Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) khởi nguyên từ căn gốc Đạo Phật rồi noi theo truyền thống cách mạng Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An để trở thành một tông phái vững vàng trên hệ thống tư tưởng và chặt chẽ trên cơ sở tổ chức nghi thức tôn giáo hiện đại.
Nếu chịu khó lần dò theo Sấm Giảng thi văn toàn bộ của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, chúng ta sẽ được thấy Ngài có khai thị những điều vừa nói đó cho ta.
- 1- Về căn gốc đạo Phật
- Phần cơ chỉ để lập tông:
Đạo vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.
(Giác mê tâm kệ)
. Phần căn bản để thuyết giáo:
Nhìn Phật giáo mà tìm cái lý,
Coi tại sao ta phải tu hành.
(Giác mê tâm kệ)
- Phần sắc thân Giáo Chủ:
Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,
Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.
(Kệ dân của Người Khùng)
- 2- Về truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương
- Phần xác định sự đồng nhất của tông phái:
Huỳnh sanh cơ thẩm đáo trung đàn,
Tự giác âm thầm kiến tiên bang.
Bửu Ngọc Sơn trung Kỳ Hương chí,
(Sưu tập thi văn giáo lý)
- Phần hòa hợp giữa giáo điều:
Những Sấm truyền xưa của Phật Thầy,
Dân ráng kiếm mà truy thì biết.
(Giác mê tâm kệ)
- Phần liên hệ giữa hóa thân tái kiếp:
Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,
Chớ chẳng phải của người lãng trí.
(Giác mê tâm kệ)
Đã nắm chắc được những điểm căn bản của tông phái như vậy rồi, giờ đây chúng ta mới có đủ yếu tố đi sâu hơn vào sự tìm hiểu những gì được coi là đồng nhất giữa quyển Sấm Truyền mới tìm được với toàn bộ Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo.
Trườc hết, chúng ta cần thấy rõ những điều di giáo xưa kia của đức Phật Thầy Tây An và những điểm minh thị của Đức Huỳnh Giáo Chủ hôm nay.
Nếu Đức Phật Thầy xưa kia có những câu Sấm truyền di giáo:
Chừng nào gốc mục lên chồi,
Ta vưng sắc lịnh tái hồi trần gian.
Hoặc là:
Chừng nào trâu rống dưới sông,
Lòng Ông bảy chợ thì Ông trở về.
Thì Đức Huỳnh Giáo Chủ hôm nay đã đương nhiên xác nhận:
Khùng này quê ngụ núi Sam,
Còn Điên chẳng có chùa am dưới này.
(Sấm giảng quyển nhất)
Hoặc là:
Bàn tay lật ngửa vậy mà,
Chờ đừng lật sấp vì Thầy tái sanh.
(Từ giã làng Nhơn Nghĩa)
Kế đến, tưởng cũng nên hiểu qua địa điểm xuất phát tác phẩm, căn gốc tông phái và danh xưng tông phái, được chép trong bổn Sấm Truyền:
Câu vào đầu xác định địa điểm phát tích tác phẩm cũng như của vị Giáo Tổ (1):
Thừa nhâm Hổ Cứ bước sang,
Tháng heo giáo giác kiếm đàng chạy ra.
Và những câu nối tiếp cho biết căn gốc tông phái:
Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca,
Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên.
Nương thuyền Bát Nhã cho yên,
Vào non ngũ uẩn tín thiền sùng tu (2)
Danh xưng tông phái cũng được thấy đưa ra trong quyển Sấm Truyền:
Bao giờ hưởng thọ Kỳ Hương,
Tuế tăng vạn tuế lưu phương lâu dài.
Tiến sâu hơn vào sự đồng nhất quan điểm giữa xưa và nay trong Sấm Kinh BSKH và PGHH, chúng ta càng thêm thấy rõ cái diệu thâm của Đức Huỳnh Giáo chủ qua những biện giải, những nhận định và những lời tiên báo. Đó là những gì bàng bạc đều khắp trên giấy trắng mực đen nếu chúng ta chịu khó thành lập những bản đối chiếu. Ở đây trong phạm vi giới hạn, chúng tôi chỉ rút ra một ít quan điểm tương đồng của quyển Sấm Truyền mà thôi.
- 3- Về giáo lý căn bản.
- Đề cập trong Sấm Truyền việc tu tứ ân:
Kỉnh trời kỉnh đất thần minh
Tông môn phụng tự giữ toàn tứ ân (3)
Được nhắc tới trong bài Vọng Bắc hòa nam của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
Câu quân ly tứ ân chạm dạ,
Nếu chẳng gìn phải đọa đừng than.
- Đề cập trong Sấm Truyền về tu quốc vương thủy thổ, tu hiếu hạnh, tu huệ và tu phước:
Làm người tự giác tự minh,
Phật tiên mến tưởng thiên đình cũng thương.
Tu tâm tu tánh giữ thường,
Tu trong kinh giáo Phật Đường truyền ra.
Tu tánh tu hạnh, nết na,
Tu câu lục tự Di Đà đừng quên.
Tu hiền hiếu nghĩa đôi bên,
Tu cang tu kỷ gắng bền hiếu trung.
Tu nhơn tu đức để lòng,
Tu trao vóc ngọc lắm bùn đừng mang.
Tu công bồi đắp miếu đàng,
Tu tài bố thí việc gian thì đừng.
Tu cầu thánh thọ thiên xuân,
Dân khương vật phụ khỏi oan cơ hàn.
Tu cầu van hải thiên san,
Hà thanh hưng vượng vạn bang thái bình.
Thần hôn lạy Phật đọc kinh,
Lạy Thầy đức hóa tái sanh đạo mầu.
- Được Huỳnh Giáo Chủ cũng giảng giải tương tợ trong Sấm Giảng quyển ba:
Ai mà tu tỉnh chuyên cần,
Làm đường ngay thẳng có thần độ cho.
Thương đời hết dạ cần lo,
Chẳng lo niệm Phật nhỏ to làm gì.
Tu là tâm trí nhu mì,
Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.
Tu cầu cứu vớt tổ tông,
Với cho bá tánh máu hồng bớt rơi.
Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,
Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.
Tu đền nợ thế cho rồi,
Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.
Người tu phải lánh hơi men,
Đừng ham sắc lịch lắm phen hại mình.
Tu là sửa trọn ân tình,
Tào khang chồng vợ bố kình đừng phai.
Tu cầu Đức Phật Như Lai,
Cứu dân ra khỏi nạn tai buổi này.
Chữ tu chớ khá trễ chầy,
Phải trau phải sửa nghe Thầy dạy khuyên.
- 4- Về thiên cơ.
- Đề cập trong Sấm Truyền cái diệu lý của máy trời:
Mèo kêu vang, Mèo kêu vang,
Rắn Rồng sợ chạy vào ngàn ẩn thân!
- Được Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH minh họa khá rõ ràng trong Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm:
Mèo kêu bá tánh lao xao,
Đến chừng Rồng Rắn máu đào chỉn ghê!
- Đề cập trong quyển Sấm Truyền về Hội Long Hoa:
Long Hoa thắng hội tiêu diêu,
Dữ lành đến đó mai chiều sẽ hay!
- Được Đức Huỳnh Giáo Chủ xác nhận trong quyển Kệ dân cuả Người Khùng:
Lập rồi cái Hội Long Hoa,
Đặng coi hiền đức được là bao nhiêu!
- 5- Về đả phá dị đoan mê tín.
- Đề cập trong Sấm Truyền việc những tà thuyết mê hoặc:
Dị đoan án nội rõ ràng,
Diêm đình tội để khó toan luân hồi.
- Được Đức Giáo Chủ PGHH thuyết minh trong Giác mê tâm kệ:
Bỏ dị đoan mới thấy đạo mầu,
Bớt giả dối gặp người thượng cổ.
- 6- Về tá danh ẩn hiện.
- Đề cập trong Sấm Truyền về danh xưng Cư Sĩ:
Phận mình Cư Sĩ dám bày,
Luật ghi phép tắc giảng bài tỏ phân. (4)
- Được Huỳnh Giáo Chủ tự xưng trong quyển Khuyến Thiện:
Ta là Cư Sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành (5)
Sau khi lược qua những quan điểm tương đồng – xin nhấn mạnh, đây chỉ là những quan điểm – chắc độc giả đã có được những ý thức khái quát về sự liên hệ giữa Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Chính ở những liên hệ ấy mà Phật Giáo Hòa Hảo có được một lịch sử sâu dày, một nền móng vững chắc mà trên đó cơ sở tư tưởng càng thêm phong phú.
* * *
Ghi chú:
(1) Đức Giáo Chủ PGHH lúc mới mở đạo tại Thánh Địa Hòa Hảo, khi đến viếng các làng kế cận, Ngài cũng có sáng tác thi kệ ở đó, thí dụ bài Viếng Làng Phú An, Viếng Làng Mỹ Hội Đông.
(2) Trong kinh Giác Mê, chánh gốc BSKH, cũng có câu tương tợ:
Vào non ngũ uẩn mới thông,
Luyện nên linh dược thì lòng mới an.
(3) Trong kinh Giác mê, cũng viết:
Loài cầm thú còn hay biết ổ,
Huống chi người nỡ bỏ tứ ân.
(4) Đức Phật Thầy Tây An cũng có danh xưng là Tây An Cư Sĩ
(5) Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo cũng có bút hiệu là Hồng Vân Cư Sĩ.
Kiểm bài ngày 9-2-2012