Phần II. Ông Thanh Sĩ hay Người Có Huệ

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 36628)
Phần II. Ông Thanh Sĩ hay Người Có Huệ

DÂN chúng ở miệt Hậu-giang và một số người ở sai gòn không còn lạ với ông Thanh-Sĩ. Ông tên tộc là Trần-duy-Nhứt mà người đời thường gọi là cậu Hai nhỏ. Năm nay, ông mới 25 tuổi, vốn là người sanh-trưởng ở Nha-mân thuộc tỉnh Sa-Đéc. Mồ côi cha từ nhỏ, ông sống với mẹ già, nhà nghèo nên sự học-hành chểnh-mảng. Ông chỉ học đến lớp ba trường làng rồi thôi. Ông sống với mẹ và lo việc tu-hành theo phái cư-sĩ tại-gia, pháp-môn có Đức Huỳnh Giáo-chủ hoằng-hoá, chú-trọng về đạo Tứ-ân, học Phật tu nhơn, chớ không có khổ-hạnh trường chay, hay luyện đơn hoá khí gì, nghĩa là tu như bao nhiêu tín-đồ Phật-giáo Hoà-Hảo.

Ấy thế, ,mà khi ông lên mười sáu tuổi thì bỗng nhiên ông sáng tỏ, tông-minh một cách lạ thường, nhưng hồi ấy ông chưa biểu-lộ cho ai biết. Gặp lúc loạn-lạc, ông và mẹ bỏ đất Nha-Mân tản-cư lên miệt Châu-đốc và Long-xuyên. Và vào mùa xuân năm 1948, lúc ông được 21 tuổi thì ông ra đời nói pháp.

Và đây là những điều kỳ-diệu mà người đời phải ngạc-nhiên. Ông có tài hùng-biện mà xưa nay chưa từng thấy.

Chúng ta thường thấy các vị cao-tăng thuyết-pháp, người kém học thì hoặc viết bài sẵn rồi đọc, kẻ lảu-thông thì hoặc ứng khẩu, nhưng hầu hết đều dùng loại văn xuôi. Đến như ông Thanh-Sĩ thì chẳng thế. Bất cứ ở đâu ông cũng ứng khẩu và thuyết-pháp bằng thi trường thiên, khi thì thượng lục hạ bát, khi thì song thất lục bát, khi thì thất ngôn trường thiên, khi thì tứ cú liên hoàn, thao thao bất tuyệt, cả ba bốn giờ đồng hồ mà không ngưng, đứng trước hằng năm bảy ngàn thiện-nam tín-nữ. Nhưng chớ tưởng ứng khẩu như thế là thi không điêu luyện.

Những nhà thi bá một khi nghe ông thuyết-pháp phải lắc đầu, vì lối thi của ông rất điêu-luyện và trác-tuyệt. Nếu phải là tay thi gia, chưa hẳn ngồi nặn nọt mà làm được. Có người nghi ngờ ông đã làm sẵn, rồi học thuộc lòng. Điều nghi ngờ này bị phá tan khi có nhiều nơi đưa đầu-đề ra nhờ ông giảng là ông liền ứng khẩu cả hia ba tiếng đồng hồ mà không dứt.

Hoặc giã, người ta muốn thử coi ông có làm sẵn không, bèn đưa ra cùng một đầu-đề đó mà ở nơi này thì giảng khác, còn ở nơi nọ thì lại giảng khác nữa. Nói tóm một điều là ông tùy căn-cơ và trình-độ của thính- giả mà hoá-độ. Ông biết rõ căn-cơ và đi thấu và ý-tưởng của mỗi người đến hầu chuyện với ông.

Chính vì chỗ cơ-huyền này mà nhiều người đến hoặc hỏi pháp hoặc xin thơ đều được ông làm thoả-mãn. Ông cho thơ ngay tại chỗ, viết trước mắt mọi người. Và điều kỳ-diệu mà người đến xin thơ phải ngạc-nhiên là bài thơ ấy nói đúng vào bản-tính của mình. Có một lần, có một người được ông cho thơ, khi đọc đến phải khủng-khiếp, vì những lời mà người ấy nguyện hằng đêm trước bàn Phật đều được lặp lại trong bài thi.

Còn một điều mà các nhà thơ phải khâm-phục là ông thường làm một lối thơ khoán-yêu nghĩa là hạn chữ ở nửa chừng câu.

Đây chúng tôi xin đơn cử ra một bài thơ ông cho một ông đốc-phủ nọ ở Sài gòn, một bài thơ bằng chữ nho, mặc dầu từ bé đến lớn ông không hề có học, vừa khoán thủ, vừa hai lần khoán yêu. Bài này làm ngay khi ông đốc-phủ ấy đến xin :

Cứu trần Thiền duyệt Kiếp mê si,

Dân chúng Tông đồ Hối sự phi.

Mạt pháp Tịnh diêu chánh khởi,

Kiếp phàm Độ tái Loạn bình thi.

Phật sanh Kiêm thế Qui liên toạ,

Tiên hoạt Hành nhơn Kiến ngọc trì,

Lâm khổ Bất cần Long hổ trợ,

Trần hoàn Di dịch Hội chi nguy.

 Xin tạm lược đại-ý như vầy :

- Xuống trần cứu người khỏi kiếp mê si, trở lại vui thích ở cửa thiền.

- Cho dân-chúng tông-đồ hối cải việc quấy.

- Ở thời-kỳ mạt-pháp thì khởi ra hai mối là chánh.

- Ở kiếp phàm thì vẫn trở qua trở lại, loạn với bình thi nhau.

- Phật ra đời để đem về toà sen.

- Tiên giáng trần khiến người thấy được bệ ngọc.

- Cảnh khổ đã đến sao chẳng cầu Long hổ cứu trợ.

- Cuộc trần hoàn sắp thay đổi, nỗi nguy khổ dồn đôn.

Đọc toàn bài đã có nghĩa, mà khi đọc dọc xuống hàng thứ nhứt, thứ ba và thứ năm, chúng ta sẽ thấy ba câu :

Câu đầu : Cứu dân mạt-kiếp Phật Tiên lâm trần, có nghĩa : Phật Tiên xuống phàm cứu dân trong thời-kỳ mạt-kiếp.

Câu thứ ba : Thiền-tông Tịnh-độ kiêm hành bất di, có nghĩa : Hãy tu hành cả pháp-môn Thiền-tông và Tịnh-độ chớ dời đổi.

Câu thứ năm : Kiếp hối tà loạn qui kiến Long Hội, có nghĩa : Hãy mau cải tà qui chánh thì sẽ thấy Hội Long-Hoa.

Như thế đủ thấy tài làm thi của ông là tuyệt và sự nhận-định huyền-cơ của ông cũng siêu phàm.

Đây chúng tôi xin trích thêm một bài thơ bằng văn Việt để cho ai ai cũng có thể thưởng thức, chẳng những cái hay của lối thơ khoán yêu mà còn nhận-thức những lẽ huyền-cơ của ông Thanh-Sĩ về cõi đời Hạ-Ngươn này :

Xót thương Hạ giới chịu tan-tành,

Ấy cũng Ngươn do nghiệp bất lành.

Đến lúc Gần đây tuồng nhị chúa,

Sẽ ra cuộc trổ tam thanh.

Nước tràn Tẩy sạch phường vô đạo,

Lửa dậy Trần thiêu lũ bất minh.

Hỡi trẻ Bớ già mau tỉnh ngộ !

Tu cầu Dân chúng sớm thăng-bình.

Ngoài ý-nghĩa của toàn bài cho biết cuộc biến-thiên trong những ngày sắp tới mà ai ai cũng nhận thấy, chúng ta khi đọc câu thứ ba theo chiều dọc xuống còn thấy câu khoán-yêu này : Hạ-Ngươn gần có tẩy trần bớ dân ! Như thế thật là tài tình, tài tình ở chỗ toàn ý bài thơ với câu khoán-yêu cùng một ý-nghĩa.

Cái lối thơ khoán-yêu là cái lối thơ sở trường của ông Thanh-Sĩ. Nói thế chẳng phải về các loại thơ khác ông không tinh. Cho đến nay ông sáng-tác được ba tập thơ: Châu thuyết, Tiếng chuông cảnh tỉnh và Tỉnh thế.

(1) Ngoài ra ông cho thơ rất nhiều và viết nhiều bài trường-thiên, nhưng tiếc vì tản mác một nơi một mớ, nên không kết-tập được. Một điều đáng tiếc nữa là mỗi lần thuyết-pháp, ông điều dùng lối ứng khẩu không được ký âm, cho nên không còn dấu tích lưu lại.

Một người từ chỗ vô học mà trở nên sáng tỏ thông-minh như thế, thật là một việc hy-hữu. Trong người ấy hẳn có cái gì siêu phàm lắm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn