Đức Phật Thầy Tây An Với Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương

08 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 12172)
Đức Phật Thầy Tây An Với Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương

 Nói đến Bửu Sơn Kỳ Hương là nói đến kỷ nguyên chói lọi của lịch sử Phật Giáo nước nhà trong thời buổi nhân tâm ly tán cùng cực. Bởi Bửu Sơn Kỳ Hương là một tông phái đã hơn một lần thay đổi dòng Phật sử Việt Nam đang hồi đình đốn từ trên trăm năm nay, một tông phái từng đưa cao ánh từ quang rực chói soi rọi cuộc sống tâm linh đám dân gian tứ chiếng vùng đất mới Nam Kỳ lục tỉnh trở thành những người mẫu mực bao dung, chất phác và thành tín.

 

 Nói đến Bửu Sơn Kỳ Hương là nói đến một ý chất kỳ diệu bay tỏa hương lạ khắp mười phương, thu đạt một kết quả rực rỡ khả quan từ những tâm hồn tin yêu Phật pháp của Phật Giáo đồ. Bởi họ là những Phật Tử vừa thuần thành với đạo pháp vừa trung kiên với đấng Giáo Chủ Phật Thầy. Họ xa lánh và ghê tởm những trò huyễn hoặc, dị đoan, như xa lánh và ghê tởm địa ngục. Họ là những Phật giáo đồ cấp tiến trong một xã hội đầy dẫy bất công và phong kiến, nhờ triết thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương được xây dựng trên căn bản khôi phục truyền thống Phật Giáo nguyên thủy và thiết lập tư tưởng phục hưng trong tinh thần cải mới hầu khế hợp với trào lưu đi ngược giữa nền văn minh vật chất đang thạnh huống và sự xuống dốc cùng độ của đời sống tinh thần.

 

 Nhắc đến Đức Phật Thầy Tây An là trang trọng nhắc đến tôn danh Ngài cùng sự ngưỡng ái vô lượng của toàn thể. Ngài là một bực chơn tu đại giác, có bên cạnh mười hai đại đệ tử, vừa trung liệt anh hùng vừa đại ngộ giáo pháp. Thập nhị hiền thủ của Đức Phật Thầy là những người đã góp tay làm nên những trang lịch sử vẻ vang dân tộc và cũng là những người làm chói sáng nhiều trang Phật sử Việt nam từ trên 100 năm nay.

 

 Đức Phật Thầy Tây An là vị chân tu duy nhất khôi phục nền thạnh huống đạo Phật đời Lý, Trần với nhiều hình thức chấn hưng Phật đạo xây dựng nền tảng tu Nhân để dìu người trở lại với nguyên thủy thiện hòa, một đại việc cần làm song song với công cuộc hướng đưa đến mục đích cuối cùng và tối thiết là giải thoát về cõi an vui.

 

 Đức Phật Thầy đã thành lập một giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương với một hướng đi mới, vừa phấn phát tinh thần dân tộc, vừa phù hạp với căn cơ chúng sanh thời mạt pháp. Cho đến nay, Bửu Sơn Kỳ Hương đã đánh mạnh vào tâm tư mọi người một cuộc cách mạng Phật Giáo lớn cận đại, đã hướng thiện được lớp người quần cư tứ chiếng, đã ổn định tình thế và nhân tâm trong vùng ảnh hưởng.

 

 Ngài là người đầu tiên trong Phật sử Việt Nam đã cương quyết đứng lên hô hào khai mở, canh tân Phật pháp để giản dị hóa mọi tập tục thờ cúng rườm rà và đưa ra phương thức tu hành hợp lý chóng đắc cho hành giả tại gia cư sĩ.

 

 Bài trừ dị đoan mê tín là mối ưu tư hàng đầu của Đức Phật Thầy Tây An, cho nên các hình thức đồng bóng, múa võng, xá phướn, lấu kho, đốt giấy tiền vàng bạc .. là những hình thức không thể chấp nhận được trong sự sinh hoạt đạo Phật.

 

 Bên cạnh cái hại dị đoan là cái hại bày đặt vô căn cứ của các Tăng Sư. Hiện tượng nầy do ở các bàn tay mê hoặc của thầy cúng, thầy pháp, thầy chùa bất chánh chỉ vì tư lợi và ngu dốt nên đã phân thành nhiều dòng tu riêng rẽ, sau lưng họ là chùa cao sân rộng. Họ cố tình làm hoa mắt thế gian để người đời thích tới lui dâng cúng bạc tiền, bằng nhiều hình thức phiền toái, lể mể … Các hình thức nầy càng ngày càng được đẩy mạnh để rồi trở thành những tập tục vô căn cứ. Trước hiểm họa đó, Đức Phật Thầy đã thẳng thắn và mạnh dạn bác bỏ toàn diện.

 

 Song song với công việc bài trừ dị đoan và bác bỏ các điều tà mị, thêm thắt, Đức Phật Thầy đã quy nguyên lại giáo lý Phật Giáo chân truyền bằng cách đưa ra nhiều tiêu chuẩn thờ cúng giản dị, những tập tục tu hành đúng cách, những giáo chỉ thích thời và cần thiết mà trước kia chính Đức Phật Tổ Thích Ca khuyến dạy. Theo đó, những hình thức có tính cách sắc tướng thinh âm hoặc dụ gạt của thế đều được Ngài giải quyết một cách dứt khoát, lấy tiêu chuẩn vô vi và vị nhân sinh thay vào.

 

 Chủ ý của Đức Phật Thầy là khuyến dạy mọi người sớm lo tu tâm sửa tánh, sớm chiều tưởng nhớ Phật Trời, lo tu hành chơn chất để được giải thoát về sau. Vì vậy, Ngài không kêu gọi mọi người ly gia cắt ái, không bao giờ răn dạy tín đồ phải mài râu cạo tóc, vì nghĩ rằng đó là những hình thức không cần thiết. Trái lại, Ngài hướng dẫn mọi người chỉ nên tu học tại nhà, tích cực làm ăn sinh sống, chọn nghề lương thiện làm kế mưu sinh. Bởi đa số môn nhân đều cư ngụ trên vùng phù sa mầu mỡ nên Ngài đã đặc biệt khuyên tất cả sống nghề ruộng rẫy.

 

 Ngài đã thành lập nhiều đoàn khai hoang, dựng ruộng tại các thung lũng vùng Thất Sơn dẫy đầy thú dữ bên chân núi Két; tại vùng Láng Linh nước đọng quanh năm; tại vùng muỗi to đỉa đói lừng danh như Cần Lố, Trà Bông, Ông Bường ở Đồng Tháp Mười; tại Cái Dầu sình lầy hoang lâm chằng chịt…

 

 Ngài đưa dân vào định cư ngay trong những vùng sình lầy thâm u cô tịch đầy hiểm nguy và buồn tẻ để khai phá, trồng tỉa. Đây là những vùng định cư khởi thủy của những Khu Dinh Điền, Khu Trù Mật về sau.

 

 Ngài khai thác và tận dụng mọi tài nguyên để làm phồn thịnh nền kinh tế tự lực và tự cường, biến miền Tây hoang dã thành vựa thóc quốc gia, cung cấp lúa gạo đều đặn nhân dân các miền, đồng thời tạo mức sống phồn vinh sung mãn cho người Hậu Giang tay lấm chân bùn.

 

 Cuộc Nam Tiến dân tộc thành công, mọi người đều đổ xô về mạn Nam lập nghiệp, cho nên vùng đất mới miền Tây là nơi quần cư tứ chiếng, đủ hạng người, đủ thành phần xã hội gặp nhau, phần lớn đều là những tay giang hồ phiêu bạt, tánh nết không mấy thuần hậu, thế mà Đức Phật Thầy đã hóa cảm lớp người đa diện của một xã hội đa tạp trong vòng trật tự và biến cải thành những mẫu người hiền lương nhơn ái, vui sống với kinh kệ sớm chiều có tôn ti, lễ nghĩa … tưởng là một việc làm ít ai ngờ được.

 

 Nhìn giáo thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy, người ta thấy có hai nét chính, hai điều cơ bản bắt buộc tín đồ phải hằng gìn. Đó là Học Phật và Tu Nhân.

 

 Sau nhiều thế kỷ thất truyền, đạo Phật Việt Nam được phục hồi sinh khí do sự chổi dậy của Bửu Sơn Kỳ Hương. Chính Ngài đã làm một cuộc về nguồn vì sau khi nghiên cứu tín điều, chúng ta thấy Đức Phật Thầy Tây An chỉnh trang lại phong độ Phật Giáo Việt Nam đang trên đà tuột dốc, Ngài lấy Giới, Định, Huệ làm nền tảng, lấy Mật Tông để phù trợ cho pháp môn nầy, một tông chỉ huyền bí đã bị thất truyền từ lâu. Đó là phép tu đặc biệt chuyên dùng phù chú để hóa độ quần sanh và trao truyền tâm ấn cho các giáo đồ. Với nền tảng trên đây Đức Phật Thầy đã cố công làm sống lại tinh thần của Phật Giáo Việt Nam, và chính Ngài đã làm cho Bửu Sơn Kỳ Hương mang những tương hợp với thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ thời Đinh, Lê, Lý, Trần.

 

 Bởi ý thức rằng “loài cầm thú còn hay biết ổ, huống chi người nỡ bỏ tứ ân” nên Đức Phật Thầy đã đặc biệt lưu tâm và đề cao tứ đại trọng ân như một tinh chất cần thiết và quan trọng của nhân đạo trong giáo điều Tu Nhân Học Phật của Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

 Giáng trần nhằm thời nước non binh biến nên Đức Phật Thầy chủ trương các tín đồ thực hành nhân đạo theo chiều hướng cứu nguy nòi giống đang bị xâm lăng giày đạp và cương quyết trung thành với quốc vương thủy thổ.

 

 Tất cả những điều này được thể hiện qua bốn ân lớn mà Ngài khuyến khích các môn đệ trì hành, đó là:

 1- Ân Tổ Tiên Cha Mẹ.

 2- Ân Đất Nước.

 3- Ân Tam Bảo.

 4- Ân Đồng Bào và Nhân Loại.

 

 Đây là những giáo điều căn cốt mà bất cứ một Phật Giáo đồ Bửu Sơn Kỳ Hương nào cũng phải khắc ghi và chu toàn, nhứt là trong khía cạnh giao tế, xử sự. Theo đó, mọi người đều phải dấn thân đền trả bốn ân lớn ngày từ khi vừa mở mắt chào đời cho đến ngày xác thân trả về Tứ Đại.

 

 Do vậy, đối với những sự kiện thuộc về hình thức và bên ngoài, Đức Phật Thầy đã không hề chấp trước mà còn tỏ cho thiên hạ thấy rằng giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương là một giáo lý chẳng những không rườm rà nhiêu khê mà còn thể hiện được ý chất thích thời, cấp tiến. Cho nên không ai lấy làm lạ khi Đức Phật Thầy cho tín đồ được tự do để tóc, để râu, khuyến khích dựng vợ gả chồng, hòa đồng phong cốt như người đời song song với công cuộc trao sửa thân tâm, tu hành chơn chất. Lúc đất nước đang hồi thịnh thái thì an nhiên kinh kệ, khi quốc gia hữu sự thì họ đều là những chiến sĩ can trường, những anh hùng đởm lược mà nay còn lưu lại những gương sáng chói như ông Nguyễn Đa, Đức Cố Quản Trần Văn Thành, cậu Hai Lãnh v.v. …, cho nên tứ ân là bốn điều tâm nguyện hằng mang của người cư sĩ tại gia thuộc tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

 

 Đức Phật Thầy Tây An, chẳng những là một vị Giáo Chủ chân tu, hoạt Phật đã hơn một lần thay đổi dòng Phật sử Việt Nam đang hồi đình đốn từ gần 150 năm nay, mà còn là một nhà trị bịnh đại tài.

 

 Nhắc lại, khởi đầu khoảng năm 1848 – 1849 tức ngay trong những niên hiệu đầu tiên triều Tự Đức, tình trạng xã hội lúc bấy giờ đã được các sử gia mô tả là cực kỳ hỗn loạn. Giặc nghèo đói hoành hành các giới nông gia, thợ thuyền khắp các miền xa đô thị. Loạn lạc nổi lên được coi như cùng khắp bởi quan lại hà lạm, bất xứng. Giữa lúc lương dân cùng đinh lâm cảnh bần hàn thì dân chúng lại mắc phải bịnh dịch tả bạo hành và đạo Phật cũng đang lâm cảnh bế tắc suy đồi … Ngôi vị quốc giáo đã mất hết ý nghĩa và dần dần tụt xuống một mực độ nguy khốn đáng tiếc.

 

 Kẻ thức thời không khỏi bàng hoàng, thổn thức. Người có trách nhiệm phải hơn một lần xót dạ đau lòng. Đúng lúc đó, Đức Phật Thầy Tây An, bậc chân tu đại giác, sau nhiều năm tháng chu du vất vả khắp các miền xa như Gò Công, Mõ Cày, Ba Giác, Cần Giuộc, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Ba Thê, Thất Sơn, Mặc Dưng, Láng Lớn … Ngài trở lại quê quán Tòng Sơn (Sa Đéc) vào các thôn hẻo lánh như Trà Bư, Xẻo Môn, Long Kiến … nơi mà người bịnh và người chết vì dịch tả càng phút, càng giờ, đếm được càng nhiều trong khi thuốc, thầy trở nên vô hiệu trước những cơn rên khóc thảm thê của những con bịnh thiên thời! Đức Phật Thầy ra tay tế độ. Với lời khuyên lòng thành tưởng nhớ Phật Trời, Đức Phật Thầy đã trị hay và trị dứt các chứng nan y kể cả bịnh dịch tả thiên thời! Ngài luôn miệng khuyến tu và dạy cách tu giản dị: lấy tâm thành làm gốc; lấy thuần phong nước nhà làm tập tục lễ bái; lấy đạo Nhân của Nho hòa với giáo thuyết Từ Bi của Phật trang bị hành trang căn bản cho mỗi tín đồ Phật Giáo cư sĩ tại gia, Bửu Sơn Kỳ Hương quả là một sản nghiệp tinh thần vô giá mà ai ai cũng đều công nhận và kính phục công đức vô lượng của Đức Phật Thầy. Bởi Ngài chẳng những chặn đứng mối vong đạo đang trên đà suy sụp mà còn kịp thời phục hồi uy thế Đạo Phật với uyên nguyên chánh truyền của Đức Phật Tổ Thích Ca.

 

 Ngoài ra, chỉ với công cuộc khẩn hoang lập ấp, chọn nông nghiệp làm nền kinh tế căn bản quốc gia, tận dụng tài nguyên đất đai mầu mỡ vùng đất mới miền Tây làm nguồn lợi phồn vinh dân tộc, tưởng cũng đã quá đủ để nói lên sự đóng góp ngay trong thời kỳ phá thạch khai sơn của Đức Phật Thầy mà cho đến nay, dù đã gần 150 năm, chúng ta hãy còn đề cao và theo đuổi đại công của Ngài.

 

 Tinh thần vị nhân sinh của Đức Phật Thầy Tây An mãi mãi in sâu vào lòng mọi người trong niềm cảm phục vô biên và tri ân sâu xa hậu thế.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn