III. Nhà Bác Học: Ông Hồ Hữu Tường

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 27387)
III. Nhà Bác Học: Ông Hồ Hữu Tường


NGOÀI lối giải-thuyết Sấm-Giảng khoa-học địa-lý còn lối giải-thuyết bằng phương-pháp khoa-học của ông Hồ-hữu-Tường, một học-giả mà ông Tam-Ích đã liệt ngang hàng với Đào-duy-Anh, Phan-văn-Hùm. Nguyễn-văn-Tố v.v.

Nhưng trước khi đề-cập đến lối giải-thuyết của ông, tưởng cũng nên tìm hiểu tại đâu ông Hồ-hữu-Tường thay-đổi quan-niệm một cách đột-ngột mà ông Thiếu-Sơn gọi ông Tường là “một nhà học-giả đương khủng-hoảng về tinh-thần”.

Mà quả là ông Tường có khủng-hoảng về tinh-thần chăng, khi ông ra thuyết “Xuân Thu mới” và tuyên-bố ly-khai học-thuyết mác-xít, vì theo ông, học thuyết này đã quá thời trong giai-đoạn tiến-hóa tư-tưởng hiện nay và sau này.

Nhưng do ông Tường xây dựng thuyết “Tân Xuân Thu”, một danh-từ mà chúng ta được thấy Sấm-Giảng nêu lên để chỉ thời-tiết sau này của thời-kỳ Thượng-Nguơn.

Hẳn ông Tường khám-phá được cái gì, nhận thấy một chơn-lý cao siêu nào, nên ông mới thay-đổi tư-tưởng một cách đột-ngột như thế.

Nếu không thế , thì có lý đâu ông lại kêu lên “những tiếng gọi đàn” tha-thiết trong quyển Tương-lai văn-hóa Việt-Nam mà chúng tôi xin trích ra đây một đoạn:

“Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thực to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha-thiết. Thực tha-thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận-điệu đanh-thép. Thực đanh-thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa-cầu về cho dân-tộc ta, dân-tộc Việt-Nam.

“Đây là một gia-đình nghèo nàn khốn-khổ. Mẹ bịnh la-liệt không tiền chạy thuốc. Gạo trong vò sạch hết sạch. Em nhịn đói không nổi kêu khóc vang tai.Tất cả anh, chị, em đều đuối sức, mệt hơi, vì thời buổi làm ăn vất-vả…Ngẫu-nhiên, một đứa con trong gia-đình này gặp ở giữa rừng một khối vàng to. Khối vàng quá to, thừa sức cung-cấp để chạy thuốc cho mẹ, mua gạo nuôi cả nhà, trang-trải các mối nợ và làm cho gia-đình trở nên mấy ngàn lần triệu-phú. Khối vàng quá to, nên sức mình ôm về, hay lăn về không nổi. Rồi hối hả, đứa con ấy chạy đi kêu anh, chị, em, lên “tiếng gọi đàn” để vào rừng cùng đem khối vàng về…

“Trong lòng của đứa con ấy cũng dồn-dập những luồng thổn-thức e-ngại. Làm sao mà có được những lý-lẽ đanh-thép để cho anh,chị, em tin? Cảm-hóa, tin rằng mình đây không phải là điên rồ, không phải là mê-mộng lại sáng-suốt mà báo tin mừng cho gia-đình và lên tiếng gọi đàn, để cùng nhau chung sức, nắm ngay lấy hạnh-phúc và vinh-quang.”

Ông Tường đã bộc-lộ sự khám-phá của ông bằng một lối văn ngụ-ngôn ẩn-ước quá khéo-léo.

Nếu ông không khám-phá được cái gì hay không nhận thấy một chơn-lý cao-siêu nào thì có lý đâu từ địa-vị một nhân-viên trong phái-đoàn Hội-nghị Dalat, đương được người tín-nhiệm lại từ khước trách nhiệm của mình, mang gói từ Hà-Nội trở về Sài gòn, tuyên-bố một câu làm ngơ-ngác cả mọi người: ông tuyên-bố từ giã trường chánh-trị trong năm năm.

Từ sự kinh-ngạc này, ông đưa người ta đến kinh-ngạc khác. Ông lẳng-lặng như một thầy tu nhưng lâu lâu ông đăng lên báo nhiều ý-tưởng mà không ai ngờ. Ông cho rằng học thuyết mác-xít đã lỗi thời, rồi ông đưa ra thuyết “Tân Xuân Thu” làm cho phái của ông Tam-Ích cực-lực chỉ-trích.

Nhưng đó cũng chưa mấy ngạc-nhiên bằng khi ông Tường đưa ra đời bộ Ngàn năm một thuở trong đó ông mượn vai Phi-Lạc để đưa ra bao nhiêu lời tiên-tri của Sấm-Giảng, giải-thuyết lý Tận-Thế, lý Tam-Nguơn và đồng thời phủ-nhận những điều người đời nay đương tin-tưởng ở máy móc, thù phụng cái cũ của người ta để làm cái mới của mình mà không nhận rằng mình đã có “một khối vàng to”.

Đây chúng ta thử đọc một đoạn văn này của ông Tường đủ thấy quan-niệm của ông về cái nghĩa “mới” và “cũ”.

“Những nhà lập luận thiển-cận thường có luận điệu này: triết-gia Tàu hay lấy những học-thuyết cũ rích của Tây-phương mà nhập-cảng vào Trung-quốc và bảo đó là “mới” thì nguyên-nhân là bởi các triết-gia ấy có bịnh “cóp” rồi thì họ kêu-hảnh với lời giải-thích tạm bợ:” Á-phiện làm buồn ngủ vì á-phiện có tính làm buồn ngủ”.

“Ta thì không thế. Ta lại tìm thêm: “Tại sao các triết-gia Trung-Hoa hay cóp?”

“Nhưng hỏi mãi cũng chán. Bởi vì lòng ta muốn làm sao cho ta được như chim bằng của Trang-Tử vỗ cánh bay mấy muôn dặm, sáng-tạo ra được một nền triết-học nào mới-mẻ đối với Tây-phương! Chớ cái việc cóp các học-thuyết của Tây-phương rồi đem ra mà nói rằng “tân” với đồng-bào của mình, thì thú thực “tân” này không khác cái “tân” của các bà đã nằm bếp!

“… Muốn cầm đầu thế-giới hay chịu phận, làm em của người, làm nước chư-hầu hiến cống cho một nước thiên-tử nào đó, thì hãy một mực đi theo triết-học của nước đó đi. Còn nếu nuôn chí lớn: thì lập một nền triết-học khác làm cơ-sở cho một đạo sống khác”.

Nhưng những tư-tưởng trên đây chưa làm đảo lộn-cả ý-thức-hệ của con người bằng đoạn văn vấn-đáp sau đây:

“ Học sách à? Học sách tức là nhận kẻ viết sách làm thầy sao? Tôi không học nơi sách nào cả!

“ Họ tức mình hỏi:

“ Không học anh làm sao biết được?

“ Thì nó nói dõng-dạc rằng:

“ Không học mà biết mới hay chứ! Nếu phải học mà biết cũng như các ông nghè ông cống khác, chớ nào có hơn, mà tranh có một địa-vị hơn họ!”

Thật là một ý-tưởng ngạo-nghễ, nhưng thật ra thì không ngạo-nghễ tý nào! Không học mà biết là một hiện-tượng không còn lạ với người đời nay nữa.

Hẳn quí ngài còn nhớ Đức Huỳnh Giáo-chủ đã viết:

Đức Lục-Tổ ít ai dám sánh,

Người dốt mà nói pháp rất rành.

Và ông Thanh-Sĩ cũng có viết:

Có học có biết có tường,

Không học mà biết phi thường khó thay!

Cũng đồng một ý nghĩa: không học mà biết mới hay, như ông Tường đã nói.

Tại đâu ông Tường có những ý-tưởng giống trong Sấm-Giảng? Nếu ông không khám-phá một điều gì!

Có người cho biết rằng: sở-dĩ ông Hồ-hữu-Tường thay đổi ý-tưởng một cách đột-ngột như thế là vì ông đã được một quyển Thiên-Thơ cũng như tác-giả quyển Con đường nào?.Ông dựa vào quyển Thiên-Thơ ấy viết ra bộ Ngàn năm một thuở, giải-thuyết Sấm-Giảng với sự hiểu biết của một người đi sâu vào đạo-giáo.

Sau khi đặt ra bao nhiêu nghi-vấn về sự thay đổi chí hướng của ông Hồ-hữu-Tường, nhiều người quả-quyết ông có được Thiên-thơ và đây là điều mà người ta đã khám-phá được về chỗ bí-ẩn ấy.

Chỗ bí- ẩn ấy là ông Tường đã tự-nhận có được một quyển sách, rồi dựa theo đó viết ra chuyện Ngàn năm một thuở.

Đây đoạn ông Tường tự-nhận được có quyển sách:

“Số là tác-giả này, sau khi lánh nạn ra đến Hà-nội, ngụ được vài tháng, thì nạn binh lửa nổi lên, phải rút lui theo ngả Thụy-khê, làng Bưỡi, rồi đến làng Cổ Nhuế, v.v… Rồi đến khi hồi cư về Hà-nội, thì cũng do đường ấy. Khi trở về Cổ Nhuế, thì làng mạc tiêu điều, xơ xác, phải đến một góc đình con đứng mà ngủ tạm một đêm. Không dè lượm quyển sách ghi tên những ai đến hỏi nơi vị “Cố vấn học thuật” của làng. Nhờ vậy mới biết câu chuyện rồi do đó tìm thêm, để thuật lại ở đây câu chuyện lạ đời “Ngàn năm..một thuở”.

Mọi người đều cho rằng chỉ một đoạn văn này đủ cho chúng ta thấy ông đã tự-nhận có được Thiên-thơ một cách hết sức khéo-léo, cũng như dùng thuật-ngữ “tìm được một khối vàng trong rừng” để ám chỉ rằng tìm được sự vinh-quang của Việt-Nam.

Nếu quả thật ông Hồ-hữu-Tường đã được quyển Thiên-thơ, sao ông không lấy đó mà lập-thuyết một cách chững-chạc của một nhà sáng-tạo, hay phát-minh mà lại dùng lối văn trào-phúng viết úp mở, nửa hư nửa thiệt?

Muốn hiểu dụng-ý của ông, hãy nghe ông biện-luận thế nào là trào-phúng, thế nào là không trào-phúng, trong một đoạn văn dưới đây:

“ Ngài nói sao mà nghe như giọng trào-phúng vậy?

“Phi-Lạc cả cười hỏi lại:

“ Nếu là trào-phúng thì sao?

“ Cả thảy đều nói:

“ Nếu là trào-phúng thì ngài nói chơi. Nếu không trào-phúng thì là ngài nói thiệt.

“Phi-Lạc cười dài nói:

“ Lầm to! Lầm to? Trào-phúng thuộc về giọng nói mà không về nội-dung-có xác sự thật hay không. Có thể nói với giọng đạo-mạo như giọng của Đạo Nhân Dĩ-Nhất mà không xác với thực-tế chút nào. Còn nói đùa như tôi khi nãy mà không phải là trái với sự thật. Chính là ta phải dựa theo vào sự thật khi trào-phúng mới được.

Như thế, còn ai ghi trong giọng trào-phúng của ông Tường không hàm có sự thật.

Nhưng sở-dĩ ông Tường dùng thuật ngữ trào-phúng là vì ông còn hoài-nghi. Ông thấy tương-lai khoa-học và đồng thời ông lại thấy cảnh-giới sau này vô cùng đẹp-đẽ hơn khoa-học, nhưng cảnh giới ấy lại do Thiên-lực mà có, còn khoa-học, thì do nhơn-lực mà có. Ông thấy hay nhờ quyển Thiên-thơ giúp cho ông thấy, ông thấy nhưng chưa tin trọn vì nó xa với ông quá, còn khoa-học thì nó gần với ông hơn.

Chính vì đó mà ông đâm ra hoài-nghi và cũng vì hoài-nghi mà ông Tường giải-thuyết Sấm-Giảng bằng một lối văn nửa hư nửa thiệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn