dắt theo lên núi.
Theo lời ông chín Thiện thuật lại cho con cháu nghe: Một khi lên núi, ông Đạo Lập kiếm chỗ cho đệ tử tạm trú, còn ông thì tìm chỗ vắng vẻ để luyện phép. Trong số đệ tử đi theo có ông Trương Hồ Ngạc, tánh hay tọc mạch, một hôm lén theo coi ông luyện những gì thì thấy ông có làm một chiếc tàu nhỏ thả trong hồ nước, rồi ông niệm chú, bảo chạy tới thì nó chạy tới, bảo chạy lui thì nó chạy lui.
Một hôm thừa lúc Thầy đi vắng, ông Ngạc mới bắt chước làm theo, quả nhiên chiếc tàu ấy cũng tuân theo sự điều khiển của ông mà chạy đi chạy lại. Qua hôm sau bỗng nhiên, ông Ngạc ngã ra chết. Ông chín Thiện hết sức khổ sở trong một đêm ngồi giữ thây ông Ngạc chờ Thầy về. Sáng ra, ông Thiện ra đường trông ngóng thì thấy ông Đạo Lập từ xa có xách về một gói đồ và ôm theo một chiếc đệm. Không đợi ông Thiện bày tỏ tự sự, ông Đạo Lập đã nói trước: Thì ta lo đem đồ về đây để chôn nó.
Có lần, xóm Bài bài gặp nạn ôn dịch nổi lên, cũng nhờ có ông mà trong xóm ít hao hớt. Cũng như các đệ tử của Đức Phật Thầy, ông giỏi về việc phát phù trị bịnh. Nhơn đó, dân trong làng hợp nhau dựng lên một ngôi chùa để cho ông có chỗ cứu thế độ dân. Thiên hạ kéo nhau đến trùng trùng điệp điệp, ghe xuồng đậu lấp cả một khúc kinh.
Tương truyền đến khi cất chùa xong, anh em bổn đạo dựng mãi mà cây cột phướn không lên. Họ đến cho ông hay, ông bèn lấy một sợi chỉ cột vào cây phướn, làm phép trợ lực thì cây phướn dựng lên dễ dàng, sau khi đã đứt hết một sợi dây lòi tói.
Có một lần nọ, từ trên núi về, ông có ghé Ton hon khám phá ra một cái ếm của người Tàu chôn ở đó. Ông cho đào lên rồi đem về Bài bài. Ông chọn một chỗ gần chùa rồi cho trồng nó lại, nói rằng để ếm cho trong xóm được tránh khỏi mọi tai nạn.
Hiện nay tấm bia ấy vẫn còn. Cứ trông vào mặt đá thì chừng như hồi trước có khắc nhiều chữ, nhưng nay đã phai mờ, chỉ còn đọc được một câu này: Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thụ, cốc đán. (xem hình số 16)
Cứ theo nhận xét, thì tấm bia này có lẽ do tay chơn bộ hạ của Mạc cửu đem qua đây. Họ đến Hà tiên và các vùng phụ cận hồi năm 1714. Cả Nam vang cũng có bọn họ đến ở. Có thể nói, lúc bấy giờ Hà tiên là giang san của họ. Phải chăng vì mục đích “phản Thanh phục Minh” hay thấy Việt Nam có long huyệt mà họ ếm?
Trên bia có khắc: Càn Long ngũ thất niên, tính ra là năm 1740, tức là sau ngày Mac Cửu đến Hà Tiên. Như thế thì chắc hẳn người theo Mặc Cửu qua đây chôn cây ếm ấy.
Quả thật như lời của ông Đạo Lập cho biết trước, từ ngày dựng cái ếm ấy ở Bài bài cho đến nay, trải qua bao phen biến cố, ở đâu cũng có sự tàn phá, chỉ có xóm chùa Bồng Lai là dân cư được ở yên.
Đến sau, ông Đạo Lập về ở Bài bài và tịch luôn ở đó. Người ta không nhớ năm nào, chỉ nhớ ông tịch nhằm 29 tháng chín. Thân nhơn của ông ở Đa Phước đến đem linh cữu ông về chôn ở làng Vĩnh nguơn. Noi theo gương của Đức Phật Thầy, ông có dặn không được làm mộ có nấm. Có lẽ vì thế mà ngày nay mộ ông siêu lạc, không tìm ra.
Nghe đâu ông có vợ tên là bà hai Hố, có sanh được một người con nhưng không biết tên gì và ở đâu.
Chùa Bồng Lai, một di tích của ông còn lưu lại ở Bài bài, trải qua mấy lần xáng múc kinh Vĩnh tế, làm cho nó phải dời đi cất lại, hư hao quá nhiều.
Đến năm Mậu tý (1948), Đức Ông, thân sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ có cho chỉnh đốn lại, như quang cảnh hiện thấy ngày nay (xem hình số 15). Đây cũng là một cảnh chùa còn noi theo cách thờ phượng đúng với chơn truyền của Đức Phật Thầy, nghĩa là thờ trần điều, chớ không có bày tượng cốt.
***
Ngoài ra, Đức Phật Thầy còn nhiều đệ tử đạo cao đức cả khác nữa, nhưng tiếc vì ngày nay ít người biết rõ lai lịch. Nếu cần phải nhắc đến, người ta chỉ nhớ chừng một vài giai thoại, kỳ dư về quê quán, niên kỷ thì không một người nào biết cho rõ.
Dưới đây là những ông Đọ còn lưu lại nhiều dấu vết:
ÔNG ĐẠO SĨ
Ông là người gốc ở làng Trà kiết thuộc tỉnh Long xuyên. Khi Đức Phật Thầy mới ra đời tại cái cốc ở Xẻo môn, ông đã đến qui y thọ phái rồi. Ông hằng theo hầu hạ và trong lúc Đưc Phật Thầy bị điệu về An giang, ông vẫn đi theo để nghe ngóng tin tức. Bởi vậy, bao nhiêu chuyện xãy ra trong lúc Đức Phật Thầy ở An giang, đều nhờ ông thuật lại mà sau này người đời mới biết.
Về sau, khi Đức Phật Trùm ra đời và khi ông nhận biết đó là Đức Phật Thầy chuyển kiếp thì ông một lòng qui ngưỡng. Nghe đâu ông được Đức Phật Trùm trao cho giữ một cái khăn của Ngài.
Ông có lập ở Trà kiết một cái cốc để phát phù trị bịnh. Dân trong làng đến qui y thọ phái khá đông.
ÔNG ĐẠO THẮNG
Ông là nội tổ của ông Bảy Còn, biệt danh là Nguyễn văn Thắng. Đáng lý thì lịch sử của ông sẽ được kể lại đầy đủ hơn các ông Đạo khác, nhưng hềm vì ông bảy Còn không muốn cho biết, sợ rằng không khéo người ta sẽ cho ông tự làm quảng cáo cho dòng dõi của mình. Bởi vậy, ngày nay về ông Đạo Thắng, người ta chỉ biết khi Đức Phật Thầy ra đời thì ông là người đến phục vụ trước nhứt. Ông theo sát bên Đức Phật Thầy và được Ngài truyền nhiều bí pháp để ông truyền lại cho con cháu.
Ông tịch ngày 28 tháng ba. Còn bà thì mãn phần nhằm ngày mùng tám tháng tám.
ÔNG ĐẠO CHỢ
Ông quê quán ở Chưn đùn, gần vàm ông Chưởng phái Hậu giang. Cũng như ông Đạo Thắng, khi hay Đức Phật Thầy ra đời tại cốc cỉa ông Kiến thì đã có đến thọ giáo rồi, nhưng từ đó về sau ông vẫn ở nhà lo ruộng rẫy làm ăn. Ông cũng giỏi về việc phát phù trị bịnh cho bá tánh.
Người ta còn nhắc lại rằng: Một hôm ông đang cuốc đất ngoài đồng, có người đến rước ông chữa bịnh. Ông bảo đợi cho ông cuốc hết luống đất, nhưng người ấy cứ yêu cầu ông đi gấp. Sẵn cây cuốc trên tay, ông trở cán lại rồi bổ lên đầu người ấy một cái chết giấc. Ông để nằm đó rồi tiếp tục cuốc đất như thường. Khi cuốc xong, ông kêu người ấy tỉnh lại, thế mà người đau ở nhà hết bịnh.
ÔNG ĐẠO ĐỌT
Ông là người được Đức Phật Thầy cho giữ việc hương khói nơi trại ruộng ở Thới sơn. Vì thấy ông già, nên người ta gọi ông là ông từ Lão. Ông cũng giỏi về cách trị bịnh phát phù cho bá tánh.
Sau khi ông tịch, thì có ông từ Sáu thay thế. Rồi sau ông từ Sáu là ông từ Niệm.
Trên đây là những ông Đạo còn lưu lại ít nhiều tung tích. Ngoài ra còn nhiều ông Đạo nữa mà ngày nay ít người được biết.
Nhìn tổng quát lại, người ta nhận thấy rằng Đức Phật Thầy có rất nhiều đệ tử, đều là những bậc tu hành đạo cao đức cả, có phép thần thông, làm rạng rỡ cho giáo phái của Ngài bằng những phép huyền diệu đem ra cứu dân độ thế, gây nên một phong trào đạo hạnh rất to tác ở miền Nam. Sở dĩ Ngài có được một số đệ tử cao siêu như thế là cũng nhờ phép huyền diệu và pháp môn hành đạo của Ngài truyền cho.